Cô giáo " trường làng" nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Gần 30 năm qua, cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo (sinh năm 1971) đã gắn bó với biết bao lứa học trò Trường Tiểu học Việt Lâm ở huyện vùng xa Châu Thành của tỉnh Long An.

Cô giáo " trường làng" nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Học trò của cô phần lớn đều ở với ông bà nội, ngoại, thiếu vòng tay chăm sóc của cha mẹ do cuộc sống mưu sinh.

 Gắn bó 29 năm với "trường làng"

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 1
Những năm đầu nhận công tác tại đây, cô Thảo khá băn khoăn vì đường xấu khó di chuyển.

Tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1992, cô Huỳnh Thị Phương Thảo được phân công về công tác tại trường tiểu học Việt Lâm (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Lúc bấy giờ, Trường Tiểu học Việt Lâm là một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Điều kiện kinh tế của người dân khi đó rất khó khăn.

Cô Thảo dạy ở điểm trường phụ, đến năm 2008 cô mới được chuyển về dạy điểm trường chính cho đến nay.

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 2
Sau khi giảng dạy, nhận thấy học sinh tại trường rất ngoan và có hoàn cảnh khó khăn nên đã gắn bó với trường.

Những ngày còn đi dạy ở điểm trường phụ, cô Thảo gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhà đến trường chỉ hơn 5 km nhưng đường đất đi lại vất vả. Bấy giờ phương tiện chỉ có xe đạp, có hôm trời mưa ngập nước, bùn lầy cô không thể đi được xe, phải gửi xe ở nhà dân, đi bộ vào điểm trường. Phòng học thì ọp ẹp, trống trải. Hễ trời mưa là ngập nên nhiều lúc cô phải đứng trên bùn đất để dạy.

"Thời điểm nhận nhiệm vụ về trường công tác là thời gian rất băn khoăn, do điều kiện đi lại quá khó khăn. Nhưng khi tiếp xúc, giảng dạy và biết được hoàn cảnh của các em, thì tôi đã quyết định ở lại gắn bó với ngôi trường này", cô Thảo chia sẻ.

29 năm giảng dạy ở vùng khó là bấy nhiêu năm cô Thảo gắn bó với các lứa học sinh đa phần nghèo khó. Phụ huynh chủ yếu đi ghe, thuyền kiếm sống, có khi đi làm xa nhà, vì thế ít có thời gian chăm sóc con cái. Học sinh của cô nhiều em ở với ông bà nội, ngoại. Ông bà đa số không có kiến thức để kèm cặp cháu, nên các em học tập rất khó khăn.

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 3
Tất cả mọi hoạt động như ăn trưa, nghỉ ngơi đều được cô Thảo lo lắng cho những "đứa con".

"Tôi không thể nào quên được trường hợp của một em học sinh nữ, nay đã lên lớp 6, em đấy phải ở với ông bà nội vì ba mẹ mãi đi ghe tận Cần Giờ. Và rồi, em đó phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Tôi đã ít nhất 3 lần cùng các em học sinh trong lớp đến vận động em đó trở lại trường, lần một, lần 2 và rồi cũng thành công. Em đó trở lại trường học và giờ đang học rất tốt ở cấp bậc THCS. Đó là điều tuyệt vời nhất đối với tôi, khi "các con" của tôi vẫn tiếp tục con đường học vấn của mình", cô Thảo tâm sự.

Đối với học sinh yếu hơn, khó khăn hơn đòi hỏi người thầy phải nỗ lực hơn. Với nhận thức đó, cô không quản khó khăn để từng bước nâng chuẩn từ trung cấp lên cao đẳng, rồi ĐH Sư phạm, với mong ước tích lũy kiến thức, kỹ năng, phương pháp tốt nhất giúp học trò của mình học tốt hơn, hạnh phúc hơn. 

