Đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam: Nhanh hay chậm?
"Cải cách, đổi mới giáo dục" là cụm từ mà chúng ta thường nghe, xã hội thường hay nói đến, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Và cũng sẽ bình thường, khi có những ý kiến khác nhau, chưa đồng nhất đánh giá về quá trình này.
Cùng một vấn đề, chủ trương, chính sách, sẽ có người ủng hộ, cũng có người than phiền, và ai cũng có lý lẽ của mình. Đặc biệt trong giáo dục phổ thông thì đổi mới là cả một vấn đề rất lớn, rất khó vì tác động đến một số lượng lớn học sinh, toàn xã hội; do đó mỗi lần thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông đều có tác động mạnh mẽ, tạo ra những luồng tranh luận trong xã hội.
Có người nói, chẳng phải giáo dục nước ta vẫn luôn liên tục thay đổi đó sao? Nhìn lại từ năm 1945 đến nay chúng ta đã có 5 lần đổi mới giáo dục ở quy mô quốc gia: 1945 (chống giặc dốt); 1954 (xây dựng nền giáo dục quốc gia); 1975 (thống nhất giáo dục cả nước); 2000 (phục vụ cho đổi mới và mở cửa kinh tế) và đặc biệt là năm 2013 chuẩn bị cho quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.
Nhìn ra các nước, ngay với một số quốc gia có nền tảng giáo dục tốt và điều kiện về kinh tế, thì cũng có những đổi mới giáo dục theo thời gian. Ở Cộng Hòa Pháp, theo các tài liệu, từ năm 1975 đến nay lĩnh vực giáo dục đã qua 9 lần đổi mới, mỗi lần thay đổi đều có nghị quyết của Quốc hội, thậm chí có nghị quyết về vấn đề rất cụ thể như giảm thời gian mỗi tiết học ở phổ thông xuống bao nhiêu phút.
Nội dung quan trọng của đổi mới Giáo dục lần này
Ở Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII (năm 2014). Nghị quyết nêu rõ mục tiêu hội nhập, tạo ra những công dân toàn cầu, cá thể hóa giáo dục, quan tâm phát triển đến từng học sinh.
Giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn chính: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục hướng nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Trong quá trình đổi mới, ngành giáo dục phải có sự tiếp cận hiện đại, nhưng không làm chương trình phổ thông trở nên nặng nề, thông qua việc có các môn học tiếp cận đa ngành, thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học; bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Trong lần thay đổi này, có một nội dung rất quan trọng là quan điểm khẳng định chương trình giáo dục phổ thông, thay vì sách giáo khoa, là pháp lệnh. Chương trình phải đáp ứng chuẩn kiến thức của học sinh cần có cho từng cấp lớp, từng cấp học; sách là tài liệu hỗ trợ cho giảng dạy và học tập.
Quan điểm này về nguyên tắc tạo điều kiện cho giáo viên chủ động trong giảng dạy; học sinh, sinh viên tự chủ trong học tập, nhằm hình thành kiến thức theo yêu cầu của chương trình, không theo các sách mẫu, bài văn mẫu. Đây là một nội dung đổi mới quan trọng và cần phải tạo điều kiện để triển khai một cách tốt nhất, đúng với yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc Hội XIII.
Có những ý kiến về tiến độ thay đổi giáo dục của chúng ta trong lần này là nhanh hay chậm so với các nước? Để đánh giá nội dung này, cần thiết nhận thức quá trình đổi mới giáo dục ở nước ta có khác với các nước.
Đa số các nước trên thế giới khi thực hiện đổi mới giáo dục thì đã có một nền tảng kinh tế, xã hội phù hợp, ổn định và sự đổi mới chủ yếu là phục vụ cho mục đích phát triển đất nước đó.
Tuy nhiên với chúng ta, ở Việt Nam, một nước đang phát triển phải đối diện với nhiều khó khăn, việc thực hiện đổi mới giáo dục hầu như có hai quá trình đan xen nhau; đó là quá trình đổi mới giáo dục phổ thông để chuẩn bị con người mới, đáp ứng quá trình toàn cầu hóa, như các nước. Nhưng đồng thời Việt Nam còn có vấn đề riêng của một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế; phát triển giáo dục được đặt trong bối cảnh của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây lại là một quá trình thứ hai, một đặc thù của Việt Nam.
