1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Giám đốc Sở Giáo dục Bạc Liêu nói về việc còn ít nhà giáo ưu tú

Huỳnh Hải

(Dân trí) - So với nhiều tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là tỉnh vẫn còn khá ít nhà giáo ưu tú.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của tỉnh Bạc Liêu diễn ra mới đây, tỉnh này đã tổ chức trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) cho 6 nhà giáo (2 nam, 4 nữ) gồm: Một hiệu trưởng trường mẫu giáo; 2 giáo viên tiểu học; 3 giáo viên trung học cơ sở.

Đây là danh hiệu cao quý của nhà giáo vinh dự được Chủ tịch nước ký phong tặng.

Giám đốc Sở Giáo dục Bạc Liêu nói về việc còn ít nhà giáo ưu tú - 1

Các thầy, cô giáo mới nhất của tỉnh Bạc Liêu nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú (Ảnh: H.H).

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, cho biết 6 nhà giáo này đã góp thêm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đạt danh hiệu NGƯT đến nay khoảng 40 người.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng NGƯT của tỉnh Bạc Liêu vẫn còn khá ít. Nhiều tỉnh trong vùng đã có từ 100 NGƯT trở lên.

Bà Sang nhận định, lý do không phải do đội ngũ nhà giáo của tỉnh không đủ điều kiện hay yếu kém mà do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có sự ngại ngùng nhất định của thầy, cô giáo.

"Năm rồi đến thời hạn chỉ nhận được 6 hồ sơ xét Nhà giáo ưu tú. Khi 6 hồ sơ này đưa về tỉnh được thông qua và sau đó hội đồng quốc gia đều công nhận", bà Sang thông tin và điều đó cho thấy việc làm hồ sơ của tỉnh rất ít so với các địa phương khác.

Ngay tại hội nghị tổng kết năm học, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã động viên, mong muốn thầy, cô giáo làm sao giải tỏa sự ngại ngùng và quan tâm thêm việc xét danh hiệu cao quý này.

NGƯT là danh hiệu cao quý, thể hiện những ghi nhận của Nhà nước tôn vinh những cá nhân có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.

Những NGƯT cần có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Tính đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Bạc Liêu có 7.680 nhà giáo đã qua tuyển dụng, gồm mầm non: 1.384 người, tiểu học: 2.788 người, THCS: 2.119 người, THPT: 798 người.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 của cấp học mầm non là 98,68%, tiểu học 83,89%, THCS 94,71%, THPT 100%.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; chú trọng triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy ở các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.