Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng nên đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh phải theo mức sống từng vùng miền, nếu tính theo mức cố định thì sẽ luôn bị lạc hậu.
![Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh](https://cdnphoto.dantri.com.vn/L984MZRhyqqb_NNWlVAu79V9aKM=/2025/02/12/hkk3183-1739359049127.jpg)
Là nhân viên kinh doanh của một công ty công nghệ ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), mỗi tháng, anh Nguyễn Minh Nhất có thu nhập khoảng 26 triệu đồng. Mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân của anh Nhất là 11 triệu đồng/tháng.
Theo quy định, ngoài 11 triệu đồng giảm trừ gia cảnh, anh được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Số còn lại là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, với khoản chịu thuế hơn 14 triệu đồng mỗi tháng, anh phải đóng khoảng hơn 1,4 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân, tương đương hơn 17 triệu/năm.
"Mọi chi phí thời gian qua đều tăng cao liên tục, trong khi mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng là quá thấp và lỗi thời khiến cuộc sống người lao động như tôi gặp nhiều khó khăn", anh nhìn nhận.
Hiện nay, giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng, được duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, mức 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người, còn 4,4 triệu đồng được xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tế, theo không ít ý kiến, mức giảm trừ gia cảnh này đang bị lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đã lỗi thời
Không chỉ nhiều người lao động đánh giá mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu mà các bộ ngành, địa phương khi góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới đây cũng đã chỉ ra một số bất cập.
Chẳng hạn, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng/tháng; với người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.
Hay Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Lý do là mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng, đến tháng 12/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 16 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc lên 6 triệu đồng/tháng. Tương tự, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt lên mức 14 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng.
![Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh - 1 Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/E3Yvl8ATzHSpxmKWWclWWbp9ZbE=/2025/02/12/hkk7766-1739357928532.jpg?watermark=true)
Theo nhiều chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân (Ảnh: Hữu Khoa).
Để đảm bảo về tính ổn định trong việc tính thuế và dự báo về thực hiện thu ngân sách Nhà nước, các địa phương cũng đề nghị luật quy định tăng mức giảm trừ cụ thể đối với đối tượng nộp thuế và đối với người phụ thuộc, không nên xác định theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, rất bất cập trong quản lý theo dõi.
Trước đó, đầu năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế, đánh giá chính sách thuế thu nhập cá nhân bao gồm tính toán mức giảm trừ gia cảnh lâu nay đã bộc lộ nhiều bất cập và lạc hậu. Mức giảm trừ gia cảnh hiện hành dành cho người lao động là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền. Với việc cào bằng này, theo ông, là thiệt thòi cho người lao động khi tính thuế thu nhập cá nhân.
"Những năm gần đây, giá cả đã có nhiều biến động. Nếu xét riêng những chi phí thiết yếu liên quan đến đời sống người nộp thuế là điện, nước, xăng dầu, y tế, giáo dục, thuê nhà, lãi vay ngân hàng… thì chi phí đều tăng cao, làm xói mòn thu nhập thực tế của người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại cần thiết và cấp thiết phải sửa đổi bổ sung. Cần xây dựng chính sách linh hoạt, phù hợp", ông Tú nêu.
Tương tự, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cũng cho rằng qua 17 năm ban hành nhưng Việt Nam mới chỉ có ba lần điều chỉnh thuế. Do đó có thể thấy, biểu thuế đang quá lạc hậu và bất cập.
Về mức giảm trừ gia cảnh, ông Việt cho rằng giảm trừ gia cảnh không nên cào bằng mà phải theo mức sống từng vùng miền, có thể dựa trên lương tối thiểu vùng làm cơ sở.
"Do chi phí sinh hoạt từng vùng miền khác nhau. Nếu có điều kiện và phương pháp tính toán phù hợp thì nên mạnh dạn áp dụng giảm trừ theo chi phí thực tế của người lao động, đồng thời giảm bớt và giãn bậc thuế suất ở các ngưỡng thu nhập thấp. Cách áp dụng này sẽ giúp lao động trẻ có điều kiện tích lũy tài sản, thúc đẩy tiêu dùng và tái đầu tư", ông đề xuất.
Mức giảm trừ gia cảnh phải theo mức sống từng vùng miền
Với đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh khoảng 16-18%, còn người phụ thuộc mức giảm trừ bằng 50% của người nộp thuế, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú cho rằng mức này có thể phù hợp ở thời điểm hiện tại là năm nay nhưng đến năm 2026 sẽ lạc hậu.
