DNews

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo

Hoài Thanh

(Dân trí) - Có hôm phóng viên bắt gặp người phụ nữ ở phòng dự khán cứ đứng sát vào màn hình, vẫy tay chào, cười với bị cáo bên trong phòng xử. Lần khác, người nhà ngồi khóc theo lời nói sau cùng của bị cáo.

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo

"Đại án Vạn Thịnh Phát" là cụm từ nhiều người dùng để gọi về phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo suốt một tháng qua.

Đại án, bởi có lẽ trong lịch sử tố tụng hàng chục năm qua, chưa từng có vụ án nào con số thiệt hại được ghi nhận khổng lồ đến vậy - rút hơn 1,06 triệu tỷ, gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng. Một người bình thường không thể hình dung nổi con số này nhiều thế nào.

Cũng chính từ phiên tòa này, câu hỏi đằng sau khối tài sản khổng lồ của bà Trương Mỹ Lan có lẽ phần nào đã được hé lộ, như lời nhận định của đại diện VKS: 94% tài sản của bà Lan là từ tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB.

Trước khi phiên tòa diễn ra, phóng viên tìm kiếm hình ảnh về các bị cáo để dễ dàng nhận diện họ khi ra tòa. Chỉ có khoảng 15/86 người trong số đó là tìm được ảnh. Nhưng tới khi họ xuất hiện tại tòa, thay cho những hình ảnh đạo mạo là những dung mạo già nua, mái tóc điểm bạc, thần sắc kém, bộ dạng run rẩy, dáng đi yếu ớt...

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo - 1

Các bị cáo tại tòa ngày 3/4 (Ảnh: A.T).

Từ bà tài phiệt "không nước mắt" tới bị cáo khóc nức nở

Bà Trương Mỹ Lan hầu tòa với cáo buộc chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Được biết đến là tầng lớp tài phiệt nổi tiếng trong nước và quốc tế nhưng thông tin, hình ảnh về bà Lan vô cùng hiếm hoi trên truyền thông. Bởi vậy, khi bà xuất hiện tại tòa, chân dung của bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới được hiện ra rõ ràng.

Nữ bị cáo có 4 chiếc áo sơ mi 4 màu mặc thay đổi trong một tháng diễn ra phiên tòa. Mái tóc hầu hết được cột lên, chỉ buông xõa vào ngày đầu và ngày bị đề nghị mức án tử hình. Là bị cáo đầu vụ, bà Lan được báo chí chụp ảnh, quay phim nhiều hơn cả. Dường như bà biết điều đó nên cũng phối hợp bằng việc không đeo khẩu trang như những bị cáo còn lại.

Trước tòa, bà Lan luôn tỏ thái độ lịch sự, nhẹ nhàng, "vâng, dạ" liên tục trước HĐXX, VKS. Ngay cả những khi bà không nhận tội, bác bỏ cáo buộc về mình thì vẫn giữ thái độ nhẹ nhàng.

Người phụ nữ gần 70 tuổi tỏ ra thông thạo, tinh tường để nghe và trả lời rành mạch, lưu loát các câu hỏi của chủ tọa. Bà theo dõi chăm chú phần trình bày của những bị cáo khác, cặm cụi ghi chú lại. Tới phần mình, bà luôn muốn được nói thêm, diễn giải nhiều hơn khiến nhiều lần HĐXX phải đề nghị bị cáo chỉ trả lời nội dung câu hỏi, không lan man.

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo - 2

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long)

"Tôi thường được gọi là người phụ nữ không có nước mắt", lời bà Trương Mỹ Lan tự nói về mình trong phần bào chữa bổ sung. Và Trương Huệ Vân, cháu gái của bà, cũng dùng cụm "người phụ nữ không có nước mắt, tinh thần thép" để chỉ người cô của mình.

Tuy vậy, đến khi được nói lời sau cùng, bà đã dành 45 phút trình bày trong nước mắt. Bà đọc lời nói sau cùng qua những tờ giấy đã được viết sẵn, nhưng bà khóc nhiều tới nỗi khiến lời nói bị ngắt quãng, đọc thành tiếng không rõ ràng.

