DNews

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Bắt đầu ngày làm việc mới, Lê Thị Mỹ Giang (24 tuổi) đặt điện thoại mở sẵn camera ghi hình trên bàn rồi tập trung vào chiếc máy may. "Phiên livestream" khiến nữ công nhân thoải mái trong ca làm việc.

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ

Những lúc có thời gian rảnh, Giang quay video chia sẻ công việc ở xưởng may, trên đường đi làm về, chia sẻ cuộc sống sau giờ làm như một cách để giao lưu, kết nối với bạn bè, người thân quen trên mạng xã hội. Giang hiện là công nhân tại công ty may đồng phục Dony, một nơi thoải mái cho nhân viên được chia sẻ nhiều thứ tại nơi làm việc.

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 1

Ảnh chụp màn hình kênh Tiktok Giang quay lúc làm việc (Ảnh cắt từ clip NVCC).

"Tôi thấy công ty như nhà mình vậy nên không muốn nhảy việc. Làm ở đây 3 năm rồi, tôi rất hài lòng vì đi làm mệt nhưng tinh thần thoải mái, không bị áp lực", Giang nhận xét.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty Dony cho biết, ngày nay, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc sống của lao động trẻ. Ở công ty, hầu hết các nhân sự đều sở hữu vài ba tài khoản mạng xã hội khác nhau, nhiều người thường xuyên chia sẻ tình hình cuộc sống, công việc của mình trên đó.

Vị giám đốc "dễ tính" giải thích: "Công ty tôi tổ chức làm việc theo dạng khoán sản phẩm. Nhân viên có thể chủ động bố trí việc của mình, miễn là hoàn thành công việc được giao trong thời gian yêu cầu. Thỉnh thoảng lướt mạng xã hội, thấy hình ảnh kha khá công nhân mặc đồng phục công ty dễ thương lắm, tôi cũng vui thích, hào hứng.

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 2

Không khí làm việc thoải mái tại xưởng sản xuất áo sơ mi, Công ty May 10, tháng 4/2024 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tôi nghĩ, việc tạo điều kiện để cuộc sống của mọi người hài hòa không chỉ là cách cho nhân viên của mình một không khí làm việc thoải mái mà còn có thể truyền thông một cách rất tự nhiên về hình ảnh của công ty".

Được biết, người lao động tại đây ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả những nhân sự đầu 7X cho tới nhân sự chỉ mới 20 tuổi. Để tạo môi trường làm việc thân thiện và phù hợp với nhu cầu của nhân sự ở nhiều độ tuổi khác nhau, công ty luôn nỗ lực tạo không khí gia đình trong từng bộ phận để mỗi nhân viên đều cảm thấy thoải mái khi đi làm.

"Trước đây mình cũng cố gắng đặt ra những quy định chặt chẽ, giữ kỷ luật lao động khắt khe vì nghĩ rằng việc đó tạo ra sự quy củ trong doanh nghiệp. Rồi chúng tôi liên tục tổ chức các chương trình team building gắn kết, các buổi tiệc cuối tuần vì nghĩ rằng đó là cách khiến nhân viên vui vẻ. Nhưng thực tế thì mỗi nhân viên một cá tính. Nếu ép tất cả vào một khuôn mẫu vô hình trung khiến cho nhiều người cảm thấy gượng ép, không thoải mái khi tham gia các hoạt động tập thể", ông Quang Anh chiêm nghiệm. 

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 3
Giám đốc công ty Dony chú trọng tăng thu nhập và tạo môi trường làm việc thoải mái nhất cho lao động (Ảnh: NVCC)

Mỹ Giang, một bà mẹ với con nhỏ 3 tuổi, có nhu cầu được làm việc ở một công ty với quy định về giờ giấc dễ thở để có thể chăm sóc con nhỏ trong những lúc đau ốm mà không ảnh hưởng tới công việc. Giang cho biết, công ty có quy định về giờ làm việc nhưng lịch trình vẫn thường xuyên được cấp trên cân đối, sắp xếp linh hoạt để cho những lao động như cô vừa có thể tăng ca, vừa có thể chăm sóc con nhỏ.

