(Dân trí) - Ông Indermit Gill - Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: "Một thập kỷ mất mát đang hình thành". Vậy đâu là những giải pháp để xử lý?
Cảnh báo về "thập kỷ mất mát" của kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo công bố ngày 27/3 vừa qua, WB dự báo tiềm năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, với trung bình 2,2% một năm từ nay cho đến năm 2030. Điều này có khả năng mở ra một "thập kỷ mất mát" cho nền kinh tế thế giới trừ khi các kế hoạch lớn để tăng nguồn cung lao động, năng suất lao động và đầu tư được thực hiện.
"Thập kỷ mất mát"
WB cho biết việc không thể đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động sâu sắc đến khả năng giải quyết các vấn đề như giảm đói nghèo, chênh lệch thu nhập và biến đổi khí hậu.
Ông Indermit Gill - Nhà kinh tế trưởng của WB, nhận định: "Một thập kỷ mất mát đang hình thành". Điểm đáng chú ý trong báo cáo dài 550 trang của WB là các chính sách khuyến khích việc làm, tăng năng suất cũng như nguồn cung lao động và thúc đẩy đầu tư có thể đảo ngược xu hướng này.
Theo ông Ayhan Kose - giám đốc bộ phận dự báo của WB, hiện WB cũng đang theo dõi các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh việc tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện tài chính đã làm tăng chi phí đi vay của các nước đang phát triển. "Sự giảm tốc mà chúng tôi đang đề cập đến có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác nổ ra, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó đi kèm với suy thoái toàn cầu", ông Kose nói thêm.
Các cuộc khủng hoảng liên tiếp
Báo cáo mới nhất của WB được đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang quay cuồng vì cuộc xung đột Nga - Ukraine và nỗ lực mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 của các quốc gia.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những bất ổn lớn cho các công ty và làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư trên thế giới xuống mức 3,5% hàng năm - bằng một nửa mức của 2 thập kỷ qua. Dịch bệnh cũng tác động đến lĩnh vực giáo dục, ảnh hưởng đến các kỹ năng nghề nghiệp và dẫn tới việc ít người làm việc hơn dự kiến tại nhiều quốc gia.
Mặt khác, xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng những bất ổn và làm giảm đầu tư, đặc biệt là ở châu Âu. Ông Kose cho biết sự kết hợp của những yếu tố trên có nghĩa là "kỷ nguyên vàng của sự phát triển dường như sắp kết thúc". Theo ông, tình trạng hỗn loạn trong hai tuần qua trên thị trường tài chính là mối quan tâm lớn đối với triển vọng kinh tế hiện tại và trong 4 đến 5 năm tới.
Những gì báo cáo của WB thể hiện là các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong vài năm qua đã chấm dứt gần 3 thập kỷ tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Kết quả là, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình được dự đoán sẽ giảm xuống còn 2,2% trong giai đoạn 2022 - 2030. Tỷ lệ này thấp hơn so với 2,6% trong giai đoạn 2011-2021 và 3,5% trong giai đoạn 2000-2010.
Theo WB, tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2022-2024 chỉ bằng một nửa so với 20 năm trước và thương mại quốc tế cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều. Ngoài ra, mức độ đầu tư thấp cũng sẽ làm chậm tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển.
GDP trung bình của nhóm này được dự đoán chỉ tăng 4% trong giai đoạn 2022-2030. Trong khi đó, tốc độ này là 5% trong giai đoạn 2011-2021 và 6% trong giai đoạn 2000-2010. Báo cáo cũng chỉ ra rằng năng suất lao động đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2000.
Nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Trung Quốc, đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Chính vì thế, một số chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh hoặc tăng tuổi nghỉ hưu đã được áp dụng để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, năm nay, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi và được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phục hồi của nhu cầu trong nước. WB cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 5% trong năm nay sẽ là tín hiệu tích cực giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.
Mặc dù vậy, khả năng giữ cho kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng có thể suy yếu đáng kể nếu kinh tế Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những năm tới.
Ông Gill nhận định: "Chúng ta đã quen với việc Trung Quốc là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều đó sẽ thay đổi khi kinh tế nước này giảm tốc theo thời gian. Câu hỏi đặt ra lúc này là thay thế vai trò đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc với kinh tế thế giới bằng động lực nào?".
Theo ông, câu trả lời nằm ở việc tìm ra giải pháp nhằm tận dụng các thay đổi cơ cấu lớn nhất mà mỗi quốc gia có thể thực hiện để duy trì hoạt động và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Các giải pháp
WB cho biết, để thay đổi, các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và giảm nợ, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
Báo cáo của WB nêu bật các chính sách cấp quốc gia cụ thể có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong việc thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn như sau:
Điều chỉnh các khuôn khổ tiền tệ, tài khóa và tài chính: Các khuôn khổ chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô mạnh mẽ có thể điều tiết những thăng trầm của chu kỳ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiềm chế lạm phát và đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính. Những chính sách này có thể giúp các quốc gia thu hút vốn bằng cách củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Tăng cường đầu tư: Theo WB, đối với những lĩnh vực như giao thông và năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như hệ thống đất và nước, các khoản đầu tư hợp lý phù hợp với mục tiêu chính về khí hậu có thể nâng cao tiềm năng tăng trưởng lên tới 0,3 điểm phần trăm mỗi năm cũng như tăng cường khả năng đối phó với thiên tai trong tương lai.
Cắt giảm chi phí thương mại: Chi phí thương mại - chủ yếu liên quan đến vận chuyển, logistics và các quy định, là yếu tố góp phần làm tăng gấp đôi chi phí hàng hóa giao dịch quốc tế hiện nay. Các quốc gia có chi phí vận chuyển và logistics cao nhất có thể cắt giảm một nửa chi phí thương mại bằng cách tham khảo và áp dụng các biện pháp mà những quốc gia có chi phí vận chuyển và logistics thấp nhất.
Hơn nữa, chi phí thương mại có thể được giảm theo cách loại bỏ xu hướng hiện tại đối với hàng hóa tác động xấu tới môi trường và loại bỏ hạn chế đối với việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Đầu tư vào dịch vụ: Khu vực dịch vụ có thể trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu các dịch vụ chuyên nghiệp được cung cấp kỹ thuật số liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông đã tăng lên hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vào năm 2021. Con số này tăng từ mức 40% vào năm 2019.
Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động: Khoảng một nửa tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng chậm lại dự kiến cho đến năm 2030 sẽ là do thay đổi nhân khẩu học, bao gồm dân số trong độ tuổi lao động giảm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm.
Tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tổng thể bằng mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua có thể giúp tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng trên toàn cầu lên tới 0,2 điểm phần trăm mỗi năm vào năm 2030.
Ở một số khu vực, chẳng hạn như Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, việc tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ lên mức trung bình cho tất cả các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng lên 1,2 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030.
Theo WB, những nỗ lực phối hợp để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và mở rộng sự tham gia của lực lượng lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tiềm năng lên mức 2,9%.
Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu trong hơn hai thập kỷ kể từ năm 1990 nhưng đã chững lại. Khôi phục điều này là việc cần thiết để xúc tác thương mại, thúc đẩy hành động vì môi trường cũng như huy động các khoản đầu tư cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Nội dung: Hạnh Vũ
(Tổng hợp)