Do vậy, đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam không giống như các nước đang phát triển khác và càng không giống với các nước phát triển. Theo đó, khó mà đánh giá được sự đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam là nhanh hay chậm; điều quan trọng là chúng ta xác nhận rõ mục tiêu của đổi mới giáo dục, biết chúng ta đang ở đâu, điều kiện thế nào để có lộ trình thực hiện tốt nhất.
Kết quả sẽ phụ thuộc vào nhận thức, điều kiện và cách tổ chức của chúng ta; khi được tổ chức tốt sẽ rút ngắn quá trình triển khai.
Những vấn đề trong đổi mới giáo dục
Nói về thực trạng và những khó khăn của giáo dục nhằm hiểu rõ hơn khi nhìn nhận về những vấn đề đang đặt ra cho quá trình đổi mới giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Trước hết, đứng về góc độ chuyên môn, đối với giáo viên sự thay đổi rất lớn trong giảng dạy nằm ở quan điểm chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu giảng dạy; điều này là rất mới trong giáo dục phổ thông, ngay trong trường sư phạm, các thầy cô cũng đã được hướng dẫn phải giảng dạy theo sách giáo khoa.
Đây là thách thức không nhỏ với các thầy cô giáo, đòi hỏi sự phấn đấu để nắm bắt kiến thức mà chương trình yêu cầu, đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho học sinh một cách tốt nhất với sự hỗ trợ của các sách học.
Cùng lúc đó, trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông có đưa vào các môn tích hợp. Về lý lẽ, thì đây là một nội dung hay, giúp cho học sinh có kiến thức tổng hợp, không rời rạc về các môn khoa học và giảm bớt số môn học. Tuy nhiên vào thời gian đầu triển khai, thì việc giảng dạy các môn tích hợp là không dễ dàng đối với các giáo viên vốn quen dạy các môn chuyên ngành, đơn lẻ.
Từ đó, ngành giáo dục cần một quá trình để chuẩn bị, tập huấn, một lộ trình triển khai hợp lý. Theo kế hoạch, thì ngành có Chương trình tập huấn giáo viên cho đợt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông này (dự án ETEP). Chương trình đã được chuẩn bị, triển khai khá tốt, được các thầy cô đã tham gia tập huấn đánh giá cao. Song điều cần quan tâm là sau tập huấn cho đội ngũ lõi, các thầy cô nòng cốt, thì việc nhân rộng ra cho các thầy cô đang giảng dạy ở cơ sở được tổ chức và đảm bảo thế nào? Đặc biệt là khi triển khai ở vùng xa, miền núi, vùng kinh tế khó khăn… Triển khai tập huấn phương pháp sư phạm qua mạng là cả một thử thách, nhất là ở điều kiện của chúng ta.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm là chế độ, chính sách đối với ngành giáo dục. Có ý kiến cho rằng đổi mới giáo dục là một trong những áp lực khiến giáo viên nghỉ việc, bỏ nghề ngày càng nhiều. Nhìn chung, trong bất cứ lĩnh vực nào, quá trình phát triển sẽ gắn với sự thay đổi nguồn lực, tuy nhiên trước hết quản lý nhà nước cần quan tâm với một yêu cầu lớn, nhiều thách thức như hiện nay thì chế độ, chính sách dành cho giáo viên, đội ngũ quyết định sự thành, bại của đổi mới giáo dục, đã được triển khai như thế nào?
Chưa nói đến những vấn đề thu nhập, chế độ, chính sách mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu trên nghị trường, vấn đề biên chế đội ngũ giáo viên phổ thông, thừa thiếu cục bộ và giảm biên chế giáo viên là một áp lực tâm lý không nhỏ đối với những người đang đứng trên bục giảng.
Dân số tăng, số học sinh theo đó cũng tăng lên, dẫn đến yêu cầu phải tăng số giáo viên, nhưng hiện nay chúng ta lại bị áp lực "giảm biên chế". Lời giải cho vấn đề này liên quan nhiều yếu tố và đây là một áp lực tâm lý với các giáo viên.
