Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Đổi mới tư duy, xóa điểm nghẽn thể chế

Thời gian qua trong các bài viết và phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra quan điểm của Đảng về đổi mới tư duy, cải cách phương thức lập pháp nhằm xóa điểm nghẽn về thể chế, trong đó có thể chế kinh tế.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư có thể tổng hợp theo 6 nhóm nguyên tắc: Thể chế kinh tế phải thúc đẩy sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng thể chế kinh tế, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm; tính khả thi phải là nguyên tắc tối thượng trong xây dựng và thực thi pháp luật; cấp, phân quyền phải đảm bảo quyền hạn phù hợp với khả năng xử lý công việc; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; hành lang pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển mới, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.

Thực hiện đồng thời sáu nguyên tắc trong đổi mới tư duy, cải cách phương thức xây dựng thể chế kinh tế là điều kiện cần và đủ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Đổi mới tư duy, xóa điểm nghẽn thể chế - 1

Một góc TPHCM vào tháng 12/2024 (Ảnh: Hải Long).

Thiết nghĩ, để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương xử lý rốt ráo những bất cập hiện tại về thể chế, nắm bắt các vấn đề mới, và tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, phục vụ và quản trị. 

Thứ nhất, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân ban hành văn bản pháp luật sai, chất lượng kém, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của các thực thể kinh tế; sửa đổi, bổ sung chế tài để các thực thể kinh tế tuân thủ pháp luật theo hướng cân bằng lợi ích, kinh tế hóa thay vì hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Thứ hai, hệ thống thể chế kinh tế cần đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, tương thích, tạo sự cộng hưởng cùng chiều phù hợp với thực tế vận hành của nền kinh tế và xu thế hội nhập.

Thứ ba, khẩn trương cải cách thủ tục hành chính và rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; bãi bỏ mọi rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy và tinh giảm biên chế, chúng ta cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nhà nước, bao gồm đội ngũ làm luật chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn tốt và am hiểu thực tiễn; khuyến khích và trân trọng ý kiến tham gia của doanh nghiệp, người dân trong quá trình lập pháp.

Tri thức của nhân loại phân tán khắp mọi nơi, không chỉ có trong sách vở, trong các công trình nghiên cứu, trên báo chí, mạng xã hội, mà còn trong các thực thể kinh tế, trong mỗi gia đình và mỗi cá nhân. Nhìn lại công cuộc đổi mới đất nước gần 4 thập kỷ qua, một trong những đổi mới đầu tiên, mang tính cách mạng, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên thành một nền kinh tế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là cơ chế khoán trong nông nghiệp.

Đổi mới ở cơ sở là căn cứ để ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là khoán 10). Đây là nghị quyết có sức đột phá mãnh liệt, tác động lan tỏa tích cực nhiều mặt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sự ra đời của Nghị quyết 10 minh chứng thực tiễn quan trọng: đổi mới thể chế kinh tế rất cần sự khiêm nhường, lắng nghe của các cấp lãnh đạo trước những tri thức giá trị rộng lớn của người dân.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Trong bối cảnh đó, để tránh bị tụt hậu xa hơn, Việt Nam phải có đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, khác biệt, táo bạo, nghĩa là chúng ta cần xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Nhìn lại thập niên 1980 của thế kỷ trước, kinh tế nước ta rơi vào khó khăn, bế tắc, Đảng đã khởi xướng và thực hiện đổi mới thành công, đưa kinh tế Việt Nam có tên trên bản đồ kinh tế thế giới.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, với tư duy mới, tầm nhìn mới, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ sớm xóa bỏ điểm nghẽn của điểm nghẽn về thể chế, thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!