Chu Lập Cơ xin cứu bà Trương Mỹ Lan, hối hận để vợ cô đơn ở thương trường
(Dân trí) - "Tôi gửi lời xin lỗi từ tận trái tim đến vợ vì để bà đơn độc trên thương trường, đưa ra quyết định rủi ro", bị cáo Chu Lập cơ nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
Ngày 4/4, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) là người tiếp theo sau bà Trương Mỹ Lan và ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) được nói lời sau cùng.
Theo quan sát của phóng viên Dân trí, sáng nay, bà Lan không ngồi tại phòng xét xử để nghe các bị cáo nói lời sau cùng.
Bài học thượng tôn pháp luật
Bị cáo Văn bày tỏ sự "tâm phục khẩu phục" với HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo, luật sư được trình bày quan điểm trong vụ án. Ông cũng thể hiện sự biết ơn tới các đội áp giải, cơ quan điều tra, tố tụng…
Trong 20 phút trình bày không cầm giấy, cựu Tổng giám đốc SCB xin khoan hồng cho các bị cáo là cán bộ thanh tra và cán bộ SCB đã vì sai phạm tại ngân hàng mà phần nào liên quan lao lý. Văn cũng giãi bày về việc tặng quà cho đoàn thanh tra.
Theo bị cáo, thời điểm đoàn thanh tra kết thúc thanh tra lần 1 và quay về Hà Nội là gần năm học mới, bị cáo có ý định tặng quà, tiền như nghĩa cử chia sẻ cho sự tâm huyết của đoàn thanh tra với SCB.
Bị cáo cũng xin HĐXX khoan dung với bà Đỗ Thị Nhàn và bà Trương Mỹ Lan. Văn cho biết trước khi vụ án xảy ra, Vạn Thịnh Phát và bà Lan đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau, theo tính toán của bị cáo, tập đoàn có khoảng 20.000 lao động, tài sản nghỉn tỷ USD. So quy mô với tập đoàn khác ở các nước đầu tư vào Việt Nam thì tương đương.
"Cho dù tổ chức Vạn Thịnh Phát hoạt động theo cách thức đặc thù, sự đóng góp cho sự tăng trưởng GDP quốc gia là có thật", bị cáo nói, trình bày thêm Vạn Thịnh Phát đã cung cấp 25 triệu liều vaccine đóng góp cho đất nước những ngày dịch Covid-19.
"Vaccine đó cứu hàng triệu người, sự đóng góp của Vạn Thịnh Phát rất thực tế, đáng ghi nhận. Bị cáo tin rằng trong hoàn cảnh cơ cực này của bà Lan, việc khoan hồng của HĐXX sẽ cho bà cơ hội để đứng lên từ sai lầm của mình, có cơ hội làm lại cuộc đời", Văn nói.
Theo bị cáo, tất cả việc xảy ra thời gian qua đem đến cho rất nhiều người bài học lớn và có giá trị. Với cá nhân bị cáo, bài học lớn nhất và đắt giá nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật.
"Bị cáo muốn những người bên ngoài nhìn vào bài học thượng tôn pháp luật này để giữ tinh thần trong quá trình làm việc, kinh doanh để bảo vệ cho chính bản thân mình. Cầu xin sự tha thứ cho bị cáo và nhân viên SCB qua các thời kỳ. Họ chỉ làm theo những gì kế thừa", cựu Tổng giám đốc SCB nói.
Lúc này, bị cáo ngừng nói, giọng chùng xuống, xen cảm xúc. "Bị cáo cầu xin được tha thứ, sự tha thứ đó dành cho bị cáo và 85 bị cáo khác chính là sự tha thứ của HĐXX cho 86 gia đình, cho bậc làm cha mẹ, cho hàng trăm đứa trẻ chờ mong cha mẹ trở về với 1 câu hỏi đau đớn "sao cha mẹ lâu quá không về với con". Các con lớn lên với sự đầy đủ của cha mẹ chính là niềm vui", Văn bộc bạch.
"Cơ hội nhìn lại nửa cuộc đời"
Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB) nối tiếp trình bày lời nói sau cùng. Bị cáo nói biết mình mắc nhiều lầm lỗi, gây nhiều hậu quả. Thời gian đầu bị bắt, bị cáo tự hỏi tại sao mình lại sai như vậy.
"Tới một ngày bị cáo nhận ra tuổi trẻ của mình quá nông nỗi và bồng bột để lao vào cuộc sống mưu sinh, đánh mất mình là ai và mục đích cuộc đời là gì", Hoàng nói.
Nếu có cơ hội trở về muốn bị cáo muốn là một công dân bình thường, là người con của cha mẹ 2 bên, người chồng tử tế và người cha gương mẫu.
