Chuyện sách giáo khoa nhìn từ bài thơ "Bắt nạt"
Dõi theo cuộc tranh luận về bài thơ "Bắt nạt" - một trong bốn ngữ liệu được chọn cho chủ đề "Tôi và các bạn" trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tôi nhận ra rằng nó sẽ không có hồi kết. Nghĩa là hai bên ủng hộ và phản đối bài thơ này sẽ không bao giờ "chịu nhau" bởi lẽ sự cảm nhận và cách tiếp cận là hoàn toàn khác nhau.
Một câu chuyện được kể lại trong quá trình tranh luận nêu trên, cho thấy ngay cả việc xác định như thế nào là một hành vi bắt nạt cũng tồn tại cách đánh giá khác nhau. Tiết học bài thơ này trong lớp cô Liên được học sinh hưởng ứng với thái độ thích thú. Đến phần thực hành kỹ năng nói, một học sinh đã kể lại trải nghiệm hồi tiểu học, bản thân bị bắt nạt mà khi báo lại cho cô giáo chủ nhiệm thì chỉ nhận được phản hồi đó là va chạm nhẹ. Bố mẹ cũng thuận theo cô giáo và bạn bắt nạt kia chỉ phải xin lỗi vì đã vô tình xô đẩy chứ không phải cố ý bắt nạt.
Em học sinh đã kể trong ấm ức và thiếu lòng tin vào sự giúp đỡ của người lớn, em hỏi thế nào thật sự là bắt nạt và khi bị bắt nạt thì ai đáng tin tưởng để kể lại, hay em phải chọn im lặng.
Cô Liên lặng người vì câu hỏi vượt quá ngưỡng của môn Ngữ văn. Rõ ràng, một bài thơ trong sách giáo khoa ngoài việc giúp học sinh phát triển năng lực chuyên môn: Ngôn ngữ, nhận xét về thể thơ, cách dùng từ, giọng điệu,… còn có thể phát triển năng lực Tìm hiểu tự nhiên và xã hội nếu giáo viên cung cấp thêm các tài liệu thường thức của ngành tâm lý học, xã hội học về hành vi bắt nạt để so sánh đối chiếu với quan điểm của tác giả và đối chiếu vào trường hợp của bản thân.
Trọng tâm của chương trình phổ thông mới 2018 là dạy học hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất. Với năng lực chung, học sinh có thể phát triển khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo bằng bài tập dự án về sáng tạo các phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với tình trạng bắt nạt, sao cho phương pháp đó phù hợp với ngôi trường của mình, thay vì giải pháp như tác giả đề ra trong bài thơ.
Các hoạt động học tập này thực ra đã được quy định trong chương trình Ngữ văn mới theo thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Trong đó, phần Nội dung khái quát có yêu cầu rõ học sinh phải: "Liên hệ, so sánh giữa các văn bản, kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân người đọc; đọc hiểu văn bản đa phương thức,…"; còn tiêu chí lựa chọn ngữ liệu văn bản là "Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình".
Theo tôi, sự việc về bài thơ "Bắt nạt" chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy điểm còn hạn chế chung của các sách giáo khoa Ngữ văn về mặt ngữ liệu. Đó là sự thiếu vắng các văn bản nghị luận xã hội (có số liệu, dẫn chứng, điều tra xã hội học); thiếu vắng văn bản miêu tả/kể truyện về vấn đề xã hội trong bối cảnh đa văn hóa (ở các quốc gia khác nhau, thời kỳ khác nhau,…); thậm chí là thiếu vắng văn bản đa phương thức (dạng video phóng sự hoặc phim nhật ký tự quay) trong ngữ liệu giáo dục.
Sự việc này còn cho thấy một phần không nhỏ xã hội và người làm giáo dục chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc đa dạng hóa ngữ liệu cho cùng một chủ đề nhằm phục vụ dạy học tích hợp.
Tuy vậy, trong trường hợp này, ý tưởng mở rộng các văn bản trong sách giáo khoa gặp ba trở ngại lớn.
Một là, chi phí biên soạn, in ấn và tác quyền (do sử dụng nhiều nguồn văn bản cần trả phí) tăng cao, dẫn tới giá sách cũng sẽ tăng cao. Trong khi đó, giá sách giáo khoa như hiện nay đã chịu phản ứng dữ dội từ đông đảo các vị phụ huynh.
