(Dân trí) - "Bạn không muốn hét vào mặt con nhưng bạn nghĩ đó là cách duy nhất làm chúng nghe lời? Tôi đã học được rằng, phản ứng theo cách khác sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn", tiến sĩ Michaeleen chia sẻ.
Michaeleen Doucleff, tiến sĩ người Mỹ, là tác giả của cuốn sách bán chạy nổi tiếng nước Mỹ mang tên Săn bắn, hái lượm và làm cha mẹ. Cuốn sách mô tả cách nuôi dạy những đứa trẻ trở nên hữu ích và tự tin, điều mà các ông bố bà mẹ luôn hướng tới. Cuốn sách cũng hướng dẫn các gia đình kết hợp phương pháp này vào cuộc sống bận rộn của họ.
Doucleff đã viết cuốn sách sau khi đi du lịch tới ba châu lục cùng với cô con gái 3 tuổi của mình, Rosy. Khi gặp gỡ gia đình những người bạn, họ đã chỉ cho Michaeleen Doucleff cách chế ngự những cơn giận dữ, khuyến khích trẻ trở nên hữu ích và xây dựng sự tự tin cũng như khả năng tự lập của trẻ.
Là một nhà báo nổi tiếng, nữ tiến sĩ ngành hóa học đã viết bài cho hàng loạt tờ báo của Mỹ. Michaeleen Doucleff viết nhiều bài về chủ đề nuôi dạy con cái, tâm lý, khoa học, sinh học và văn hóa.
Michaeleen Doucleff từng có bài viết thu hút sự quan tâm của độc giả về việc bố mẹ dừng quát mắng con cái thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Cô chia sẻ: "Trong nhiều năm, tôi chỉ dựa vào một chiến lược nuôi dạy con chủ đạo là cằn nhằn rồi la mắng.
Đôi khi tôi thậm chí còn hét lên với con mình là: "Rosy, đừng la hét nữa". Khái niệm nuôi dạy con cái không tức giận có vẻ hơi giống chế độ ăn keto (cắt giảm tối đa lượng tinh bột). Tôi biết mình không nên ăn nhiều tinh bột như vậy, nhưng thật khó để cưỡng lại đĩa mì đó.
Trong vài năm qua, khi làm phóng viên, tôi đã nghiên cứu cách các ông bố bà mẹ trên khắp thế giới nuôi dạy con cái mà không mất bình tĩnh. Tôi đã đến Bắc cực và thảo nguyên Tanzania, nơi các bậc cha mẹ hiếm khi, thậm chí không bao giờ, la hét, mắng mỏ hoặc cằn nhằn con cái của họ. Những bậc cha mẹ này đã dạy tôi cách kỷ luật và động viên con gái của mình mà không phải tức giận hay tạo ra hình phạt.
Khi tôi xuất bản cuốn sách Săn bắn, hái lượm và làm cha mẹ, nhiều độc giả ở Mỹ đã gửi email cho tôi và nói rằng họ đã nuôi dạy con cái của họ hoặc đã được nuôi dạy mà không hề có tiếng la mắng từ cha mẹ. Mọi người chia sẻ điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui mừng".
Vậy chính xác thì làm thế nào để một bà mẹ giữ bình tĩnh khi đứa con 8 tuổi của mình không vâng lời? Làm thế nào để một người cha giữ bình tĩnh khi đứa con 3 tuổi tát vào mặt mình?
Tiến sĩ tâm lý học Lisa Feldman Barrett, giáo sư tại Đại học Đông Bắc, Boston, Mỹ, cho biết, điều quan trọng không phải là kìm nén cơn giận của bạn sau khi nó bùng phát. "Có một quan niệm sai lầm rằng bạn có thể tự ngăn mình lại khi đã nổi cáu. Sự thực thì các bậc cha mẹ không la mắng con cái của họ sử dụng các chiến lược sau đây để tránh tức giận ngay từ đầu".
Michaeleen Doucleff kể: "Một buổi chiều, tôi và con gái nhỏ ở Kugaaruk, Canada, phỏng vấn Dolorosa Nartok về cách cô ấy giữ bình tĩnh với các cháu của mình. Rosy liên tục chộp lấy micro của tôi và vung dây như nhảy dây. Tôi bảo con dừng lại nhưng con bé chỉ nhìn tôi, mỉm cười và vung mạnh hơn nữa.
Tôi đã nghĩ là con bé cố tình làm tôi tức điên lên. Tuy nhiên, Nartok đã nói một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên: "Nếu đứa trẻ không nghe lời, đó là vì nó còn quá nhỏ để hiểu. Nó chưa sẵn sàng cho bài học".
Tiến sĩ tâm lý học Wendy Mogel thì khẳng định: "Động cơ của bọn trẻ là tốt và chúng thực sự yêu thương bố mẹ nhưng chúng chỉ chưa biết cách cư xử đúng mực mà thôi. Trẻ nhỏ giống như những con vật nhỏ, những con vật đáng yêu và có nhiều biểu cảm. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ em có khả năng cao để nhận thức vấn đề đang diễn ra nhưng sự thật thì chúng vẫn chỉ là trẻ nhỏ".
Tiến sĩ tâm lý học Laura Markham cho biết: "Khi chúng ta nghĩ rằng trẻ em biết những gì không nên làm nhưng chúng vẫn làm, suy nghĩ đó khiến chúng ta phát điên và sau đó chúng ta quát mắng con trẻ".
Để ghi nhớ rằng trẻ em ở mọi lứa tuổi đều muốn là đứa con ngoan, hãy nghĩ ra một biệt danh đáng yêu cho chúng. Sử dụng biệt hiệu thường xuyên, kể cả khi con bạn cư xử không đúng mực để làm dịu phản ứng và quan điểm của bạn.
