Gặp cô giáo dạy nghề cho hàng ngàn nhân viên quản lý khách sạn, nhà hàng
(Dân trí) - Tới nay, cô Nguyễn Thị Hợp đã đào tạo nhiều lứa học trò thành công. Nếu kể tên ra, rất nhiều người học trò của cô đang là quản lý cấp cao của những nhà hàng, khách sạn hạng sang, trong và ngoài nước.
15 năm làm nghề giáo và những kỷ niệm khó quên với học trò
Cô giáo Nguyễn Thị Hợp hiện là Trưởng khoa Quản trị Khách sạn, nhà hàng – Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng.
Được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Hợp đã chọn học ngành du lịch. Khi còn là sinh viên năm thứ 3, cô đã đi làm tại một khách sạn liên doanh 4 sao hàng đầu tại Hải Phòng vào thời điểm đó.
Sau 5 năm làm việc ở khách sạn, cô Hợp đã nộp hồ sơ ứng tuyển và được lựa chọn vào làm giáo viên tại Trường trung cấp Du lịch Hải Phòng nay là trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng. Kể từ đó đến nay cô gắn bó với nghề giáo 15 năm.
Từng đó năm, cô giáo Hợp có rất nhiều kỷ niệm với nghề. Cô nhớ nhất ngày đầu tiên đứng trên bục giảng có rất nhiều bỡ ngỡ, hồi hộp và cả lo lắng. Thậm chí cô còn tự hỏi “không biết mình bước vào lớp học sinh có cười mình không?”. Lo lắng nhất vẫn là "mình giảng, học sinh có hiểu bài không?".
Xuất phát từ người chưa được đào tạo chuyên ngành sư phạm nên cô Hợp phải tham gia các lớp học về nghiệp vụ. Không ngại khó, ngoài giờ học, cô thường xuyên tham gia dự giờ các giáo viên có nhiều kinh nghiệm của trường để học hỏi. Cũng từ đây, cô giáo trưởng thành hơn từ những góp ý chân thành của các đồng nghiệp.
Bản thân cô Hợp tự nhận mình khó tính vì trong mỗi lần lên lớp cô đều rất nghiêm khắc với sinh viên và càng nghiêm khắc hơn với các lớp mình được giao công tác chủ nhiệm. Tuy nhiên, có những lần cô giáo cũng phải chịu thua với “đám nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Cô kể: “Chưa bao giờ mình buồn và bực với sinh viên như vậy. Đó là lớp Quản trị KS khóa 9, một lớp có thể nói là rất đoàn kết, luôn tham gia tích cực và có nhiều thành tích cả về học tập cũng như các phong trào của nhà trường. Nhưng trong một buổi chào cờ của nhà trường, không rõ lí do tại sao, 80% sinh viên lớp không tham dự.
Ngay sau đó mình làm việc với ban cán sự lớp nhưng các bạn cũng không nói. Mình đã phải họp lớp tâm sự từ nhỏ tới to. Ngày hôm sau, lớp họp bàn với nhau đồng thanh đón mình vào lớp bằng tiếng hô: “Mẹ ơi chúng con xin lỗi, chúng con biết lỗi rồi”. Khi ấy, mình và các học trò cùng òa khóc. Đó là kỷ niệm rất khó quên đối với mình”.
Học viên trường nghề thường bị đánh giá là có chất lượng đầu vào thấp hơn các trường đào tạo văn hoá. Nhưng cô Hợp cho rằng học lực văn hóa không đánh giá được tay nghề của người học nghề. Theo cô Hợp, chất lượng đầu vào chỉ thấp khi nhận thức về nghề, niềm đam mê với nghề không có, học để cho có.
“Đối với sinh viên lười học, không chú tâm tới nghề thì giáo viên cần dành nhiều thời gian hơn tìm hiểu tâm tư, lý do và tìm được sở thích về nghề để khuyến khích, thúc đẩy đam mê, phối hợp cùng bạn thân, gia đình để cùng sinh viên có mục tiêu học tập đúng, đạt được kết quả học tập như mong muốn”, cô giáo chia sẻ kinh nghiệm.
Học trò thành công là niềm cảm hứng cho các thế hệ kế cận
Tới nay, cô Hợp đã đào tạo nhiều lứa học trò thành công, có vị trí cao trong các khách sạn, nhà hàng. Nếu kể tên ra, rất nhiều người học trò của cô Hợp hiện đang là quản lý cấp cao của những nhà hàng, khách sạn hạng sang, trong và ngoài nước.
Với cô Hợp, cô không đánh giá sự thành công của học trò qua vị trí hiện tại trong xã hội bởi mỗi người có tiêu chí đánh giá khác nhau. Mỗi sinh viên ra trường, trưởng thành, có công việc ổn định và mức lương tốt là niềm tự hào của mỗi giáo viên như cô vì chính các học trò này là niềm cảm hứng cho các thế hệ sinh viên sau thêm yêu nghề và vững tin hơn khi chọn nghề.
15 năm với bao thế hệ học trò nhưng người học trò đặc biệt nhất đối với cô giáo là nữ sinh Nhữ Thị Phương – sinh viên khóa 1 chuyên ngành Quản trị khách sạn. Đó là cô học trò rất nhanh nhẹn, luôn tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Trong các buổi học nghiệp vụ nhà hàng của cô Hợp, Phương tỏ rõ sự thông minh và luôn chăm chỉ luyện tập, có niềm đam mê thực sự.
Năm 2012, sau khi được nhà trường lựa chọn tham gia kỳ thi tay nghề dịch vụ nhà hàng, Nhữ Thị Phương luôn nỗ lực để giành giải cao nhất tại các kỳ thi cấp trường – thành phố và quốc gia. Năm 2013 cô bé tiếp tục được lựa chọn tham gia thi tay nghề ASEAN và thế giới, giành được chứng chỉ nghề xuất sắc.
Đây là học trò khiến cho cô giáo Hợp tự hào nhất. Đáng quý hơn là, cho đến nay, sau gần 10 năm ra trường, Phương vẫn luôn chân thành, nhiệt huyết với cô giáo và các hoạt động của nhà trường.
Là một người giáo viên, điều khiến cô Hợp trăn trở nhất làm thế nào có bài giảng hay, áp dụng thực tiễn, cập nhật với sự phát triển của ngành. Để làm được điều này, mỗi giáo viên cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, chi tiết, sát thực tế cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Từ đó, chọn lọc các phương pháp giảng dạy phù hợp đặc biệt chú trọng lấy người học làm trung tâm, tổ chức quản lý lớp học nghiêm túc, khoa học để từ đó đạt mục tiêu đã đề ra.
Với cô giáo Nguyễn Thị Hợp, người giáo viên cần phải có tâm huyết, có đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên noi theo.