"Ở đây quản lý không hạch sách, bấm giây tính giờ là công nhân sướng rồi", Giang hỉ hả. 

Khi sắp xếp các thứ tự ưu tiên để chọn và gắn bó với một doanh nghiệp, những lao động như Mỹ Giang cho biết mức lương và chế độ đãi ngộ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, tiếp đến chính là môi trường làm việc thoải mái. 

Hiểu được tâm lý đó, ông Quang Anh cho biết, những năm gần đây công ty chủ trương giảm thiểu chi phí cho các hoạt động đoàn thể mà số đông người lao động cho rằng không cần thiết, để dành tiền dồn vào phần lương và thưởng cho công nhân.

Với doanh nghiệp, người quản lý, theo ông Quang Anh, quan trọng là hiểu được nhu cầu bức thiết nhất với người lao động của mình là gì. Không phải cứ phong trào, sôi động, ồn ào mới là tốt. Nhờ tư tưởng này, mức thu nhập hàng tháng của công nhân được cải thiện. Trung bình mức lương của một thợ may lành nghề tại xưởng có thu nhập ổn định trong khoảng 9-16 triệu đồng/tháng. Những tháng cao điểm sản xuất, công nhân có thể đạt mức lương gần 20 triệu đồng. 

Thị trường lao động trẻ thách thức doanh nghiệp

Báo chí phương Tây ví châu Á là một công xưởng thế giới với thế mạnh là lao động giá rẻ. Nhưng theo Wall Street Journal (WSJ), kỷ nguyên lao động giá rẻ của châu Á sắp đi qua. "Công xưởng thế giới" đang chứng kiến một thế hệ lao động trẻ không muốn làm việc trong nhà máy. 

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 4

Kỷ nguyên lao động giá rẻ của châu Á sắp đi qua (Ảnh: WSJ)

Nguyễn Quốc Dũng, cán bộ phụ trách bộ phận tuyển dụng của Công ty may mặc SNB tại Bình Dương cho biết, vào hầu hết các thời điểm trong năm, gần 80% lao động trẻ muốn tìm việc làm thời vụ vì không muốn gắn bó lâu dài với công ty.

"Tôi cảm giác lao động không muốn gắn bó lắm, họ chỉ muốn làm thời vụ để có chi phí tạm thời và để… nhảy việc cho dễ", nam nhân viên HR nói.

Theo Dũng, lao động trẻ không muốn làm việc trong các nhà máy gò bó về mặt thời gian và mức lương thấp. Khi công việc ảnh hưởng đến chuyện gia đình và trách nhiệm chăm sóc con cái thì mức thu nhập ít ỏi không đủ níu chân công nhân, họ sẵn sàng nghỉ ngang.

"Cứ 500 người tuyển vào thì có 300 người rời đi. Điều này gây xáo trộn trong sản xuất và tốn kém trong việc tuyển dụng", Dũng nhìn nhận, không dễ để giữ chân những lao động trẻ, mới - một thế hệ có rất nhiều sự khác biệt, không thích ổn định và đòi hỏi cao hơn về chất lượng công việc so với thế hệ cũ. 

WSJ phân tích, "buổi hoàng hôn" của lao động giá rẻ như một phép thử đối với mô hình sản xuất toàn cầu hóa đã giúp cung cấp hàng hóa giá rẻ của thế giới trong 3 thập kỷ qua. 

Các quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề mang tính thế hệ. Người lao động trẻ tuổi được giáo dục tốt hơn và quen thuộc hơn với Tiktok, Instagram. Họ quyết định rằng cuộc sống và công việc không nên diễn ra trong các bức tường nhà máy. 

Paul Norris, đồng sáng lập hãng may UnAvailable tại TPHCM cho biết, những công nhân ở độ tuổi 20 hiện nay thường chỉ làm tại một nơi khoảng vài năm rồi rời đi. Ông hy vọng có thể cải thiện môi trường làm việc để cứu vãn tình hình. 

Trong bối cảnh đó, những phép thử của Giám đốc Phạm Quang Anh cho thấy hiệu quả tích cực. Sau 7 năm thành lập, xưởng may Dony giữ lại được hầu hết lao động "cứng nghề". Nhiều công nhân trẻ cũng bày tỏ muốn gắn bó với công ty vì xưởng may đáp ứng được những nguyện vọng thực sự của họ khi đi làm.

Tập trung vào giá trị con người

Làm công nhân kể từ khi tốt nghiệp cấp 2, Mỹ Giang nói sẵn sàng gắn bó với những doanh nghiệp tôn trọng sức lao động của mình và cho mình cơ hội phát triển.

"Mức lương cũng thể hiện sự tôn trọng của công ty đối với mình. Nhưng mình còn trẻ, mình muốn có thêm cơ hội để phát triển kỹ năng, tay nghề", cô nhận định.

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 5

Công nhân làm việc tại May 10 liên tục được đào tạo, nâng cao tay nghề (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tại xưởng may, Giang được học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn, được thử sức ở nhiều công đoạn, thực hiện các đơn hàng với đặc điểm khách hàng khác nhau. Sự đa dạng này khiến cô năng động và muốn được gắn bó với nghề. 

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay muốn thu hút và giữ chân lao động cần phải thay đổi định hướng tập trung vào việc phát triển con người.

"Công nhân lao động cũng có khát vọng và có nhu cầu được phát triển. Bên cạnh cải thiện mức lương cho đủ sống, công nhân cũng cần được nâng cao kỹ năng. Một thợ may có thể được học thêm các kỹ năng về thiết kế để hoàn tất quá trình sáng tạo một sản phẩm. Sự hứa hẹn đó sẽ hấp dẫn hơn với lao động trẻ", ông Lộc dẫn chứng về những cách thức đầu tư khác nhau cho công nhân.

Phiên livestream của nữ công nhân và chuyện công ty không bấm giây tính giờ - 6
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng doanh nghiệp nên thấu hiểu những nhu cầu, khát vọng của người lao động (Ảnh: Hằng Nguyễn).

TS Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đánh giá, lao động trẻ ngày nay được tiếp xúc sớm với thông tin mạng. Vì vậy họ sẽ có những so sánh và cân nhắc trước khi quyết định làm việc và gắn bó với một doanh nghiệp. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao tôi phải gắn bó với doanh nghiệp này mà không phải là doanh nghiệp khác? Liệu doanh nghiệp này có cho tôi một tương lai chắc chắn không?

Theo ông Toàn, việc làm thiết thực nhất để hướng tới giá trị con người là công nhận sức lao động của họ. "Các doanh nghiệp hiện nay đang chậm chuyển dịch để đáp ứng tốt nhu cầu với người lao động. Trước khi nghĩ đến chuyện có thể tạo ra một môi trường làm việc công bằng, lành mạnh thì hãy dần nâng mức đãi ngộ lên, khi đó lao động sẽ hiểu được rằng giá trị và công sức của mình đang được ghi nhận", ông Toàn khuyến cáo.

Tương ứng với những nhận định này, Lê Oanh (25 tuổi), công nhân một xưởng gia công giày da cho biết, bên cạnh mức lương và sự phát triển, một không gian làm việc dễ chịu và thoáng đãng cũng khiến cô cảm thấy thoải mái hơn trong mỗi giờ làm.

"Tôi cảm thấy rất khó khăn để thở khi làm việc giữa các vách ngăn và những căn phòng tù túng. Phải thở được và phải nhìn thấy mặt trời, nhìn thấy cây xanh tôi mới có động lực làm việc", nữ công nhân nêu nguyện vọng cá nhân.

Và đó cũng là một bài toán phải giải với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG, các chuyên gia cho rằng, hiểu rõ người lao động của mình là ai và họ cần gì là yếu tố tiên quyết.

"Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ lại rơi vào một vòng lặp với nhiều mâu thuẫn phát sinh", TS Nguyễn Đức Lộc bày tỏ.

Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.

Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.