(Dân trí) - Giá xăng tăng cao, lạm phát kỷ lục, đứt gãy nguồn cung do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách phong tỏa của Trung Quốc... là những điểm nổi bật của nền kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm.
Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm có gì đọng lại?
Giá xăng dầu tăng cao, lạm phát kỷ lục, khủng hoảng lương thực và đứt gãy nguồn cung do cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng như chính sách phong tỏa của Trung Quốc… là những điểm nổi bật của nền kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm.
Theo cảnh báo của Liên Hiệp Quốc (UN), đến giữa năm nay, nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới, mặc dù vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Cuộc xung đột ở Ukraine đã cản trở sự phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc ở châu Âu, đẩy giá lương thực và hàng hóa lên cao, khiến tăng trưởng chậm lại và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn thế giới.
Những bất ổn địa chính trị và kinh tế đang làm giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, đồng thời làm suy yếu thêm triển vọng kinh tế ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế thế giới hiện được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022 và 2023, đánh dấu mức điều chỉnh giảm đáng kể lần lượt là 0,9 và 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó được UN công bố vào tháng 1 năm nay.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế liên tục bị cắt giảm
Kinh tế thế giới trong nửa đầu năm phải đối mặt với nhiều rủi ro tiêu cực lớn từ việc gia tăng thêm cuộc xung đột ở Ukraine, làn sóng đại dịch mới và việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế liên tục tụt hạng trên diện rộng. UN dự báo tăng trưởng ở Mỹ được sẽ chậm lại, xuống còn 2,6% vào năm nay do áp lực lạm phát cao, tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang và đồng đô la Mỹ mạnh đang đè nặng lên xuất khẩu ròng.
Tại Trung Quốc, GDP dự kiến sẽ tăng 4,5% - mức điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm do các chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt có ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng.
Trong khi đó, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) phải chịu một tổn thất đặc biệt nặng nề: GDP của khối này dự kiến tăng 2,7% trong năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự kiến vào tháng 1.
Triển vọng kinh tế của Cộng đồng các quốc gia độc lập và Gruzia cũng giảm mạnh. Kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm khoảng 10% vào năm 2022. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, các đợt di dân quy mô lớn và hoạt động kinh tế gián đoạn, nền kinh tế Ukraine dự kiến sẽ giảm từ 30% đến 50% vào năm nay.
Triển vọng đối với các nước đang phát triển cũng xấu đi, với GDP dự kiến tăng 4,1% vào năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Giá năng lượng và thực phẩm cao hơn, áp lực lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, EU và Trung Quốc đang làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của những nước này.
Ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển, bao gồm một số quốc gia kém phát triển nhất, phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng trì trệ và rủi ro gia tăng đối với phát triển bền vững, trong bối cảnh nợ nần chồng chất ở mức cao.
Triển vọng tiêu cực còn do tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ở châu Phi và Tây Á. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn khiến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn trước các đợt nhiễm Covid-19 mới. Đến cuối tháng 4/2022, số liều trên 100 người ở các nước phát triển là 190,8 so với 143,5 ở các nước đang phát triển và chỉ 35,5 ở châu Phi.
Đứt gãy nguồn cung, giá thực phẩm leo thang
Trong nửa đầu năm, kinh tế thế giới bị rung chuyển bởi xung đột ở Ukraine. Sự kiện này, cùng với các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đã làm chao đảo thị trường hàng hóa, và làm trầm trọng thêm các cú sốc từ phía nguồn cung. Cuộc xung đột đã trực tiếp làm gián đoạn xuất khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, phân bón và kim loại, đẩy giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa lên cao. Nga và Ukraine là những nhà cung cấp hàng hóa nông nghiệp chủ chốt, chiếm 25% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 16% xuất khẩu ngô và 56% xuất khẩu dầu hướng dương.
"Nga là nhà cung cấp dầu, khí đốt và kim loại chính, và cùng với Ukraine, lúa mì và ngô. Nguồn cung các mặt hàng này giảm đã khiến giá của chúng tăng mạnh", IMF cho biết trên CNBC.
Jari Stehn, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Goldman Sachs, cũng chia sẻ với CNBC về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine với nền kinh tế châu Âu. "Giá năng lượng đang đè nặng lên các nhà sản xuất trong khu vực đồng euro. Ngoài ra, một loạt các vấn đề về chuỗi cung ứng đã bị trầm trọng hóa đại bởi cuộc chiến ở Ukraine".
Sự căng thẳng trong chuỗi cung ứng, lạm phát và đại dịch đã đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu. Nga và Ukraine là các nhà sản xuất thực phẩm lớn xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa mì, đồng thời cũng là một trong những nhà cung cấp phân bón lớn trên thế giới.
