DNews

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: "Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ"

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Quá nửa cuộc đời, cô giáo Đỗ Thị Hồi (51 tuổi, Sóc Trăng) đã dành trọn thời gian, tâm huyết cho bục giảng. Cô gắn chặt hạnh phúc của mình với niềm vui của những thế hệ học trò.

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: "Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ"

"Chào bà nội, cha con xin phép về ạ!"

Cũng như mọi ngày, anh Lai Thế Dịp (41 tuổi) vẫn đến đón con - cậu bé Khải học tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) - muộn nhất trường, dù hôm đó là ngày học tiểu học cuối cùng của con. 

Cả trường chỉ còn Khải và cô giáo Đỗ Thị Hồi (51 tuổi).

Những lần trước, khi đến đón con, anh Dịp chỉ ngồi trên xe bóp kèn rồi chờ con chạy ra, hai cha con chào cô rồi về. Nhưng lần này, anh từ tốn vào trước cửa phòng của cô.

Sau những lời cảm ơn, những câu chuyện mà hình như người đàn ông đã muốn kể từ lâu, anh ra hiệu để con trai cúi mình hướng về phía cô Hồi.

Anh cũng cúi mình nói với giọng vừa trìu mến, vừa nghẹn ngào tiếc nuối: "Chào bà nội, cha con xin phép về ạ".

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ - 1

Cô Hồi đã dạy dỗ cả 2 thế hệ cha con anh Dịp, khi không còn là học trò, cha con anh coi cô như người thân thuộc (Ảnh: Cao Xuân Lương).

Anh Dịp kể, thời gian anh học cấp 1 là lúc cô Hồi vừa đến dạy ở trường. Những năm đó còn đói khổ, không ít lần anh đã ăn cơm của cô Hồi, cảm giác cô như chị, cũng như mẹ.

"Nhà tôi cách trường chừng 2km, thời đó đường khó đi, nhưng ít xe cộ nên an toàn hơn bây giờ. Trẻ con học xong cứ theo nhóm về nhà, nhưng tôi thường thích ở lại ăn ké cơm của cô, vì về nhà sớm cũng chỉ ở một mình, phải chờ đến tối muộn cha mẹ mới đi làm ruộng về.

Ở với cô vừa vui, vừa được học thêm, vừa được no bụng.

Bây giờ, vợ chồng tôi lại bận đi làm công, thường về muộn nên con trai phải nhờ cô trông hộ sau khi tan học. Tôi hay bảo cháu là được học cùng bà nội nên an tâm, cháu cũng rất ngoan", anh Dịp chia sẻ.

Nói về những năm tháng học trong lớp cô Hồi chủ nhiệm, bé Khải bảo rằng rất vui, sẽ rất nhớ khi chuyển cấp.

Sau một hồi nấn ná, cha con anh Dịp cũng đành về vì trời tối dần. Khải tỏ vẻ quyến luyến, cậu bé vẫn cố ngoái đầu nhìn về hướng cô giáo cho đến khi chiếc xe chạy ra khỏi cổng trường.

Chị Trương Ngọc Yến (31 tuổi, nhà ngay cổng trường) cũng từng có những năm tháng cấp 1 học cùng cô giáo Đỗ Thị Hồi.

Hồi đó chị Yến sống cùng bà ngoại, phải xa cha mẹ. Nhà bà ngoại nghèo nên chị Yến chỉ nhớ về tuổi thơ thiếu thốn đủ thứ, không quà chợ chiều, không quần áo mới mỗi khi lễ Tết, ngoại cũng chẳng có tiền để cho đi học thêm.

Chị Yến kể, có lẽ may mắn hiếm hỏi trong những năm tháng tuổi thơ của chị là được học với cô Hồi.

"Những ngày lễ Tết, cô luôn dành cho tôi một phần quà nhỏ. Không có tiền học thêm, cô mở luôn một lớp nhỏ dạy kèm cho tôi và 4 bạn cùng hoàn cảnh. Học không mất tiền mà còn được no bụng", cựu học trò của cô Hồi nhớ lại.

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ - 2

Chị Yến vui và an tâm khi giao con vào tay "bà ngoại" (Ảnh: Cao Xuân Lương).

Ở gần trường, dù khi còn học hay cả lúc đã lớn khôn, lấy chồng, làm mẹ, mỗi khi có điều phân vân, có tâm sự muốn chia sẻ, chị Yến vẫn thường tìm gặp cô giáo cũ.

Năm học tới, con trai chị Yến sẽ vào lớp do cô Hồi chủ nhiệm. Chị nói rằng "giao con cho bà ngoại nên rất an tâm".

Bị cái nghèo giữ lại không cho về

Cô Hồi quê Thái Bình, vào nhà người thân ở Sóc Trăng chơi, rồi bị cái nghèo những năm 1980 của nơi đây "giữ lại không cho về".

