Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Suy ngẫm trong "mùa" bảo vệ thạc sĩ

Cứ vào cuối năm là "làng giáo" chúng tôi nhộn nhịp như trẩy hội. Các loại hội đồng từ thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa I, II chen nhau xếp lịch các "thầy". Cũng vui, cô áo dài, cậu comple xúng xa xúng xính rồi những hàng hoa tươi phải nhập tăng số lượng vào những ngày đầu đông này… Vậy nhưng thú thật tôi thấy sợ từ nhiều năm nay.

Thứ nhất, việc cố "nặn" ra đề tài trong bối cảnh học viên tăng theo cấp số nhân gây áp lực lớn cho cả thầy và trò.

Thứ hai, số lượng học viên đông, thầy cô quá bận không thể tỉ mỉ như xưa khiến trò phải "tự bơi". Chất lượng luận văn là rất kém, kém từ thiết kế nghiên cứu, bừa và ẩu phần thu thập dữ liệu, loạn xị phần bàn luận và "nổ" toác ở kết luận, kiến nghị. Thường phần mở đầu và tổng quan là trơn tru nhất nhưng vấn nạn "copy and paste" khiến rất nhiều quyển luận văn na ná nhau.

Thứ ba là tốn kém, mất thời gian của bao nhiêu người mà hiệu quả nâng cao trình độ của người học không được bao nhiêu, hoàn toàn có cách làm khác bảo đảm chất lượng và hạn chế chi phí.

Tình trạng trên chắc chắn không chỉ trong các ngành sức khỏe. Vừa qua, cử tri Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc quản lý đào tạo sau đại học, tránh việc đào tạo tràn lan nhưng hiệu quả thấp.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho phép nhiều hình thức để nhận được tấm bằng thạc sĩ. Trong quá trình 2 năm, điểm học tập tốt, đề tài lựa chọn hay có ý nghĩa, học viên có mong muốn tiếp tục con đường học thuật… có thể tổ chức bảo vệ luận văn cho học viên. Nếu điểm bảo vệ loại giỏi, học viên có thể được tiếp tục phát triển đề tài thành luận án tiến sĩ mà không cần thi tuyển.

Hình thức khác là các nghiên cứu của học viên sẽ có một sản phẩm là bài báo đăng trên hệ thống tạp chí chuyên ngành được quy định cụ thể, có phản biện kín. Nếu đăng được báo chất lượng, "màu" của tấm bằng sẽ là giỏi, xuất sắc; kiên quyết không đưa vào danh sách các tạp chí kém uy tín, "săn mồi"…

Cũng phải nói rằng nhiều học viên, nghiên cứu sinh và hội đồng nghiêm túc, đề tài chất lượng, hữu ích. Tôi biết có những học trò của tôi để bảo vệ được luận văn đã tập trung tới mất ăn mất ngủ, sụt hơn 3kg trong thời gian ngắn.

Dù sao, đã đến lúc ngành Giáo dục cần thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, trong đó quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải số lượng.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!