DNews

24 tuổi xây nhà cho bố mẹ, 26 tuổi mua xe: MC 9X kể chuyện tiền bạc

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chuyện kiếm tiền, tiêu tiền, giữ tiền của MC Mai Trang có những chi tiết thú vị. Theo cô, đừng áp lực về chuyện người A giàu, người B giàu, mỗi người hãy tự hoạch định về tài chính cá nhân.

24 tuổi xây nhà cho bố mẹ, 26 tuổi mua xe: MC 9X kể chuyện tiền bạc

Hãy gọi tôi là Mai Trang

Chị Mai Trang được biết đến ở nhiều vai trò khác nhau, như người dẫn chương trình (MC) của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); người sáng tạo nội dung trên Youtuber, Instragram, TikTok; giáo viên tiếng Anh; CEO của một công ty chuyên về giáo dục. Nếu phải dùng 3 tính từ để miêu tả về bản thân thì chị dùng từ gì?

- Câu hỏi của bạn rất quen, giống với câu mình từng nói với các bạn sinh viên là hãy nghĩ 3 tính từ nói về bản thân và xem người khác có nghĩ như vậy không? Đối với mình, trước đây, mình cũng tự vạch ra cho mình một vài tính từ để nói về bản thân. Nhưng bây giờ thì mình rút gọn lại chỉ còn 3 chữ thôi, 3 chữ trong một từ, đó là dễ thích nghi.

Trang nghĩ mình là một người dễ thích nghi và vì dễ thích nghi nên mình có thể thay đổi cả về tính cách, con người, nghề nghiệp... Và mình đều cảm thấy thoải mái với những công việc mình làm.

Làm nhiều công việc khác nhau, đâu là công việc mà chị Mai Trang yêu thích nhất?

- Chắc chắn không thể đặt lên bàn cân được vì công việc nào mình cũng thích và chỉ thích thì mình mới làm được thôi, đúng không nào? Nếu không thích, mình sẽ tự hỏi vì sao mình lại dành thời gian cho nó.

Nghe thì có vẻ Trang làm rất nhiều việc nhưng thực ra chúng đều liên quan đến nhau và đều liên quan đến sự phát triển của con người: từ giáo dục đến việc trò chuyện với người khác, chia sẻ các nội dung trên nền tảng số...

Trang nghĩ các công việc đều xoay quanh giá trị cốt lõi của bản thân và đều liên quan tới sở thích của mình: tìm hiểu những điều thú vị từ người khác. Vì thế, có thể Trang cũng sẽ không dừng lại ở những việc mà bạn vừa kể mà sắp tới còn có thể thêm việc khác nhưng không đi quá xa giá trị cốt lõi mà mình đặt ra.

Nếu được mọi người nhớ đến, chị mong muốn được nhắc đến với vai trò như thế nào?

- Bước vào tuổi 30, Trang không còn quá quan tâm việc mọi người gọi mình là gì và vị trí của mình ở đâu. Thậm chí, mọi người không biết mình là ai cũng được. Còn nếu thực sự phải nhắc đến, hãy gọi mình là Mai Trang.

Giàu sớm ở tuổi 24

Được biết Mai Trang 24 tuổi đã mua nhà, 26 tuổi mua xe - thời điểm mà nhiều bạn trẻ cùng trang lứa mới ra trường và ổn định công việc. Mai Trang làm gì để "giàu" như vậy?

- Giàu trong ngoặc kép đúng không (cười). Thật ra Trang nghĩ 26 tuổi không còn là độ tuổi bấp bênh nữa. Đến giờ khi nhìn lại, Trang nghĩ là mình chỉ đi trước mọi người một vài năm thôi. Bởi thời điểm này, Trang thấy xung quanh mình mọi người đều đã ổn định như vậy rồi, thậm chí còn có gia sản tốt hơn mình. Ví dụ, họ lập gia đình là hơn mình đúng không, mình thì chưa. 

Trang thấy rằng có thể người này sẽ đi trước người kia một vài bước, người kia đi sau một vài bước nhưng cuối cùng, đích đến rồi cũng sẽ ở đó.

