Tuân thủ quy định lao động là bước tiến đáng kể để phát triển bền vững
(Dân trí) - Chuyên gia về phát triển bền vững nhận định, con người là trung tâm trong khía cạnh "xã hội" của doanh nghiệp. Tuân thủ quy định, chăm lo người lao động là việc làm vì lợi ích của chính doanh nghiệp.
Công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành xu hướng toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Trước sự quan tâm ngày càng cao của các nhà đầu tư đến các chỉ số phát triển bền vững khi ra quyết định đầu tư, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động tiếp cận, áp dụng các tiêu chuẩn này để nâng cao vị thế và tính cạnh tranh.
Nhằm cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về khía cạnh xã hội - chữ "S" (Social) trong ESG, hướng đến phát triển bền vững, PV Dân trí có cuộc trao đổi, thảo luận với Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) về vấn đề này.
Thực hành chữ "S" mang đến nhiều lợi ích doanh nghiệp
Là đại diện đến từ một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới cho các hoạt động của doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về những quy chuẩn tác động trực tiếp đến định hướng phát triển nguồn nhân lực bền vững hiện nay?
- Dựa trên kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp và quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các xu hướng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến nguồn nhân lực. Đầu tiên, cuộc cách mạng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), yêu cầu người lao động liên tục nâng cao kỹ năng của mình để đáp ứng sự thay đổi.
Thứ hai, xu hướng phát triển xanh tạo ra nhu cầu về các kiến thức và kỹ năng mới mà người lao động cần cập nhật để đáp ứng yêu cầu về bền vững.
Thứ ba, trong bối cảnh doanh nghiệp toàn cầu, năng suất lao động ngày càng được coi là yếu tố chính đóng góp vào hiệu quả kinh doanh.
Với các xu hướng này, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp không chỉ dừng ở câu hỏi "What" - người lao động cần làm gì, mà còn chú trọng đến "How" - làm như thế nào. Điều này không chỉ đòi hỏi kết quả công việc mà còn yêu cầu năng lực hành vi - yếu tố chiếm khoảng 20% trong tiêu chí đánh giá.
Theo nghiên cứu do EY phối hợp với Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford công bố năm 2024 mang tên Transformation leadership: Navigating turning points (tạm dịch: Dẫn dắt chuyển đổi: Điều hướng bước ngoặt), năng lực hành vi của người lao động là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững của tổ chức.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng dần chú trọng đến xu hướng này trong bối cảnh thay đổi về công nghệ, địa chính trị, và hội nhập kinh tế. Họ đang hướng đến chữ "How" và năng lực hành vi như là một phần thiết yếu của nguồn nhân lực bền vững.
Trong khung năng lực KSA (Knowledge - Kiến thức; Skills - Kỹ năng; Attitude - Thái độ), yếu tố "thái độ" đề cập đến tư duy, quan điểm và cảm xúc mà một cá nhân mang đến công việc và các tương tác trong môi trường làm việc. Nó bao gồm một loạt các thuộc tính như động lực, cam kết, đạo đức làm việc, tính tích cực, khả năng thích ứng và kỹ năng giao tiếp.
Thái độ tích cực của nhân viên góp phần vào mức độ gắn kết và hài lòng trong công việc cao hơn. Nhân viên có động lực và nhiệt tình với công việc của mình có khả năng làm việc hiệu quả và cam kết với vai trò của họ hơn. Thái độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc hài hòa, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Trong môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, khả năng thích ứng với các tình huống và thách thức mới là rất quan trọng. Nhân viên có thái độ tích cực thường linh hoạt và cởi mở với sự thay đổi, giúp họ trở thành tài sản quý giá trong thời kỳ chuyển đổi hoặc không chắc chắn.
Thái độ tích cực cũng là yếu tố then chốt trong các vai trò liên quan đến dịch vụ khách hàng hoặc tương tác với khách hàng, truyền cảm hứng, nâng cao tinh thần làm việc, khả năng giải quyết vấn đề.
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động phát triển năng lực này. Tương tự, trong môi trường giáo dục, các tổ chức cũng đang tích cực trang bị cho sinh viên những kỹ năng hành vi cần thiết. Trên thị trường lao động, các doanh nghiệp đang đầu tư vào chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực của người lao động trong các nhà máy.
Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững. Vậy yếu tố "S" trong bộ khung ESG được thể hiện cụ thể qua những khía cạnh nào, và điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của lực lượng lao động trong doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
- Yếu tố "S" trong bộ khung ESG đại diện cho khía cạnh "xã hội", bao gồm các yếu tố liên quan đến con người và cộng đồng trong và ngoài doanh nghiệp. Tôi xin nhấn mạnh là chữ "S" này không chỉ dừng lại ở phạm vi con người trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại doanh nghiệp, yếu tố này thể hiện ở nhiều điểm cụ thể như: Quyền lợi và phúc lợi của nhân viên, bao gồm cả chính sách về lương thưởng, bảo hiểm, và các phúc lợi khác; điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh…
Thứ hai là đào tạo và phát triển nhân viên thông qua các chương trình nâng cao năng lực và thăng tiến nghề nghiệp, hỗ trợ học tập và phát triển cá nhân.
Thứ ba là tạo môi trường làm việc không phân biệt đối xử, khuyến khích sự đa dạng về giới tính, tuổi tác, dân tộc, và quan điểm.
Ngoài ra, chữ "S" còn bao gồm quan hệ của doanh nghiệp với cộng đồng địa phương, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong chuỗi cung ứng, chống lao động trẻ em và lao động cưỡng bức; và minh bạch, đối thoại với nhân viên và các bên liên quan.
