Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Bất lực với loa kẹo kéo

Từ tháng 4/2022, lãnh đạo TP Hội An (Quảng Nam) đã ký thông báo về việc chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm về âm thanh, tiếng ồn tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hội An cấm loa kéo, dàn karaoke lưu động trong các cơ sở lưu trú; nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

"Khi phát hiện việc gây tiếng ồn từ những cơ sở kinh doanh, lưu trú xung quanh, đề nghị điện thoại báo UBND các xã phường sở tại để phối hợp xử lý. Nếu địa phương nào không xử lý thì Chủ tịch UBND xã phường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố", trích thông báo của TP Hội An.

Nhưng đến tháng 6/2023, theo phản ánh trên báo Dân trí, tình trạng loa kẹo kéo" lại bùng phát ở Hội An mà cụ thể là tại xã Cẩm Thanh "Tuy đã có văn bản cấm loa kẹo kéo trong khu lưu trú nhưng không triệt để. Từ trước nay, chính quyền chưa kiên quyết xử lý tình trạng này. Nếu homestay nào vi phạm thì xử lý, chấn chỉnh may ra mới hạn chế được. Tôi thấy không có ai đi nhắc nhở, chấn chỉnh việc này cả", một chủ homestay trả lời phóng viên báo Dân trí.

Hội An _ Ngô Linh.jpg

Du khách đạp xe khám phá Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Đến 20/11 vừa qua, UBND xã Cẩm Thanh, TP Hội An, lại tiếp tục đưa ra lệnh cấm tổ chức hát Karaoke trong khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu. Theo đó, sau ngày 20/11, nếu cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vi phạm sẽ thực hiện xử lý theo quy định pháp luật và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nhưng 3 ngày sau, 22/11/, phóng viên tới khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu vẫn thấy bát nháo âm thanh của loa kẹo kéo. Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Chiến - Chủ tịch xã Cẩm Thanh - cho biết: "Khi anh em ở xã xuống là họ (những cơ sở sử dụng loa kẹo kéo) chạy trốn, khi anh em về là trở lại. Phải nhờ đến công an thành phố, công an tỉnh chứ còn anh em ở địa phương làm không xuể".

Phóng viên đặt câu hỏi có phải chính quyền địa phương bất lực với sự lộng hành của một số cơ sở du lịch sử dụng loa kẹo kéo? Ông Trần Chiến trả lời: "Sao mà bất lực được" rồi tắt điện thoại.

Hội An không phải địa phương duy nhất gặp khó trước vấn nạn loa kẹo kéo. Trước đó, ngay cả khi có Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ 25/8/2022) thì nhiều địa phương vẫn không thể xử phạt một cơ sở cụ thể nào đó. Dù trong nghị định đã quy định mức ồn tương ứng mức phạt cao nhất lên tới 160 triệu đồng cùng các biện pháp kèm theo. Lý do khiến cán bộ phường nhiều nơi… bó tay là muốn phạt phải có… máy đo tiếng ồn, mà phường thì không có.

Trên các trang thương mại điện tử bán những chiếc máy đo tiếng ồn chỉ  trên dưới 200.000 đồng, đắt lắm cũng chỉ đến 850.000 đồng, không lẽ phường không mua nổi? Không! Lý do là máy đo tiếng ồn phải đúng loại có kiểm định của cơ quan chức năng. Thế nên, dù rất nỗ lực, khi nghe tin trình báo tố cáo, đội ngũ cán bộ chuyên trách phải xuống xác minh và phạt theo… Nghị định 144 gây ồn ào sau 22h với mức phạt chỉ là 750.000đ là "kịch kim". Chưa kể nếu người vi phạm lần đầu thì chỉ được… nhắc nhở.

Nói vậy không phải để "bênh" cho Hội An vì đã không xử lý được triệt để loa kẹo kéo thời gian qua, dù nhãn tiền thấy được là Hội An đang ngày một ô nhiễm tiếng ồn khiến nhiều du khách không còn muốn quay lại, thậm chí nhiều người dân phải dọn nhà đi nơi khác. Tình hình này xảy ra tương tự tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… hay nhiều khu du lịch khác trên cả nước.

Và không chỉ chuyện chiếc loa kẹo kéo ngày càng rẻ, tấn công cả các khu chung cư, nơi mà đi mấy bước là có nguyên đội thể dục nhảy theo điệu nhạc phát ra từ loa kẹo kéo của các bà các cô, vài bước nữa thì thấy chị nọ, cô kia ôm điện thoại hát karaoke trên nền nhạc phát ra từ một chiếc loa kẹo kéo khác. Chưa kể dịch vụ hát karaoke theo bài mà chủ dịch vụ chỉ cần đầu tư một chiếc loa kéo + chiếc điện thoại và thu 5.000-10.000 đồng mỗi bài.

Ô nhiễm tiếng ồn thực sự là một khủng hoảng đô thị và khủng hoảng đối với các khu du lịch dựa vào thế mạnh là phong cảnh thiên nhiên, là sự yên tĩnh, nơi du khách tìm đến để nghỉ ngơi, tránh xa ồn ào của phố phường chật hẹp.

Luật Bảo vệ môi trường hay các nghị định về an ninh trật tự đều đề cập vấn đề nêu trên và đưa ra mức phạt. Nghị định 155 cũ hay nghị định 45 mới cũng quán triệt xử lý ô nhiễm tiếng ồn nhưng tiếng ồn chưa bao giờ thuyên giảm. Thậm chí còn ngày một gia tăng với đủ loại tấn công tai người xung quanh. Từ những chiếc còi hơi ô tô vẫn xé tai ngay trên đường phố bất chấp quy định sử dụng còi hơi. Đến những chiếc xe phân khối lớn rú ga rung cả cửa kính trong ánh mắt ngời lên ngạo nghễ của chủ xe. Từ cả những góc ngã tư đông đúc, những người hát rong xin tiền từ thiện đến những quán cà phê, quán ăn, thậm chí cửa hàng quần áo, giày dép… cũng mỗi nhà một cái loa thùng chơi đủ loại nhạc Hàn, Mỹ, Trung, Việt… cốt để gây sự chú ý với khách qua lại.

Khi mà hầu hết cơ sở kinh doanh Karaoke đều đã đóng cửa, việc người ta ra công viên, sân tập thể, chung cư hay vỉa hè hát thật sự kinh khủng với đủ loại giọng hát bất chấp… sĩ diện và bất cần ai nghe. Thậm chí, trong thang máy, khoảng không gian chật chội thế mà người ta vẫn có thể bật loa ngoài xem clip, hoặc nói chuyện oang oang với nhau bất chấp những ánh mắt khó chịu của người xung quanh thì việc loa thùng trên phố chả có gì là phải nghĩ cả.

Ai cũng biết nguy cơ và những tổn thương gây ra bởi tiếng ồn nhưng chẳng ai quan tâm. Quy định đã có nhưng tính khả thi, đi vào đời sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả đến đâu? Chưa thấy cơ quan nào đánh giá. Chỉ có người dân lại đành đóng cửa bịt tai mà sống chung với ô nhiễm tiếng ồn. Hoặc lại giống một vụ tranh đấu nọ cách đây chưa lâu, phản ứng trước tiếng ồn từ loa thùng của các cụ già tập thể dục ở một chung cư, đám trẻ lôi loa thùng ra bật… nhạc đám ma. Để rồi, tiếng ồn vẫn cứ ồn, các văn bản vẫn cứ được ban hành, chẳng liên quan gì tới nhau.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!