Quay trở lại câu hỏi của bạn là làm thế nào để mình đi trước mọi người một vài bước. Trang nghĩ mình đã đặt ưu tiên kiếm nhiều tiền trong khoảng thời gian mình còn trẻ, còn nhiều sức. Đó là giai đoạn mình đổi thời gian để lấy tiền bạc.

Trang nhớ có giao đoạn mình đi dẫn chương trình rất nhiều và nó đem lại cho mình nguồn thu nhập tốt, đặc biệt khi vào mùa sự kiện. Những năm tháng tuổi trẻ, mình cứ đi dẫn chương trình triền miên như thế để tích lũy tiền.

Vì mình có một lời hứa với bản thân là muốn xây nhà cho bố mẹ, có xe hơi trước năm 27 tuổi. Thế là mình cứ lao vào làm, kiếm tiền và tích lũy. Khi đủ tiền rồi thì xây nhà thôi, rồi lại tích lũy và mua xe thôi. Đấy là cách mà Trang đã đi đến cái đích mà bản thân vạch ra.

24 tuổi xây nhà cho bố mẹ, 26 tuổi mua xe: MC 9X kể chuyện tiền bạc - 1

Mai Trang nghĩ mình đã đặt ưu tiên kiếm nhiều tiền trong khoảng thời gian mình còn trẻ, còn nhiều sức (Ảnh: Ngà Trịnh).

Khi nào thì chị có 1 tỷ đồng trong tay và cảm giác lúc đó như thế nào?

- Chưa bao giờ cầm 1 tỷ đồng trong tay. Bây giờ ai còn cầm tiền mặt rồi bảo ôi trời ôi đây là 1 tỷ nè (cười lớn). Thực ra Trang không có dấu mốc 1 tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc con số trong tài khoản, vì kiếm được bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu rồi.

Trang có 2 dấu mốc đáng nhớ liên quan đến tiền bạc. Dấu mốc đầu tiên là 10 triệu đồng và dấu mốc thứ 2 là 200 triệu đồng.

10 triệu đồng đầu tiên là khi mình còn sinh viên, tiết kiệm đủ thứ để có từng đó tiền. Trang vẫn nhớ mình đã cẩn thận để nó vào một cái phong bì, đi vào ngân hàng và đưa cho chị giao dịch viên, nhờ mở giùm một cuốn sổ tiết kiệm. Cuốn sổ đó, mình đã giữ rất kỹ, thi thoảng lại mở ra xem tồi tự nhủ: Ồ mình có được 10 triệu đồng rồi.

Dấu mốc thứ 2 là 200 triệu đồng, khi đó mình đã đặt ra mục tiêu lớn hơn. Và sau đó mình xây nhà cho bố mẹ, thậm chí thiếu tiền phải đi vay rồi làm trả nợ dần.  Sau đó nữa thì mình lại tiếp tục tích lũy, đến khi đủ lại mua xe.

Mình cũng không có con số 1 tỷ đồng nữa mà có những tài sản khác. Và mục tiêu mình đặt ra đã làm được rồi thì con số cũng chỉ là con số mà thôi.

Vậy thì tổng tài sản của chị Trang hiện nay đã gấp bao nhiêu lần con số 1 tỷ đồng?

- Trang không nhớ vì thực ra Trang không quan tâm và không còn đếm nữa. Trang đoán có 2 kiểu tư duy: một - bạn đã quá giàu rồi nên không cần tính đến có bao nhiêu tiền; hai - tiền là công cụ để giúp mình làm được điều muốn làm.

Trang theo hướng tư duy thứ 2, quan tâm đến mục tiêu sử dụng tiền hơn là con số để không bị phân tán và không bị đồng tiền làm mờ mắt. Khi cần đến tiền, Trang đặt câu hỏi mình đã có đủ tiền chưa? Nếu chưa có, mình sẽ đặt câu hỏi xem sẽ tìm vốn ở đâu để làm. Trang không còn quan tâm tài sản của mình bao nhiêu, sổ tiết kiệm bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu. Trang sẽ quan tâm đến khoản đầu tư của mình hơn, xem có sinh lời hay không?

Nhiều tiền để làm gì?