Tất nhiên, nhẹ nhàng với con cái không có nghĩa là bạn để cho con làm bất cứ điều gì chúng muốn. Bạn vẫn có thể chỉ ra những sai lầm, thiết lập ranh giới và hướng dẫn con thực hiện hành vi đúng đắn mà không cần la hét. Ví dụ, nếu con của bạn trèo lên bàn trong nhà hàng, bạn chỉ cần kéo con trở lại ghế và nhắc con: "Bàn không phải để trèo lên. Chúng ta ngồi trên ghế".
Tiến sĩ Erlanger Turner, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pepperdine, Mỹ, cho biết, tranh cãi tay đôi với con sẽ khiến cả hai đều bực bội hơn và cuối cùng bạn sẽ dạy con thói quen cãi vã bất cứ khi nào có vấn đề phát sinh.
Chỉ cần nhận ra rằng, sự tức giận sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn có thể giúp bạn ít la hét hơn. Tiến sĩ Batja Mesquita, giáo sư tâm lý học tại Đại học Leuven, Bỉ, cho biết, khi một người tin rằng tức giận là một cảm xúc hữu ích, họ có xu hướng sử dụng cảm xúc đó thường xuyên hơn. Nhưng nếu bạn thấy sự tức giận là vô ích, bạn sẽ có xu hướng tìm cách khác để xử lý tình huống.
Đừng tranh luận, cãi vã với con bạn. Nếu bạn cảm thấy cơn giận đang dâng cao, hãy im lặng trong giây lát và nhắc nhở bản thân: "Nổi giận chẳng ích gì" hoặc "Tức giận với một đứa trẻ là vô ích".
Khi bạn đưa ra một quyết định nhưng con bạn không "tâm phục, khẩu phục", hãy bình tĩnh nêu lý do đằng sau việc ra quyết định của bạn.
Nói với con bạn rằng: "Bố/mẹ sẽ không la hét hay tranh cãi vì điều đó sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn". Hoặc đơn giản là nhắc nhở con về các quy tắc của gia đình, ví như gia đình không cãi nhau, không mặc cả... Bạn cũng có thể nhẹ nhàng đặt tay lên vai con khi nói chuyện với con của mình.
Tiến sĩ Barrett nói: "Học cách xây dựng cảm xúc cũng giống như học bất kỳ kỹ năng nào, bạn càng luyện tập nhiều, bạn càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Khi bạn thực hành cách nuôi dưỡng những cảm xúc nhất định, bộ não của bạn sẽ phát triển những kết nối mới giúp bạn dễ dàng hình thành những cảm xúc này trong tương lai".
Thay vì cáu gắt và quát mắng con, hãy nhìn ngắm gương mặt, vẻ ngoài đáng yêu của con cái và tự nhắc nhở bản thân rằng con yêu và cần bạn biết bao. Nhắc nhở bản thân về thời điểm con dễ bị tổn thương mà vẫn cố gắng làm hài lòng bạn. Mỗi ngày, hãy ghi lại một số việc mà con bạn đã làm gần đây để giúp đỡ bố mẹ việc nhà hoặc những lúc chúng cư xử đúng đắn, yêu thương cha mẹ.
Khi bạn bắt đầu cảm thấy cơn tức giận dâng cao, hãy tập trung vào vẻ dễ thương đang toát ra từ con bạn để có thể cảm thấy thương yêu con nhiều hơn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, đứa bé đang không nghe lời này vừa giúp bạn rửa bát, tưới cây... Một chút cảm giác tích cực này có thể giúp bạn chống lại sự thôi thúc muốn hét vào mặt con.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Laura Markham, tác giả của cuốn sách Cha mẹ yên bình, con cái hạnh phúc: Cách ngừng la hét và bắt đầu kết nối, cho biết: "La hét chỉ là để giải tỏa cơn giận, đó không phải là cách hiệu quả để thay đổi hành vi".
Tiến sĩ Markham nói rằng khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang trạng thái muốn "chiến đấu hoặc bỏ chạy" và các trung tâm học tập trong não của chúng ngừng hoạt động.
Phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" là một phản ứng sinh lý xảy ra khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó mà bộ não cho là đe dọa.
Như vậy, con bạn không thể học khi bạn la mắng chúng bởi vì não của chúng nói với chúng rằng, người lớn đang la mắng chúng và đó là một mối đe dọa.
"Mặt khác, giao tiếp hòa bình và bình tĩnh giúp trẻ cảm thấy an toàn và khiến chúng dễ tiếp thu bài học mà chúng ta đang dạy hơn", tiến sĩ Markham nói.
Nếu bạn đã lỡ "nổi trận lôi đình" quát mắng con thậm tệ, tiến sĩ Turner tư vấn rằng, các bậc cha mẹ nên cố gắng tự sửa đổi và nhận trách nhiệm về mình.
"Bạn có thể ngồi trò chuyện với con và nói rằng: "Hãy cùng chia sẻ về cách chúng ta nên nói chuyện với mọi người. Gần đây bố/mẹ đã vô tình mắng con. Bố/mẹ biết đó không phải là cách cư xử tốt nhất", tiến sĩ Turner chia sẻ.
Trẻ em luôn phải học cách điều chỉnh cảm xúc của mình và chúng không thể tự nhiên biết làm điều đó. Bạn phải dạy chúng và bạn nên làm điều đó hàng ngày bằng cách giữ bình tĩnh và yêu thương chính bản thân mình rồi sau đó dạy dỗ con cái.
Thiết kế: Đỗ Diệp
Nội dung: Thu Hằng
Ảnh: Getty Images, Pexels, iStock, Shutterstock