Tùng Dương: "Tôi không tranh luận hơn thua với phụ nữ"
(Dân trí) - Divo Tùng Dương khẳng định, chất đàn ông trong anh chính là sự dứt khoát. Nếu quyết định làm gì, nam ca sĩ sẽ làm đến cùng và không bao giờ tranh luận hơn thua với phụ nữ.
"Tôi không biết mình sẽ trở thành một ngôi sao"
Tùng Dương tiếp xúc với nhạc Jazz từ bé và được bố thường xuyên gửi những đĩa nhạc từ xa về, việc này đã ảnh hưởng thế nào đến việc lựa chọn âm nhạc của anh?
- Tôi sống xa bố mẹ 13 năm nên ở với bác. Nhiều người sợ số 13 nhưng con số này rất đặc biệt với Tùng Dương.
Khi ở cùng bác, tôi được coi như con ruột nhưng nỗi nhớ cha mẹ vẫn thường trực trong tim. Từ Nga, bố mẹ thường gửi những món quà về cho tôi như: Những con lật đật, tấm băng cassette chứa nhạc Jazz…
Khi nghe những băng nhạc Jazz, tôi thường đứng trước gương bắt chước những nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Từ khi 4-5 tuổi, mỗi lần thấy đoàn nghệ thuật biểu diễn, tôi cũng nhún nhảy, hát và còn "máu" hơn ca sĩ ở trên sân khấu.
Thế là khán giả quay ra xem Tùng Dương chứ không xem các nghệ sĩ nữa (cười).
Ông họ tôi là nhạc sĩ Trần Hoàn, biết tôi có năng khiếu nên cho tham dự rất nhiều chương trình lớn nhỏ khác nhau. Có thời điểm tôi lơ là học tập vì đi biểu diễn khắp nơi nên sau đó tôi tự điều chỉnh lại.
Lớn hơn một chút, tôi thích những bài hát yêu đương, tôi nghe chị Cẩm Vân hát Ngôi sao cô đơn hay Câu chuyện nhỏ của tôi...
Tôi và chị họ tên Phú Nhuận thường lấy dụng cụ đồ xôi để gõ tạo ra âm thanh, sân khấu chính là chiếc giường. Tình yêu dành cho âm nhạc cứ thế ngấm dần trong tôi...
Từ nhỏ, anh đã định hình mình trở thành một ngôi sao, một divo?
- Tôi không thể biết mình sẽ trở thành một ngôi sao. Hồi đó chỉ thấy, các bạn ở trường không thích âm nhạc lắm nhưng mình lại hát rất đúng nhạc.
Giọng của tôi ngày bé, khi chưa vỡ giọng cứ lanh lảnh, rất giống... chị "Bống" Hồng Nhung.
Khi vỡ giọng thì tôi bắt đầu học chuyên nghiệp, theo định hướng của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ông đã dạy tôi rất nhiều bài hát để theo con đường nghệ thuật.
Ông luôn nhắc tôi rằng: Nghệ thuật rất chông gai, cần đòi hỏi sức khỏe. Ông từng nói: "Cháu bé như kẹo mút thế này làm sao trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp được? Cháu phải rất nỗ lực".
Chính những chia sẻ của ông giúp Tùng Dương có hành trang để bước vào đời. Và những lời của ông đã giúp mình nỗ lực để trở thành Tùng Dương của ngày hôm nay.
Hồi đấy, tôi cũng không biết divo là gì, chỉ biết rằng mình muốn được như chị Thanh Lam, chị Cẩm Vân, chị Hồng Nhung và rất nhiều những nghệ sĩ mình đã bắt chước từ ngày nhỏ.
Tôi thành danh ở cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, khi ấy đã có internet nhưng truyền thông, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ.
Tuy nhiên, qua cuộc thi đó, tôi bỗng nhiên nổi tiếng và trở thành người của công chúng. Tôi, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, Ngọc Khuê, Cao Thái Sơn, Thái Thùy Linh,... là những người đầu tiên được khán giả chú ý sau khi bước ra từ Sao Mai điểm hẹn.