Theo ông Daniel Aminetzah, Trưởng Bộ phận Thực hành Nông nghiệp và Hóa chất của McKinsey, khu vực Nga - Ukraine xuất khẩu khoảng 30% lượng lúa mì và 65% lượng hướng dương toàn cầu. Do đó, một chút gián đoạn nguồn cung sẽ tạo ra một số tác động đến giá cả.
Một sự kiện kinh tế nổi bật khác trong 6 tháng đầu năm góp phần làm đứt gãy nguồn cung toàn cầu là các đợt phong tỏa trong tháng 4 tại cửa ngõ tài chính Thượng Hải, trung tâm sản xuất Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và các khu vực khác của Trung Quốc với nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của địa dịch Covid-19.
Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Vì vậy, các đợt phong tỏa đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hàng hóa và gia tăng rủi ro liên quan lạm phát toàn cầu. Bất chấp các lời kêu gọi từ nhà chức trách về đảm bảo logistics xuyên suốt, nhiều container hàng hóa vẫn bị bỏ lại tại cảng Thượng Hải suốt nhiều tuần.
"Có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực chuỗi cung ứng ngày càng xấu đi", Mitul Kotecha - Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi tại TD Securities - nhận định. "Có sự nới lỏng dần dần tại một số tỉnh và thành phố nhưng lĩnh vực sản xuất vẫn phải chật vật do áp lực logistics và chuỗi cung ứng".
Lạm phát cao kỷ lục
Trong nửa đầu năm, nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng cao kỷ lục. Theo kịch bản cơ sở, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ đạt 7,9% vào năm 2022 và hướng tới 5% vào năm 2023, so với mức lạm phát trung bình hàng năm của giai đoạn 2001-2019 là 3,8%.
Nhìn chung, các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng sẽ cảm thấy tác động lạm phát cao hơn vào năm 2022. Với dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022-2023, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả các nền kinh tế mới nổi và phát triển sẽ ngày càng cảm thấy sức ép của giá cả tăng cao. Giá cao hơn cũng sẽ gây thêm áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ở Mỹ, theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 5 là 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng. Các chỉ số lạm phát khác cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nửa năm qua. Mức độ lạm phát bắt đầu gia tăng sau đại dịch, chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu công nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thực hiện các biện pháp để kiềm chế lạm phát và tăng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường lao động thắt chặt và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao đang khiến việc kiềm chế lạm phát về mục tiêu 2% trở nên khó khăn hơn.
Còn ở Anh, NPR trích dẫn theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy lạm phát giá tiêu dùng đã tăng nhẹ từ mức 9% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 1982. Sự gia tăng này nằm trong dự đoán của các nhà phân tích và không có dấu hiệu nhanh chóng kết thúc tình trạng thắt chặt chi phí sinh hoạt mà hàng triệu người ở Anh đang phải đối mặt. Theo Ngân hàng Trung ương Anh, lạm phát có thể chạm mức 11% vào tháng 10 khi giới hạn hóa đơn năng lượng trong nước được dỡ bỏ. Trước đó, ngân hàng đã tăng lãi suất để chống lạm phát, mặc dù sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục gây thêm áp lực lạm phát vào năm 2022.
Rủi ro lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn ở mức cao trong năm nay. Theo Reuters, lạm phát khu vực này đã tăng lên mức cao kỷ lục 8,1% trong tháng 5 theo ước tính sơ bộ, gấp hơn 4 lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ban đầu được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau đại dịch và giá năng lượng tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, hiện nay lạm phát ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thực phẩm và dịch vụ đến hàng hóa hàng ngày.
Điều này khiến ECB buộc phải tăng dự báo lạm phát lên 6,8% trong năm nay, 3,5% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng như Đức, Italy và Tây Ban Nha, dự kiến sẽ tăng giá mạnh hơn, với dự báo lạm phát lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,8% vào năm 2022. Người tiêu dùng và doanh nghiệp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ ngày càng cảm thấy sức ép giá tăng trong thời kỳ 2022-2023.
Trung Quốc là một trường hợp cá biệt. Chính sách Zero-Covid của nước này cùng với những nỗ lực nhằm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn và tỷ lệ lạm phát thấp hơn. Trong tháng 5, lạm phát tại nhà máy của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu thép, nhôm và các mặt hàng công nghiệp chủ chốt khác suy yếu do hạn chế bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng tăng giá do giá năng lượng và nông sản tăng. Tính đến năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 49% dầu thô và khí đốt.
Thị trường năng lượng toàn cầu được định hình lại
Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng áp đặt lên Nga được dự đoán sẽ định hình lại cơ bản toàn cảnh năng lượng toàn cầu. Cuộc xung đột đã làm chao đảo các thị trường năng lượng trên toàn thế giới và đẩy những lo ngại về an ninh năng lượng lên hàng đầu.
Giá dầu thô thế giới liên tục tăng và đạt mức cao mới. Đầu tháng 6, giá dầu thô Brent tăng vọt lên 124 USD/thùng, đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ đầu tháng 3 sau khi EU thông báo sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Ông Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu về dầu mỏ châu Mỹ tại Công ty phân tích Kpler, nói với CNN Business rằng "giá dầu 3 con số" có thể sẽ tiếp tục tăng.
Giá dầu và năng lượng tăng cao ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất và khía cạnh cuộc sống khác. Các chính phủ trên thế giới đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi tác động của việc tăng giá này. Ngoài việc hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, các biện pháp này bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với tiêu thụ năng lượng, giới hạn giá năng lượng, giảm giá nhiên liệu và trợ cấp chi phí. Ví dụ, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã công bố các biện pháp hỗ trợ năng lượng trị giá tổng cộng 80 tỷ euro.
Trước tình hình giá cả leo thang, nhiều quốc gia đang tìm cách mở rộng nguồn cung cấp năng lượng trong nước. Trong ngắn hạn, những nỗ lực này có thể sẽ làm tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch. Tại Mỹ, nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, giá cao hơn và những lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng đã thúc đẩy sự gia tăng các hoạt động khoan dầu. Vào giữa tháng 4, số lượng giàn khoan của Mỹ, đo lường số lượng giếng dầu đang hoạt động, tăng hơn 58% so với năm trước. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã công bố giải phóng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong sáu tháng tới từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược để hạ giá năng lượng.
Ở châu Âu, những lo ngại về địa chính trị và an ninh năng lượng đã được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt. Cuộc xung đột đã khiến nhiều chính phủ phải xem xét lại các chính sách năng lượng và sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Năm 2020, Nga chiếm khoảng 41% nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu, 37% nhập khẩu dầu và 19% nhập khẩu than. Đối với Đức, quốc gia dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, khí đốt của Nga chiếm 65% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào năm 2020.
Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt ngay lập tức từ Nga mà không có các thỏa thuận thay thế sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, có khả năng gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc ở các nước như Đức. Một động thái loại bỏ hoặc giảm nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ đồng nghĩa với việc tranh giành các lựa chọn thay thế để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế.
Trong trung hạn, EU có thể chuyển sang các nhà xuất khẩu năng lượng khác. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi EU phải nhanh chóng giải quyết các tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng trong hệ thống đường ống, bến chứa và tàu chở dầu. Trong khi đó, nhiều khả năng Nga sẽ tìm thị trường mới cho nhiên liệu hóa thạch ở Đông và Nam Á.
Nền kinh tế được dự báo thế nào trong nửa cuối năm?
Trong 6 tháng đầu năm, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng giá dầu, khí đốt và các hàng hóa khác, dẫn đến tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Cộng thêm lạm phát tăng vọt và các chính sách thắt chặt tiền tệ vào hỗn hợp, và triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2022 sẽ không còn khả quan.
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đã dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục suy giảm trong những tháng tới, do thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng.
Trong một video gần đây được WB đăng lên Twitter, Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển, Ayhan Kose cho biết: "Thật không may, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán. Chúng tôi đã dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, nhưng mức độ tăng trưởng hiện thậm chí còn chậm hơn so với dự đoán".
Kose nói thêm: "Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chồng chéo: cuộc xung đột ở Ukraine và những hậu quả nghiêm trọng; lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt; và dự báo một cuộc khủng hoảng thứ ba - đó là cuộc khủng hoảng sức khỏe. Vì vậy, thời gian sắp tới là một giai đoạn khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu".
Nhận xét của Kose được đưa ra ngay sau khi WB công bố một báo cáo về nguy cơ gia tăng "lạm phát đình trệ". Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 2,9%, thấp hơn đáng kể so với 4,1% đã được dự đoán vào tháng 1.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong một báo cáo mới công bố: "Xung đột ở Ukraine, phong tỏa ở Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đang kìm hãm tăng trưởng. Đối với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ khó tránh khỏi. Vì vậy, trong thời gian còn lại của năm, chúng ta cần phải khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Những thay đổi trong chính sách tài khóa, tiền tệ, khí hậu và nợ là cần thiết để chống lại sự phân bổ sai vốn và bất bình đẳng".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: "Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để giảm giá hàng hóa cho người dân Mỹ. Giá dầu tại vòi bơm cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát, và cuộc xung đột ở Ukraine là một tác nhân chính gây ra điều đó. Mỹ đang trên đà sản xuất một lượng dầu kỷ lục trong nửa cuối năm nay và năm tới. Hiện tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ này".
Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)