Chị có nghĩ độ giàu có của một người phụ thuộc vào tài khoản có bao nhiêu số 0? Nếu không, sự giàu có quyết định bởi điều gì?

- Ồ, câu hỏi rất hay mà Trang nghĩ nó còn mang tính triết học nữa (cười). Đây cũng là điều Trang đã nghĩ tới rất nhiều. Như vừa mới chia sẻ, mình đã có sự thay đổi về mặt tư duy. Trước đây, mình thực sự rất quan tâm đến việc tiền, tài sản, nhà, xe. Bây giờ thì mình đã thay đổi quan điểm về sự giàu có.

Trang xin được trích lời của thày Giản Tư Trung - một người thầy mà Trang rất kính trọng. Thày nói rằng: Khi bạn thay đổi thước đo thì tự nhiên định nghĩa của bạn sẽ khác đi, mức độ giàu có, thành công của bạn cũng sẽ khác đi.

Hầu hết mọi người có thể sẽ quan tâm đến tiền, nghĩ cách làm sao để kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Đó là vì chúng ta đang sử dụng tài sản hoặc tiền bạc làm thước đo cho sự giàu có của mình.

Nhưng Trang cũng thấy rằng có nhiều người, sự giàu có không được định nghĩa bằng bao nhiêu số 0 trong tài khoản. Nếu như chúng ta thay đổi thước đo đó thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Tức là những thứ chúng ta làm ra có thể giúp được cho bao nhiêu người? Những thứ chúng ta làm ra có thể giúp gì cho xã hội hay không? Còn nếu như những thứ chúng ta làm ra không giúp ích được cho ai thì với Trang, đó không phải là định nghĩa của giàu có.

Vậy theo chị, nhiều tiền để làm gì?

- Nhiều tiền với Trang là để thực hiện được những mục tiêu mà mình mong muốn. Ví dụ như mình có ý tưởng làm một doanh nghiệp thì cần có tiền, có vốn. Nếu vốn tự thân chưa đủ thì mình cần phải huy động vốn từ những người xung quanh. Điều quan trọng là mình xác định mục tiêu và hoàn thành nó.

24 tuổi xây nhà cho bố mẹ, 26 tuổi mua xe: MC 9X kể chuyện tiền bạc - 2

Nhiều tiền với Trang là để thực hiện được những mục tiêu mà mình mong muốn (Ảnh: Ngà Trịnh).

Chị từng chia sẻ công thức tài chính 50-30-20. Trong đó, 50% là nhu cầu thiết yếu, 30% là nhu cầu mua sắm học tập, 20% là tiết kiệm. Điều này chị đúc rút từ đâu?

- Công thức không phải của Trang. Đó là công thức của các nhà nghiên cứu về tài chính cá nhân trên thế giới đưa ra cho những người có thu nhập ổn định để có cái nhìn rõ ràng và phân chia thu nhập tốt hơn.

Việt Nam có vẻ đi sau các nước về quản trị tài chính cá nhân. Trước nay, nhiều người kiếm được bao nhiêu có thể tiêu hết bấy nhiêu, hoặc có người lại quá chắt chiu, hà tiện với bản thân mình. Công thức này được đưa ra để giúp con người có thể phân chia, sử dụng hợp lý thu nhập của mình và bớt tính cạnh tranh với người khác. Tức là không phải người kia kiếm được 50 triệu, tôi kiếm được 10 triệu thì tôi phải kiếm được như người ta. 

Theo công thức này, nếu một tháng bạn chỉ kiếm được 10 triệu thì tiêu dùng thiết yếu là 5 triệu. Nếu bạn muốn sống như người có 20-30 triệu thì không cần phải đợi đến 5-10 năm để nhìn thấy bạn khánh kiệt. Ngay khi bạn có tư tưởng đó trong đầu thì bạn đã khánh kiệt rồi.

Trang sử dụng công thức đó và nhiều công thức khác về tài chính cá nhân để giúp mình có một lộ trình tài chính rõ ràng, ổn định, đi lên từ từ. Việc này cũng giúp loại bỏ được mối lo tiền bạc - mối lo mà Trang thấy hao tâm tổn sức nhất đối với mỗi người.

Làm gì để nhanh giàu?

Chị từng nhận mình là người có lối sống tối giản, không mua đồ hiệu và như nãy giờ chị chia sẻ thì chị cũng là người biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Đó có phải cách để nhanh giàu?

- Chắc chắn rồi. Bạn bè mình còn có câu đùa là: Muốn giàu nhanh không phải là kiếm nhiều tiền mà phải là tiết kiệm nhiều (Cười). Nhưng đó chỉ là đùa thôi. Theo mình, để giàu nhanh hoặc kiếm được nhiều tiền thì có một vài cách sau đây.

Thứ nhất là làm sao để thu vào nhiều hơn đi ra. Thứ 2 là cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. Nhưng cắt giảm chi tiêu cũng chỉ ở mức độ nhất định thôi, bạn không thể nào quá hà tiện được. Còn kiếm nhiều tiền thì bạn cũng không thể kiếm trong thời gian ngắn mà tiền gia tăng nhanh được. Cho nên là đâu đó sẽ bị chạm trần và chạm đáy.

Cách thứ 3 mà nhiều người chưa để ý tới, là làm sao tăng gia tốc đầu tư theo tháng, theo quý và theo năm. Tức là làm sao để tỷ lệ tiền kiếm được/tiền tiết kiệm mang đi đầu tư có thể tăng lên nhanh nhất có thể.

Ví dụ tháng này bạn tiết kiệm được 10 triệu để đem đi đầu tư thì cố gắng tháng sau được 11 triệu, tháng sau là 12 triệu. Tốc độ không cần phải là 10 lên 20 lên 30. Gia tốc đầu tư của mình tăng lên một chút, một chút thì sẽ có giá trị lợi nhuận kép - thứ được xem là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Khi chúng ta cứ tích lũy như vậy, đầu tư đều đặn thì sau một khoảng thời gian dài, nó sẽ đem lại khoản lợi nhuận lớn. Và nếu tạo dựng được thói quen sống như vậy thì chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều về mặt tiền bạc.

Các nhà chuyên môn tài chính cũng chỉ ra đó là công thức nhanh nhất để chúng ta đến được với độc lập tài chính và tự do tài chính.

Chị có đề cập tới chuyện đầu tư tài chính và có đầu tư cổ phiếu không? Việc đầu tư hiện tại ra sao?

- Trang có một vài tiêu chí đầu tư, khi cổ phiếu đáp ứng được tiêu chí đó thì sẽ lọt được vào danh mục của mình.

Tiêu chí đầu tiên là cổ phiếu phải được định giá thấp hơn giá trị thực. Còn nếu cổ phiếu đã được thổi phồng, nhiều người mua vì theo tin đồn, theo lời mách bảo thì đó không phải con đường đầu tư bền vững. Khi thị trường giảm điểm, lao dốc, những người đầu tư theo trường phái này có thể phải hứng những viên đạn đầu tiên và là viên đạn rất đau.

Tiêu chí thứ 2, rất quan trọng là doanh nghiệp mình đầu tư có tạo ra giá trị thật, giá trị bền vững không? Khi nào ở mức giá phù hợp để mua thì mình sẽ mua và để đó, trong một khoảng thời gian chứ không phải "lướt sóng".

Một hiện tượng là người nổi tiếng thường chia sẻ về việc đầu tư cổ phiếu rồi sau đó xuất hiện các lùm xùm "lùa gà" hay thua lỗ. Chị nghĩ sao về điều này?

- Người nổi tiếng hay không nổi tiếng, khi chia sẻ điều gì thì cũng chỉ là một góc nhìn, một quan điểm thôi. Quan trọng là mình - mình là người đầu tư, mình cầm tiền của mình thì mình sẽ phân tích thế nào, quyết định thế nào?

Sẽ có những chia sẻ của nhiều người khiến cho mình cảm thấy lạc quan về thị trường, về mã cổ phiếu này, mã cổ phiếu kia... Nhưng, mình sẽ phải nhìn nhận nó có đáp ứng các nguyên tắc đầu tư của mình không và vì sao mình đầu tư? Đến khi có vấn đề xảy ra thì nhiều người lại nghĩ: Thôi chết rồi, mình bị lừa rồi. Điều đó không đúng. Tiền của mình mà, mình phải có trách nhiệm với đồng tiền đó.

