"Bắt nạt" thẩm mỹ thơ ca
Thời tôi học trung học, "Đàn ghita của Lorca" của nhà thơ Thanh Thảo là một trong những tác phẩm học sinh khá "sợ", lúc nào cũng mong đề thi đại học không rơi vào bài thơ này. "Đàn ghita của Lorca" khi ấy cũng khiến nhiều người hoài nghi vì "thiếu tính thơ" với những câu như văn xuôi "Tây Ban Nha, hát nghêu ngao, bỗng kinh hoàng…". Một thế hệ đã quen với những bài lục bát gieo vần đều đặn "Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương" sẽ thấy xa lạ với tác phẩm như "Đàn ghita của Lorca".
"Bắt nạt" của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng là một tác phẩm lại khiến dư luận trong nước sục sôi trong thời gian qua. "Đàn ghita của Lorca" không giống "Bắt nạt" trong nhiều khía cạnh, điều này tôi hiểu. Nhưng, điểm tương đồng với hai tác phẩm này là phản ứng của nhiều người với quan điểm thơ ca mới mẻ, không chấp nhận các tác phẩm "lệch chuẩn" so với thẩm mỹ văn chương, thơ ca truyền thống.
Tôi có dịp trò chuyện với TS Trần Ngọc Hiếu - Giảng viên khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội, để hiểu hơn về những câu chuyện xoay quanh bài thơ "Bắt Nạt" của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Thứ nhất, những ồn ào về bài thơ này không phải một điều mới mẻ nhưng cứ thi thoảng lại bị "khuấy" lên. Ngay từ khi được đưa vào sách giáo khoa, "Bắt nạt" đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Lần ngược trở lại thời điểm cách đây khoảng 2 năm, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bài viết trên báo chí luận bàn về bài thơ "Bắt nạt".
Thứ hai, đa phần luận điểm phản đối đều cho rằng bài thơ chưa đủ thuyết phục về cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu, đôi khi lộn xộn và dài dòng. Cảm nhận thơ ca mang tính chủ quan của mỗi người nên nhiều khi không có chuyện "đúng, sai". Tuy nhiên dưới góc độ nghiên cứu văn học, nếu ai đó cho rằng thơ ca phải có vần điệu nhịp nhàng là đang giữ một quan điểm rất cũ kỹ. Trên văn đàn thế giới cũng như ở Việt Nam hàng chục năm nay, những bài thơ có kết cấu như vậy không hiếm. Chúng ta có thể đọc cuốn "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, nghiên cứu về phong trào thơ mới, xuất bản từ năm 1942 để hiểu thêm điều này.
Xu hướng "nói hóa" thơ cũng là một xu hướng của thơ ca hiện đại mà các nhà thơ trẻ đã đưa vào tác phẩm của mình lâu nay. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, "Bắt nạt" là bài thơ theo điệu nói, không phải điệu ngâm, cho nên lời thơ giống như lời nói của mọi người trong đời sống thường ngày. Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh không chỉ có "Bắt nạt" mà rất nhiều bài thơ khác với lối nói đời thường được đưa vào trong thơ ca.
Như đã nói ở trên, với thẩm mỹ truyền thống thì sẽ dễ "dị ứng" với bất cứ tác phẩm văn chương, thơ ca mới nào được đưa vào sách giáo khoa. Chấp nhận những điều chưa quen sẽ cần thời gian nhưng đó là một điều cần thiết để cách tân văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Thứ ba, tác phẩm "Bắt nạt" nằm trong một cuốn sách giáo khoa, nghĩa là đặt trong một chỉnh thể với bố cục, cấu trúc rõ ràng khi mỗi nội dung văn bản sẽ phục vụ một mục đích riêng. Muốn phê bình bài thơ "Bắt nạt", cần xem nội dung bài học nhóm biên soạn sách đang muốn đặt ra ở đây là gì. Nếu bài thơ nằm trong nội dung liên quan đến việc nhận biết đặc điểm thơ 5 chữ, "Bắt nạt" có thể coi là ngữ liệu tốt. Liệu "Bắt nạt" có được đưa vào để dạy về tình bạn không? Nếu có, người đọc đã xem ngữ liệu trước và sau được đưa ra như thế nào? Phê bình một tác phẩm là điều bình thường, nhưng không thể đưa tác phẩm, ngữ liệu ra khỏi "văn cảnh" để đánh giá.
Thứ tư, tôi tin rằng việc làm sách giáo khoa ở Việt Nam không phải câu chuyện ai thích tác phẩm nào thì đưa tác phẩm đó vào. Công việc biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam ngày càng phức tạp hơn với những hội đồng chuyên môn gồm nhiều chuyên gia giáo dục. Một tác phẩm tồn tại không thể không có lý do. Những lập luận cho rằng bài thơ "tệ hại, trẻ con không hiểu, không học được, giáo viên không dạy nổi" cần phải có điều tra, số liệu, phản ánh từ các cơ sở giáo dục.
Một bộ sách giáo khoa được sinh ra không thể đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân học sinh để phụ huynh nhận xét, con tôi không thích đồng nghĩa với việc bài thơ đó không có giá trị. Chúng ta từng đùa rằng, bây giờ trẻ con thành phố có nhìn thấy con trâu như thế nào đâu mà vẫn có những bài thơ tả con trâu hay giáo viên bắt các em tả con trâu. Điều này tương tự với câu chuyện "mù tạt" hay "hip-hop" - không phải một bộ phận học sinh chưa từng nghe về "mù tạt" hay "hip-hop" là người biên soạn sách cần loại bỏ hoàn toàn những nội dung như vậy ra khỏi học liệu. Tiếp nhận thêm một khái niệm mới không phải là cách mở thêm tri thức cho trẻ hay sao?
Phải nói thêm rằng, văn học thiếu nhi Việt Nam thiếu tính đô thị, trong khi xã hội đã thay đổi rất nhiều. Thời điểm tôi học lớp 5, lớp 6 cách đây 20 năm, các bài thơ vẫn xoay quanh góc sân, khoảng trời, cánh đồng, trường làng…. trong khi lúc đó cuộc sống ở vùng ven đô nơi tôi ở đã dần vắng bóng những hình ảnh như vậy. Hai thập kỷ sau, đưa một hình ảnh như "hip-hop" vào sách giáo khoa cũng không phải điều gì đáng phản bác, khi thế hệ chúng tôi đã biết về hip-hop cách đây 20 năm.
Thứ năm, ngay cả những người làm công việc chuyên môn gắn với môn ngữ văn như TS Trần Ngọc Hiếu cũng thừa nhận không dễ để tìm được một bài thơ mới cùng chủ đề với giọng điệu trẻ con như "Bắt nạt". Thực tế cho thấy, văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại thiếu nhiều tác phẩm chất lượng. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "Văn học thiếu nhi" trên Google, người đọc sẽ thấy hàng loạt bài báo với những tiêu đề như "Văn học thiếu nhi - mảnh đất bị lãng quên", "trống vắng dành cho văn học thiếu nhi" từ năm nay qua năm khác. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng đã từng chia sẻ, "Văn học thiếu nhi là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó."
Thiết nghĩ, công chúng nên quan tâm làm sao để văn học thiếu nhi trong nước phát triển và khi đó, nếu bất bình về một tác phẩm, người đọc hoàn toàn có thể đề xuất những tác phẩm mới, có thể thay thế cho "Bắt nạt" của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh chăng?
Suy cho cùng, mỗi người có một thẩm mỹ văn chương riêng và khó có thể bắt mọi người thay đổi được. Tuy nhiên, việc thích hay không thích một tác phẩm cần tách bạch với việc phản đối có nên giữ hay không giữ tác phẩm đó trong chương trình học. Một tác phẩm tồn tại có ý nghĩa nhiều hơn sở thích cá nhân của một nhóm nhỏ độc giả.
Điều cuối cùng tôi muốn nói rằng, trong rất nhiều mục tiêu của bộ môn ngữ văn và đặc biệt là văn chương, thơ ca cho thiếu nhi, dạy trẻ con yêu tiếng Việt trong toàn bộ sự sống động của tác phẩm là điều quan trọng. Sự sống động của đời sống văn chương, của giá trị thẩm mỹ không chỉ nằm trong những bài thơ thể ngâm, những bài thơ bằng trắc, niêm luật nghiêm ngặt, hay luôn gắn liền với những hình ảnh quen thuộc. Mở ra một thế giới thi ca rộng lớn với những sự sáng tạo là cách giải phóng trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khiếu thẩm mỹ của trẻ nhỏ.
Không phải đứa trẻ nào rời khỏi ghế nhà trường cũng trở thành nhà thơ, nhưng tất cả các em đều cần những cái nhìn rộng mở hơn để bước vào một thế giới sống động, "trăm hoa đua nở".
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!