Vượt qua "núi cao, vực sâu" trong giáo dục
Mái trường gắn với thời học trò của tôi - Trường trung học phổ thông Mỹ Đức B (Hà Nội), vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tôi là học sinh khóa đầu tiên của trường năm 1972.
Một nửa thế kỷ đã đi qua. Khoảng thời gian ấy đủ quyền lực để tàn phá ký ức và xóa đi nhiều điều . Nhiều chuyện tôi không còn nhớ hoặc chỉ nhớ trong mơ hồ. Nhưng mái trường Mỹ Đức B bên dòng sông Đáy với các thầy cô, bạn bè mỗi lần nhớ đến lại như càng đậm nét hơn.
Bây giờ chỉ khẽ nhắm mắt là lại nhớ về mái trường thân yêu ấy, là tất cả hiện lên như vừa mới hôm qua: Những mái lán, bảng đen, bàn ghế, sân trường, những hầm tránh bom, con đường ven sông… và những gương mặt thầy cô và bè bạn.
Tôi là người làng Chùa, thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ. Bởi thế ngày ngày tôi qua đò sông Đáy ở khúc đầu làng Lai Tảo sang bên kia sông đi học. Mỹ Đức là một thế giới dâu tằm. Những cánh đồng dâu ngút ngàn. Vào mùa dâu chín, lũ học sinh chúng tôi đi học về tràn xuống cánh đồng dâu hái quả chín để ăn cho đỡ đói.
Dọc triền bãi sông Đáy phía xã Sơn Công của tôi vào cuối đông có nắng hanh rực vàng hoa cải. Chính màu vàng quyến rũ của hoa cải cùng những câu chuyện về sông Đáy mà bà tôi, mẹ tôi kể lại đã cho tôi cảm hứng viết truyện ngắn ''Mùa hoa cải bên sông''. Truyện ngắn này sau đó được chuyển thành phim ''Lời nguyền của dòng sông'' và giành Giải Vàng liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ với sự tham gia của hơn 100 quốc gia. Đấy là bộ phim Việt Nam đầu tiên được giải cao nhất trong tất cả các liên hoan phim quốc tế từ trước đến lúc đó.
Ngày ấy, tôi thường đi bộ ven bờ sông Đáy đến trường. Các thầy cô thì đi xe đạp đến trường. Còn những thầy cô ở xa thì ở lại trong dãy lán tập thể của trường và thường có một cái bếp chung để nấu cơm. Những năm tháng chiến tranh đời sống vô cùng thiếu thốn. Có lần chúng tôi lén xem trộm mâm cơm của các thầy cô. Một đĩa rau muống luộc, một đĩa nhỏ tép rang muối và mấy quả cà. Có thầy cô chỉ có hai chiếc áo lành lặn. Hàng ngày lên lớp, tối về các thầy cô giặt áo phơi ngoài hiên có gió chóng khô để sáng mai còn mặc lên lớp.
Dù sống và dạy trong những năm tháng vô cùng khó khăn và thiếu thốn ấy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nụ cười tắt trên môi các thầy cô. Những khát vọng chúng tôi có trong cuộc đời này đều được các thầy cô nhóm lên trong tâm hồn trong sáng và đầy mơ mộng của chúng tôi từ thuở ấy.
Không bao giờ tôi quên được thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ Đức B. Đó là thầy Khuyến, người xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa. Thi thoảng đi học về, tôi gặp thầy đạp xe trên con đê. Lúc nào thầy cũng dừng lại, bảo tôi lên xe để thầy đưa tôi về. Chỉ có một lần tôi dám đi nhờ xe thầy vì hôm đó người tôi lên cơn sốt. Tôi mệt và đói tưởng không bước nổi chân. Tôi ngồi sau chiếc xe đạp cũ của thầy. Thầy cúi người đạp xe trong gió lạnh thổi dọc bờ sông của một trưa mùa đông. Vừa đạp những vòng xe nặng nhọc, thầy vừa hỏi chuyện học hành của tôi. Ngồi sau tấm lưng đã hơi còng của thầy, tôi mang cảm giác như đó là tấm lưng cha tôi.