Trang nói như vậy vì bản thân đã từng mất rất nhiều tiền. Thời điểm đó mình tin, tin một số người, không chỉ là đầu tư cổ phiếu mà còn đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư các thứ khác.

Một vài năm trước, thời điểm bùng nổ đầu tư, mình cũng nghe nhiều người và cầm tiền đi đầu tư. Nhưng khi có chuyện xảy ra, mình biết rằng mình sai rồi. Mình mất tiền là đúng rồi, vì mình tin bằng niềm tin không có căn cứ.

Nên khi mất tiền, mình phải chấp nhận đó là bài học đắt giá cho mình chứ mình không được kêu ca với bất kỳ ai. Cũng nhờ bài học đó mà mình tự xây dựng được nguyên tắc đầu tư cho bản thân và không được sử dụng đồng tiền của mình một cách ngu ngốc nữa.

Số tiền đó có thể là một con số rất lớn ở thời điểm đó. Nhưng nếu như các bạn tính là còn mấy chục năm nữa của cuộc đời thì con số đó chẳng đáng gì cả. Nó sẽ giúp mình có các nguyên tắc và có được nền tảng đầu tư vững chắc hơn trong tương lai.

24 tuổi xây nhà cho bố mẹ, 26 tuổi mua xe: MC 9X kể chuyện tiền bạc - 3

Mai Trang từng mất nhiều tiền vì đặt niềm tin vô căn cứ (Ảnh: Ngà Trịnh).

Theo đuổi tự do tài chính

Chị chia sẻ ra sao về quan điểm nghỉ hưu sớm và tự do tài chính?

- Trang muốn đính chính nghỉ hưu sớm ở đây không phải là tôi không làm nữa, đi chơi thôi. Nghỉ hưu sớm là mình không cần phải đi làm kiếm tiền nữa mà mình có thể làm bất kỳ việc gì mình yêu thích, mình tiếp tục làm, vận động trí não.

Độc lập tài chính thì chưa nghỉ hưu sớm được. Để nghỉ hưu sớm thì cần tự do tài chính. Hai quan niệm này khác nhau nhé. Độc lập tài chính là số tiền tiết kiệm của bạn sinh lời đủ để bù đắp cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thôi. Tức là quay lại công thức 50-30-20 thì độc lập tài chính mới bù được phần 50 thôi, còn 30-20 thì chưa bù đắp được. Bạn vẫn phải làm để có tiền.

Tự do tài chính thì khác, khoản tiền tiết kiệm mà bạn mang đi đầu tư có thể sinh lời, mà khoản lời đó bù đắp được cho cả nhu cầu và thiết yếu, tức là ăn tiêu thoải mái.

Do đó, nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm thì độc lập tài chính hơi eo hẹp và rủi ro một chút vì nhu cầu thiết yếu tăng lên là mất cân bằng. Bạn hãy hướng tới tự do tài chính. Đây cũng là mục tiêu mà Trang thấy các bạn trẻ đang hướng tới.

Tuy nhiên, Trang cũng không quá ủng hộ cho một vài cách sống là hà tiện triệt để đạt được việc nghỉ hưu nhanh nhất có thể. Bởi tuổi trẻ của mình có bao nhiêu đâu, nên mình cứ cố gắng tiết kiệm được nhiều nhất nhưng cũng tận hưởng cuộc sống. Sớm muộn gì thì mình cũng nghỉ hưu thôi, quan trọng là sau khi nghỉ hưu thì làm gì?

Vì vậy, mình cứ đi thôi, đi con đường vui vẻ thoải mái chứ đừng quá áp lực về đồng tiền hay năm này năm kia phải nghỉ hưu. Trang nghĩ như thế sẽ thoải mái hơn.

Để đi được con đường độc lập tài chính hay tự do tài chính thì theo chị Trang, ngay từ khi còn trẻ nên bắt đầu từ đâu?

- Trẻ, theo Trang nghĩ là lúc 3-4 tuổi, khi còn rất nhỏ. Trang nghĩ từ khi 3-4 tuổi, trẻ em nên được tìm hiểu và nên biết về cách sử dụng đồng tiền. Bộ sách "Cha giàu cha nghèo" rất nổi tiếng, điều Trang học được không phải là tôi có ông cha giàu hay cha nghèo mà Trang thấy tầm quan trọng của việc được đào tạo, được giáo dục từ nhỏ về đồng tiền.

Nếu từ nhỏ, chúng ta đã có kiến thức về quản lý tài chính thì khi các bạn là sinh viên, các bạn hoàn toàn có thể trở thành tỷ phú, thậm chí có thể tự do tài chính rồi. Vì sao? Vì bây giờ có nhiều bạn nhỏ đã được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, một số bạn muốn gì thì xin bố mẹ mua, hoặc có bao nhiêu tiền thì tiêu hết.

Vậy thì tại sao các bố mẹ không định hướng cho con việc nên tiêu tiền ra sao, tiết kiệm tiền như thế nào? Hoặc bố mẹ có thể dạy cho con về sức mạnh của lãi suất kép, dạy con nếu có 110.000 đồng ngày hôm nay thì khi sinh viên con có bao nhiêu tiền?

Trang nghĩ là thế hệ sau này sẽ hơn chúng ta rất rất nhiều, có nền tảng tài chính vững chắc hơn và Trang rất vui vì điều đó. Việc đầu tiên mình nên làm là có kiến thức tốt, tư duy tốt. Bây giờ có điều kiện để có thể tìm hiểu được thông tin, nhiều người chia sẻ về con đường tự do tài chính. Trang tin là các bạn nhỏ sẽ được truyền cảm hứng nhiều hơn.

Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ không ở gần "vạch đích"?

- Mình sẽ đặt câu hỏi "vạch đích" này là vạch đích của ai. Nhiều người sinh ra trong nhung gấm lụa là, cuộc sống giàu có nhưng chúng ta đâu biết thực ra vạch đích của họ ở rất xa. Với những người sinh ra đã có tiền tỷ trong tay, áp lực gia đình của họ không phải là con sinh ra chỉ cần thế này là đủ. Mặc dù cái "thế này là đủ" của họ bằng cả đời phấn đấu của người khác. Nhưng vạch đích của họ là trăm tỷ, nghìn tỷ.

Vậy cho nên, hệ quy chiếu của chúng ta đang bị sai, khi mình nhìn hệ quy chiếu của mình và so sánh với người khác. Mỗi người đều có một con đường riêng, mình phải nhìn vào vạch đích của mình. Mình vốn dĩ đã được sinh ra ở đúng vị trí mà mình cần phải được sinh ra rồi.

Quan trọng nhất là mình phải nhìn được rõ đích đến trong cuộc đời mình là gì chứ không phải nhìn vào vạch đích của người khác. Khi mình nhìn rõ con đường của mình cần đi, Trang thấy các bạn sẽ không bao giờ phải ghen tỵ, tủi thân vì không được như người khác. Nhiệm vụ của mình là tận hưởng hành trình ấy, viết cho mình những cuốn sách mà mình thực sự muốn để lại cho con cháu mình sau này.

Đấy là bài học lớn mà Trang đã tổng kết được trong 10 năm trở lại đây, để có hành trang bước vào tuổi 30 của mình. Trang cũng thực sự mong muốn các bạn trẻ nhìn được con đường đó để có thể thoải mái hơn, hạnh phúc hơn với chặng đường mình đi. Quay trở lại với Trang, không phải 1 tỷ, mà hạnh phúc đó mới là thước đo của sự giàu có.

Các bạn cũng đừng nghĩ người này, người kia quá thành công mà ngưỡng mộ họ. Mình nghĩ ai cũng có những thứ đáng tự hào cho riêng mình và những thứ cần học hỏi thêm. Chia sẻ với các bạn một chút là có khoảng thời gian, Trang bị áp lực là người khác nhìn mình và thấy mình thành công. Còn mình tự nhìn mình thì thấy mình chẳng thành công gì cả, chưa đạt được như mình mong đợi. Trang nghĩ bạn cứ thoải mái với cuộc sống hiện tại của mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!