Đến nay đã 20 năm, thời gian cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Chúng tôi cũng phải thích ứng với thời cuộc để làm nghề.
Nếu không có tư duy mở như vậy, tôi sẽ bị tụt hậu với thời cuộc.
Tròn 20 năm bước ra từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, anh có giữ liên lạc với những người bạn cùng thời? Chứng kiến những thăng trầm của họ, cảm xúc của anh thế nào?
- Mỗi người có một số phận và con đường âm nhạc riêng. Tôi và những người bạn như: Lưu Hương Giang, Khánh Linh, Thái Thùy Linh,… thi thoảng vẫn gặp trong các chương trình ca nhạc.
Mới đây, tôi đọc tin về Kasim Hoàng Vũ, thấy rất thương. Khi thi Sao Mai điểm hẹn, Kasim là người đầy năng lượng, nội lực. Tôi cũng từng gặp Kasim và mẹ trong chương trình Duyên dáng Việt Nam.
Trong cuộc sống, mỗi người có một số phận riêng. Trong âm nhạc, tôi luôn đưa ra thông điệp "đàn ông không cần khóc".
Tôi muốn gửi tới Kasim lời nhắn: "Đàn ông phải mạnh mẽ để vượt qua được những bi kịch trong cuộc sống. Tôi xin chúc Kasim sớm bình phục trở lại, để tiếp tục niềm đam mê ca hát vì mọi người vẫn luôn yêu thương bạn".
Trong 20 năm ca hát, khán giả thấy Tùng Dương thay đổi rất nhiều, anh có nhớ mình thay đổi bao nhiêu lần và đến thời điểm bây giờ, anh đã hài lòng với phiên bản của mình chưa?
- Câu hỏi này giúp tôi có dịp nhìn lại mình một cách kĩ hơn. Tôi là người không bao giờ hài lòng bản thân mình và luôn nhìn thẳng vào những điểm yếu, điểm mạnh của mình.
Tôi muốn nhìn vào "gót chân Asin" để nỗ lực hơn.
Tôi là người không bao giờ thỏa mãn trên con đường nghệ thuật. Người nghệ sĩ còn muốn phát triển là còn thấy mình có nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
Người ta thường nói, càng cao thì càng thấp, chúng ta hãy sống với tinh thần cầu thị và học hỏi. Không ai đánh giá bạn học hỏi cả, người ta chỉ đánh giá khi bạn tự thu mình lại hay cho rằng mình là một cái gì đó ghê gớm.
Hoặc ở một ngưỡng, một đỉnh nào đó, bạn phán xét người khác, đấy là bi kịch của người nghệ sĩ mà tôi sẽ không để chuyện này xảy đến với mình.
"Tôi không bao giờ tranh luận hơn thua với phụ nữ"
Từ "Cánh chim Phượng hoàng" đến "Người đàn ông không cần khóc", bây giờ là "Người đàn ông hát". Anh có thể chia sẻ về các dự án âm nhạc này?
- Ở Cánh chim Phượng hoàng, tôi tôn vinh hình ảnh phái đẹp, tôn vinh văn hóa dân tộc Việt Nam. Mặc dù MV dùng công nghệ visual effects (hiệu ứng hình ảnh để tạo nên những cảnh quay đẹp trong phim điện ảnh hay phim khoa học viễn tưởng) nhưng vẫn đầy đủ những hình ảnh như: Búp sen, đài sen, cánh chim phượng hoàng bay lên, đồng lúa, cổng trời hay hình ảnh Double 2T đứng trước vũ trụ trống đồng...
Đó là những hình ảnh rất thân thương, gần gũi với văn hóa Việt trong những dự án của tôi.
Công nghệ visual effects rất mới, được những nhà làm phim Hollywood sử dụng trong những bộ phim bom tấn để cho thấy Tùng Dương rất bắt trend, sử dụng những công nghệ hàng đầu để nói được thông điệp của tác phẩm.
Khi đã ca ngợi người phụ nữ thì chắc chắn người đàn ông cũng rất đáng để tôn vinh. Ở Người đàn ông không cần khóc, người đàn ông hiện lên với những hình ảnh đời hơn, thô ráp hơn.
Đó là sự xuất hiện của các nhân vật truyền cảm hứng cho chúng ta như: Bố con nghệ sĩ Quốc Tuấn - bé Bôm, diễn viên múa ngồi xe lăn (Chiến Bùi), chú hề đơn độc (Quang Tuấn) và vận động viên thể hình chuyển giới nam - Tino Huỳnh.
Hình ảnh trong MV như một bộ phim ngắn, khắc họa những cảnh đời khác nhau, vượt qua nhiều thử thách cuộc sống. Họ không khóc "dù tâm bão giày xéo trong đêm", lặng im đi qua sóng gió đời mình mà trong lòng "ôm dòng sông cuộn dâng chảy xiết".
Còn ở live concert (sự kiện trình diễn âm nhạc trực tiếp) Người đàn ông hát, tôi sẽ khắc họa một người đàn ông dùng tiếng hát của mình để chia sẻ những khó khăn với đồng bào thời gian qua.
Tôi đã nhìn thấy hình ảnh người đàn ông ở làng Nủ (Bảo Yên - Lào Cai) cầm chiếc bánh mì một cách vô thức nên ăn cả túi ni lông, hay những cảnh cả gia đình mất nhà cửa, người thân do cơn bão số 3 vừa qua.
Tiếng hát của Tùng Dương không phải chỉ để giải trí mà luôn là tiếng hát để chia sẻ, chữa lành, để chúng ta chiêm nghiệm và nhìn nhau bằng một ánh mắt bao dung hơn sau một năm qua đi với nhiều biến động, thăng trầm, giông bão.
Nhiều người nói rằng ở làng nhạc Việt, Diva Thanh Lam đã được gọi là "Người đàn bà hát" rồi, phải chăng anh muốn định hình Tùng Dương trở thành "Người đàn ông hát"?
-Thật ra, không hát thì tôi cũng chẳng biết làm gì (cười). Từ trước đến giờ Dương vẫn mưu sinh bằng âm nhạc và sứ mệnh của mình vẫn là ca hát. Bằng chứng là tôi đã có 13 liveshow và trong 20 năm làm nghề, khán giả chỉ nhìn thấy Tùng Dương cầm mic trên sân khấu.
Người đàn ông hát đơn giản chỉ là một người đã có sự chín chắn, cất lên tiếng hát của mình. Nếu khán giả gọi tôi là Người đàn ông hát cũng không sai, kể cả danh hiệu divo mà mọi người dành cho tôi cũng vậy.
Nhắc đến Tùng Dương, nhiều người dành tặng cho anh nhiều tính từ như: "Quái", "dị", "ngang tàn", thậm chí là... "đanh đá" nữa. Ở thời điểm hiện tại, tính cách nào còn lại trong anh?
- Có những cái giảm đi thì tốt, có những cái mất đi thì tốt, có những cái nên giữ lại, đi theo quá trình âm nhạc của Tùng Dương, để tạo một cá tính riêng biệt, khác biệt.
Nhưng không vì thế mà lại giữ cái tôi, lòng tự cao để rồi chết chìm trong bản ngã của mình.
Tôi nhớ một lời rap là "Bao giờ xăng thôi lên giá thì Tùng Dương hết đanh đá" nhưng nói thật, tôi không phải là người ngang ngược hay đanh đá. Tôi chỉ là một người quyết liệt và đam mê.
Tôi nghĩ rằng sự quyết liệt mình nên giữ lại cho nghệ thuật. Năm nay rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, cá nhân nhưng Tùng Dương và ê-kíp vẫn cố gắng để thực hiện liveshow Người đàn ông hát để chia sẻ với mọi người.
Chất đàn ông trong Tùng Dương nổi bật nhất là gì?
- Chính là sự dứt khoát, nói là làm. Nếu quyết định làm một điều gì đấy, Tùng Dương sẽ làm đến cùng, chứ không nói để đấy. Tôi cũng không bao giờ tranh luận hơn thua với phụ nữ.
Những sản phẩm âm nhạc xuyên suốt năm 2024 của Tùng Dương kết hợp với rất nhiều nghệ sĩ, tác giả thế hệ Gen Z. Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng đây là khát khao làm nhạc không lỗi thời của Tùng Dương?
- Đây là khát vọng chứ không phải tham vọng. Nếu như tôi đóng mình lại, không chịu nghe, không chịu tìm hiểu những cái hay, tinh hoa của đồng nghiệp, chắc chắn mình đi phía sau các bạn trẻ.
Âm nhạc như một dòng chảy, bắt buộc mình phải nghe ngóng xu hướng, xu thế. Tôi rất vui khi cộng sự của mình ngày càng trẻ hơn. Khi làm việc với họ, tôi nhận được năng lượng vui vẻ, tươi trẻ.
Khi đi ra đường, nhiều khán giả nhí thế hệ gen Alpha (thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ tiếp theo sau Gen Z, được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2024) đã nhận ra chú Tùng Dương. Các cháu nhắc đến bài Một vòng Việt Nam…
Đấy là điều Tùng Dương cảm thấy rất tự hào. Vì giới trẻ đã biết nghe và yêu những bài hát ca ngợi quê hương đất nước.
Các bạn sẽ thấy rằng, tôi có ý thức chính trị rất lớn. Tôi thường hát những bài như: Ôi quê tôi, Con cò, Mẹ tôi, Chiếc khăn Piêu,... Những bài này có hiệu ứng cao trên các nền tảng ứng dụng xã hội, được giới trẻ chia sẻ rất nhiều…
Có lẽ âm nhạc là liều thuốc chữa lành, giúp cho mọi người yêu mến, xích lại gần nhau và làm những điều tử tế cho cộng đồng.
Anh chia sẻ, mình có thể kết hợp được với các nghệ sĩ trẻ trong các sản phẩm âm nhạc.
Tùng Dương đã từng hát bản hit nào mà có thể mua được nhà, tậu được xe sang, cát-xê ngất ngưởng ?
- Tôi tự hào rằng những bản hit của mình nghe được rất lâu. Bây giờ vẫn còn những chương trình, lễ hội lớn yêu cầu Tùng Dương hát những bài: Con cò, Chiếc khăn Piêu, Ôi quê tôi... hay mới đây là bài hát Một vòng Việt Nam.
Âm nhạc của Tùng Dương có thể không dễ nghe ngay, nhưng quan trọng là có sức sống lâu bền.
Tôi thường để ý đến chuyện bài hát được khán giả đón nhận ra sao, có sức sống lâu bền hay không mà không để ý đến việc mình mua được mấy căn nhà, mấy chiếc xe sang.
Đương nhiên là "có thực mới vực được đạo", khi bạn có kinh tế ổn định thì mới có thể nghĩ được những điều to lớn, những sáng tạo trong nghệ thuật.
Nhìn vào con đường âm nhạc của Tùng Dương, người ta thường bảo, Tùng Dương… cười nhiều lắm?
- Đúng, Tùng Dương cười rất nhiều vì tôi là một người vui tính, hài hước. Tuy nhiên, cũng có nhiều người nói Tùng Dương khó gần. Họ bảo tôi chảnh nhưng không phải như vậy.
Nếu chưa tiếp xúc với Tùng Dương thì sẽ không thể biết được những tiếng cười giòn tan đặc trưng của Tùng Dương.
Ở tuổi 41, tôi vẫn nghĩ mình đang "bẻ gãy sừng trâu" giống tuổi 17. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang bước vào trung niên mặc dù thực tế tôi là như vậy.
"Tôi thường xuyên mua hoa tặng vợ"
Bước ra khỏi ánh đèn sân khấu, trở về với gia đình, anh tự nhận mình là một người như thế nào? Có bao giờ anh khóc?
- Có những lúc tôi cũng khóc và không thể cưỡng lại tiếng khóc đấy. Những lúc như: Con ốm, vợ ốm, hay bố mẹ mình cũng xuôi ngược lo toan… thì mình cũng phải ở bên họ để chia sẻ.