Nghề giáo là một nghề cao đẹp, cống hiến và tham gia đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai đất nước, nhưng trước hết vẫn phải có động lực cho thầy cô. Trong tình hình hiện nay, các thầy cô giáo đã rất tích cực và nỗ lực thích ứng nhưng để trở thành giáo viên như xã hội mong đợi vẫn là một thử thách thực tế.
Điều thứ ba cần quan tâm đó là lộ trình triển khai đổi mới giáo dục lần này. Trước khi triển khai, Bộ GD&ĐT có một thời gian dài để chuẩn bị các đề án, các công trình nghiên cứu, song vấn đề là sẽ áp dụng các kế hoạch này như thế nào, ra sao trong thực tế? Từ việc chuẩn bị đội ngũ, cung cấp trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, … đến việc xây dựng chương trình, xuất bản sách, chọn sách, … nhằm đảm bảo tiến độ triển khai, đáp ứng cho được yêu cầu của đổi mới chương trình là một công việc không đơn giản, trên bình diện quản lý vĩ mô đến cơ sở.
Đổi mới thì rất cấp thiết, nhưng phải tính toán đến lộ trình tốt nhất để có thể triển khai đại trà, hiệu quả với hàng trăm ngàn cơ sở giáo dục, hàng triệu giáo viên trên cả nước.
Quá trình này đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội, sự quan tâm của hệ thống quản lý nhà nước chứ không chỉ là câu chuyện của Bộ Giáo dục hay của các trường sư phạm, của ngành giáo dục. Theo suy nghĩ của tôi, nếu quan niệm giáo dục là quốc sách, thì việc đổi mới căn bản và toàn diện lần này cần được sự quan tâm đúng mực của Chính phủ, sự chỉ đạo từ Thủ tướng Chính Phủ.
Cuối cùng chúng ta cần nhìn nhận thực tế vào nhận thức của xã hội, các cấp quản lý và ngay cả ngành giáo dục đối với quá trình đổi mới giáo dục lần này. Chúng ta có nghị quyết, có chương trình, kế hoạch và có cả quyết tâm đổi mới giáo dục, nhưng nhìn từ trong ngành đến quản lý nhà nước và xã hội vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, thái độ chưa thống nhất. Từ đó, quá trình triển khai đã có những dùng dằng, chưa thống nhất, dù đã nghiên cứu, thí điểm,… những vấn đề, những nội dung cứ phải cân nhắc, thay đổi quyết định.
Đổi mới giáo dục phổ thông là một vấn đề rất phức tạp, không những có tác động lớn về mặt xã hội, mà còn liên quan đến chính sách và quản lý nhà nước.
Thời điểm hiện tại giáo dục đang đứng trước cơ hội, áp lực đổi mới. Đã có cơ hội tức là phải nhìn nhận đây là thời cơ và bên cạnh đó, là thách thức đi cùng. Để tranh thủ được thời cơ và vượt qua các thách thức, theo tôi trách nhiệm thuộc về cả hai đối tượng: Quản lý Nhà nước và đội ngũ nhà giáo. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định, với việc tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường đổi mới, phát triển cho giáo dục. Không thể để trách nhiệm đổi mới chỉ nằm trên đôi vai giáo viên.
Đổi mới trong giáo dục phổ thông tác động đến hàng triệu học sinh, hàng triệu giáo viên, hàng triệu gia đình nên quá trình đổi mới cần có thời gian để đánh giá; giáo dục là một quá trình và đôi khi phải tính đến thế hệ chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ ràng kết quả của giáo dục. Do đó, quá trình đổi mới giáo dục phải được ủng hộ liên tục, phải được kiên trì thực hiện qua thời gian, qua các nhiệm kỳ quản lý tiếp nhau, để có thể hái được quả ngọt cuối mùa.
Và có phải chăng, điều các thầy cô muốn chia sẻ, lại rất ngắn gọn: Phải có sự tự chủ trong ngành giáo dục và xã hội phải tin tưởng vào giáo viên.
Tác giả: Ông Phan Thanh Bình là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vật liệu, Kỹ sư Hóa học; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), XI, XII; nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!