NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng qua đời ở tuổi 68
(Dân trí) - NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng - người có biệt danh Tùng "điên" của giới mỹ thuật Việt Nam vừa qua đời chiều 13/9, hưởng thọ 68 tuổi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Chiều Xuân cho biết, NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng qua đời lúc 16h2 phút chiều 13/9 tại Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội), hưởng thọ 68 tuổi.
Chiều Xuân cho biết thêm, họa sĩ Hoàng Hà Tùng mắc bệnh ung thư 10 năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn luôn lạc quan, vẫn làm nghệ thuật. Khoảng hơn một tháng trước, sức khỏe của ông bắt đầu giảm sút.
Sinh thời, NSND Hoàng Hà Tùng sống cùng vợ và con cháu. Các con ông đều không làm về mỹ thuật.
NSƯT Phạm Quang Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) cho biết, vào năm 2017, Nhà hát Tuổi trẻ làm vở diễn Nghêu, Sò, Ốc, Hến do NSND Lê Khanh đạo diễn. Hoàng Hà Tùng là họa sĩ sân khấu.
Khi đó, Quang Ánh đóng vai quan huyện, diễn xong, Hoàng Hà Tùng khen, động viên về vai diễn và chơi thân với Quang Ánh từ đấy.
Cuối năm 2017, họa sĩ còn tặng Quang Ánh bức tranh Quan huyện du xuân. Những năm sau này, hầu như Tết năm nào, anh cũng được Hoàng Hà Tùng tặng tranh.
Nghệ sĩ Quang Ánh cho hay, ngoài đời, NSND Hoàng Hà Tùng là người rất đáng yêu. Nhiều người hay gọi họa sĩ là Tùng "điên" nhưng nam họa sĩ chỉ "điên" trong những bức tranh mình vẽ còn ngoài đời ông là người rất trẻ trung, vui vẻ.
"Họa sĩ Hoàng Hà Tùng thường rủ tôi ra vườn hoa Tăng Bạt Hổ để nhậu. Anh ấy gọi công viên gần đó là "công viên những hoàng tử", chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ vui vẻ...", Quang Ánh kể lại.
NSƯT Quang Ánh chia sẻ thêm, cách đây 5 năm, Hoàng Hà Tùng từng điện thoại cho anh và nói: "Anh sắp chết rồi, mày vào bệnh viện thăm anh đi". Hôm đó, Quang Ánh và nam họa sĩ đã có cuộc nói chuyện, tâm sự rất chân tình với nhau.
"Anh Tùng trêu tôi "giữ tốt tranh của anh nhé, vì khi anh chết, tranh có giá lắm đấy." Anh ấy là người nói chuyện rất dài, có lẽ tôi là người bạn kiên nhẫn nhất vì thường ngồi 5-6 tiếng nghe anh nói về nghệ thuật...", Quang Ánh tâm sự.
Theo Quang Ánh, NSND Hoàng Hà Tùng từng được nhiều người nước ngoài mời sang để vẽ tranh. Ở các bảo tàng lớn trên thế giới đều có tranh của Hoàng Hà Tùng.
Quang Ánh kể: "Anh ấy hay nói, anh mà "điên" thì làm sao tranh được treo ở những nơi ấy".
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng sinh năm 1956 ở Hải Dương, mê hội họa từ nhỏ. Hết phổ thông, ông lên đường nhập ngũ. Năm 1981, khi xuất ngũ, ông thi vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp.
Trong thời gian học, ông lại hứng thú với sân khấu kịch nói và xao nhãng việc vẽ tranh. Sau đó, ông thi lại vào khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội).
Ông được bạn bè, đồng nghiệp đặt cho biệt danh Tùng "điên" bởi những ý tưởng khác biệt, "không giống ai" trong cuộc sống, lối ăn mặc, phong cách hội họa và sân khấu.
NSND Hoàng Hà Tùng vẽ trên nhiều thể loại như: giấy dó, sơn dầu, sơn mài, phấn màu… nhưng cách chơi đặc trưng nhất của ông là tranh sơn mài. Tranh sơn mài của ông lúc nào cũng cầu kỳ về cách pha màu. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi bật như: Ô Quan Chưởng, Vũ điệu hoa chuối…
Ông cũng từng làm đạo diễn vở kịch hát mang tên Chuyện của dòng sông đỏ. Ông đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác Dòng sông sắc đỏ, Bến có còn sông; Trọng Đài sáng tác Mắt tằm, Con lắc (lời Hoàng Hà Tùng); Lưu Hà An viết Bay đi, Cỏ gà - cỏ may; Lê Minh Sơn viết Đục thủng con thuyền; Giáng Son là Con sông tình yêu, Con yêu thơ dại…