(Dân trí) - Với những áp lực từ xã hội và thách thức ở trường học, trẻ em cũng có thể rơi vào tình trạng stress. Vậy dấu hiệu nào cho thấy con trẻ đang căng thẳng và bố mẹ nên làm gì để giúp con vượt qua.
Không có gì ngạc nhiên khi trong cuộc sống ngày nay, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể bị căng thẳng, stress.
Từ áp lực của trường học và cuộc sống xã hội đến các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như lớn lên trong tình trạng đại dịch Covid-19 toàn cầu, trẻ em của xã hội hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
Chịu áp lực sớm, nhiều trẻ em, thanh thiếu niên có thể dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu. Dưới đây là thông tin hữu ích về tình trạng căng thẳng, stress ở trẻ em và hướng giải quyết mà bố mẹ nên tìm hiểu.
Thực tế là hầu hết trẻ em đều từng trải qua trạng thái căng thẳng nhưng biểu hiện của chúng sẽ khác nhau.
Elizabeth Pantley, tác giả của cuốn sách bán chạy tại Mỹ mang tên Giải pháp để chia ly không nước mắt, cho biết: "Mỗi đứa trẻ là hoàn toàn khác biệt và chúng sẽ thể hiện những dấu hiệu căng thẳng theo cách riêng của chúng.
Cha mẹ cần phải quan tâm, lưu ý khi con có những hành vi, hành động bất thường hoặc đáng ngờ. Những thay đổi trong hành vi bình thường của con có thể là dấu hiệu đáng chú ý cho thấy trẻ nhỏ đang bị căng thẳng".
Tác giả Elizabeth Pantley chia sẻ: "Mặc dù những sự thể hiện như khóc lóc, đau bụng, mút ngón tay, nhai tóc... không phải lúc nào cũng phản ánh là trẻ đang căng thẳng, nhưng chúng có thể liên quan đến hành vi sai trái, thói quen hoặc sự phát triển không tốt.
Nếu hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn và cha mẹ cảm thấy lo ngại về việc hành vi của trẻ có thể đang trở nên cực đoan hơn, hãy tìm lời khuyên từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ".
Các dấu hiệu căng thẳng ở thanh thiếu niên khác nhau tùy theo từng người và từng độ tuổi. Nếu con bạn bị căng thẳng, chúng có thể biểu hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
Trẻ bị nhức đầu hoặc thường cảm thấy đau bụng, đau dạ dày, buồn nôn.
Trẻ mất ngủ, gặp ác mộng, khó ngủ.
Thường khó chịu hoặc tức giận.
Khó xử lý cảm xúc nói chung.
Có vấn đề trong học hành.
Thay đổi hành vi xã hội, khó hòa đồng với người khác.
Thường cảm thấy buồn và từ chối tham dự các hoạt động xã hội.
Thay đổi thói quen ăn uống.
Nhiều yếu tố có thể gây căng thẳng ở trẻ em, từ những lo lắng về việc học hành đến cuộc sống bận rộn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra căng thẳng ở trẻ em từ 18 tháng đến 18 tuổi.
Các bậc cha mẹ hãy lưu ý: Nỗi lo lắng về sự xa cách có thể là nguyên nhân chính gây căng thẳng cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo.
Tiến sĩ Hackney giải thích: "Mặc dù lo lắng về sự chia ly thường là một phản ứng lành mạnh khi bị xa cách, nhưng nó cũng có thể là phản ứng đối với một tác nhân gây căng thẳng không liên quan, chẳng hạn như nhà trẻ mới.
Khi có một yếu tố gây căng thẳng xảy tới trong cuộc sống của con trẻ, khả năng chịu đựng những thất vọng khác của trẻ có xu hướng giảm xuống. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ luôn muốn đeo bám ai đó, cảm thấy khó khăn khi tạm biệt hoặc lo lắng khi phải xa những người chăm sóc.
Những thay đổi lớn trong gia đình chẳng hạn như cha mẹ ly hôn, mất việc, ông bà qua đời hoặc chuyển tới nhà mới có thể gây căng thẳng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Tác giả Pantley nói: "Sự kết hợp của cảm xúc dâng cao, lịch trình bị gián đoạn và các thói quen bị thay đổi có thể khiến ngay cả đứa trẻ thoải mái nhất cũng cảm thấy căng thẳng.
