Cổ phiếu Rạng Đông của đại gia Hồ Đức Lam nổi sóng vì đâu?
(Dân trí) - Dù đang trong diện bị cảnh báo và công ty vừa công bố thông tin thua kiện cổ đông ngoại nhưng cổ phiếu RDP của Rạng Đông vẫn bùng nổ giao dịch và tăng trần.
Thị trường sáng nay (2/10) khởi đầu tháng mới với diễn biến tương đối tích cực khi hầu hết chỉ số đều tăng điểm, dù thanh khoản vẫn thấp, cho thấy sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư đang gia tăng.
VN-Index tăng 5,11 điểm tương ứng 0,44% lên 1.159,26 điểm; HNX-Index tăng 0,99 điểm tương ứng 0,42% và UPCoM-Index tăng 0,15 điểm tương ứng 0,17%.
Thanh khoản đạt 5.398 tỷ đồng tương ứng 241 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE; HNX có 30,3 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 581 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 12,5 triệu cổ phiếu tương ứng 193 tỷ đồng.
RDP của Rạng Đông sáng nay gây chú ý khi tăng trần lên 9.940 đồng/cổ phiếu với khớp lệnh tăng đột biến, đạt 2,22 triệu đơn vị (bình quân khối lượng giao dịch trong 3 tháng trở lại đây của RDP chỉ đạt hơn 300.000 cổ phiếu mỗi phiên). Trước đó, mã này cũng có mức tăng mạnh 5,21% phiên 29/9.
Cổ phiếu RDP có diễn biến tích cực bất chấp Rạng Đông Holding mới đây thông báo việc thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Pla-net Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan.
Rạng Đông Holding là doanh nghiệp của ông Hồ Đức Lam. Ông Lam là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty và cũng nắm giữ phần lớn cổ phần tại doanh nghiệp này.
Theo báo cáo quản trị bán niên 2023 mà Rạng Đông công bố, ông Lam sở hữu 24,59 triệu cổ phiếu RDP, tương ứng tỷ lệ sở hữu lên tới 50,12% vốn điều lệ. Con trai ông Lam là Hồ Đức Dũng, cũng là một thành viên HĐQT của Rạng Đông, sở hữu hơn 65.000 cổ phiếu, tương ứng 0,13%.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, chị gái ông Hồ Đức Lam, tới nay vẫn còn hơn 16.500 cổ phiếu RDP tại Rạng Đông, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,03% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, HĐQT Rạng Đông mới đây đã thông qua phương án triển khai phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với mức giá chào bán 10.000 đồng, cao hơn thị giá RDP đang được giao dịch trên thị trường. Với khối lượng phát hành dự kiến 30 triệu cổ phiếu, Rạng Đông có thể thu về 300 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian phát hành dự kiến từ quý IV năm nay đến quý II/2024, sau khi có thông báo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu thành công, vốn điều lệ Rạng Đông sẽ tăng từ hơn 490 tỷ đồng lên mức hơn 790 tỷ đồng.
Trong đợt chào bán này, dự kiến sẽ có 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong nước tham gia. Trong đó, ông Hồ Đức Lam sẽ mua thêm 17 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 52,6% vốn điều lệ. Đợt phát hành dự kiến cũng sẽ đưa thêm 3 nhà đầu tư vào danh sách cổ đông lớn.
Số tiền thu từ đợt chào bán dự kiến được Rạng Đông dùng để trả nợ vay ngân hàng gồm 140 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng BIDV và 160 tỷ đồng nợ vay tại Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank.
Trở lại với thị trường sáng nay, toàn sàn HoSE có 5 mã tăng trần thì nhóm ngành thực phẩm và đồ uống đã đóng góp 3 mã là ANV, CMX, FMC. Cả 3 mã này đều dư mua giá trần. Bên cạnh đó, nhiều mã khác cùng ngành cũng đạt được mức tăng giá mạnh: IDI tăng 6,3% và đang áp sát mức giá trần; LAF tăng 5,5%; SCD tăng 4,6%; ACL tăng 4,4%; VHC tăng 3,9%; ASM tăng 3,5%; ABT tăng 3,3%; BAF tăng 2,9%.
Sau chuỗi ngày bị bán mạnh thì sáng nay cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính hồi phục, tuy nhiên mức tăng không thật sự ấn tượng với nhóm chứng khoán. VIX tăng 3,2%; VCI tăng 2,1%; HCM tăng 2%; AGR tăng 2%; VND tăng 1,9%; APG tăng 1,9%; SSI tăng 1,7%.
Tương tự, cổ phiếu bất động sản cũng đã hồi phục, nhưng chưa thực sự đột phá. Một số mã có mức tăng khá tốt có thể kể đến NVT tăng 4,8%; VRE tăng 3,3%; DRH tăng 3,2%; TCH tăng 3%; SZC, SJS, SGR tăng hơn 2%.
Cổ phiếu ngành ngân hàng gần như đi ngang với biên độ dao động khá hẹp. Trong khi một số mã đạt trạng thái tăng như MSB, OCB, VIB, STB, MBB, CTG thì TCB, VCB, VPB, HDB và BID lại giảm giá.