Hai là, một số nghiên cứu trên thế giới đã quan ngại tình trạng sách giáo khoa thương mại (commercial textbook), ở ta gọi là xã hội hóa, thường không đi đến cùng với các vấn đề xã hội gai góc do lo ngại phản ứng đa chiều căng thẳng từ công chúng sẽ dẫn đến việc bộ sách không được hưởng ứng trên truyền thông. Nỗi sợ đó làm nhà biên soạn có xu hướng đưa ra một thế giới lý tưởng hóa thay vì đào sâu hơn về tri thức đa chiều; nội dung được tuyển chọn vào sách cũng sẽ "truyền thống" hơn, tránh những nội dung mới dễ gây tranh luận.
Ba là, về lý thuyết, giáo viên sẽ là người thu thập, lựa chọn và triển khai các kiểu loại văn bản mở rộng được nêu trên. Tuy vậy, theo nhiều phản ánh trên báo chí và các diễn đàn lớn, giáo viên hiện nay chưa thành thục công việc này vì áp lực thiếu thời gian cũng như thiếu các minh họa đủ cụ thể để triển khai. Việc phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa là tình trạng khó tránh khỏi khi bước vào những năm đầu của cải cách giáo dục theo Chương trình phổ thông mới.
Trong hoàn cảnh hiện tại, để vượt qua ba chướng ngại trên, phương án về một Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì (được đề cập trong Nghị quyết 88/2014/QH13) có thể có tính khả thi.
Gần đây, tại công điện số 747 của Thủ tướng (về việc bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024), cũng như tại Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều đề cập đến việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Với phương án trên vấn đề chi phí sẽ không còn là trở ngại. Sách có thể tập hợp trực tiếp một lượng ngữ liệu lớn, nhiều nguồn văn bản, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức nhưng vẫn có mức giá trung bình (do nhà nước trực tiếp bình ổn giá).
Sách giáo khoa do Bộ chủ trì, với uy tín lớn của các chuyên gia đầu ngành và liên ngành, có thể tập trung vào chủ đề gai góc (bất bình đẳng, khủng hoảng tâm lý,…) để đưa ra một cái nhìn có tính học thuật và đa chiều cho học sinh.
Cùng với đó, bộ sách này có thể thành tài liệu mẫu mực cho giáo viên học tập phương pháp lựa chọn ngữ liệu đa chiều cho cùng một vấn đề.
Thêm nữa, việc thiết kế bộ sách giáo khoa như vậy vẫn đảm bảo tính công bằng trong việc sử dụng và biên soạn, so với các bộ sách xã hội hóa hiện có cũng theo yêu cầu của Nghị quyết 88.
Do bộ sách này tập trung vào các chủ đề liên ngành, phức tạp, gây tranh cãi trong xã hội; với lượng văn bản đa dạng và đa chiều nên nó sẽ chỉ phù hợp với việc hình thành các năng lực và phẩm chất bằng các hoạt động dạy học tích hợp ở mức cao. Giáo viên, tùy vào khả năng tiếp nhận của học sinh mà sử dụng bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo một cách có chọn lọc để bổ sung cho các bộ sách dạng xã hội hóa mà mình hiện sử dụng.
Học sinh, tùy vào sự quan tâm của cá nhân, có thể tham khảo một số bài nhất định trong bộ sách để khám phá tri thức mới, ứng dụng vào đời sống cụ thể, từ đó phát huy năng lực tự chủ và tự học.
Đề xuất trên không chỉ thích hợp với các môn thiên về Xã hội (như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Khoa học xã hội): cần tập hợp một lượng ngữ liệu có hệ thống và có tính phản biện; mà cũng có thể thích ứng với các môn thiên về Tự nhiên - Công nghệ, khi mà các ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện đại ngày càng hướng đến phát triển bền vững, tức là chúng cũng cần phải được thực hành và thảo luận một cách đa chiều.
Tôi mong chúng ta, nếu có phán xét một văn bản - học liệu trong chương trình giáo dục, hãy nghĩ về con người trước nhất: Các em sẽ trưởng thành về năng lực và phẩm chất như thế nào nếu được tiếp cận một hệ thống học liệu bài bản và đẩy đủ; thay vì mắc kẹt với lời khen, câu chê về cái vỏ câu chữ.
Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...
Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!