Ngay cả những thay đổi mang tính tích cực, chẳng hạn như sự ra đời của những đứa em, cũng có thể gây căng thẳng cho con trẻ bởi nó khác với cuộc sống thường ngày của đứa trẻ đó".
Theo MedlinePlus, trang web của thư viện Y khoa và viện Y tế Mỹ, trường học có thể là tác nhân gây căng thẳng lớn cho trẻ em, thanh thiếu niên.
Lo lắng về bài vở hoặc điểm số, phải gánh vác trách nhiệm, các vấn đề trong quan hệ với bạn bè, bị bắt nạt hoặc áp lực từ nhóm bạn đều có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng.
Trẻ em trong cuộc sống hiện tại khá bận rộn với lịch học dày đặc. Nhiều gia đình còn cho con học thêm, tham gia các hoạt động khác nhau, liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong ngày. Cuộc sống quá bận rộn, ít thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng, giống như khi người lớn làm việc quá sức.
Các sự kiện bất ngờ xảy ra như thiên tai, xả súng, đánh nhau ở trường học và các cuộc tấn công khủng bố cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở mọi lứa tuổi. Ngay cả việc vô tình xem một bộ phim đáng sợ hoặc quảng cáo trên truyền hình cũng có thể ảnh hưởng đến con bạn.
Pantley giải thích: "Trẻ em thường dễ cảm thấy căng thẳng. Hãy chú ý đến bất kỳ hình ảnh đáng sợ hoặc bạo lực nào xung quanh môi trường của trẻ hàng ngày và theo dõi hoạt động trên Internet của trẻ lớn hơn".
Trải qua những thay đổi về cơ thể và bước vào tuổi dậy thì cũng có thể gây căng thẳng cho con bạn. Khoảng thời gian này đầy rẫy những ẩn số khó chịu và những sự khó xử. Chúng có thể dẫn đến sự căng thẳng ở con trẻ.
Những yếu tố gây căng thẳng mỗi ngày, dù nhỏ nhặt vẫn có thể tích tụ lại và khiến trẻ bị stress nặng. Ngoài ra, một số trẻ em còn rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần vì gia đình nghèo đói, bạo lực hàng xóm, xung đột gia đình, cha mẹ vắng mặt hoặc thường xuyên làm chúng thất vọng, thành viên trong gia đình nghiện rượu, hoạt động bất hợp pháp...
Tác giả nổi tiếng Elizabeth Pantley chia sẻ: "Điều quan trọng là bố mẹ phải giữ bình tĩnh và thừa nhận cảm xúc của con. Bạn nên thể hiện rằng bạn hiểu cảm xúc của con mình và động viên con rằng con có thể xử lý bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Con bạn sẽ học được rằng chúng không cần phải căng thẳng hay sợ hãi trước những thay đổi".
Tiến sĩ Hackney gợi ý một chiến thuật mà cô ấy mô tả là "sự đồng cảm thực tế", trong đó thông điệp được truyền tải qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể.
Nếu con không muốn đi nhà trẻ, hãy nói: "Mẹ biết việc này thực sự khó khăn. Con không muốn đi học, con thấy vui khi ở nhà nhưng hãy cùng đi nào, các bạn ở lớp đang chờ con".
Dù con khóc khi phải tới nhà trẻ, hãy tiếp tục phân tích mềm mỏng, duy trì thói quen thông thường của bạn và đưa con đi học theo kế hoạch. Bằng cách này, con của bạn sẽ dần nhận ra rằng, việc đi học là hoạt động quen thuộc hàng ngày của mọi đứa trẻ.
Bố mẹ nên duy trì điều độ các thói quen hàng ngày của con, chẳng hạn như giờ đi học, giờ ăn, giờ ngủ.
Tiến sĩ Hackney nói: "Các thói quen đặc biệt quan trọng đối với trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ vì lịch trình quen thuộc giúp chúng cảm thấy có thể kiểm soát vấn đề và dần dần, chúng tự tạo cho mình cảm giác bình tĩnh".
Hơn nữa, việc duy trì giờ đi ngủ nhất quán đặc biệt quan trọng vì trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị căng thẳng khi quá mệt mỏi. Tác giả Pantley nói: "Để giúp con bạn đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống, hãy đảm bảo rằng con bạn được ngủ ngon, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài thời gian học".