"Hồi đó chỉ tính vô chơi thôi, nhưng vì đường quá xa xôi, khó khăn nên tiêu hết tiền. Thời ấy vùng này nghèo, không làm gì ra tiền được, thế là không có tiền về quê, ở lại mãi đến khi không dứt để về được nữa", cô Hồi nhớ lại.

Trong ký ức của nữ giáo viên, những năm 80 của thế kỷ trước, dải bờ biển Vĩnh Châu (Trà Vinh) là những làng chài nghèo, xa huyện thị. Giao thông lại càng tệ hơn, đi bộ trên đường không khác nhiều lội dưới ruộng bất kể nắng mưa, lề đường cỏ cao ngập đầu.

Theo cô Hồi, người dân vùng này hồi đó cũng ít nói tiếng Việt, họ nói tiếng bản địa, chữ viết thì càng hiếm người biết. Nghèo, không biết chữ nên họ chỉ quanh quẩn trong làng, đi đâu cũng ngại, cũng sợ nên lại càng nghèo.

Thêm nữa, vì quá xa xôi nên cũng chẳng mấy ai tới nơi này, có những thầy cô được đưa từ Cần Thơ xuống, nhưng chẳng ai ở lại.

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ - 3

Sau những giờ đứng lớp, cô Hồi về phòng nghỉ tự trau dồi thêm kiến thức để có thể bắt kịp xu hướng và dạy học trò tốt hơn nữa (Ảnh: Cao Xuân Lương).

"Tôi nghĩ mình có trách nhiệm góp phần xóa mù chữ cho người dân nơi đây, để họ có cơ hội tìm thấy một cuộc đời tươi sáng hơn. Cũng vì ý nghĩ đó mà tôi ở lại, không về quê nữa", Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi nhớ về lý do mình theo ngành sư phạm.

Năm 1992, tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng, cô Hồi về dạy tại trường Tiểu học Lạc Hòa 1 đến bây giờ.

Cô nhớ lại, hồi đó trường Tiểu học Lạc Hòa 1 có 5 phòng học nhà xây lợp tôn, còn lại đều là phòng nền đất, mái lá.

Thời gian đầu, trường có hơn 20 giáo viên, nhưng chỉ vài năm sau, hầu hết đồng nghiệp bỏ nghề. Giai đoạn khó khăn nhất, chỉ còn 6 người bám trụ, trong đó có 2 người thuộc ban giám hiệu, cô Hồi là giáo viên nữ duy nhất ở lại.

"Hồi đó quá khó khăn, mọi người vừa đi dạy, vừa làm thêm, tôi cũng vậy. Chỉ vài năm, hầu hết đồng nghiệp bỏ trường, có người lên Cần Thơ tìm việc, có người về nhà làm nông, cũng không thể trách họ được", cô Hồi kể về thời gian khó.

Trong ký ức của cô giáo quê Thái Bình, thời mới vào nghề cô cũng thấp bé như đám học trò mình dạy. Việc cô chọn ở lại khiến ban giám hiệu rất quý, thầy hiệu trưởng cưng như em út trong nhà.

"Thời đó tôi nghĩ rằng lương thấp mình ăn ít lại là được. Nếu ai cũng bỏ trường, rồi học trò sẽ ra sao, vùng đất này sẽ ra sao", cô Hồi nhớ về giai đoạn khó khăn.

Thiếu giáo viên, những người ở lại phải dạy 3 ca mỗi ngày, dạy liên tục từ sáng đến tối mới nghỉ. Đến khuya, cô Hồi cùng mọi người lại phải thắp đèn dầu soạn giáo án.

Vì đặc thù học sinh có khoảng 60% người Hoa, hơn 20% người Khmer, người Kinh rất ít nên việc dạy học lại càng khó. Giáo viên từ vùng khác đến như cô Hồi phải tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa bản địa để có phương pháp dạy hiệu quả.

"Thời gian đầu tôi chưa biết ngôn ngữ các em dùng, phải dạy trực quan. Phải nghe các em gọi tên sự vật, sự việc bằng ngôn ngữ bản địa rồi lưu lại, sau đó mới dạy các em cách gọi bằng tiếng Việt. Qua thời gian, tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa và tiếng Khmer được", cô Hồi kể.

Thành tích lớn nhất là không có học sinh bỏ học giữa chừng

Dù trong những ngày tháng "không có thời gian để thở" đó, nhưng nếu nhận thấy có học sinh nào chưa hiểu bài, cô Hồi luôn sẵn sàng ở lại dạy thêm sau giờ tan lớp. Học sinh nhà xa, cha mẹ bận cũng thường ở lại cùng cô cả ngày.