Ngoài những lúc ấy, gia đình vẫn đầy ắp những tiếng cười, các thành viên luôn mang lại không khí ấm áp cho nhau.
Là một người nghệ sĩ nên tôi luôn phải luôn giữ cho mình một tinh thần sảng khoái, trong sáng để nhìn rõ mình hơn. Tôi cũng sống một cách chan hòa, giảm thiểu cái tôi cá nhân, bớt đi sự thù hằn.
Sau bài phỏng vấn này, có lẽ tôi sẽ kết nối với những người chưa thích mình lắm, việc hạ cái tôi của mình xuống và giúp mình trưởng thành hơn.
Trưởng thành không phải đâu xa mà chính là những cái mình giác ngộ, nhận ra điều bên trong mình.
Trên Facebook của Tùng Dương, khán giả thấy anh dành tình yêu duy nhất cho âm nhạc mà ít nhắc đến người phụ nữ của mình. Vì sao vậy?
- Tùng Dương từng hát Mang thai để tôn vinh người phụ nữ: "Đàn ông mang thai cuộc đời, đàn bà lại mang thai đàn ông". Vì thế, vai trò của phụ nữ rất quan trọng.
Tôi luôn muốn giữ sự riêng tư cho gia đình. Tôi cũng tôn trọng người bạn đời của mình. Tôi rất sợ một ngày nào đó chúng tôi không còn gắn kết với nhau mà lại vẫn có những hình ảnh nắm tay nhau trên mặt báo. Tôi không muốn những vận xui như vậy đến với vợ chồng mình.
Dù công khai hay không thì đó là cách lựa chọn của mỗi người. Các bạn chỉ cần biết tôi vẫn mạnh khỏe, đi hát, tập gym hàng ngày và rất đắt show với những bài hát về quê hương đất nước.
Tôi cũng có một thể trạng rất tốt vì được vợ chăm chút thường xuyên (cười).
Ở tuổi này, anh có tiếc nuối điều gì?
- Có chứ, nhưng những tiếc nuối của Tùng Dương không phải điều gì quá quan trọng. Chúng ta phải có sự tiếc nuối thì mới có sự cố gắng, nỗ lực để nhìn về tương lai.
Những điều tiếc nuối là những điều tôi chưa làm được, tôi sẽ cố gắng ở tương lai. Nếu có tiếc nuối thì cũng là cách để nhìn lại mình.
Anh có phải một người đàn ông lãng mạn không? Anh có thường tặng hoa vợ?
- Nếu không lãng mạn thì không thể hát hay được. Tôi thường xuyên mua hoa tặng cho vợ.
Người đàn ông lãng mạn là người có sự hy sinh cho đối phương và việc này cần vun đắp ở cả hai phía. Lãng mạn cần đi đôi với trách nghiệm nữa. Nếu chỉ lãng mạn không rồi khi hết lãng mạn lại bùng lên những cơn dữ dội tranh luận xem ai là người thắng thì cũng chưa ổn.
Quan trọng nhất nên cân bằng giữa tất cả những lời nói và hành động để gia đình mình, con cái, người bạn đời phải nể mình, tự hào về mình.
Anh có đưa cát-xê cho vợ giữ?
- Có chứ. Trong cuộc sống, vợ chồng nên có những hoạch định cho chính mình. Quan trọng nhất là cả hai cùng nhìn về một phía, cùng bồi đắp để xây dựng một gia đình gắn kết, hiểu và tin tưởng nhau.
Nếu vợ chồng anh giận nhau, ai sẽ là người xin lỗi trước?
- Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống vợ chồng, chuyện bất đồng quan điểm là điều bình thường. Việc bất đồng cũng như gia vị của mỗi gia đình vì không nhà nào có sự đồng thuận 100% cả.
Tôi sẽ luôn làm lành trước. Việc nhún nhường phụ nữ là điều đàn ông nên làm.
Xin cảm ơn Tùng Dương vì những chia sẻ!