Một trong số những "đứa con" của cô Thảo, em Bùi Thị Nhật Quỳnh bày tỏ: "Mỗi ngày, con rất thích đi học nhất là đến tiết của cô Thảo. Trong lúc cô dạy, cô Thảo rất hay cười với tụi con và con rất yêu cô Thảo".

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 4
Cô Thảo luôn tìm những phương pháp dạy mới để áp dụng cho học sinh của mình giúp các em có cái nhìn trực quan hơn.

Cô giáo "trường làng" nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Để những tiết học trở nên sinh động, dễ hiểu cho những "đứa con" của mình, cô Thảo luôn phải suy nghĩ các phương pháp nhằm đổi mới việc dạy học. Đồng thời ứng dụng công nghệ thời 4.0 vào việc giảng dạy nhằm giúp học sinh có cái nhìn trực quan, sinh động.

Cùng với đó, vì đã được tham gia nhiều buổi tập huấn về các phương pháp sư phạm mới, nên bản thân cô Thảo đã đúc kết nhiều phương pháp giảng dạy và mạnh dạn áp dụng vào thực tế như bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, kỹ thuật mảnh ghép…

Chưa dừng lại ở đó, cô Thảo cũng đã có một số sáng kiến như: Cách giúp học sinh yếu giải toán điển hình; Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó; Một số kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4; Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp; Phương pháp thảo luận nhóm, tổ chức trò chơi nhằm nâng cao hứng thú học tập môn Lịch sử cho học sinh lớp 4;

Một vài kinh nghiệm giảng dạy yếu tố hình học toán lớp 4; Nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn luyện từ và câu… được áp dụng hiệu quả ở cơ sở và chia sẻ với đồng nghiệp. 

Nhờ không ngừng nỗ lực trong dạy học, những năm qua, các lớp học ở vùng sâu do cô Thảo chủ nhiệm đều có 100% học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, trong đó có nhiều học sinh khá, giỏi.

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 5
Gần 30 năm qua, cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người mẹ thứ 2 của học sinh.

Nhờ vào những đóng góp của bản thân cho ngành giáo dục, đầu năm 2021 cô Thảo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Chia sẻ về cảm xúc của bản thân khi đạt được danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, cô Thảo cho biết: "Bản thân tôi rất vui và tự hào, tuy nhiên với tư cách là một giáo viên đứng lớp thì những danh hiệu, bằng khen không phải là điều tôi hướng tới.

Mục đích của tôi khi trải qua 29 năm gắn bó với sư phạm đó là đem kiến thức tới học trò của mình, đồng thời giáo dục các em trở thành một con người tốt, một công dân tốt có ích cho xã hội".

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 6

Cô Thảo đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vì những đóng góp cho ngành giáo dục thời gian qua. 

Thầy Nguyễn Văn Bảy - Hiệu trưởng trường tiểu học Việt Lâm, cho biết: "Tập thể nhà trường rất tự hào khi cô Thảo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Tính đến thời điểm hiện tại, trường tiểu học Việt Lâm đang có 3 Nhà giáo ưu tú và 1 Nhà giáo Nhân dân.

Cũng chính vì thế, nhiều năm qua, trường tiểu học Việt Lâm luôn được các đơn vị giáo dục gọi với cái tên là "Cái nôi" của phong trào nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân".

Bên cạnh đó, thầy Bảy cũng có lời khuyên:  "Nhiều giáo viên trẻ sau khi ra trường lại ngại công tác tại những nơi vùng sâu vùng xa, các bạn đều muốn chọn trường có điều kiện đi lại thuận lợi, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, môi trường công tác như thế nào cũng không quan trọng, quan trọng hơn hết là bản thân chúng ta biết phấn đấu, rèn luyện. Hiện tại, những trường thuộc vùng sâu vùng xa cũng đã có những điều kiện tốt hơn để giáo viên trẻ có thể rèn luyện, đóng góp và phát triển bản thân".  

