Nghỉ việc trả thù
(Dân trí) - Chúng ta từng có "nghỉ việc trong yên lặng" - làm việc cầm chừng, chỉ đáp ứng mức tối thiểu, đến "nghỉ việc ồn ào" - nghỉ việc ầm ĩ, kèm theo màn chỉ trích công khai và nay là "nghỉ việc trả thù".
![Nghỉ việc trả thù](https://cdnphoto.dantri.com.vn/1q0N8dM17X9Tur45OrX5E9CO3Eg=/2025/02/16/anh-3-1739652886745.png)
Xu hướng mới gây chấn động
Một hiện tượng đang nổi lên tại nơi làm việc có tên gọi "nghỉ việc trả thù" (revenge quitting) đang trở thành tâm điểm chú ý, khi ngày càng nhiều nhân viên quyết định rời bỏ công ty một cách đột ngột để bày tỏ sự bất mãn của mình.
Xu hướng này được nêu bật bởi GurkaranSingh, một chuyên gia nhân sự và quản trị doanh nghiệp tại Indore, người đã chia sẻ những phân tích sâu sắc về tác động của nó trong một bài đăng thu hút sự quan tâm lớn trên LinkedIn.
Singh mô tả "nghỉ việc trả thù" là một hành động từ chức đầy cảm xúc, mang tính kịch tính, xuất phát từ sự phẫn nộ hơn là sự thờ ơ. Ông so sánh điều này với "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting), nơi nhân viên dần dần rút lui khỏi công việc mà không chính thức nghỉ việc.
Ngược lại, "revenge quitting" là một động thái có chủ đích, được thực hiện để tạo ra một dấu ấn rõ ràng. "Thay vì lặng lẽ giảm khối lượng công việc, những người này đưa ra quyết định dứt khoát bằng cách nghỉ việc theo cách khiến mọi người phải chú ý", Singh chia sẻ.
![Nghỉ việc trả thù - 1 Nghỉ việc trả thù - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/FbmPCDHh2384S8uHw_PiSlN5tn8=/2025/02/16/anh-2-1739652610929.png)
"Nghỉ việc trả thù" - hiện tượng đang nổi lên tại nơi làm việc (Ảnh: Getty Images).
Gen Z (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2012) đang đi đầu trong làn sóng "nghỉ việc trả thù" - những quyết định nghỉ việc đột ngột, mang tính tuyên bố rõ ràng, xuất phát từ môi trường làm việc độc hại, cấu trúc cứng nhắc và những kỳ vọng không được đáp ứng.
Họ rời đi một cách ồn ào, thường vào thời điểm tệ nhất đối với công ty, để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến nhà tuyển dụng. Khác với các thế hệ trước, những người thường chịu đựng môi trường làm việc kém mà không phản kháng, gen Z coi việc rời bỏ công việc như một hình thức phản đối, xuất phát từ sự bất mãn và niềm tin ngày càng lớn rằng họ không cần ở lại những nơi không tôn trọng mình.
Nguyên nhân nào đang thúc đẩy xu hướng này?
Vậy điều gì đang thúc đẩy sự thay đổi này? Forbes đưa ra 3 lý do chính khiến gen Z dẫn đầu phong trào nghỉ việc trả thù, theo các nghiên cứu.
1. Từ kiệt sức đến phản kháng
Kiệt sức không phải là điều mới mẻ, nhưng cách gen Z phản ứng với nó lại khác biệt. Trong khi các thế hệ trước có xu hướng chịu đựng vì sự ổn định, gen Z có xu hướng nghỉ việc một cách có chủ đích.
Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Humanities and Social SciencesCommunications cho thấy văn hóa làm việc khắc nghiệt, giờ làm dài và khối lượng công việc quá tải là những yếu tố chính gây ra căng thẳng tâm lý và sự bất mãn trong gen Z.
Thay vì xem kiệt sức như một "huy hiệu danh dự" như các thế hệ trước, gen Z coi đó là dấu hiệu để rời đi. Trên nhiều ngành nghề, ngày càng có nhiều câu chuyện về những lần nghỉ việc tác động lớn. Nhân viên rời đi ngay trước thời hạn quan trọng, khiến công ty rơi vào cảnh hỗn loạn khi phải sắp xếp lại công việc.
