Shopee, iPrice... ồ ạt sa thải nhân viên, chuyện gì đang xảy ra?

An Chi

(Dân trí) - Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang nếm dần mùi vị đau thương khi kinh tế toàn cầu biến động. Hướng giải quyết được các startup đưa ra là sa thải nhân viên.

Làn sóng cắt giảm nhân sự lan rộng

Các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã sa thải hàng trăm nhân viên trong vài tháng qua. Điều này báo hiệu làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan sang lĩnh vực này.

Có ít nhất 6 công ty công nghệ đã cho nhân viên thôi việc, trong đó có Sea Limited, công ty mẹ của Shopee có trụ sở tại Singapore. Giới đầu tư cho rằng, đây chỉ là bước khởi đầu trong quá trình cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ khi lãi suất tăng và bất ổn kinh tế xuất hiện. Các công ty buộc phải chọn lợi nhuận thay vì mở rộng quy mô, tăng trưởng.

Thông tin từ email của Chris Feng - CEO Shopee - cho biết công ty này đã cho nghỉ việc hàng loạt nhân viên từ các bộ phận như giao đồ ăn, thanh toán trực tuyến và các đội nhóm từ Argentina, Chile và Mexico. "Do không chắc chắn tạo ra sự gia tăng kinh tế, chúng tôi cần thận trọng khi thực hiện một số điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung nguồn lực", nội dung email của Shopee.

Tương tự, StashAway - công ty quản lý tài sản kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore - cũng đã sa thải 31 nhân viên, tương đương 14% tổng số nhân viên vào tháng 5, tháng 6.

Nền tảng mua sắm trực tuyến của Malaysia - iPrice cũng cho nghỉ việc 1/5 lực lượng lao động vào tháng 6. Trước đó, công ty này có 250 nhân viên. Thậm chí, Zenius - công ty công nghệ giáo dục tại Indonesia - đã cho thôi việc hơn 200 nhân viên trong thời gian gần đây.

Shopee, iPrice... ồ ạt sa thải nhân viên, chuyện gì đang xảy ra? - 1

Hàng trăm nhân viên của các startup Đông Nam Á đã mất việc làm trong vài tháng qua (Ảnh minh họa: Getty).

Cùng chung đà cắt giảm nhân sự, sàn giao dịch tiền số có trụ sở tại Singapore - Crypto.com cũng tuyên bố sa thải 260 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động ở công ty với lý do điều kiện kinh tế "không chắc chắn".

JD.ID, chi nhánh Indonesia thuộc công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, cũng bắt đầu vào guồng cắt giảm lượng nhân viên. Giám đốc quản lý Jenie Simon lý giải, công ty buộc phải làm vậy để "duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Indonesia" khi các startup khác ở Indonesia cũng tuyên bố sa thải bớt nhân sự, bao gồm Lummo và LinkAja.

Không chỉ cắt giảm nhân sự, các công ty còn thận trong việc tuyển dụng người mới. Tại Singapore, số lượng việc làm trong lĩnh vực công nghệ sụt giảm so với năm ngoái. Theo cổng thông tin việc làm công nghệ Nodeflair, các vị trí tuyển dụng giảm từ 9.200 (tháng 7 đến tháng  8/2021) xuống 8.850 trong tháng 4, tháng 5 năm nay.

Lãi suất tăng tạo ra áp lực lớn

Lãi suất tăng là mối quan tâm đặc biệt đối với ngành công nghệ. Ông Jefrey Joe, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Alpha JWC, cho rằng: "Việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, chi phí vốn và kỳ vọng lợi nhuận đối với các nhà đầu tư".

Ông James Tan, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures, cũng cho rằng khi chi phí đi vay tăng lên thì nền kinh tế sẽ đối mặt với những bất ổn. "Việc sa thải nhân viên của các công ty ở thời điểm này không có gì là bất ngờ. Nếu startup không làm như vậy thì sẽ phải đối mặt với các chất vấn đến từ hội đồng quản trị về việc quản trị khi xảy ra khủng hoảng", ông nói.

Theo ông, các startup sẽ phải kéo dài thời gian chi tiêu từ 18 đến 36 tháng, thay vì 12 tới 18 tháng, trước khi tiếp tục huy động vốn. Khi định giá giảm so với năm trước, công ty sẽ muốn tránh khả năng bị định giá thấp hơn vòng gọi vốn trước đó. Họ sẽ cố gắng cắt giảm chi phí, vượt qua đợt suy thoái trước khi quá trình huy động trở lại.

Nhận định về thị trường, ông Tan cho rằng Đông Nam Á vẫn là mảnh đất màu mỡ, bất chấp làn sóng suy thoái dần nhen nhóm. Điển hình là việc các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào Đông Nam Á đã huy động được 900 triệu USD trong năm nay, tương đương với số tiền trong năm 2021. Vì Đông Nam Á vẫn là khu vực có tầng lớp trung lưu gia tăng, tỷ lệ sử dụng internet cao và có nhiều startup tiềm năng.

"Thời điểm kinh tế suy thoái chính là lúc để nhà đầu tư lựa chọn các doanh nghiệp đang hoạt động tốt và đầu tư vào họ trong khi định giá còn rẻ. Chúng ta sẽ nhận được phần thưởng sau 5 - 10 năm sau", ông Tan nêu quan điểm. Còn bà Huang Pouleur từ Openspace Ventures nhận định, các công ty chất lượng tốt và chất lượng kém sẽ có sự phân biệt rõ ràng. "Khi nhiều công ty kém sa thải lượng lớn nhân sự tốt, các công ty lớn hơn, mạnh hơn sẽ tuyển dụng được nhiều người tài hơn".

Theo www.cnbc.com