Suốt quá trình xét xử, bà Trương Mỹ Lan nhiều lần cho biết không nhớ rõ chính xác con số tiền tỷ cho nhân viên. Tặng 2 tỷ hay 40 tỷ bà không nhớ, thế nhưng vị Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lại nhớ rất rõ giờ, phút, ngày, nơi mà bà bị bắt. Bị cáo còn cho biết nhớ từng thời khắc ở trong trại tạm giam, diễn tả chân thực khi nói lời sau cùng.

Bà tặng nhân viên SCB cổ phần trị giá 100 tỷ đồng và coi là "rất nhỏ so với tôi". Thế mà tại tòa, bà lại không dưới hai lần thốt lên tình cảnh "cả gia tộc tôi nợ nần".

Người phụ nữ sở hữu khối tài sản khổng lồ khiến ai cũng phải trầm trồ, bị cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, nhưng vào giờ phút bày tỏ cảm xúc sau cùng, lại chỉ nức nở khao khát một bữa cơm ngồi cùng gia đình. "Không biết còn có cơ hội gặp nhau nữa hay không, có được cùng nhau ăn chung một bữa cơm nữa không?".

Những bàn tay hiếm hoi vẫy qua màn hình

Số lượng bị cáo, luật sư, người tham gia phiên tòa đông khiến tòa án phải bố trí 3 phòng để xét xử. Có 4 màn hình tivi được truyền cho người theo dõi phiên tòa. 2 màn hình quay 2 góc khác nhau của phòng xét xử chính gồm HĐXX, VKS, bà Trương Mỹ Lan cùng một số bị cáo, luật sư. Màn hình thứ 3 là phòng xét xử thứ 2 ở bên ngoài gồm các bị cáo còn lại, rộng hơn. Và màn hình cuối cùng là phòng của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người nhà bị cáo.

Các bị cáo được xem là người nhà của nhau, như bà Trương Mỹ Lan và chồng là Chu Lập Cơ, cháu gái Trương Huệ cũng không được ngồi cùng một phòng xử.

"Trên chiếc xe tù dẫn giải rời khỏi tòa về trại giam, tôi chỉ ước bắt được những bàn tay vẫy của người thân bên lề đường hay qua màn hình tivi để tìm cháu ruột, chồng, người thân của tôi. Tôi tan nát cả cõi lòng", bà Trương Mỹ Lan nói.

Vụ án này có 79 bị cáo có mặt tại tòa. Nếu tính theo phép đơn giản nhất, mỗi bị cáo đều có người thân ngồi dõi theo thì sẽ có khoảng gần 80 người ngồi dự khán. Nhưng có lẽ không nhiều bị cáo có được may mắn này.

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo - 3

Các bị cáo theo dõi qua màn hình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Suốt một tháng qua, tại phòng xử dành cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người thân, theo quan sát của phóng viên, ngày nhiều nhất chỉ có khoảng 30 người (phần lớn là người liên quan), có ngày chỉ có 7-8 người. 

"Chưa được gặp gia đình" là câu mà nhiều bị cáo bày tỏ trong lời nói sau cùng, cho biết mười mấy tháng từ khi bị tạm giam, họ chưa gặp người thân.

Ngồi ở phòng báo chí theo dõi 4 màn hình, có nhiều hôm phóng viên bắt gặp người phụ nữ ở phòng dự khán cứ đứng sát vào màn hình, vẫy tay chào, cười; có lúc lại thấy vài người khác cũng cứ đứng "xớ rớ" ở góc đó, vẫy tay liên tục.

Vào một ngày quan sát kỹ hơn, tôi thấy ở những góc màn hình khác, một vài bị cáo cũng vẫy tay chào lại, mỉm cười đáp lại, hay làm biểu tượng ghi nhận sẽ cố gắng để truyền lại qua màn hình tivi.

Khuôn viên tòa án được kiểm soát chặt chẽ nhiều lớp an ninh nên cũng không hề có bóng dáng người thân nào đứng chờ ở sân tòa. Những khoảnh khắc ngắn ngủi truyền tín hiệu qua màn hình tivi từ khoảng cách xa như vậy có lẽ giúp các bị cáo nguôi ngoai phần nào.

