Kinh doanh bết bát, các sếp Nhựa Đông Á tự nguyện "làm không công"

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhựa Đông Á lỗ hơn 257 tỷ đồng trong năm 2023 khiến các thành viên HĐQT tự nguyện không nhận thù lao. Năm nay, công ty đặt kế hoạch lãi 9,5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã chứng khoán: DAG) thông qua Nghị quyết các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) không nhận thù lao năm 2023. Lý do là kết quả kinh doanh năm này lỗ.

Trước đó, báo cáo với cổ đông trong tờ trình tại đại hội cổ đông thường niên 2024, Nhựa Đông Á đề xuất thù lao cho chủ tịch HĐQT là 60 triệu đồng/năm, phó chủ tịch HĐQT là 38 triệu đồng/người/năm còn thành viên HĐQT là 18 triệu đồng/người/năm.

Tổng mức thù lao chi trả cho HĐQT năm 2023 là 152 triệu đồng. Các mức trên cũng được đề xuất tương đương cho năm nay.

Kinh doanh bết bát, các sếp Nhựa Đông Á tự nguyện làm không công - 1

Mức thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2023-2024 của Nhựa Đông Á.

Năm 2023, cơ cấu HĐQT Nhựa Đông Á có 5 thành viên, do ông Trần Việt Thắng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Đường Ngọc Diệu làm Phó chủ tịch HĐQT. Hai Thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Hữu Quân và Phạm Quang Huỳnh (thành viên độc lập).

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Nhựa Đông Á lỗ hơn 257 tỷ đồng trong năm 2023 còn năm trước lãi hơn 7 tỷ đồng. Doanh thu giảm gần một nửa, còn gần 1.204 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo nhận định năm 2023 gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng đồng loạt đưa công ty vào nhóm nợ xấu cao nhất, không thể vay vốn để duy trì hoạt động cũng như tái cơ cấu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, chi phí lãi vay ở mức cao, công ty phải thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và giảm giá hàng tồn kho dẫn đến chi phí trích lập lớn.

Năm nay, ban lãnh đạo đánh giá vẫn tiếp tục khó khăn do các ngân hàng hạ nhóm tín dụng. Công ty tiếp tục khó tiếp cận vốn ngân hàng để khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

HĐQT đặt mục tiêu doanh thu hơn 642 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9,5 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch này, công ty dự kiến kiện toàn bộ máy quản lý, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, tìm kiếm các đơn vị có năng lực tốt để liên doanh liên kết, hợp tác vận hành.

Đối với hoạt động sản xuất, công ty sẽ khai thác các nhà máy sau quá trình đầu tư, xử lý hàng tồn kho, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mới. Công ty cũng sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc tài chính, triển khai phát hành cổ phiếu khi được đại hội cổ đông thông qua; nghiên cứu các giải pháp cụ thể để duy trì dòng tiền.

Tính đến 31/3, Nhựa Đông Á còn nợ vay tài chính 1.171 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, công ty có nợ vay ngắn hạn gần 759 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn.

Hàng tồn kho cuối kỳ đạt 928 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tồn kho chiếm 53% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Mới đây, cổ phiếu DAG bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/7 do công ty chưa họp đại hội cổ đông thường niên 2024 (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2023). Ngày 15/7 vừa qua, công ty có tổ chức cuộc họp này nhưng không thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.

Cổ phiếu DAG cũng thuộc diện hạn chế giao dịch do Nhựa Đông Á chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với quy định.

Cổ phiếu DAG còn thuộc diện kiểm soát do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đưa chứng khoán vào diện cảnh báo.

Cổ phiếu DAG vẫn thuộc diện cảnh báo do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với quy định.