"Bị cáo được ban phước làm cha 2 đứa nhỏ và vô phước nhận ra điều đó. Đây là bài học rất đắt giá", Hoàng xúc động. Lúc này, qua màn hình tivi, hàng ghế dự khán cũng có nhiều người cầm khăn lau nước mắt.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng xin HĐXX xem xét khoan dung, vì bị cáo là con một trong gia đình, lao động chính duy nhất. Khi bị bắt, ở nhà vợ bôn ba lo cho gia đình 2 bên, 18 tháng chưa được gặp.
Tiếp đó, bị cáo Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Tổng giám đốc phụ trách tài chính Vạn Thịnh Phát) cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan.
Khi làm việc cùng Vạn Thịnh Phát, bị cáo này phụ trách đưa tập đoàn lên sàn giao dịch chứng khoán, sau đó bà Lan nói bị cáo hỗ trợ thêm chuyên môn. "Không ngờ xảy ra vi phạm pháp luật, bị cáo bị đề nghị mức án cao, bị cáo không biết chuyện gì xảy ra. Khi xét xử, bị cáo nhận thức mình là mắt xích trong bức tranh đó", ông Phương trình bày.
Trương Huệ Vân xin giảm nhẹ cho bà Trương Mỹ Lan
Mở đầu phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân gửi lời cảm ơn đến trại tạm giam đã đối xử với bị cáo nhiều cảm thông và tình thương.
"18 tháng qua, bị cáo học vô số bài học quý giá. Bị cáo nhận thức bản chất sâu sắc của cuộc sống. Bài học quý giá nhất chỉ được học qua khổ đau. Sau tất cả bị cáo sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật", giọng bị cáo chùng xuống.
Bị cáo trích dẫn câu nói của triết gia Heraclitus về việc "không ai tắm 2 lần trên một dòng sông", để nói cuộc sống cần có sự tiến bộ. Cháu gái bà Lan mong tòa xem xét khoan dung cho các bị cáo, đặt các bị cáo trong hoàn cảnh phạm tội, lịch sử và xem xét cả giá trị phẩm chất của các bị cáo.
Bị cáo Vân xin HĐXX xem xét cho bà Trương Mỹ Lan. "Hôm qua bị cáo theo dõi lời sau cuối của bị cáo Mỹ Lan, một người phụ nữ được biết đến là không có nước mắt, tinh thần thép, nhưng dường như tan nát lòng khi đứng trước HĐXX", Vân xúc động.
"Kính xin HĐXX cho cô của bị cáo có cơ hội thoát khỏi án tử chực chờ, để cô bị cáo có thể dùng toàn bộ ý thức và nghị lực của mình giải quyết hậu quả vụ án. Chỉ có cô bị cáo mới có thể làm. Bên cạnh nỗi sợ hãi và khổ đau còn có niềm tin và hạnh phúc", Vân tha thiết và kết thúc lời nói sau cùng.
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (Phó trưởng Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát) xin HĐXX xem xét lại hình phạt, giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo cảm thấy mình là nhân viên bình thường, những việc làm sau này bị cáo không biết đã vô tình vi phạm pháp luật. Bị cáo không nhận thức được việc mình gây hậu quả lớn lao như vậy.
"Bị cáo thấy con số mà không dám ghi gì hết, nghĩ hoài không ra. Bị cáo giờ mới hiểu những việc mình làm là vi phạm. Xin HĐXX soi xét cho hành vi của bị cáo, xem khung hình phạt thấp nhất để bị cáo được về với mẹ, với con", bà Tâm nói.
Chu Lập Cơ xin lỗi bà Trương Mỹ Lan vì để vợ đơn độc trên thương trường
"Dù rất bình tĩnh, bị cáo vẫn chưa thể tin hậu quả đang gánh chịu, cảm giác xót xa với người vợ khiến tôi khó tha thứ cho mình", ông Cơ nói.
"Giá như ngày ấy tôi sát cánh cùng vợ để hiểu rủi ro, tôi đã can ngăn vợ việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng, thì sẽ không có cảnh gia đình tôi tan tác, mỗi người mỗi cảnh thế này", bị cáo nói tiếp.
Bị cáo Chu Lập Cơ xin HĐXX xem xét cho ông hưởng mức án nhẹ nhất, xin tòa khoan hồng cho vợ và cháu gái.
"Cho tôi cơ hội cứu vợ mình, chỉ có tôi mới làm được việc đó bằng những nỗ lực lớn nhất... Tôi gửi lời xin lỗi từ tận trái tim đến vợ vì để bà đơn độc trên thương trường, đưa ra quyết định rủi ro. Tôi hứa sẽ dùng phần đời còn lại sát cánh với vợ để khắc phục hậu quả vụ án", ông Chu Lập Cơ kết thúc lời nói sau cùng.