Đại học Bách Khoa: Điều quan tâm sau việc đổi tên trường
Sự kiện "Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội" được chuyển thành "Đại học Bách khoa Hà Nội" đã gây sự chú ý, bàn tán nhiều chiều trên báo chí cũng như mạng xã hội. Nhiều người thấy ngạc nhiên, thậm chí hài hước vì trong tiếng Việt, "Trường Đại học" thì khác gì "Đại học" đâu. Chỉ bớt mỗi chữ "trường" mà sao phải cần đến lãnh đạo Chính phủ ra quyết định?
Dõi theo các bàn luận về sự kiện, tôi nhớ đến tình huống khó xử về tên trường trong một lần làm phiên dịch cho đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài. Sự thể là với chúng ta thì "Học viện - Academy" là một tên gọi rất được nể trọng, tầm vóc và quy mô quốc gia. Thế nhưng ở các nước phương Tây và Mỹ, khái niệm "Học viện" có vị thế rất thấp, thường gắn với các lĩnh vực chuyên môn hẹp, nên rất hiếm cơ sở nghiên cứu và đào tạo chính thống, có lịch sử bề thế sử dụng. Vừa phiên dịch, tôi vừa phải giải thích về tầm vóc của các Học viện ở Việt Nam để đối tác nước ngoài hiểu.
Câu chuyện kể trên phần nào cho thấy những khác biệt cũng như tầm quan trọng của tên gọi các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Trở lại với sự kiện chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và hiểu biết nhất định về hệ thống đại học trên thế giới thì có thể hình dung được sự khác biệt cũng như những chuyển biến tiềm năng của sự kiện này.
Trước hết, tên gọi "Đại học Bách Khoa" tạo một cảm giác bề thế hơn, phản ánh đúng tầm vóc và vị thế của một trong những niềm tự hào hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Danh xưng mới cũng phản ánh đúng quy mô và chất lượng "University", giúp Đại học Bách Khoa Hà Nội thuận lợi hơn trong giao tiếp và hợp tác quốc tế.
Nếu căn cứ vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 thì mô hình "trường đại học" và "đại học" có sự khác nhau. Trường đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Còn Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Như vậy, không gian và tâm thế "Đại học" đặt cơ sở cho sự phát triển rộng hơn trong tương lai nếu Đại học Bách Khoa Hà Nội định hướng trở thành một đại học tổng hợp đa ngành theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Cũng có nghĩa, để phản ánh đúng tầm vóc của một "Đại học" thì Đại học Bách Khoa Hà Nội có thể phải tính đến mở thêm các ngành đào tạo về Khoa học xã hội và Nhân văn, Y Dược, Khoa học quản lý công, chứ không chỉ tập trung vào lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật như hiện nay.
Dù sao, theo tôi điều đáng quan tâm hơn sau những bàn tán về việc đổi tên trường là mô hình quản lý hệ thống các trường đại học ở nước ta hiện nay vẫn đậm tính chất hành chính. Các chính sách khuyến khích tự chủ đại học đã được triển khai từ lâu, nhưng chỉ việc đổi tên trường mà vẫn phải cần đến lãnh đạo Chính phủ cho phép thì mới thực hiện được. Như vậy, thử hỏi các quy trình và thủ tục quản lý khác còn phức tạp đến đâu?
Nhiều người sẽ tự hỏi rằng sau khi "nâng tầm tên trường" thì Ban lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội có thể làm những gì để thúc đẩy thay đổi tương xứng với tầm vóc mới của nhà trường. Hẳn nhiên, những người quan tâm kỳ vọng về một sự chủ động hoàn toàn của Ban lãnh đạo nhà trường trong việc bố trí lại hệ thống các đơn vị thành viên; thành lập các đơn vị mới cùng với chức năng và vai trò mới; thay đổi về cơ cấu đội ngũ cán bộ cũng như chế độ đãi ngộ nhằm thu hút nhân sự chất lượng cao.
Cùng với đó là những chính sách mới gắn với đặc thù của nhà trường nhằm thúc đẩy các thành tựu nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, và thu hút sinh viên giỏi đến học tập.
Vấn đề tiếp theo là cùng với tên mới, tầm vóc mới, và những kỳ vọng mới, Nhà nước sẽ cung cấp thêm nguồn lực như thế nào để Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục vươn lên những tầm cao mới, trở thành cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có uy tín hàng đầu không chỉ ở trong nước mà còn trên cả bình diện khu vực và quốc tế.
Nếu tên mới, tầm vóc mới nhưng các nguồn lực không có sự thay đổi đáng kể thì rất khó tạo ra những sự thay đổi xứng tầm kỳ vọng.
Vì là một đại học công lập cho nên sự hỗ trợ từ Nhà nước không chỉ là cơ sở vật chất, tài chính, mà quan trọng hơn là các cơ chế hoạt động hiện đại để Đại học Bách Khoa Hà Nội có thể nhanh chóng phát triển, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt hệ thống đại học trong nước, và cạnh tranh được với các trường khác trong khu vực. Hẳn nhiên, quan trọng hàng đầu là những cơ chế giúp Đại học Bách Khoa Hà Nội có thể chủ động và linh hoạt hơn nữa trong việc hợp tác với các chủ thể ngoài Nhà nước nhằm tìm kiếm thêm nguồn lực phát triển, cũng như thị trường cho sản phẩm nghiên cứu, đào tạo.
Là cơ sở đào tạo đầu tiên chuyển từ "Trường" lên "Đại học" sau khi luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99 hướng dẫn thực hiện Luật có hiệu lực, những biến chuyển của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong thời gian sắp tới sẽ ảnh hưởng không chỉ với hệ thống các cơ sở đào tạo có vị thế tương đồng, mà sẽ tác động đến cả các chính sách phát triển hệ thống giáo dục đại học nói chung ở nước ta.
Việc thay đổi tên cơ sở đào tạo có thể chỉ là một tình tiết nhỏ, nhưng phản ánh sự vận động của hệ thống giáo dục đại học trong nước theo hướng phù hợp với các tiêu chí chung của nền giáo dục thế giới.
Trong tiến trình hiện đại hóa hệ thống đại học, hẳn nhiên chúng ta mong đợi những thay đổi lớn, mang tính cách mạng. Trên thực tế, những thay đổi lớn lại cũng thường bắt đầu từ những chuyển biến nhỏ. Bởi thế, thay vì sa đà vào bàn tán tên trường, chúng ta nên tin và hy vọng cho một tương lai mới không chỉ của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!