Sau những cố gắng hết mình, nữ giáo viên chỉ khiêm tốn nói rằng thành tích lớn nhất của bản thân là chưa từng có học sinh nào trong lớp chủ nhiệm bỏ học giữa chừng.

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ - 4

Hạnh phúc với cô giáo Hồi là được đứng giữa những học sinh (Ảnh: Cao Xuân Lương).

Những năm tháng là nữ giáo viên duy nhất, cô Hồi được tất cả các thầy ưu ái, không phải lao động nặng khi nhà trường xây cất. Ngược lại, những công việc thường được cho là của phụ nữ thì hầu như sẽ đến tay cô làm.

Thời gian đầu, nhà trường không có ký túc xá giáo viên, cô Hồi và đồng nghiệp đi ở nhờ trong nhà dân. Nông dân làm đồng ban ngày, đêm ngủ sớm, trong khi giáo viên 22h khuya vẫn sáng đèn soạn bài, cuộc sống có nhiều bất tiện.

Sau này, khi được chuyển vào ký túc xá, cô Hồi nhận xét "quá rộng rãi đến mức cảm thấy không thiếu gì nữa".

"Bục giảng có tất cả những thứ tôi cần"

Điều kiện giáo dục ngày càng nâng cao theo mức sống xã hội, học sinh trên lớp dần ổn, cô Hồi lại nghĩ đến chuyện xóa mù chữ trong cộng đồng, đây mới là lý do ban sơ nhất níu cô ở lại vùng đất khó.

Những năm cuối thế kỷ 20, cô Hồi đã cùng chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ cho người dân. Những lớp học được tổ chức ban đêm sau thời gian đồng áng.

Có những người vì không biết chữ nên xấu hổ, họ chờ lúc cô Hồi đi chợ thì lại gần ghé vào tai nói nhỏ. Với những người này, cô Hồi chọn dạy trong bí mật.

"Đêm đến, tôi sẽ im lặng rời ký túc xá, có khi đến nhà riêng của họ, có khi lên thuyền ra giữa sông dạy chữ cho họ đến nửa đêm. Tôi thấy hạnh phúc khi có thêm một người biết đọc, biết viết. Và thấy day dứt đến khó ngủ khi biết có người mù chữ nhưng ngại học", cô Hồi tâm sự.

Không chỉ cố gắng dạy tốt, cô Hồi còn cố gắng giúp đỡ để học sinh có điều kiện tốt nhất khi đến lớp. Dù với mức thu nhập tự đánh giá "không thể có dư", nhưng cô luôn trích một khoản tiền hàng tháng để giúp học trò nghèo.

Nhà giáo Nhân dân đặc biệt năm 2024: Cuộc đời giáo viên cho tôi mọi thứ - 5

Cô Hồi cùng đồng nghiệp đi hỗ trợ học trò nghèo (Ảnh: Cao Xuân Lương).

Chỉ 5 năm gần nhất, cô Hồi đã tự trích thu nhập và vận động mạnh thường quân trao 13 suất học bổng, 3 xe đạp, 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo cùng hàng trăm bộ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo.

"Là một giáo viên, điều đầu tiên tôi mong mỏi đó là nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, đào tạo được thế hệ trẻ ngày càng giỏi, đủ đức, đủ tài.

Riêng bản thân, trên bục giảng tôi tìm được mọi điều mình muốn. Bục giảng đã cho tôi tất cả mà chẳng lấy mất điều gì. Nếu làm việc khác, có lẽ trông tôi chẳng trẻ như bây giờ, luôn được sống trong môi trường tươi trẻ, trong lành nên năm tháng như chẳng đi qua", cô giáo Đỗ Thị Hồi cười hạnh phúc.

Bạn bè của nữ giáo viên hay ước được trở lại thời học trò, được tắm nắng sân trường, được ngắm nhìn phượng nở. Còn với cô Hồi, sau hơn 30 năm cống hiến cho nền giáo dục, cô nói rằng cuộc sống luôn có tất thảy những điều đó mà chẳng cần mơ ước.

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 cho biết, cô giáo Đỗ Thị Hồi là giáo viên giỏi, nhận được sự quý mến, công nhận của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Quá trình công tác, cô đã có nhiều sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, được áp dụng rộng rãi.

Với sự nỗ lực và cống hiến của mình, cô Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, nhiều lần nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương.

Năm 2017, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 được vinh danh trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.

Tháng 6 vừa qua, cô Hồi đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Trong 21 nhà giáo nhân dân năm nay, cô giáo Đỗ Thị Hồi là người đặc biệt nhất khi là giáo viên cấp 1 ở một trường nhỏ, không chức vụ hay học hàm học vị. Những người còn lại hầu hết là giáo sư, phó giáo sư hoặc lãnh đạo ở các đơn vị giáo dục, giảng dạy ở trường chuyên.