Từ loa công cộng Nhật Bản, nghĩ về loa phường Hà Nội
Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tiếp tục "phủ sóng" loa phường. Theo đó, trong vòng 3 năm tới, Thủ đô phấn đấu 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Kế hoạch này ít nhiều gây ngạc nhiên, bởi người Hà Nội đều nhớ rằng, 5 năm trước, một lãnh đạo thành phố lúc đó cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", và chính quyền đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ hệ thống này. Sau đó, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường ở các huyện, xã; giảm dần tại các quận nội thành và sẽ lắp đặt ở những vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân.
Vì loa phường liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân nên những thông tin kể trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng và bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Ở góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ loa phường phát theo giờ cố định và dùng loa để cập nhật các bản tin hàng ngày. Người dân không có nhu cầu lắng nghe các thông tin chẳng liên quan đến họ và những bài hát mà họ không thích. Ở góc độ một thành phố là trung tâm du lịch như Hà Nội, một khách sạn ở khu vực trung tâm có thể mất đi nguồn khách quen nếu loa phường cứ phát cạnh cửa sổ phòng nghỉ vào 6h sáng mỗi ngày. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hệ thống loa phường không cần thiết, vấn đề là phát nội dung gì trên loa, âm lượng bao nhiêu và tần suất như thế nào cần được bàn bạc kỹ và cần tôn trọng người dân.
Ở Nhật, những người thuê nhà gần sân bay và cao tốc sẽ có giá rất rẻ vì khu đó tiếng ồn cao. Người Nhật tôn trọng và thường dành cho nhau không gian tĩnh lặng. Mặc dù vậy họ vẫn phải duy trì hệ thống loa phát thanh trên toàn nước Nhật nhằm phục vụ cho mục đích cảnh báo thiên tai.
Vào chiều ngày 11 tháng 3 năm 2011, lúc 14h46 một trận động đất lớn chưa từng có xảy ra ở vùng ven biển phía Đông Bắc của Nhật Bản. Đúng 14h47 phút, toàn bộ hệ thống loa ở vùng ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản được tự động phát đi âm thanh cảnh báo khẩn cấp về sóng thần (alarm), và chỉ sau đó 10 phút hệ thống loa này đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ bị sóng thần và độ cao của sóng thần. Đây là hệ thống loa được trang bị hầu khắp các vùng miền của Nhật Bản nhằm phát đi thông tin cảnh báo động đất, sóng thần, ô nhiễm phóng xạ, lũ lụt,… nhanh nhất đến với người dân ở vùng nguy hiểm. Hệ thống cảnh báo được kết nối với trung tâm điều hành và về mặt lý thuyết, chỉ cần 7 giây thì thông điệp cảnh báo thiên tai có thể truyền đến từng ngóc ngách của Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, đa số người Nhật có điện thoại thông minh và có thể tiếp cận với internet bằng điện thoại nên các thông tin cảnh báo trên mạng có thể vẫn đến được điện thoại của người dùng. Tuy nhiên sẽ có những người chăm chỉ làm việc đến mức họ sẽ chỉ mở điện thoại để xem tin nhắn vào một khung giờ nhất định, hoặc cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng để không làm phiền người xung quanh. Và như vậy, đa số những nhóm người không tiếp cận được với thông tin cảnh báo sẽ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Cũng vào chiều hôm đó, các nhà mạng phủ sóng ở vùng Đông Bắc Nhật Bản hầu như tê liệt do quá tải về người dùng gọi thông báo cho nhau cùng một lúc. Chính vì vậy các hạ tầng thông tin internet và viễn thông chỉ phát huy được phần nào.
Trận động đất kèm sóng thần năm đó cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người. Nhưng nếu không có hệ thống loa cảnh báo, số người thiệt mạng sẽ lớn hơn rất nhiều vì người dân vùng ven biển chỉ có 30 phút để chạy trước khi những cơn sóng thần cao từ 10m - 20m ập vào bờ biển.
Người Nhật không phá bỏ hệ thống loa đó ngay cả khi hạ tầng về viễn thông và internet đã phát triển hiện đại. Hệ thống loa công cộng phát tín hiệu âm thanh vào 5h chiều mỗi ngày, nhưng nó chỉ là âm thanh ngắn khoảng 15 giây, như một hồi chuông để kiểm tra xem có cái loa nào bị hư hỏng không để thay. Họ không dùng hệ thống loa đó để hỗ trợ các chính trị gia tranh cử, không dùng loa đó để phát nhạc, và tất nhiên không dùng hệ thống loa đó để quảng cáo thực phẩm chức năng.
Tôi làm về quản lý rủi ro thiên tai nhiều năm, đi đánh giá hệ thống hạ tầng cảnh báo thiên tai ở hầu hết vùng miền trong nước và các quốc gia khác trên thế giới, một thông tin tôi chưa bao giờ bỏ sót là tại địa bàn đó có hệ thống loa phát thanh công cộng hay không.
Hệ thống loa phát thanh công cộng là cần thiết đối với những thành phố, thôn bản có các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống loa đó phải được dùng đúng mục đích và không nên lạm dụng nó.
Được lắng nghe âm thanh là một quà tặng đối với con người, nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp mình không muốn nghe thì đó là sự khó chịu. Tùy cách và mục đích chúng ta dùng thì hệ thống loa phường sẽ được yêu hơn là bị ghét.
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!