DBiz

Chuyện gì đang xảy ra với Nhựa Rạng Đông?

Khổng Chiêm
Chuyện gì đang xảy ra với Nhựa Rạng Đông?

Cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo thay đổi

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (mã chứng khoán: RDP) là doanh nghiệp ra đời từ năm 1960, vang danh với thương hiệu Nhựa Rạng Đông. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm màng nhựa, cung cấp nguyên liệu ngành nhựa, bao bì, giả da, nhựa y tế, vải không dệt, tôn ván nhựa...

Tuy nhiên, nửa năm qua có thể là quãng thời gian không hề dễ dàng với cổ đông nắm giữ cổ phiếu RDP. Giá cổ phiếu RDP đã rơi từ vùng 9.000 đồng/đơn vị xuống còn 2.200 đồng/đơn vị, tức mất 75% giá trị.

Cùng với biến động về giá, Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam cũng liên tục bán ra số lượng lớn cổ phiếu RDP. Tính riêng 6 tháng năm nay, theo báo cáo quản trị, ông Lam đã bán ra 14,4 triệu cổ phiếu RDP, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 45,04% xuống còn 15,87% vốn công ty.

Ông Lam tiếp tục bán ra và bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu trong tháng 7 và tháng 8 để giảm tỷ lệ sở hữu. Mới đây, vào ngày 1/8, Chủ tịch Rạng Đông Holding còn bị công ty chứng khoán bán giải chấp 1,17 triệu cổ phiếu RDP. Từ đó, tỷ lệ sở hữu của ông Lam còn 6,09% vốn, tương ứng gần 3 triệu cổ phiếu.

Như vậy tính từ đầu năm đến nay, chủ tịch Rạng Đông Holding đã bán và bị bán giải chấp tổng cộng hơn 19,1 triệu cổ phiếu RDP, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 45,04% còn 6,09% vốn điều lệ công ty.

Ông Hồ Đức Lam là nhân sự cấp cao gắn bó với Rạng Đông Holding từ nhiều năm qua. Ông từng làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (tiền thân của Rạng Đông Holding), giai đoạn 2006-2018. Từ năm 2019 đến nay, ông Lam là Chủ tịch HĐQT công ty. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam.

Ông Lam còn được biết đến là em trai của cựu Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa bị khởi tố, truy nã từ tháng 7/2020 để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bên cạnh biến động giá cổ phiếu, đội ngũ nhân sự lãnh đạo của Rạng Đông Holding cũng có thay đổi. Ông Hà Thanh Thiên - Tổng giám đốc - vừa được miễn nhiệm chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty từ ngày 5/8. Trước đó, ông Thiên đã có đơn từ nhiệm và cho biết không thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí này vì lý do gia đình. Ông Thiên được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc vào tháng 5/2022, đến nay được hơn 2 năm.

Thay thế ông Thiên là ông Huỳnh Kim Ngân, người chưa từng giữ chức vụ nào tại Rạng Đông Holding và hiện không sở hữu cổ phiếu công ty này. Theo giới thiệu, ông Ngân đang là Giám đốc của Công ty Luật TNHH Doanh nhân Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Hưng Đại Sanh.

Công ty kinh doanh ra sao?

Nửa đầu năm nay, Rạng Đông Holding có kết quả kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Doanh thu giảm 44% còn 766 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 65 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 11 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cao là nguyên nhân chính "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên năm 2023, Rạng Đông Holding cũng đã đối mặt với thua lỗ khi lợi nhuận âm gần 147 tỷ đồng trong khi năm trước lãi 12,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm có lỗ sâu trở lại kể từ năm 2017.

Nói về năm 2023 thua lỗ, Hội đồng quản trị cho biết nguyên nhân chính là sức mua giảm. Công ty trích lập dự phòng lớn khiến chi phí tài chính tăng, ảnh hưởng lợi nhuận. Đồng thời, công ty cũng ưu tiên đẩy nhanh luân chuyển hàng tồn kho để có doanh thu và dòng tiền, cũng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Năm nay, ban lãnh đạo công ty đánh giá thời cơ và thách thức đan xen tác động lên ngành nhựa. Dự báo tổng quan ngành công nghiệp nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tích cực, khoảng 5-7%. Nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, xây dựng, điện tử, y tế, nông nghiệp vẫn gia tăng.

Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nhựa tiềm năng trên thế giới, với lợi thế về lao động rẻ, nguồn nguyên liệu phong phú và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Phân khúc bao bì nhựa dự kiến sẽ tiếp tục dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7-9%.

Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như giá nguyên liệu nhựa tăng cao do giá dầu tăng; lạm phát làm giảm nhu cầu tiêu thụ; sức ép cạnh tranh từ các đối thủ.

Chuyện gì đang xảy ra với Nhựa Rạng Đông? - 1

Rạng Đông Holding đang đối mặt với tình trạng nợ vay cao (Ảnh: RDP).

Để vượt khó, ban lãnh đạo xác định cần tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhựa chất lượng cao, thân thiện môi trường; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nâng cao cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.

Năm nay, Rạng Đông Holding đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.722 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 23 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với con số lỗ gần 147 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả nửa đầu năm, công ty còn đang cách khá xa so với mục tiêu đề ra khi đang gánh khoản lỗ gần 65 tỷ đồng.

Lỗ liên tiếp từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã khiến công ty lỗ lũy kế hơn 266 tỷ đồng, gần bằng vốn chủ sở hữu (279,3 tỷ đồng).

Không chỉ thua lỗ, Rạng Đông Holding còn nặng gánh nợ vay. Công ty đối mặt với áp lực trả nợ lớn, khi nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới hơn 1.034 tỷ đồng, còn nợ dài hạn gần 198 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính đang gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu.

Tính đến 30/6, Rạng Đông Holding còn có hơn 252 tỷ đồng nợ xấu từ nhiều đối tác khác nhau, như Công ty TNHH MTV Hoàng Hoàng Quỳnh, Công ty TNHH Đầu tư - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Minh Phát Đạt, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ánh Hồng cùng nhiều đối tượng khác. Công ty phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.