Một số khác nghỉ ngay giữa ca vào giờ cao điểm, buộc doanh nghiệp phải đóng cửa sớm vì thiếu nhân sự. Một số thậm chí chọn thời điểm nghỉ việc trùng với giai đoạn cao điểm theo mùa, đảm bảo sự ra đi của họ tạo ra tác động sâu sắc. Với các nhà tuyển dụng, sự thay đổi này là một lời cảnh tỉnh - kiệt sức không còn chỉ dẫn đến mất động lực, mà còn kéo theo sự phản kháng.
![Nghỉ việc trả thù - 2 Nghỉ việc trả thù - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/AAdYqfb4TlieFfpwoTkmpK_KQ1w=/2025/02/16/anh-1-1739652500327.png)
Công việc quá tải, kiệt sức khiến người lao động, đặc biệt là gen Z, nghỉ việc (Ảnh: Getty Images).
2. Kỳ vọng nơi làm việc đang thay đổi
Gen Z đang định nghĩa lại ý nghĩa của một sự nghiệp. Trong khi các thế hệ trước ưu tiên sự ổn định, thế hệ này mục tiêu vào ý nghĩa công việc, tính linh hoạt và sự phù hợp với giá trị cá nhân hơn là một mức lương ổn định.
Một nghiên cứu năm 2019 trên The International Journal of Management Education cho thấy sinh viên kinh doanh thuộc thế hệ gen Z đánh giá cao việc phát triển kỹ năng và thăng tiến nghề nghiệp, nhưng chỉ trong những môi trường làm việc phù hợp với giá trị cá nhân và nghề nghiệp của họ.
Với nhiều người, công việc không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là sự mở rộng của bản sắc cá nhân. Họ sẵn sàng nghỉ việc vì các vấn đề đạo đức thay vì chỉ vì lương bổng. Ví dụ, một nhân viên ngành công nghệ có thể nghỉ việc sau khi phát hiện công ty vi phạm quyền riêng tư dữ liệu vì điều đó đi ngược lại với giá trị của họ.
Một nhân viên trong ngành thời trang có thể rời bỏ công ty khi biết thương hiệu mình làm việc có chuỗi cung ứng sử dụng lao động phi đạo đức. Sự thay đổi này đang buộc các công ty phải suy nghĩ lại về cách giữ chân nhân viên. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những tổ chức không cung cấp công việc có ý nghĩa và cơ hội phát triển chuyên môn có thể gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài trẻ.
3. Gen Z không ở lại nơi họ cảm thấy bị mắc kẹt
Với gen Z, sức khỏe tinh thần là ưu tiên hàng đầu và khi công việc đe dọa đến điều đó, họ không ngần ngại rời đi. Theo khảo sát American Opportunity Survey 2022 của McKinsey & Company, 55% nhân viên gen Z cho biết họ đã được chẩn đoán hoặc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm lý, tỷ lệ cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Nhận thức cao về sức khỏe tinh thần khiến họ ít khoan dung hơn với môi trường làm việc có dấu hiệu độc hại, hệ thống cứng nhắc hoặc khối lượng công việc quá tải. Một nhân viên trẻ đang kiệt sức và thiếu linh hoạt có thể quyết định nghỉ việc đột ngột, không chỉ để thoát khỏi tình trạng đó mà còn để gửi thông điệp về sự thất bại của nơi làm việc.
Một người khác có thể nghỉ ngay giữa ca sau nhiều tuần bị kiểm soát quá mức, cảm thấy sức khỏe tâm lý của mình ngày càng suy giảm. Khảo sát của McKinsey cũng chỉ ra rằng hơn 1/4 nhân viên gen Z coi sức khỏe tinh thần là rào cản lớn trong công việc, và nhiều người lo lắng về sự ổn định tài chính trong tương lai.
Sự bất ổn này càng làm tăng mong muốn về sự tự chủ, linh hoạt và một môi trường ưu tiên sức khỏe tâm lý. Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, một số nhân viên gen Z coi việc nghỉ việc là cách để bảo vệ sức khỏe của mình và giành lại quyền kiểm soát cân bằng cuộc sống.
Đối với gen Z, tự chủ không phải là đặc quyền mà là yêu cầu. Những nơi làm việc không cung cấp sự linh hoạt, cơ hội phát triển và tôn trọng ranh giới cá nhân đang chứng kiến tỷ lệ nghỉ việc cao hơn, khi nhân viên trẻ nhận ra rằng họ có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết.
![Nghỉ việc trả thù - 3 Nghỉ việc trả thù - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Cj0T4XWJjP_P1pzehUi_MZh57NM=/2025/02/16/anh-3-1739652747982.png)
Nhân viên gen Z coi sức khỏe tinh thần là rào cản lớn trong công việc, và nhiều người lo lắng về sự ổn định tài chính trong tương lai (Ảnh: Getty Images).
Singh cũng nhấn mạnh rằng việc bị quản lý quá chặt, sự thiên vị trong công ty hay thậm chí chỉ là một email mang tính xúc phạm cũng có thể là "giọt nước tràn ly", khiến nhân viên quyết định rời đi mà không báo trước.
"Khối lượng công việc quá lớn mà không được ghi nhận, sự đối xử thiên vị hoặc một lời nhận xét xúc phạm trong môi trường làm việc, bất kỳ yếu tố nào trong số này đều có thể đẩy một nhân viên đến giới hạn chịu đựng của họ", Singh nhận định.
Phản ứng trên mạng xã hội
Những chia sẻ của Singh đã khơi dậy một cuộc thảo luận sôi nổi trên LinkedIn, với nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm của mình.
Một người dùng bình luận: "Nhân viên nghỉ việc khi họ cảm thấy bị phớt lờ và không được trân trọng. Ban lãnh đạo cần tích cực lắng nghe, thể hiện sự biết ơn và xây dựng môi trường hỗ trợ trước khi quá muộn. Một đội ngũ hạnh phúc sẽ mang lại năng suất cao hơn".
Một người khác nhận xét: "Nghỉ việc trả thù là một dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp đối với doanh nghiệp. Nhân viên không chỉ rời bỏ công việc, họ rời bỏ một môi trường độc hại, sự mất niềm tin và những lời hứa không được thực hiện. Những doanh nghiệp thực sự lắng nghe và có giải pháp kịp thời có thể biến nguy cơ nghỉ việc thành cơ hội giữ chân nhân tài lâu dài".
Nhiều nhân viên cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, làm sáng tỏ những vấn đề phổ biến dẫn đến quyết định nghỉ việc đột ngột.
Một người kể lại: "Nhiều công ty từ chối thừa nhận khi nhân viên nghỉ việc vì bất mãn. Thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ, họ tiếp tục đối xử tệ với nhân viên, không nhận ra rằng họ đã đẩy mọi thứ đi quá xa".
![Nghỉ việc trả thù - 4 Nghỉ việc trả thù - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/DIS-m-mr8TMBCjzSilZDdOPIo_U=/2025/02/16/anh-4getty-1739652796846.jpg)
Nghỉ việc trả thù" không chỉ là một trào lưu nhất thời mà là sự phản ánh của một lực lượng lao động từ chối chịu đựng môi trường độc hại trong im lặng (Ảnh: Getty Images).
Một ý kiến khác nhấn mạnh: "Doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào tuyển dụng nhân sự nhưng lại bỏ quên sự hài lòng của họ. Kết quả? Tỷ lệ nghỉ việc cao và nhân tài cứ thế rời đi".
Thông điệp cho doanh nghiệp
"Nghỉ việc trả thù" không chỉ là một trào lưu nhất thời mà là sự phản ánh của một lực lượng lao động từ chối chịu đựng môi trường độc hại trong im lặng. Gen Z đang định nghĩa lại lòng trung thành trong công việc, nhấn mạnh rằng sự tôn trọng, linh hoạt và sức khỏe tinh thần là những điều không thể thương lượng.
Để giảm nguy cơ nghỉ việc trả thù, các công ty cần điều chỉnh chính sách và văn hóa làm việc. Điều này bao gồm giải quyết tận gốc tình trạng kiệt sức, thay vì mong đợi nhân viên chịu đựng khối lượng công việc không bền vững.
Căn chỉnh giá trị công ty với kỳ vọng của nhân viên, đảm bảo rằng đạo đức, sự đa dạng và hòa nhập không chỉ là khẩu hiệu mà là nguyên tắc cốt lõi. Ưu tiên sức khỏe tinh thần và sự tự chủ, trao quyền cho nhân viên kiểm soát lịch trình và môi trường làm việc của họ.
Sự gia tăng của làn sóng nghỉ việc trả thù là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn trong động lực nơi làm việc. Những công ty chấp nhận và thích nghi với xu hướng này có thể sẽ giữ chân nhân tài tốt hơn, trong khi những nhân viên dám đứng lên vì bản thân sẽ tìm thấy những vị trí phù hợp với giá trị, sức khỏe và sự phát triển của họ.
Cuối cùng, nghỉ việc trả thù không chỉ là một cuộc rời đi đầy kịch tính mà đó là hành động giành lại quyền kiểm soát, đòi hỏi sự tôn trọng và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho văn hóa làm việc.