Bố mẹ nên xây dựng cho con những khoảng thời gian thích hợp để nghỉ ngơi, chợp mắt và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo. Tác giả Pantley giải thích: "Trẻ nhỏ không thể sống hối hả như người lớn. Chúng không thể nghĩ xem: "Ngay sau khi làm việc này, mình nên nhanh chóng làm những việc tiếp theo".
Vì vậy, bố mẹ hãy đảm bảo rằng mình đang dành thời gian để đồng hành cùng con. Hướng dẫn con nghỉ ngơi, vui chơi đúng cách.
Tiến sĩ Hackney cho biết: "Nếu bạn cần nói với con mình về việc ông/bà của con vừa qua đời, hãy nói với con một cách trung thực và nhẹ nhàng kiểu như: "Bố mẹ muốn cho con biết rằng ông/bà ốm nặng và ông/bà đã qua đời".
Nếu con đặt câu hỏi, thì bạn có thể đưa ra câu trả lời tùy thuộc vào độ tuổi, sự trưởng thành của con và mức độ thoải mái của bạn. Sau đó cho con thời gian để xử lý thông tin nói trên.
Cách cha mẹ nói về một yếu tố gây căng thẳng, cách họ định hình và thảo luận về nó cũng như cách họ trả lời các câu hỏi một cách hợp lý sẽ giúp trẻ có khả năng bình tĩnh nhận thức về vấn đề.
Trước những vấn đề "khó nói", bố mẹ nên lên kế hoạch trước về những gì muốn nói. Cố gắng dự đoán câu hỏi của con để có câu trả lời hợp lý.
Hãy chú ý đến những chương trình mà con bạn đang xem trên TV. Hackney nói: "Khi cha mẹ xem tin tức thời sự, xã hội bên cạnh con nhỏ. Có thể con sẽ thực sự bị ảnh hưởng bởi những thông tin "gay cấn" vốn chỉ dành cho người lớn.
Một số chương trình "dành cho người lớn", bố mẹ không nên xem cùng con. Khi có con nhỏ, bố mẹ hãy đảm bảo rằng tất cả các chương trình con xem đều phù hợp với trẻ nhỏ.
Khi con là thanh thiếu niên, bố mẹ nên theo dõi việc con sử dụng internet. Vì các phương tiện truyền thông xã hội và bắt nạt trên mạng có thể là tác nhân gây căng thẳng lớn cho thanh thiếu niên.
Việc bố mẹ thể hiện sự quan tâm cụ thể với con cái bằng một vài cái ôm và nụ hôn hàng ngày có thể hữu ích cho con của bạn
Tác giả Pantley nói rằng, tình yêu thương và sự hỗ trợ của bố mẹ có thể giúp con trẻ cảm thấy thoải mái hơn và khi tinh thần chúng thư giãn, chúng sẽ dễ dàng bắt đầu thích nghi với những khuôn mẫu mới.
Cho dù tác nhân gây căng thẳng là tiêu cực hay tích cực thì tình yêu thương của bố mẹ có thể giúp nâng cao sự tự tin và kỹ năng tự điều chỉnh của con trẻ, giúp con linh hoạt và kiên cường hơn để vượt qua khó khăn.
Hãy đảm bảo rằng con bạn có đủ niềm vui trong cuộc sống dù niềm vui chỉ là nhỏ bé. Khuyến khích con hoạt động thể dục thể thao sau giờ học, gặp gỡ bạn bè, chia sẻ khó khăn, khúc mắc với bố mẹ và bố mẹ cũng cố gắng giảm bớt một số điều có thể gây căng thẳng trong gia đình. Ví dụ như cha mẹ thường xuyên cãi cọ, to tiếng...
Việc dạy con các kỹ năng kiểm soát tình trạng căng thẳng là vô cùng quan trọng. Bố mẹ nên dạy con những kỹ năng đơn giản giúp con vượt qua stress như hít thở sâu, hình dung ra những khung cảnh êm dịu và tự nói với bản thân những câu đơn giản như: "Điều này thật khó khăn nhưng mình là người mạnh mẽ và mình có thể vượt qua".
Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau, vì vậy, bố mẹ hãy hướng dẫn các kỹ năng đối phó với khó khăn phù hợp với tính cách của con cái.
Thiết kế: Đỗ Diệp
Nội dung: Thu Hằng