Giúp con không bị ám ảnh bởi ngoại hình

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Một số trẻ nhỏ có thể bắt đầu lo lắng về trọng lượng cơ thể và ngoại hình ngay từ khi mới 3 đến 5 tuổi.

Những lời nhận xét tiêu cực về ngoại hình của một người nào đó có thể khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên sẽ đau lòng hơn khi những nhận xét như vậy được nói ra bởi những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng một số trẻ có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng về trọng lượng cơ thể và ngoại hình ngay từ khi mới 3 đến 5 tuổi. Ngoài ra, nhiều trẻ nhỏ đã sớm công khai bày tỏ sự không hài lòng về cơ thể của mình.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2016 bởi Hiệp hội chuyên gia chăm sóc trẻ em của Mỹ cho thấy có tới 24% chuyên gia chăm sóc trẻ em cho biết họ đã chứng kiến trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi thể hiện sự không hài lòng về ngoại hình hoặc cơ thể của chính mình.

47% các chuyên gia chăm sóc trẻ em đã chứng kiến sự lo lắng về hình ảnh cơ thể ở trẻ em từ 6 đến 10 tuổi. Có tới 71% nhân viên chăm sóc trẻ em tin rằng trẻ em bắt đầu quan tâm đến cơ thể của mình khi còn nhỏ. Gần 1/5 các chuyên gia chăm sóc trẻ em cho biết, họ đã thấy trẻ từ chối thức ăn vì sợ rằng chúng sẽ bị béo.

Điều đáng lo ngại là những cụm từ như "bạn ấy béo" rất phổ biến ở trẻ em. Có tới 37% nhân viên chăm sóc trẻ em đã nghe trẻ con nói những điều như thế và có tới 31% đã nghe một đứa trẻ tự nhận xét là mình béo.

Nhân viên chăm sóc trẻ em cũng cho biết, họ đã nghe những đứa trẻ nói rằng chúng cảm thấy xấu xí và chúng ước mình được xinh đẹp hoặc ưa nhìn như người khác.

Một báo cáo năm 2015 của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm giáo dục và trao quyền cho phụ huynh, giáo viên và các nhà hoạch định chính sách, cho thấy, nhiều trẻ em sớm bị ám ảnh bởi ngoại hình và chúng thường nghĩ tới vẻ ngoài một cách rập khuôn và không thực tế.

Tổ chức này đã xem xét các nghiên cứu về cách trẻ em và thanh thiếu niên cảm nhận về cơ thể của chúng và phát hiện ra rằng các vấn đề xung quanh "hình ảnh cơ thể" bắt đầu từ trước tuổi dậy thì. Một số trẻ em từ 5 tuổi bắt đầu bày tỏ việc không thích cơ thể của mình và nói rằng chúng muốn gầy hơn.

Báo cáo của Common Sense Media cho thấy, hơn một nửa số bé gái và 1/3 số bé trai từ 6 đến 8 tuổi được hỏi nói rằng chúng muốn gầy hơn so với hiện tại. Đến 7 tuổi, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ cố gắng ăn kiêng. Đáng chú ý, 87% nhân vật nữ trên TV trong độ tuổi từ 10 đến 17 có cân nặng dưới mức trung bình.

Trẻ em sớm tìm hiểu về hình ảnh cơ thể và nảy sinh sự lo lắng về ngoại hình của mình. Chúng có thể lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cha mẹ, bạn bè đồng trang lứa và phương tiện truyền thông.

Cha mẹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích trẻ suy nghĩ tích cực về bản thân và không bị ám ảnh bởi ngoại hình.

Giúp con không bị ám ảnh bởi ngoại hình - 1

Bố mẹ nên dạy con nhìn nhận tích cực về cơ thể (Ảnh minh họa: Getty Images).

Bố mẹ nên cẩn trọng "lời ăn tiếng nói"

Bố mẹ nên tránh nói những câu như: "Bố/mẹ trông quá béo khi mặc bộ đồ này" hoặc "Bố/mẹ không thể ăn món này vì nó sẽ làm bố/mẹ béo lên" bởi con bạn đang lắng nghe và học hỏi từ bạn.

Nghiên cứu của Common Sense Media cho thấy trẻ em từ 5 đến 8 tuổi nghĩ rằng mẹ chúng không hài lòng với vẻ ngoài thì có nhiều khả năng chúng cũng không hài lòng với cơ thể của chính mình. Vì thế bố mẹ nên thể hiện sự tự tin về cơ thể cũng như về bản thân.

Đừng chú ý quá nhiều vào vẻ bề ngoài

Tránh nhận xét về ngoại hình và cơ thể của người khác. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều quan trọng hơn về một người, chẳng hạn như họ tốt bụng, tài năng hay thân thiện như thế nào hoặc họ có cách cư xử tốt hay làm việc chăm chỉ hay không.

Tập trung vào các thói quen lành mạnh

Nhấn mạnh tới thói quen tập thể dục và ăn uống lành mạnh hơn là vấn đề cân nặng. Cả gia đình nên dành một hoặc hai ngày/tuần cùng làm những việc năng động như đi chơi ngoài trời, đi xe đạp và ra công viên.

Khi bạn đi siêu thị, hãy để trẻ giúp bạn chọn trái cây và rau củ tốt cho sức khỏe. Bố mẹ nên dạy con đọc thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm để trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh.

Để ý đồ chơi của con

Hãy nhìn vào những món đồ chơi như siêu nhân hoặc búp bê trong tủ đồ chơi của con bạn. Họ có cơ bắp phình ra phi thực tế, đôi mắt to hay tỷ lệ cơ thể mà con người không thể có được không?

Khuyến khích con cân bằng những món đồ chơi đó với những hình ảnh mô tả cơ thể người một cách thực tế hơn. Tốt hơn nữa, hãy ủng hộ con chơi các trò chơi trí tuệ, câu đố và đọc những cuốn sách hay dành cho trẻ em.

Thúc đẩy sự tích cực của cơ thể

Giúp con bạn thiết lập một thái độ lành mạnh đối với cơ thể là rất quan trọng. Khi con bạn cảm thấy hài lòng về cơ thể của mình, chúng sẽ có cách sống tích cực cũng như suy nghĩ cân bằng về ăn uống và hoạt động thể chất.

Tương tự như vậy, khi nhìn nhận cơ thể một cách không lành mạnh, con bạn có thể rơi vào tình trạng tự ti, điều này có thể dẫn đến một số vấn đề như trầm cảm, xa lánh xã hội hoặc rối loạn ăn uống.

Tiến sĩ Rachel Goldman, nhà tâm lý học tại trường Y khoa NYU Grossman, Mỹ, nói: "Hãy giúp con bạn hiểu là cơ thể đã mang lại những lợi ích gì cho chúng, cũng như những thứ khác mà chúng thích ở bản thân, ví như khả năng, kỹ năng và tài năng của chúng. Hãy nhận xét về khả năng và kỹ năng của con thay vì vẻ ngoài của con".

Giới hạn thời gian sử dụng máy tính, điện thoại

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể làm giảm nguy cơ béo phì của trẻ em và thậm chí cải thiện điểm số.

Ngoài ra, một trong những sự ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của một người trẻ tuổi là mạng xã hội. Nó không chỉ là phương tiện để con bạn kết nối với người khác mà còn có thể có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần của con.

Tiến sĩ - Nhà tâm lý học Schreyer-Hoffman ở New York, Mỹ, nói: "Bố mẹ phải nhận ra rằng, mạng xã hội là một phần quan trọng trong cuộc sống của con cái. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và những nội dung đa chiều.

Vì thế bố mẹ nên để ý xem con mình thường xem gì trên mạng xã hội và quan tâm tới chủ đề gì. Hãy nói cho con mình hiểu rằng những gì chúng thấy trên mạng có thể không thực tế. Điều quan trọng nữa là phải bù đắp mức độ bão hòa của mạng xã hội bằng những niềm tin và giá trị tích cực khác".

Theo Family

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm