Thực hiện chữ "S" trong ESG để xây dựng nguồn nhân lực bền vững
(Dân trí) - Để thực hiện tốt vấn đề xã hội (chữ "S"), không chỉ doanh nghiệp mà còn cần cơ quan quản lý lao động, đào tạo tham gia. ESG không chỉ đẩy hiệu quả hoạt động mà còn giúp DN có nguồn nhân lực bền vững.
Điều kiện thuận lợi để xây dựng nguồn nhân lực bền vững
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi, đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là mô hình dự báo nhân lực cấp tỉnh duy nhất của cả nước, hoạt động hơn 15 năm qua.
Định kỳ hằng quý, Trung tâm thu thập các chỉ số cung cầu trên thị trường việc làm và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để đưa ra dự báo tình hình lao động trong thời gian tới.
Những số liệu trên rất quan trọng để cơ quan quản lý điều tiết thị trường lao động. Đồng thời, dữ liệu còn là căn cứ cho người lao động định hướng nghề nghiệp tương lai, các đơn vị đào tạo có kế hoạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường, tiến tới xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế TPHCM.
Sau 15 năm theo dõi thị trường, Falmi nhận thấy ESG (định hướng phát triển bền vững với các yếu tố Environmental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) đang nổi lên như một khung tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trách nhiệm xã hội và tác động của doanh nghiệp. Đồng thời, việc thực hành tốt ESG tại doanh nghiệp tạo nhiều thuận lợi cho việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững.
Theo Falmi, doanh nghiệp có định hướng ESG tốt sẽ tập trung nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống của nhân viên. Nhân viên cảm thấy được đóng góp vào mục tiêu chung của tổ chức, từ đó tăng sự gắn bó với công việc, doanh nghiệp.
Ngoài ra, ESG giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các ứng viên có trình độ cao. Nhân viên có xu hướng muốn làm việc lâu dài trong các công ty có chiến lược phát triển bền vững. Từ đó, tạo lợi thế thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, nhận định: "Những công ty thể hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường tốt sẽ được cộng đồng, khách hàng và đối tác tin tưởng hơn. Nhân viên cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho doanh nghiệp có uy tín cao về ESG".
Theo kết quả nghiên cứu của Falmi, nếu công tác dự báo nhu cầu nhân lực kết hợp với ESG, doanh nghiệp có thể tính toán và tối ưu hóa cơ cấu nhân sự cần thiết để thực hiện các mục tiêu ESG.
Đồng thời, để doanh nghiệp có thể triển khai các sáng kiến bảo vệ môi trường hoặc thúc đẩy các chính sách xã hội, doanh nghiệp cần có chuyên gia về lĩnh vực này. Việc này giúp thị trường lao động đa dạng, tạo thêm nhiều vị trí việc làm có giá trị lao động cao.
Chi phí đầu tư ESG cao mà khó thấy ngay kết quả
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, xây dựng một nguồn nhân lực bền vững không chỉ là mục tiêu dài hạn mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, đầy biến động.
Việc tích hợp ESG vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững mà các nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng đang hướng tới.
Tuy nhiên, thực tế đa số doanh nghiệp vẫn chưa nhận thấy lợi ích lâu dài đó, hoặc nhận thấy mà chưa có khả năng thực hiện. Khảo sát của Falmi về thực trạng áp dụng yếu tố xã hội (chữ "S" trong ESG) trong doanh nghiệp tại TPHCM năm 2023 cho thấy rõ điều này.
Qua khảo sát hơn 15.000 doanh nghiệp, Falmi ghi nhận thực tế, việc thực hiện các chỉ tiêu trong nội hàm chữ "S" của các doanh nghiệp chưa phổ biến. Những phúc lợi mang tính cơ bản như thưởng Tết, nghỉ dưỡng sức hằng năm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề… đều ở mức khiêm tốn, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện.
Theo đội ngũ nghiên cứu của Falmi, nguyên nhân đến từ việc thực hành ESG còn khá mới tại Việt Nam. Thực tế có nhiều khó khăn khi triển khai những tiêu chuẩn này trong tình hình hiện tại.
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, chi phí đầu tư ban đầu để thực hiện các chính sách ESG khá cao. Để xây dựng nguồn nhân lực bền vững và đáp ứng các yêu cầu ESG, doanh nghiệp phải đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Điều này đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài, trong khi kết quả đạt được có thể không thấy ngay lập tức. Đó là lý do mới chỉ những doanh nghiệp định hướng đi đường dài mới quan tâm đến ESG.
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc đo lường và theo dõi các kết quả từ ESG khá mơ hồ. Dù đầu tư vào ESG và xây dựng nguồn nhân lực bền vững mang lại nhiều lợi ích nhưng kết quả thường không thể hiện ngay lập tức bằng số liệu, lợi nhuận... Do đó, khi triển khai ESG, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư hoặc cổ đông nếu không thấy được kết quả trong ngắn hạn.
Nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu nhân sự làm ESG. Bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho rằng: "ESG đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn cao như quản trị rủi ro môi trường, đánh giá tác động xã hội và quản trị bền vững. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện tại chưa đáp ứng đủ các tiêu chí này do tính mới mẻ của lĩnh vực ESG. Việc đào tạo lại nhân viên có thể gặp phải sự kháng cự, hoặc việc chuyển đổi kỹ năng không đạt được hiệu quả mong muốn, ảnh hưởng đến sự triển khai của ESG".
ESG tạo nền tảng xây dựng nguồn nhân lực bền vững
Dù thực tế có không ít khó khăn để triển khai ESG nhưng theo Falmi, đây là xu hướng xã hội và con đường phải đi để doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế.
Do đó, đội ngũ nghiên cứu của Falmi khuyến nghị cơ quan quản lý lao động, đào tạo nghề nghiệp cần tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng, phát triển mô hình dự báo nhân lực gắn liền với các mục tiêu ESG; bao gồm những kỹ năng liên quan đến công nghệ xanh, quản trị rủi ro môi trường và trách nhiệm xã hội.
Theo Falmi, cần có cơ sở dữ liệu lớn để phân tích các xu hướng toàn cầu và địa phương về phát triển bền vững. Từ cơ sở dữ liệu đó, cơ quan quản lý có thể dự báo được nhu cầu nhân lực theo từng ngành, vị trí công việc và khu vực địa lý cụ thể.
Đồng thời, Falmi đề nghị các đơn vị đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho người lao động phù hợp với yêu cầu và phương hướng phát triển của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.
Chi phí đầu tư ban đầu để triển khai ESG cao mà không thấy được kết quả ngay tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho rằng: "Doanh nghiệp ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo liên tục về trách nhiệm môi trường, khuyến khích nhân viên có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình làm việc thì nên hợp tác với Falmi, các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức đào tạo để định hướng chương trình đào tạo nhân lực tương lai, phù hợp với các xu hướng phát triển bền vững và các yêu cầu ESG".
Falmi cũng kiến nghị cơ quan quản lý lao động có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và lực lượng lao động "chuyển mình" theo xu thế ESG tương lai.
Cụ thể, Falmi kiến nghị các trung tâm dịch vụ việc làm, giới thiệu việc làm cần quan tâm đến việc tạo cơ hội việc làm cho các nhóm lao động yếu thế, người lao động địa phương… Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Ngoài ra, các trung tâm nên thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động. Qua đó, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắt và nguyện vọng của người lao động để kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp để giữ chân lao động cũ và thu hút lao động mới.
Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.
Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.
Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.