Nói lời cuối cùng, nhiều bị cáo nhắn gửi đến người thân, gia đình, bạn bè, nói những câu xin lỗi tha thiết. Nhiều người ngồi ở phòng dự khán đã rơi nước mắt theo. 

Đoàn xe đi từ sáng sớm, về tối muộn

Suốt một tháng qua, đoàn xe gần 20 chiếc bao gồm xe phạm, ô tô khách 29 chỗ, xe chở lực lượng y tế, cán bộ công an... đều đặn khởi hành từ trại tạm giam T30 (huyện Củ Chi, TPHCM) đến TAND TPHCM (quận 1).

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo - 4

Hàng chục xe CSGT dẫn giải các bị cáo từ trại giam về TAND TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Theo chia sẻ từ một số cảnh sát tham gia bảo vệ an ninh phiên tòa, có khoảng 300 cảnh sát đã được huy động. Lực lượng chia thành nhiều nhóm: dẫn đoàn, dẫn giải bị cáo, bảo vệ trong phòng xử án và dự khán, đảm bảo trật tự khuôn viên bên trong và xung quanh tòa án...

Với bác sĩ của Bệnh viện Công an TPHCM tham gia phụ trách y tế, có người phải đi từ 3h sáng ở trung tâm thành phố để lên trại T30 nhập chung đội hình di chuyển. Họ về tới nhà khi đồng hồ điểm 21h-22h.

Một tháng qua, đều đặn 5h-5h30, các chiến sĩ xuất phát từ trại giam T30 trích xuất bị cáo đến tòa vào khoảng 6h30. Các bị cáo được chia thành nhiều nhóm, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan được áp giải riêng một xe.

Tại tòa, an ninh được triển khai nghiêm ngặt, bố trí lực lượng khắp nơi để đảm bảo trật tự phiên tòa được diễn ra. 

Số lượng bị cáo nhiều, lực lượng đông, thời gian xét xử kéo dài và liên tục, giờ trưa các bị cáo được bố trí ở lại TAND TPHCM, chứ không áp giải về lại trại tạm giam như nhiều vụ án khác.

Cuối ngày, đến hơn 17h, khi HĐXX chuẩn bị tuyên bố kết thúc ngày xét xử, tất cả đội hình xe được dàn thành hàng theo các vị trí đã được sắp xếp, nổ máy chờ sẵn. 

Các bị cáo lần lượt được áp giải ra xe. Khi đã đủ đội hình, 3-4 xe cảnh sát dẫn đoàn chạy trước, chỉ huy đoàn sẽ nói qua bộ đàm, đọc tên xe theo 4 chữ số cuối của biển số, các xe theo đó lần lượt di chuyển ra khỏi tòa án. Mọi công đoạn được triển khai rốt ráo, chuẩn chỉnh, nghiêm túc.

Trong phần nói lời sau cùng của các bị cáo, nhiều người đã gửi lời cảm ơn đến trại tạm giam, lực lượng dẫn giải, bảo vệ trật tự phiên tòa, y tế... đã chăm sóc, hỗ trợ, động viên tinh thần, chăm lo ăn uống cho các bị cáo.

Nụ cười, nước mắt đằng sau phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo - 5

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Ảnh: Hải Long)

Một tháng ngồi theo dõi phiên tòa, nhóm phóng viên "ngợp" trước những con số được nêu ra trong vụ án. Nhiều lần nghe qua số tiền, người viết phải dò lại cáo trạng vì sợ nghe nhầm. Triệu tỷ, trăm nghìn tỷ, chục nghìn tỷ..., người gây thiệt hại ít nhất cũng vài chục tỷ đồng.

Tôi nhớ tại phòng xử này của TAND TPHCM 5 năm trước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) từng gây sốt với câu nói: "Tiền nhiều để làm gì mà hôm nay ngồi như thế này?!". Câu nói này của ông Vũ có lẽ đúng với cảm xúc nhìn từ phiên tòa đại án này.

3 ngày nữa HĐXX sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng dành cho các bị cáo. Mỗi người sẽ phải đón nhận bản án tương xứng với hậu quả do hành vi của mình gây ra.