Trình Quốc hội quyết định việc biên soạn bộ sách giáo khoa Nhà nước
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 sau cuộc giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Giao nhiệm vụ về tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa Nhà nước
Một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 "Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT)" là đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK).
Cùng với đó, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
Nghị quyết cũng chỉ rõ những bất cập trong biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK như:
Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung GDPT; công tác quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn.
Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng.
Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là cuốn tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6, lịch sử lớp 11.
Vấn đề cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian.
Tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách diễn ra trước thềm năm học mới. Việc mua sách ngoài thị trường gặp khó khăn. Việc in sách lậu, phát hành sách giả diễn ra phức tạp.
Một tồn tại khác là SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
NXB Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định về lựa chọn SGK tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Điều này tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.
Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng.
Giá sách mới tăng 2-4 lần, chiết khấu hoa hồng cao
Nội dung kết luận nêu rõ giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2018 tăng gấp 2-4 lần giá sách theo Chương trình GDPT 2006. Số đầu sách tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.
Giá SGK môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được NXB Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.
Mức chi phí phát hành tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của NXB Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Mức chiết khấu ở năm học 2022-2023 lần lượt là 28,5% - 35% - 15%.
Từ những hạn chế trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra hàng loạt giải pháp. Một trong số đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình GDPT 2018, nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp THPT; khẩn trương sửa chữa, khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong các SGK đã phát hành; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khó
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc xây dựng chương trình GDPT là nhiệm vụ mới, khó, diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Một số tác nhân gây trở ngại như: Số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng; điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau; nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn khó khăn...
Hạn chế về yếu tố con người gồm: Nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao; trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch...
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK GDPT, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDPT đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.
Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.
Chương trình GDPT mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông.
Điểm tích cực là đã đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong năm 2023, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ và kinh phí bảo đảm hoàn thành từng nhiệm vụ, trong đó, có việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể bảo đảm thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp quy định Nghị quyết này và các giải pháp, kiến nghị nêu trong Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát.
Kế hoạch cần được gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giám sát, phối hợp.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội, UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về kết quả thực hiện việc đổi mới chương trình, SGK GDPT.