Về bài thơ "Bắt nạt": Có thể làm thơ tào lao nhưng vào sách cần chuẩn mực

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Thi sĩ vẫn có thể làm thơ dở, lăng nhăng, tào lao, nhảm nhí, vô thưởng, vô phạt... Song, việc chọn một tác phẩm thơ đưa vào sách giáo khoa phải thật thận trọng, chuẩn mực", nhà văn Song Hà nhận xét.

Về bài thơ Bắt nạt: Có thể làm thơ tào lao nhưng vào sách cần chuẩn mực - 1

Bài thơ "Bắt nạt" in trong sách ngữ văn lớp 6, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" nhận được nhiều quan điểm trái chiều (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Giữa ồn ào về bài thơ Bắt nạt, nhà văn Song Hà nhận định bất cứ ai cũng có một quyền mà không ai có thể ngăn cản được, đó là quyền làm thơ.

Nhà văn Song Hà cho rằng: "Thi sĩ vẫn có thể làm thơ dở, thơ lăng nhăng, thơ tào lao, nhảm nhí, thơ vô thưởng, vô phạt... Song, việc chọn một tác phẩm thơ để đưa vào sách giáo khoa (SGK) phải thật thận trọng, chuẩn mực".

"Thơ trong SGK trước hết phải mang tính chuẩn mực, phải có tính thơ, vần điệu,... Cái quan trọng nhất phải vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật vừa có giá trị về mặt tư tưởng", ông Song Hà nói.

Cảm nhận cá nhân, ông cho rằng bài thơ Bắt nạt đọc khá trúc trắc.

"Bài thơ đọc khá ngô nghê, trúc trắc, mang tính đơn thuần, thô sơ, giáo dục một cách "sống", "sượng". Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của học sinh. Đặc biệt không hình thành cảm xúc yêu văn, yêu thơ của lứa tuổi mà thơ văn rất dễ ngấm vào tâm hồn non nớt của trẻ", ông Hà bày tỏ.

Ông Hà dẫn chứng lại những tác phẩm văn học đậm chất nghệ thuật đã từng được đưa vào SGK mà bao nhiêu thế hệ học sinh vẫn ghi nhớ như: Quê hương, Cô giáo lớp em, Thương ông, Cô dạy, Cái trống trường em, Làm anh...

"Những giá trị mang tính nghệ thuật sẽ luôn trường tồn. Không phải thơ sáng tác lâu thì cũ kỹ. Nhiều bài thơ đã trải qua hàng chục năm vẫn mang hơi thở thời đại về giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người, gia đình, thiên nhiên...

Không phải cứ gọi là hiện đại thì học sinh có thể hiểu được, cảm nhận được. Hiện đại phải phù hợp với nhận thức của trẻ", nhà văn Song Hà phân tích.

Với bài thơ Bắt nạt đang gây tranh cãi, nhà văn Song Hà nhận định nếu bộ phận biên tập sách quá thích bài thơ này nên đưa vào cuốn sách giáo dục công dân để tuyên truyền về tình trạng bắt nạt học đường hoặc để học sinh nghiên cứu ở cấp cao hơn.

Một phó giáo sư, nhà phê bình văn học cho hay ông không lên tiếng phê bình hay chê bai gì tác phẩm bởi "văn mình, vợ người", mỗi người có cảm nhận riêng. Song, ông không đồng tình khi đưa bài thơ này vào SGK bởi ngữ liệu để dạy cho học sinh phải mang tính dễ hiểu, phổ quát và phù hợp.

Ông cho rằng những tranh cãi vừa qua cho thấy cần xem xét lại về bài thơ Bắt nạt có nên được đưa vào chương trình chính khóa hay không.

"Tôi cho rằng có nhiều bài thơ khác xứng đáng hơn để đưa vào SGK", vị này cho hay.

Về bài thơ Bắt nạt: Có thể làm thơ tào lao nhưng vào sách cần chuẩn mực - 2

Bài thơ "Bắt nạt" in trong sách Ngữ văn lớp 6, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (Ảnh chụp lại sách điện tử).

ThS Phan Thế Hoài - giáo viên dạy môn ngữ văn tại TPHCM - cho rằng về thể loại (thơ), bài thơ Bắt nạt chưa đạt yêu cầu về cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu, chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 6 (12 tuổi).

Chẳng hạn, đa số học sinh (kể cả thành thị) vẫn không biết mù tạt là gì, hay các em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng không biết hip-hóp là điệu nhảy thế nào. Hơn nữa, đưa "mù tạt" và "hip-hóp" để khuyên các em đừng nên bắt nạt là một cách liên tưởng, so sánh khập khiễng.

Ngoài ra, theo giáo viên này, ông cũng không hiểu nội dung những câu thơ này có ý nghĩa gì. Ông dẫn chứng đoạn: "Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay/ Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi?".

"Nếu tôi là giáo viên dạy môn ngữ văn chương trình 6, tôi sẽ thay bài này bằng một bài hay hơn, có tính thẩm mỹ hơn", ThS Phan Thế Hoài bày tỏ.

Trong khi đó, vẫn có những lời khen dành cho bài thơ này. Phân tích về bài thơ trong cuốn sách "Làm chủ kiến thức ngữ văn bằng sơ đồ tư duy", tác giả Hoàng Thị Vân Anh và Lê Thị Ngọc nhận định bài thơ có 8 khổ được viết theo thể thơ 5 chữ, có yếu tố tự sự - kể chuyện bằng thơ.

Bài thơ là lời của nhân vật "tớ". "Tớ" bộc lộ tình cảm, cảm xúc với các bạn bắt nạt và bị bắt nạt. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, mang hơi thở mạnh mẽ, phóng khoáng của thời đại, nhà thơ đã nêu lên quan điểm phê phán thói bắt nạt kẻ khác của nhiều người...

Theo các tác giả, nghệ thuật độc đáo của bài thơ ở chỗ thể thơ 5 chữ, gieo vần linh hoạt. Nghệ thuật điệp ngữ, điệp cấu trúc câu như đừng bắt nạt...;  Sao không…. Giọng thơ tự nhiên, vui tươi, dí dỏm.

Hiện bài thơ vẫn nhận được sự tranh luận lớn về sự phù hợp khi đưa vào chương trình SGK.

Bắt nạt nằm trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh (NXB Thế giới, 2017). Theo chia sẻ của tác giả, tập thơ này đã tiêu thụ 11.000 bản và ông chưa từng dính điều tiếng nào cho đến khi bài thơ được đưa vào sách ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm