Cải cách thể chế, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
Bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm là bước đột phá quan trọng về tư duy, bởi lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng đã chỉ ra một cách rõ ràng "Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn…".
Hơn lúc nào hết phương châm nhìn thẳng vào sự thật để nói lên sự thật lại trở nên cần thiết và cấp bách vào thời điểm hiện tại. Chúng ta không tô vẽ, đánh bóng hiện thực mà cần nhận diện đúng hiện thực để từ đó mới có những giải pháp phù hợp.
Nhiều chuyên gia, học giả đã bình luận, phân tích những nhận định, đánh giá của Tổng Bí thư về điểm nghẽn thể chế và đề xuất khá nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cải cách thể chế trong thời gian tới.
Điểm dễ dàng nhận thấy là các ý kiến đều thống nhất nói thể chế là nói đến pháp luật. Hệ thống pháp luật của đất nước có chất lượng, có sự ổn định và đặc biệt là phù hợp với thực tiễn, đương nhiên sẽ hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Thông qua một hệ thống pháp luật như vậy mà một môi trường kinh doanh lành mạnh được tạo ra, người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, tin tưởng vào sự công bằng và chính trực của hệ thống pháp luật.
Hiểu về thể chế như vậy hoàn toàn đúng, nhưng dường như chưa đủ. Bên cạnh hệ thống pháp luật là một bộ phận quan trọng hàng đầu của thể chế, thì thể chế còn bao gồm nhiều bộ phận cấu thành khác.
Ngay trong bài phát biểu của mình, sau khi nêu "chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi…", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước".
Như vậy là đi cùng với pháp luật còn là thủ tục hành chính, là dịch vụ công trực tuyến, là tổ chức thực thi pháp luật, chính sách, là phân cấp, phân quyền, là tổ chức bộ máy… Và chính đây là cơ sở để hiểu thể chế theo nghĩa rộng, đầy đủ của nó, chứ không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp thể chế bằng hệ thống pháp luật.
Ba học giả Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đã nhận được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2024 vì những nghiên cứu về cách thức thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của quốc gia. Các ông đã chỉ rõ vai trò của thể chế trong phát triển của nhiều nước, cụ thể hơn là tại sao có nước giàu, nước nghèo, tại sao có sự chênh lệch về thu nhập đầu người giữa các nước?
Điều hết sức quan trọng theo quan niệm của các ông khi nói đến thể chế là nói đến quyền sở hữu, chính phủ trung thực, hệ thống pháp luật tin cậy, ổn định chính trị và thị trường mở, cạnh tranh. Theo quan niệm này thì rõ ràng hệ thống pháp luật chỉ được xem là một bộ phận của thể chế.
Nhiều nhà nghiên cứu chia thể chế thành thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Thể chế kinh tế là các quy tắc nằm trong pháp luật và chính sách, điều chỉnh mối quan hệ tương tác của các tác nhân kinh tế. Những quy tắc này quy định rõ mức độ hạn chế mà các tác nhân kinh tế phải chịu trong các hoạt động tương tác, tạo ra cơ cấu và cơ chế kích thích các tác nhân kinh tế trong xã hội.
Các ví dụ về thể chế kinh tế như luật về quyền sở hữu, thu xếp tín dụng, chính sách tác động đến việc tiếp cận phương tiện sản xuất cũng như tiêu dùng…
Tự do kinh tế là một trong những quyền cơ bản của con người. Trong một xã hội tự do kinh tế, nhà nước cho phép lao động, vốn và hàng hóa tự do lưu thông, đưa ra rất ít những hạn chế, cấm đoán. Các nước đi đầu về tự do kinh tế như Singapore, New Zealand… tạo ra tự do kinh doanh, tự do đầu tư và bảo đảm quyền sở hữu cũng như hoạt động có hiệu quả của thị trường.
Thể chế chính trị liên quan tới việc tổ chức hệ thống chính trị ra sao, quyền lực và thẩm quyền được chính danh, phân chia và kiểm soát như thế nào. Điểm đặc biệt đáng lưu ý trong thể chế chính trị là mức độ can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh tế, là sự minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền và sự tin cậy của bộ máy được tạo ra trong dân chúng và cộng đồng doanh nghiệp.
Một cách tiếp cận rộng quan niệm về thể chế sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc xác định nội hàm của cải cách thể chế, mà trước hết là cải cách hệ thống pháp luật, nhưng đồng thời cũng là những thay đổi, cải cách hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, trong đó đặc biệt là bộ máy hành chính nhà nước với chức năng là tổ chức thực hiện pháp luật, quản trị nền hành chính quốc gia.
Một hệ thống pháp luật tin cậy, chất lượng là cần thiết song sẽ chẳng phát huy được tác dụng bao nhiêu khi vẫn tồn tại một bộ máy hành chính quan liêu gắn với một đội ngũ công chức, viên chức không đủ năng lực quản lý, thiên về "hành là chính". Cho nên, nói cải cách thể chế thực sự theo tinh thần của người đứng đầu hệ thống chính trị nước ta đã phát biểu, chính là nói tới nhiều cuộc cải cách diễn ra đồng thời, qua đó tạo lập cho được những căn cơ, tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!