Cải thiện kinh tế gia đình

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 7
Ngoài nhà giáo, cô thảo còn là một nhà nông chính hiệu, đây cũng là công việc để cô nâng cao kinh tế cho gia đình.

Gia đình của cô Thảo gồm có 4 người, bao gồm 2 vợ chồng cô Thảo và 2 người con đang bước vào giai đoạn đại học. Vì vậy chi phí sinh hoạt trong gia đình ngày càng tăng. Chồng của Thảo là thầy Nguyễn Xuân An cũng là giáo viên dạy tại trường tiểu học Việt Lâm.

"Mỗi tháng tiền lương của 2 vợ chồng tổng cộng là 25 triệu đồng, tuy nhiên khi các con bước vào giai đoạn đại học thì các chi phí sinh hoạt trong gia đình tăng lên nên từ 6 năm trước, mình và vợ đã bàn nhau đầu tư trồng vườn thanh long để có thể gia tăng kinh tế gia đình", thầy Nguyễn Xuân An chia sẻ.

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 8
Nhờ vườn thanh long, cô cũng có điều kiện giúp đỡ học sinh của mình nhiều hơn.

Thầy An cho biết thêm, năm 2014 vợ chồng thầy đầu tư trồng 1.100 trụ thanh long trên một mảnh đất của gia đình rộng 7000 mét vuông. Giai đoạn đó số tiền mà vợ chồng thầy An đầu tư là hơn 90 triệu đồng.

Thời điểm đó, giá thanh long vẫn còn cao nên cuối vụ, gia đình vợ chồng thầy An thu về sản lượng 10 - 11 tấn thanh long cùng với số tiền lời dao động từ 200 - 300 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy mà vợ chồng thầy An tiết kiệm được một số vốn để có thể trang trải các chi phí sinh hoạt, tiền học của 2 người con trên TPHCM.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây do bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nên giá thanh long bị giảm nghiêm trọng. Sau mỗi vụ tuy sản lượng vẫn đạt từ 10 - 11 tấn nhưng do giá thanh long giảm nên nhiều vụ vợ chồng thầy An hòa vốn hoặc bị lỗ nhẹ.

"Khoảng 2 năm gần đây, giá thanh long giảm nghiêm trọng nên dù thời tiết đẹp đạt sản lượng tốt nhưng gia đình mình cũng không có lãi sau khi trừ hết mọi chi phí thì chỉ cũng có thể hòa vôn, đôi khi cũng bị lỗ một chút", thầy An tâm sự.

Cô giáo  trường làng nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - 9
Giống thanh long cô Thảo trồng chủ yếu là giống ruột đỏ.

Vì công việc của 2 vợ chồng thầy An là sư phạm nên chủ yếu là giờ hành chính và quỹ thời gian cũng khá khiêm tốn nên thường vườn thanh long sẽ do 5 người thay nhau coi sóc, khi vào mùa thu hoạch thì sẽ thuê lao động thời vụ từ 10 - 15 người. Những lao động sẽ có nhiệm vụ thu hoạch thanh long và được thầy An trả công 1 tiếng tầm 35.000 đồng/ người.

 Để nắm tình hình của vườn, sau một ngày làm việc tại trường, 2 vợ chồng thầy An, cô Thảo thường ra vườn thanh long để theo dõi, kiểm tra tình trạng cây trồng nhằm có hướng giải quyết sớm những vấn đề như sâu hại, bệnh lý…

Ngoài thành công trong công việc sư phạm, giảng dạy, cô Thảo và chồng cũng khá là "mát tay" khi trở thành một người nông dân trồng thanh long. Nhờ vậy cuộc sống và kinh tế gia đình ổn định. Điều này, giúp cô có thể tập trung giúp đỡ những "đứa con" trên ghế nhà trường có được kiến thức sẽ mai này trở thành người có ích, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.  

Những thành tích của cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo có nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp huyện và tỉnh; 5 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Năm 2010, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2021, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm