Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam

Thông điệp "Kỷ nguyên mới", "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" được Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu vào ngày 13/8/2024 tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đến nay đã trở thành những từ khóa giàu ý nghĩa và truyền cảm hứng mạnh mẽ không chỉ với cán bộ, đảng viên, người dân trong nước mà cả đông đảo bạn bè quốc tế.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới của Việt Nam được xác định là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

Một thực tế hiển nhiên là gần bốn mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới với những thành tựu lịch sử đã giúp thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam - 1

Trang nghiêm Lễ Thượng cờ chào mừng Quốc khánh Việt Nam (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Về đối ngoại, Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. Có thể thấy, chủ trương đối ngoại đa phương mà chúng ta thực hiện nhất quán trong các thập kỷ vừa qua đã và đang cho thấy những kết quả tích cực.

Việt Nam đã từng bước chuyển từ chủ trương "tham gia, tham dự" các sự kiện, diễn đàn quốc tế sang phát huy vai trò "thành viên tích cực, có trách nhiệm", khởi xướng và dẫn dắt nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng hợp tác và chủ động tham gia xây dựng, định hình các khung khổ quản trị khu vực và toàn cầu.

Tiến trình đổi mới đã giúp đời sống của khoảng 105 triệu người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; Việt Nam cũng hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh của đất nước không ngừng được nâng cao.

Năm 2024 vừa qua, theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, bất chấp những khó khăn từ tình hình trong nước và bối cảnh bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt những kết quả rất tích cực nhờ có sự gia tăng nhu cầu từ các đối tác xuất khẩu lớn như EU hay Hoa Kỳ, dẫn đến sự phục hồi xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi dần dần của tiêu dùng trong nước. 

Trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta dự kiến cán mốc kỷ lục mới hơn 800 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới; đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Những tín hiệu này cho thấy Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn với các đối tác, nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Chính những thành tựu kể trên đã trở thành cơ sở khoa học và thực tiễn, tạo nên sức thuyết phục cho những tuyên bố của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các mục tiêu đầy khát vọng của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đó trước hết là khát vọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh. 

Những thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam đã truyền cảm hứng cho xã hội, gợi mở trong chúng ta về hình ảnh Thánh Gióng, về sức mạnh Phù Đổng, về tinh thần tự tôn và ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam. Một dân tộc đã làm nên những chiến công và thành tựu vĩ đại suốt chiều dài lịch sử thì hoàn toàn có thể tự tin sẽ vươn mình rực rỡ trong kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.

Điều quan trọng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh, là chúng ta phải phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Như vậy, nhìn đến năm 2030, "giai đoạn nước rút" của cách mạng Việt Nam không dài, chỉ trong 5 năm. Cũng có nghĩa chúng ta sẽ phải nỗ lực ở mức cao nhất để "chạy nước rút", để đạt các mục tiêu chiến lược của cả dân tộc. Những mục tiêu đang ở phía trước đòi hỏi chúng ta phải khơi dậy và nhân lên khát vọng vươn mình trong mỗi người dân đất Việt, từ đó cộng hưởng thành sức mạnh tập thể của hơn một trăm triệu đồng bào.

Tôi muốn nhấn mạnh đến khát vọng của bản thân mỗi người dân Việt Nam và của cả dân tộc, bởi lẽ khát vọng ấy là một trong những động lực tinh thần quan trọng nhất, có khả năng khơi dậy và thúc đẩy chúng ta nỗ lực thực hiện các mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu chung của đất nước. Lịch sử phát triển của nhân loại đã cho thấy: khi con người có những động lực tinh thần mạnh mẽ thì họ có thể hành động vượt qua các giới hạn của bản thân, để chinh phục những mục tiêu vĩ đại.

Hướng về tương lai, chúng ta đứng trước cả những cơ hội và thách thức. Vì thế, trong một thế giới đặc trưng bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì vượt qua thách thức, nắm bắt và tận dụng được các cơ hội hay không sẽ phụ thuộc vào chính chúng ta. Nói cụ thể hơn thì đó là khả năng phân tích bối cảnh, nhận diện các xu hướng vận động của khu vực và thế giới, định hình các cơ hội và huy động tối đa khả năng của dân tộc để tận dụng các thời cơ, đưa đất nước bứt phá phát triển.

Nhìn lại lịch sử nước ta trong mấy thập kỷ gần đây, những thành tựu của công cuộc Đổi mới đã chứng minh sức mạnh vô biên của ý chí, tinh thần dân tộc Việt Nam. Với vị thế, tiềm lực quốc gia ở thời điểm hiện tại và với tâm thế mới của 100 triệu người dân Việt Nam, tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục viết nên những trang sử vàng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, của đất nước.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!