Ông Tú cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần thiết phải xây dựng để đảm bảo cơ chế "trượt tự động", tức "nước lên thì thuyền lên". Do đó, mức giảm trừ gia cảnh phải theo mức sống từng vùng miền, có thể dựa trên lương tối thiểu vùng. Nếu giảm trừ gia cảnh lại tính theo mức tiền cố định thì sẽ luôn bị lạc hậu, điều này đã được chứng minh từ khi có Luật thuế thu nhập cá nhân đến nay.
"Lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thì mức giảm trừ gia cảnh tăng theo. Như vậy, mức thuế đóng theo sát cuộc sống, tình hình kinh tế của người nộp thuế, không phải điều chỉnh. Đây là phương án tối ưu nhất và Bộ Tài chính nên lắng nghe ý kiến chuyên gia, người nộp thuế để đảm bảo công khai minh bạch, đảm bảo không thiệt thòi người nộp thuế", vị chuyên gia nêu.
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 5-10 | 10 |
3 | Trên 10-18 | 15 |
4 | Trên 18-32 | 20 |
5 | Trên 32-52 | 25 |
6 | Trên 52-80 | 30 |
7 | Trên 80 | 35 |
Theo ông, mức giảm trừ gia cảnh nên bằng 4 lần mức lương cơ sở. Lương cơ sở đang ở mức 3,45-4,96 triệu đồng. Ví dụ, lương tối thiểu tại vùng I là 4,96 triệu đồng, thì giảm trừ gia cảnh khoảng 19,84 triệu đồng, thay vì 11 triệu/tháng như hiện nay.
Còn với người phụ thuộc, chuyên gia thuế đề nghị ngưỡng giảm trừ nên bằng 50% mức của người nộp thuế, thay cho 4,4 triệu đồng đang áp dụng. Đặc biệt, ông đưa ra kiến nghị không tính các khoản chi hợp lý như chi tiêu y tế, giáo dục hoặc lãi tiền vay mua nhà... vào trong thu nhập tính thuế.
"Đây là những khoản chi phí thiết yếu, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. Các khoản này hàng năm tăng mạnh, nhưng không được trừ trước khi tính thuế, là bất cập cần được sửa sớm", ông Tú nhấn mạnh.
Nên sửa mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm nay
Một số chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nên đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, nếu đến năm 2026 mới thông qua quy định mới của luật và năm 2027 mới áp dụng sẽ quá chậm.
TS Nguyễn Quốc Việt đề nghị cơ quan soạn thảo linh hoạt rút ngắn quy trình để áp dụng sớm. Ông cho rằng không nên cứng nhắc theo lộ trình đến tận năm 2026-2027 mới có thể thực hiện.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tú cũng cho rằng mất vài năm mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh một lần khiến người lao động chịu thiệt thòi, nên cần sửa ngay trong năm nay để có hiệu lực sớm. Theo vị này, nếu để người nộp thuế tiếp tục chờ đợi sẽ thiệt thòi và thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Nhất là trong năm nay, chủ trương chính phủ là thúc đẩy kinh tế.
![Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh - 2 Chuyên gia: Cần sửa nhanh thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/NhmYAyUN5gDipK-sORkc71rtTrU=/2025/02/12/hkk2424-1739358287740.jpg?watermark=true)
Các chuyên gia đề xuất quy định mức giảm trừ gia cảnh dựa trên lương tối thiểu vùng (Ảnh: Hữu Khoa).
"Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải đầu tư thêm vốn, sẽ ảnh hưởng chỉ số giá. Tốc độ tăng giá sẽ rất cao mà nếu chờ đợi vài năm nộp thuế mới được tăng mức giảm trừ gia cảnh thì càng thêm gánh nặng và thiệt thòi. Các vấn đề khác có thể đợi nhưng vấn đề giảm trừ gia cảnh nên sửa ngay", ông Tú đưa ra ý kiến.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được kiến nghị nhiều lần. Điều này là mong chờ của người nộp thuế, có ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu gia đình nên phải ưu tiên sửa đổi sớm hơn.
"Việc ban hành, sửa đổi luật nên chọn phương án đơn giản, rõ ràng nhất. Chẳng hạn trong mức giảm trừ gia cảnh thì nên chọn áp dụng theo lương tối thiểu vùng mà Chính phủ công bố hàng năm để dễ thực hiện, sát với đời sống người dân", vị luật sư nhấn mạnh.