Việc thực hành các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể dễ dàng nhận thấy, khi nhân viên cảm thấy được tôn trọng và hỗ trợ, họ sẽ có động lực làm việc tốt hơn và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Việc đào tạo và phát triển giúp nhân viên nâng cao kỹ năng, cải thiện hiệu suất làm việc và cơ hội thăng tiến. Một môi trường làm việc đa dạng và dung hòa cũng khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, đồng thời giảm thiểu xung đột và tăng cường sự hợp tác. Các hoạt động xã hội và trách nhiệm cộng đồng giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, thu hút nhân tài và khách hàng.
Tóm lại, yếu tố "S" trong bộ khung ESG không chỉ là một phần quan trọng góp phần vào nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển con người và cộng đồng, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và bền vững.
Tại EY, chúng tôi coi thực hiện khung ESG không chỉ là một cách đóng góp cho cộng đồng, xã hội, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính mình.
Nhận thức về ESG tăng cao trong cộng đồng doanh nghiệp
Chữ "S" trong khung ESG đóng vai trò quan trọng, mang lại giá trị to lớn cho nhân lực của mỗi doanh nghiệp và quốc gia. Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đối với các vấn đề xã hội theo tiêu chuẩn ESG?
- Trước khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, chỉ những doanh nghiệp niêm yết theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Thời điểm đó, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về ESG rất hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung vào các yếu tố môi trường, như trồng cây xanh.
Kể từ khi có cam kết Net Zero, cùng với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và các yêu cầu quốc tế, nhận thức về ESG trong các doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên. Đà tăng này có được là nhờ sự thúc đẩy từ thị trường, từ yêu cầu của thị trường vốn, và các lộ trình quản lý nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến EY với mong muốn xây dựng chiến lược và báo cáo ESG, đặc biệt khi các định chế tài chính quốc tế cũng có yêu cầu doanh nghiệp thực hành ESG và các tiêu chuẩn xanh trước khi cấp vốn.
Đánh giá việc thực hành các yếu tố trong chữ "S" của ESG ở mức độ nào còn phụ thuộc vào chiến lược riêng của từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, chúng tôi từng tham gia vào quy trình kiểm tra việc tuân thủ yếu tố xã hội của các nhà cung cấp cho một doanh nghiệp công nghệ toàn cầu tại Việt Nam.
Trong quá trình này, chúng tôi kiểm tra xem các nhà cung cấp có tuân thủ quy định về không sử dụng lao động trẻ em và không tuyển dụng phụ nữ mang thai hay không, có tuân thủ các quy định của Bộ Luật Lao động, bao gồm chế định về bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động và lương tối thiểu hay không. Nhiều yếu tố trong chữ "S" đã được đưa vào luật, như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, lao động trẻ em... Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cũng đã là thực hiện một phần yếu tố "xã hội" trong ESG.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp lớn hơn, tùy vào điều kiện và chiến lược phát triển của mình, có thể làm nhiều hơn, hướng đến các tiêu chuẩn ESG cao hơn để trở thành nhà cung cấp cho các đối tác quốc tế hoặc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường toàn cầu, hay vì mục tiêu phát triển xa hơn.
Tại EY, chúng tôi có một chương trình đào tạo nhân viên rất hiệu quả. Chúng tôi hợp tác với các nền tảng giáo dục trực tuyến lớn để đội ngũ của mình luôn được tiếp cận miễn phí với tri thức, kỹ năng mới nhất trên thị trường lao động.
Với những giá trị tích cực mà các tiêu chuẩn xã hội mang lại cho môi trường làm việc của người lao động, doanh nghiệp sẽ nhận lại những lợi ích gì từ việc đầu tư cho con người nói riêng, đầu tư phát triển bền vững nói chung?
- Tôi sẽ bắt đầu bằng những ví dụ cụ thể. Một doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, phải ngồi xe lăn, nhưng lại là một người cực kỳ xuất sắc về bảo mật hệ thống thanh toán chẳng hạn, bằng cách không phân biệt đối xử với nhóm lao động yếu thế như vậy, ngân hàng tận dụng được năng lực xuất sắc của người đó cho một lĩnh vực thiết yếu với sự tồn tại và phát triển của mình. Vậy thì tại sao không?
Thực hành chữ "S" giúp doanh nghiệp, tổ chức phát huy được sức mạnh tổng hợp, tận dụng được những năng lực tốt nhất của nhiều người, thúc đẩy hợp tác, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sự đa dạng, như tôi đã đề cập ở trên. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh và sản xuất, cũng như cải thiện quản lý. Việc giữ chân người lao động lâu năm giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí tuyển dụng và đào tạo.
Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục tiêu số một vẫn là tăng doanh thu và mở rộng quy mô, việc đầu tư trực tiếp cho tiêu chuẩn "xã hội" vẫn còn nhiều rào cản. Do đó, nhiều quốc gia đã thực hiện việc đơn giản hóa các tiêu chí ESG cho những doanh nghiệp này. Đơn cử như tôi đã đề cập, việc tuân thủ các quy định pháp luật về lao động và các quy định liên quan đã là một bước tiến đáng kể.
Xin nhắc lại, ESG là một xu hướng không thể đảo ngược. Vì vậy, khuyến nghị của chúng tôi với doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào là hãy bắt đầu bằng việc tuân thủ, sau đó nâng dần mức độ thực hành ESG phù hợp với khả năng và chiến lược phát triển dài hạn của mình.