Tâm điểm
Đặng Ngọc Toàn

Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình

Những tháng cuối năm 2024, khái niệm "Kỷ nguyên vươn mình" đã trở thành một từ khóa được nhắc đến sâu rộng trong xã hội Việt Nam. Đây là sự kết tinh của khát vọng và tầm nhìn hướng tới một tương lai thịnh vượng, bền vững cho quốc gia; là lời kêu gọi chúng ta - từ cá nhân đến tổ chức - vượt qua chính mình để tạo dựng một Việt Nam xứng tầm trên trường quốc tế.

Vừa qua tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi về chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Người đứng đầu Đảng nêu rõ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", ngày 25/11. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Như vậy, "vươn mình" không chỉ là sự thay đổi, mà là sự bứt phá. Đó là sự vượt qua những rào cản kìm hãm, những tư duy cũ kỹ đã tồn tại quá lâu, để đạt được một tầm vóc mới - đúng với tiềm năng vốn có của bản thân hay quốc gia.

Khái niệm này đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi những cơ hội phát triển song hành cùng những thách thức của quá trình toàn cầu hóa.

Ở cấp độ quốc gia, "vươn mình" đòi hỏi không chỉ sự cởi mở mà còn là tinh thần không hài lòng với chính mình. Đó là sự dũng cảm đối diện với những thiếu sót, yếu kém hiện tại để tìm cách vượt qua chúng. Mục tiêu không chỉ là "bằng bè, bằng bạn," mà là tự vượt lên chính mình của hôm qua và hôm nay.

Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng những cuộc cách mạng tư duy đóng vai trò then chốt trong việc định hình mô hình phát triển. Vào cuối thập niên 1980, cuộc cách mạng về tư duy quản lý và mô hình kinh tế đã mở ra một trang mới, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiến vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Những cải cách đó không chỉ mang lại thành tựu về kinh tế, mà còn tạo ra một nền tảng xã hội năng động, hội nhập, thích ứng nhanh với xu hướng toàn cầu hóa.

Sau gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, bối cảnh thế giới ngày nay đã khác rất nhiều. Sự phức tạp của các vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường và công nghệ đòi hỏi Việt Nam phải có một cách tiếp cận mới. Vì vậy, có thể nói "kỷ nguyên vươn mình" là một cuộc cách mạng tư duy mang tầm vóc quốc gia, với những định hướng và chiến lược rõ ràng như: đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy; tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn…

Từ góc độ một người làm công tác nghiên cứu, theo tôi, để "vươn mình," chúng ta cần vượt qua ba thách thức sau:

1.  Hành chính chồng chéo và cồng kềnh: Một hệ thống quản lý tinh gọn, hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

2.  Sự tụt hậu trong đổi mới sáng tạo: Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong công nghệ, nhưng khả năng ứng dụng công nghệ và sáng tạo đổi mới còn nhiều hạn chế. Các cơ chế khuyến khích nghiên cứu và phát triển cần được đẩy mạnh.

3.  Tâm lý an toàn và thụ động: Thói quen dựa dẫm vào các mô hình cũ mà không dám đột phá chính là lực cản vô hình. Việc xây dựng một tư duy bứt phá sẽ cần thời gian, nhưng đó là điều kiện tiên quyết để "vươn mình" thành công.

Những thách thức cũng chính là cơ hội. Việc tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đầu tư vào giáo dục và công nghệ, cùng với sự đồng lòng từ các tầng lớp xã hội sẽ tạo nên một động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiến xa hơn.

Một đất nước sẽ "vươn mình" khi từng cá nhân trong xã hội nhận thức được trách nhiệm và tiềm năng của mình. Từ bạn sinh viên trẻ cho đến một nhà quản lý cấp cao, từ người nông dân cho đến các doanh nghiệp lớn, mỗi cá nhân và tổ chức đều là một mắt xích trong hành trình bứt phá của dân tộc.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Một Việt Nam năng động, đổi mới và thịnh vượng chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực khi tất cả chúng ta cùng nhau hành động.

Tác giả: TS Đặng Ngọc Toàn là Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Ứng phó Biến đổi Khí hậu Tây Nguyên (CHCC), thuộc Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!