Thầy Khuyến đã là người thiên cổ. Nhiều thầy cô thuở đó cũng thành người thiên cổ. Nhưng lúc nào về hội lớp ở Đoan Nữ hay Kinh Đào, đi dọc trên con đường đê đã được lát bê tông bên sông Đáy, tôi lại thấy bóng thầy Khuyến vẫn đạp xe trong những cơn gió lạnh thổi dọc bờ sông. Và trong ngôi trường ấy, tôi vẫn thấy bóng các thầy cô đã khuất. Tiếng trống trường thuở ấy vẫn vang lên, giọng giảng bài của thầy cô xưa vẫn vọng về, những con chữ phấn trắng vẫn hiện lên trên bảng đen như mở ra những chân trời…
Những năm gần đây, lũ học trò chúng tôi vẫn tổ chức hội lớp. Tất cả lũ học sinh thuở ấy đã trở thành những ông bà già. Nhưng mỗi khi gặp nhau, chúng tôi lại trở thành những cô cậu học trò ngồi nói về thầy cô của mình với cảm xúc lạ thường. Và có lúc, chúng tôi đã khóc trong lặng lẽ khi nhớ về mái trường xưa và các thầy cô cũ của mình.
Và năm nay tôi đã là một ông già 65 tuổi. Nhưng trong ký ức mình, tôi mãi mãi là cậu học trò nhỏ nhiều khuyết điểm của các thầy cô xưa.
20 năm trước, trường tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập, tôi trở về thăm lại trường và gặp lại một số thầy cô cũ của mình. Năm nay trường kỷ niệm 50 năm thành lập, tôi may mắn vẫn được trở về. Nhưng trường đã thay đổi biết bao nhiêu. Và những thầy cô trực tiếp dạy tôi có lẽ hầu hết đã rời xa thế gian. Một thế hệ các thầy cô mới đang tiếp tục dạy dỗ những công dân tương lai của đất nước. Tôi tìm kiếm bóng hình của các thầy cô xưa trong ánh mắt, nụ cười, lời giảng của các thầy cô hôm nay.
Trở về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, trong bài phát biểu cảm tưởng của một học trò cũ, tôi chúc mừng sự thay đổi của nhà trường. Nhưng tôi đã thưa với các cô, các thầy, đại diện chính quyền và các học sinh ở mọi khóa kể từ năm 1972 đến nay rằng: "Trong mọi nền giáo dục, có một thứ không thể thay đổi, không được phép thay đổi. Vì nếu điều ấy thay đổi thì nền giáo dục sẽ bị phá sản. Đó là tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò, là lòng tôn kính của học trò dành cho thầy cô, là những hạt giống của giấc mơ đẹp mà thầy cô bền bỉ gieo vào tâm hồn học trò của mình. Và những học trò mang giấc mơ ấy lớn lên và hành động cho giấc mơ ấy vì con người".
Tôi yêu mảnh đất này. Tôi yêu ngôi trường này. Tôi là tôi hôm nay chính từ những hạt giống như vậy.
Ngẫm nghĩ về giáo dục, tôi đọc được phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong cuộc gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp 20/11. Ông nói: "Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức sách vở mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội... Đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Nhưng hành trình này là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa".
Tôi quan tâm đến lời phát biểu của ông Bộ trưởng, vì đấy là mục tiêu của mọi nền giáo dục và vì đấy cũng có nét tương đồng với những gì tôi đã chia sẻ khi về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường trung học phổ thông Mỹ Đức B (Hà Nội).
Chiến lược phát triển của giáo dục nước nhà đã được nói đến nhiều trên truyền thông. Nhưng để làm được điều đó vô cùng khó khăn tựa leo qua núi cao, vượt qua vực thẳm. Để thay đổi một chút thôi cũng thật thách thức. Chúng ta cứ nhìn vào gia đình mình, công sở mình, phường mình, làng mình thử xem. Có những thứ chúng ta muốn thay đổi nhưng nếu chúng ta không có tư duy, không ý chí và đôi khi là sự nhẫn nại, chúng ta sẽ chẳng làm được gì.
Ngày 20/11 phải chăng là một dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc đời đi học của mình và bước về phía trước, nhẫn nại vượt qua núi cao, vực sâu trước hết bằng tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò và lòng tôn kính của học trò dành cho thầy cô.
Tác giả: Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Viết văn từ năm 1983, ông đã xuất bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thiều còn viết báo, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và là họa sĩ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!