DBiz

Bầu Đức: Từ giấc mơ tỷ phú USD đến quyết tâm sạch nợ

Khổng Chiêm
Bầu Đức: Từ giấc mơ tỷ phú USD đến quyết tâm sạch nợ

Đường trượt dài trong nợ

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) từng thừa nhận hiểu nỗi khổ, hiểu cảm giác của người mang nợ. "Bị ngân hàng quấy rầy nhục lắm, nếu có lòng tự trọng", ông nói.

Bầu Đức sáng lập Hoàng Anh Gia Lai, xuất phát điểm ban đầu là một thương hiệu nội thất nổi tiếng ở phố núi Gia Lai. Sau đó, công ty mở rộng sang nhiều lĩnh vực như bất động sản, thủy điện, nông nghiệp (cao su, dầu cọ, mía đường, chăn nuôi bò)... Có thời điểm, Hoàng Anh Gia Lai ồ ạt phát triển nhiều dự án bất động sản lớn, tràn sang cả Myanmar.

Năm 2008, cổ phiếu HAG được niêm yết. Bầu Đức sau đó trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, không ngần ngại bày tỏ ước mơ có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam.

Thời kỳ đỉnh cao, bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ông mua một chiếc máy bay do Mỹ sản xuất, có 12 chỗ ngồi, lên tới 7 triệu USD. Lúc đó, ông khẳng định mua máy bay để giải quyết nhu cầu công việc chứ không phải mua về chỉ để thỏa cái sở thích cá nhân; không thừa tiền để mua máy bay chỉ để thỏa mãn cái thú vui ngắm cảnh...

Tuy nhiên sau đó, ông Đức gặp thất bại với cao su, mía đường, chăn nuôi bò. Giá cao su rớt thê thảm, các mảng kinh doanh khác không thuận lợi khiến nợ vay đè nặng. Từ giấc mơ tỷ phú USD, bầu Đức thành con nợ tỷ USD. Năm 2016, số nợ của Hoàng Anh Gia Lai lên đến hơn 26.500 tỷ đồng, chi phí lãi vay 1 năm gần 1.600 tỷ đồng.

Rồi bầu Đức tìm mọi cách để cơ cấu nợ. Ngân hàng BIDV và hàng chục ngân hàng khi đó đã thống nhất giãn tiến độ trả nợ trái phiếu đến 2026, giảm lãi suất và không đưa các khoản dư nợ vào mục nợ xấu.

Hoàng Anh Gia Lai bán hàng nghìn ha cao su để trả nợ, bán dự án phức hợp tại Myanmar, bán phá giá nhiều dự án căn hộ tại TPHCM, tuyên bố rút lui khỏi mảng bất động sản.... Ngay cả Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) - một doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái liên quan bầu Đức - cũng được sang tay ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco).

Trong cuộc gặp nhà đầu tư hồi cuối năm vừa qua, nhớ về những ngày tháng đó, bầu Đức trần tình: "Tôi từng phát triển nóng, đầu tư tràn lan, đã thấm đòn nên hiểu nhất chuyện này. Ở Việt Nam, đầu tư đa ngành không được". Là người đi từ thấp nhất lên đỉnh cao rồi "thất bại, xuống âm phủ ngồi cho người ta khinh", ông Đức hạ quyết tâm trả sạch nợ vào năm 2026.

Bầu Đức - Ảnh HAGL-edited.jpeg

Bầu Đức từng ấp ủ giấc mơ trở thành tỷ phú USD (Ảnh: HAG).

Bán tài sản, bán cổ phiếu, bán mọi thứ…

Để hiện thực hóa giấc mơ sạch nợ vay, bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai đã và đang lần lượt thanh lý nhiều loại tài sản.

Tập đoàn vừa đăng ký bán 13,31 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Thời gian thực hiện từ ngày 9/1 đến ngày 7/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Mục đích giao dịch nhằm trả nợ trái phiếu cho Ngân hàng BIDV.

Nếu thành công, Hoàng Anh Gia Lai sẽ còn nắm gần 91,4 triệu cổ phiếu HNG, tương ứng 8,24% vốn. Bầu Đức hiện là Phó chủ tịch HĐQT HAGL Agrico, không sở hữu cổ phiếu HNG.

Giá cổ phiếu HNG tăng mạnh sau thông tin HAGL Agrico thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào (tên viết tắt là Southern Laos Agri) tại tỉnh Attapeu, Lào với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng, thuộc 100% sở hữu của HAGL Agrico. Tính chung 3 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu HNG đã tăng khoảng 66%, ở mức 13.300 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 4/1). Mức giá này cũng đã về vùng cao nhất trong 3 năm qua.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng bán công bố chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai đang nắm giữ. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ không còn là công ty liên kết của tập đoàn.

Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai với thương hiệu heo ăn chuối Bapi ra đời vào năm 2022, đánh dấu sự hợp tác giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty dược phẩm Đông Á. Ban đầu khi mới thành lập, Bapi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai chiếm 55% vốn góp.

Tuy nhiên sau đợt Bapi Hoàng Anh Gia Lai phát hành tăng vốn đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn sở hữu 34% vốn.

Về tài sản, Hoàng Anh Gia Lai cũng muốn bán Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ. Bệnh viện này được thành lập năm 2011, địa chỉ tại phường Trà Bá, TP Pleilu (Gia Lai), cạnh Quốc lộ 19, dựa trên sự hợp tác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và Tập đoàn HAGL.

Doanh nghiệp của bầu Đức cũng bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cho Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Giá trị thương vụ theo công bố của Hoàng Anh Gia Lai là 180 tỷ đồng. Khách sạn này hoạt động từ tháng 12/2005, là công trình đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Sở hữu vị trí đắc địa, ngay Quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, cạnh ngã tư Hùng Vương - QL19 - Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh nhưng tài sản này không sinh lời, theo doanh nghiệp.

Ngoài bán tài sản, bán cổ phần, Hoàng Anh Gia Lai còn lên kế hoạch bán cổ phiếu phát hành mới để có nguồn tiền. Công ty dự kiến huy động 1.300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm lấy tiền trả nợ.

Nhà đầu tư tham gia đợt chào bán này đã được doanh nghiệp công bố, gồm Tập đoàn ThaiGroup (mua 52 triệu cổ phiếu), Công ty Chứng khoán LPBank (mua 50 triệu cổ phiếu) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng (mua 28 triệu cổ phiếu). Cả 3 nhà đầu tư này đều có liên quan tới ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - Chủ tịch Ngân hàng LPBank. Ngân hàng này gần đây có nhiều mối liên hệ với công ty của bầu Đức.

Hoàng Anh Gia Lai còn nợ bao nhiêu?

Căn cứ trên báo cáo tài chính quý III/2023, Hoàng Anh Gia Lai còn khoản vay trái phiếu gần 4.900 tỷ đồng tại BIDV và Công ty chứng khoán BIDV. Một số khoản vay khác tại Sacombank, TPBank, Eximbank và Lao-Viet Bank.

Nếu tính riêng các khoản dư nợ phải trả trong vòng một năm (bao gồm các khoản vay ngắn hạn), Hoàng Anh Gia Lai dự kiến phải trả hơn 3.913 tỷ đồng.

Công ty lỗ lũy kế 2.640 tỷ đồng tại ngày 30/9 và cổ phiếu HNG không được cho vay ký quỹ (margin).

Bầu Đức: Từ giấc mơ tỷ phú USD đến quyết tâm sạch nợ - 2

Bầu Đức đặt nhiều kỳ vọng vào chiến lược "2 cây, 1 con" với chủ lực là sầu riêng (Ảnh: HAG).

Nỗ lực thu xếp nợ của Hoàng Anh Gia Lai đang dần có kết quả. Vừa qua, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (công ty con của Hoàng Anh Gia Lai) đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Tính từ năm 2016 đến ngày 30/9/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã trả được khoảng 22.000 tỷ đồng nợ vay, còn 7.778 tỷ đồng. Còn theo bầu Đức chia sẻ mới nhất, tính đến thời điểm giữa tháng 12/2023, tập đoàn còn nợ khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ngoài thanh lý tài sản, bán cổ phiếu trả nợ, Hoàng Anh Gia Lai còn có dòng tiền từ khoản nợ phải thu từ HAGL Agrico và kết quả kinh doanh. Theo bầu Đức, công ty của ông Dương Thaco trong năm 2022-2023 đã trả 1.000 tỷ đồng, tháng 12 dự kiến trả thêm 100 tỷ đồng. Còn 1.000 tỷ đồng còn lại, Hoàng Anh Gia Lai sẽ được trả vào quý III/2024.

Chủ tịch tập đoàn "2 cây, 1 con" còn cho biết lợi nhuận năm nay tối thiểu đạt 2.150 tỷ đồng, bao gồm khoản lợi nhuận đột biến từ lãi trả nợ cho Eximbank. Triển vọng kinh doanh từ sầu riêng, chuối và heo cũng giúp bầu Đức tự tin hơn trong nỗ lực sạch nợ vào năm 2026. Sau đó, lợi nhuận ổn định 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi năm, chia lợi nhuận đều đặn...

2 năm là thời gian để ông Đức và Hoàng Anh Gia Lai chạy nước rút cho mục tiêu trả hết số nợ 6.000 tỷ đồng còn lại. Vị doanh nhân 60 tuổi tuyên bố sẽ thận trọng, không để xảy ra rủi ro thêm lần nào nữa.