Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Động lực tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới

Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra lời hiệu triệu về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực hiện khát vọng này, đòi hỏi nền kinh tế phải tăng trưởng cao, bền vững trong những thập kỷ tới. Câu hỏi đặt ra những động lực gì cần tạo dựng, nuôi dưỡng và thúc đẩy để kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng cao? 

Nhìn lại quá trình đổi mới của Việt Nam, với những quyết sách cởi trói và cải cách thể chế, nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc, tạo lập các bước tiến lịch sử. Tuy vậy, trong gần 40 năm đổi mới, tốc độ tăng GDP cao nhất đạt được là 9,54% vào năm 1995. 

Trong những năm tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực dự báo vẫn diễn biến phức tạp, bất định, khó lường, tác động nhiều mặt tới kinh tế nước ta. Thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân cần chung sức, đồng lòng kiến tạo, nuôi dưỡng, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng để kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số một cách bền vững.

Động lực tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới - 1

Nghi lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình (Ảnh: Mạnh Quân).

Tôi xin trao đổi một số nhóm động lực và giải pháp sau đây.

Một là, toàn dân Việt Nam có khát vọng, nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường

Khi mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường trở thành khát vọng cháy bỏng, trên dưới đồng lòng, thì mọi khó khăn, trở ngại, mọi chông gai, phức tạp sẽ được hóa giải. Đây cũng chính là tinh thần "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". 

Hai là, kiến tạo và phát triển mạnh mẽ thể chế lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm

Thể chế kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thịnh vượng của đất nước. Quốc gia có nền thể chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, sẽ thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của người dân vào các hoạt động kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Để xóa bỏ điểm nghẽn kìm hãm tăng trưởng, các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương xử lý rốt ráo những bất cập hiện tại, nắm bắt nhanh các vấn đề mới, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, và xây dựng thể chế lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Đặc biệt, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc với những đột phá về chính sách, nguồn vốn…

Một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam cần có giải pháp tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. 

Ba là, chuyển đổi số và xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, cơ quan quản lý các cấp có thể hoạt động 24/7 chứ không chỉ trong 8 giờ hành chính. Điều quan trọng là áp dụng công nghệ giúp quản lý thông minh hơn, chất lượng hơn ở mọi lúc, mọi nơi, và thúc đẩy xã hội chuyển động nhanh hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn. 

Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển đầy đủ các loại thị trường. Vị thế, thương hiệu đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế sẽ giúp củng cố, nâng cao quyền lực mềm quốc gia. 

Bốn là, tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo

Đảng, Nhà nước ta đã có các quyết sách đúng đắn, toàn diện và mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo. Các cấp, các ngành cần đưa các quyết sách này vào ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động những năm tới, vì chất lượng nguồn nhân lực chính là nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Năm là, khơi thông, phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Để tăng trưởng hai con số một cách bền vững, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, chúng ta cần khơi thông tất cả các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của đất nước. Trong đó, trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp là rất quan trọng trong việc tổ chức,  chỉ đạo, kiểm tra và đốc thúc hoàn thành dứt điểm với thời gian ngắn nhất các dự án đầu tư, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và địa phương. 

Bên cạnh nguồn lực hiện có, Việt Nam cần tạo dựng không gian phát triển mới, nỗ lực tiếp cận và phát triển các ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp vũ trụ… 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới.

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!