Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Lựa chọn cần thiết
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có các vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế..., đảm bảo thuế TNCN không đè nặng lên chỉ một nhóm nhỏ thu nhập cao và đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn nữa.
Các vấn đề về thuế đã được thảo luận sôi nổi trên thế giới. Xuyên suốt thế kỷ 20, trong lĩnh vực kinh tế học và chính sách công, một trong những lý thuyết chủ đạo ủng hộ sự gia tăng các nguồn lực chính phủ thông qua tăng thu thuế, với lập luận rằng sự phân phối thu nhập và của cải do quá trình thị trường tạo ra không phải lúc nào cũng hiệu quả, và đặc biệt là không phù hợp với một số nguyên tắc chung về công bằng xã hội.
Vì vậy, lý thuyết chính sách công cho rằng, chính phủ cần can thiệp nhằm "sửa sai cho thị trường", nghĩa là áp dụng phương thức phân bổ các quyền tài sản khác với phương thức và kết quả phân bổ trong quá trình cạnh tranh tự do của thị trường.
Từ đó nhiều nước có xu hướng lựa chọn tăng các loại thuế nhằm đảo bảo cho chi tiêu công của chính phủ. Tuy nhiên việc lựa chọn tăng thuế hay thuế suất cao để đảm bảo nguồn thu ngân sách không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích như kỳ vọng.
Nhiều người trong chúng ta từng đọc qua câu chuyện "Alice ở xứ sở thần tiên", và một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của câu chuyện này chính là những tình huống trớ trêu và mâu thuẫn mà Alice gặp phải khi đưa ra các lựa chọn. Chính sự trớ trêu của logic mang tính "đảo ngược", sự mơ hồ và không chắc chắn trong các lựa chọn, như uống hay không uống "thuốc to ra hay bé lại", lựa chọn tham gia các "trò chơi được - mất" hay đi theo con đường nào, luôn để lại những bài học thú vị cho người đọc. Nhìn rộng ra, những khó khăn mà Alice gặp phải cũng có thể là những khó khăn mà chúng ta hay các nhà quản lý đối mặt hàng ngày.
Năm 1974, Arthur Betz Laffer, Giảng viên trường Kinh doanh Marshall thuộc trường Đại học Nam California (Hoa Kỳ), đã trình bày ý tưởng về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách của chính phủ từ thuế. Ông đã vẽ đồ thị một đường cong để minh họa cho quan điểm của mình về thuế suất tối ưu. Từ đó, đường cong Laffer đã trở thành hình ảnh đại diện cho lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu từ thuế của chính phủ, dựa trên giả định là người sản xuất và người tiêu dùng sẽ phản ứng nhanh nhạy với mức thuế mà chính phủ đưa ra.
Cụ thể, với các mức thuế suất cao - thấp khác nhau thì người sản xuất hoặc người tiêu dùng sẽ có ít hoặc nhiều động lực hơn để làm việc và sản xuất kinh doanh. Ví dụ như việc lựa chọn mức thuế suất thấp, có thể tạo ra khả năng mở rộng sản xuất, tăng cung cho nền kinh tế bởi nó sẽ giúp tăng lợi nhuận và thúc đẩy doanh nghiệp tăng sản lượng.
Thuế suất thấp cũng tạo cơ hội giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến tăng cầu cho nền kinh tế.
Cung tăng, cầu tăng đều mở rộng cơ sở thuế nên kết quả là tổng thu ngân sách từ thuế sẽ tăng hơn trước. Chí ít cũng bù đắp đủ được số hụt thu trực tiếp trong ngắn hạn do giảm thuế suất.
Ngược lại với logic trên, nếu lựa chọn đánh thuế quá cao, sẽ khiến cá nhân và doanh nghiệp nản lòng trong cả đầu tư kinh doanh lẫn thu hẹp tiêu dùng, do biên lợi nhuận hay thu nhập không còn đủ động cơ khuyến khích.
Việc đánh thuế điều tiết thu nhập thông qua tiêu dùng còn có thể khiến thị trường dịch chuyển sang mua, bán hàng hóa phi chính thức, hàng nhập lậu. Điều này không chỉ gây thất thu thuế, mà còn làm suy giảm hiệu quả của chính sách thuế trong việc kiểm soát và điều tiết tiêu dùng.
Có thể nói, tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng của lý thuyết này lớn đến mức không một nhà nghiên cứu về thuế nào trên thế giới không biết đến đường cong Laffer.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam mới bước ra khỏi suy giảm kinh tế do khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, cũng như các biến động toàn cầu, việc khoan thư sức dân trong giai đoạn này là cần thiết.
Thiết nghĩ các lựa chọn giảm thuế VAT, sửa luật thuế TNCN để nuôi dưỡng nguồn thu sẽ tạo động lực cho cả doanh nghiệp và toàn thể người lao động hướng tới hoạt động sản xuất và kinh doanh đàng hoàng, với mong mỏi có nguồn thu nhập - doanh thu tử tế, đóng góp minh bạch và công bằng dựa trên các sắc thuế phù hợp, và như thế về dài hạn sẽ tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, dân giàu thì nước sẽ mạnh, hướng tới đủ điều kiện áp dụng thuế tài sản thì sẽ văn minh hơn so với dựa chủ yếu vào thuế thu nhập cá nhân hay tiêu dùng như hiện tại. Với những lập luận như vậy, tôi cho rằng sửa đổi luật thuế TNCN cần phải giảm bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Điều này sẽ giúp những người lao động đang nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là người trẻ tuổi, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và dịch vụ các ngày càng đắt đỏ, nhất là ở các thành phố. Mặt khác để đảm bảo tốt hơn tính công bằng trong sửa luật thuế TNCN lần này, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc. Đơn cử như chi phí học tập, khám chữa bệnh... phải được khấu trừ trước khi tính thuế giảm trừ gia cảnh.
Việc sửa luật thuế TNCN lẫn các luật thuế khác hiện nay, cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế các chính sách thuế sao cho đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Điều này sẽ giúp cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế có thể tuân thủ và thực hiện hiệu quả hơn các sắc thuế, bất luận là trực thu hay gián thu, giảm chi phí và gánh nặng tuân thủ cũng chính là nền tảng quan trọng của công cuộc cải cách tinh gọn bộ máy nhà nước, hướng đến kỷ nguyên vươn mình và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tác giả: TS Nguyễn Quốc Việt là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR - trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!