Thoát án chung thân ở giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị tử hình
(Dân trí) - Trong giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan được giảm nhẹ hình phạt từ tù chung thân xuống 30 năm, nhưng trong giai đoạn 1 bị cáo lĩnh án tử hình nên tổng hợp cả 2 giai đoạn phải chấp hành chung án tử hình.

TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giữ nguyên hình phạt 12 năm tù về tội Rửa tiền và 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành mức án chung của bản án này là 30 năm (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Tuy nhiên, tổng hợp với mức án tử hình tại giai đoạn một của vụ án, bà Trương Mỹ Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, toàn bộ tiền chiếm đoạt từ hành vi phát hành trái phiếu các bị cáo đều chuyển cho bà Lan sử dụng vào các mục đích cá nhân, nên bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.

HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
HĐXX: Bà Lan tha thiết dùng nhiều tài sản khắc phục thiệt hại
Tòa xác định, bà Lan là người giữ vai trò chính trong cả 3 tội danh. Những đồng phạm còn lại giúp sức cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Theo đó, HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã dùng các thủ đoạn gian dối, bán trái phiếu cho gần 36.000 bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
Đối với tội Rửa tiền, bà Lan và đồng phạm đã "rửa" 445.747 tỷ đồng. Đồng thời, bà Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc đã vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.
Với hành vi trên, bà Lan bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân.
Sau phiên xử sơ thẩm, Tòa Cấp cao nhận được thông báo của Cục thi hành án thông báo về việc đã thu hồi được hơn 8.600 tỷ đồng từ giai đoạn một của vụ án. Đây là số tiền rất lớn, ngoài ra còn có khả năng thu hồi được số tiền 15.000 tỷ đồng trong thời gian sắp tới.
Các khoản tiền này chưa bao gồm số cổ phần, cổ phiếu và các khoản tiền các tổ chức, cá nhân khác phải hoàn trả cho bà Lan là 21.000 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm giai đoạn một của vụ án, tòa xác định, số tiền thu hồi được của cả 2 giai đoạn được ưu tiên dùng để thi hành án khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Do đó, số tiền bà Lan có khả năng khắc phục thiệt hại cho các bị hại là rất lớn.

Tòa ghi nhận thiện chí khắc phục hậu quả của bà Lan (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ngoài ra, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, ăn năn hối cải, tha thiết dùng nhiều tài sản khác để khắc phục thiệt hại... Do đó, tòa chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ chung thân xuống hình phạt tù có thời hạn để thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Ngoài việc giảm nhẹ hình phạt cho bà Lan, HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo của nhiều bị cáo. Theo đó, tòa tuyên phạt ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) 1 năm tù về tội Rửa tiền (giảm 1 năm, dù không kháng cáo), bị cáo Trương Huệ Vân được giảm 2 năm tù xuống còn 3 năm tù, còn bà Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) được giảm 2 năm 3 tháng tù còn 2 năm 9 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
SCB kháng cáo đòi 1.000 tỷ đồng
Ngoài việc xem xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX cũng xem xét, xử lý các vấn đề liên quan tới tài sản trong vụ án.
Bản án sơ thẩm tuyên buộc ông Nguyễn Văn Liêm (người liên quan) phải hoàn trả cho bà Lan 1.000 tỷ đồng. Không đồng ý với phán quyết trên, SCB kháng cáo yêu cầu tòa tuyên người đàn ông trên phải trả tiền cho ngân hàng thay vì trả cho bà chủ Vạn Thịnh Phát.
HĐXX cho rằng quá trình điều tra, có đủ cơ sở chứng minh là khoản tiền của bà Lan đầu tư cùng ông Nguyễn Văn Liêm trong dự án Khu đô thị phát triển An Phú tại phường An Phú, TP Thủ Đức do Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm là chủ đầu tư có khoảng 20% là vốn góp nhà nước.
Bản án sơ thẩm xác định ông Nguyễn Văn Liêm có nhận 1.000 tỷ đồng từ bà Lan nên tuyên buộc người này phải trả lại để khắc phục hậu quả trong toàn bộ vụ án và tiếp tục duy trì lệnh kê biên, ngăn chặn giao dịch là phù hợp, đảm bảo việc thi hành án. Do đó, kháng cáo của SCB tòa không có căn cứ chấp nhận.
Bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đề nghị nhận lại số tiền 13 tỷ đồng trong tài khoản vì cho rằng đây là số tiền gửi tiết kiệm, không liên quan đến hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cho rằng số tiền trên có được từ nguồn lương, đầu tư bất động sản và tiền từ tài khoản mở sổ tiết kiệm từ năm 2006 nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các thu nhập khác ngoài mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ngoài ra, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Dũng thừa nhận đã nhiều lần (khoảng 80 lần) chuyển số tiền 1.100 tỷ có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của bị cáo Lan và đều được bị cáo Lan bồi dưỡng cho mỗi lần chuyển tiền. Như vậy, có căn cứ xác định số tiền trên liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, án sơ thẩm tuyên tiếp tục duy trì, phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành nghĩa vụ là phù hợp.
Không chấp nhận kháng cáo của các bị hại
Đối với kháng cáo yêu cầu thanh toán tiền lãi, tiền gốc, hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại, HĐXX xét thấy tại bản án sơ thẩm đã xác định các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối phát hành hơn 308.691 trái phiếu, tổng giá trị chiếm đoạt hơn 30.800 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ đi phần gốc, lãi bị hại đã thanh toán hiện còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Trong số này đã bao gồm 105 cá nhân nhận chuyển nhượng trái phiếu tại thời điểm truy tố. Tại phiên tòa sơ thẩm đã xác định phạm vi trách nhiệm dân sự của các bị cáo và bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho các bị hại là hơn 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền chiếm đoạt và giá trị bị chiếm đoạt của từng bị hại được xác định trên số lượng trái phiếu bị hại đang sở hữu tương đương với mệnh giá của một trái phiếu là 100.000 đồng và dùng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm đối với các bị cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, kháng cáo về lãi, phí chuyển nhượng và các loại thiệt hại khác cấp sơ thẩm nhận định không xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại về lãi, phí chuyển nhượng và các chi phí khác. Các nội dung này sẽ được xem xét, giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự nếu các bên có yêu cầu là phù hợp. Từ đó, HĐXX phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị hại.