DNews

Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha

Minh Nhân

(Dân trí) - "Cái gì cũng phải đứng thứ nhất" - Đó là lời giáo huấn của người cha dành cho Tadashi Yanai. Sự nghiêm khắc và kỳ vọng của cha là khởi đầu cho tất cả, biến Yanai từ kẻ lông bông thành tỷ phú.

Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha

Tadashi Yanai đã nhiều năm giữ vị trí đầu trong danh sách những người giàu nhất Nhật Bản do Forbes công bố. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Trong cuốn sách 1 thắng 9 bại (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành)Yanai kể lại hành trình đầy những thăng trầm để đưa Uniqlo trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về trang phục thường ngày.

Trong đó, ông suy ngẫm về những thất bại và chia sẻ triết lý kinh doanh độc đáo được đúc kết qua nhiều thử thách.

Triết lý dạy con "cái gì cũng phải đứng thứ nhất"

Cha tôi là một thương gia kiểu cũ, nặng về quan hệ, tình nghĩa, làm việc trên quan điểm sinh kế theo gia nghiệp, không phải quan điểm của doanh nhân hay của một nhà quản lý thời nay. Cái gọi là buôn bán và thực tiễn thương trường, mọi điều tôi học được đều đến từ cha.

Cũng có lúc nhìn cha, tôi đã nghĩ như thế này thực không ổn. Có thể nói cha vừa là người thầy chỉ dẫn, vừa là người phản biện. Thực tế tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mình.

Năm 1949 (năm 24 niên đại Chiêu Hòa), cha tôi bắt đầu mở cửa hàng bán lẻ quần áo nam gọi là "cửa hàng trang phục nam Ogori Shoji" tại thị trấn Ube, tỉnh Yamaguchi.

Cửa hàng chủ yếu bán áo vest, những nhân viên ngân hàng hay công ty chứng khoán muốn mặc những bộ vest cao cấp thường tìm đến đây.

Cha tôi vốn quen nhiều người có tiệm may âu phục và cửa hàng trang phục nam ở khu vực Kyushu và tỉnh Yamaguchi.

Sau khi học xong tiểu học, cha tôi đã đến phụ việc ở cửa hàng của ông nội tôi, sau đó rời Ube và tự thân lập nghiệp. Thoạt đầu có nhận đặt may, sau đó chủ yếu là bán đồ may sẵn.

Khi tôi còn học trung học cơ sở, cha tôi đã bắt đầu công ty xây dựng điền thổ, hoàn toàn khác với ngành âu phục. Theo ngôn ngữ thời đó, đúng hơn gọi là "chủ thầu". Bản thân ông cũng nói, nếu là chủ thầu từ thời còn trẻ, có thể đã thành công hơn.

Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha - 1

Bìa sách "1 thắng 9 bại" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Cha tôi là một người cực kỳ nghiêm khắc, tới mức tôi thường gắng tránh mặt khi đi ngang qua ông. Bình thường chẳng có chuyện gì tôi cũng vẫn e sợ ông. Ông làm việc nhiều, rồi những cuộc gặp gỡ, những bữa tiệc giao đãi hàng ngày nên thường về nhà rất muộn. Có thể vì vậy mà tôi có thói quen đi ngủ sớm. Nếu thỉnh thoảng có gặp thì lại bị mắng.

Giờ nghĩ lại thì thấy có thể là một sự khích lệ, còn lúc đó tôi chỉ có cảm giác tức điên lên. Do tôi là con trai duy nhất, giữa tôi là chị và hai em gái, nên việc ông kỳ vọng và nghiêm khắc nuôi dạy tôi cũng dễ hiểu. Là một đứa con trai hư nên chuyện bị hạ cẳng chân thượng cẳng tay với tôi rất bình thường.

Tôi nhớ từ khi còn nhỏ, đã thường nghe giáo huấn rằng, "cái gì cũng phải đứng thứ nhất". Tôi nhận ra triết lý nuôi dạy con cái sẵn trong đầu cha tôi là phải như vậy. Chỉ khi thi đỗ vào trường trung học và đại học tôi mới có dịp được khen ngợi.

Quan sát cha, tôi đã nghĩ rất nhiều, rằng đặt toàn bộ cuộc sống vào việc bán hàng ngày qua ngày là không phù hợp với tôi. Tuy nhiên, tôi đã kế tục di sản cửa hàng âu phục này, điều đó có thể cho là một nhân duyên tuyệt vời giữa cuộc đời của cha với thành quả tạo nên một Uniqlo hiện đang tiếp tục mở rộng.

Năm 1949, cha tôi tự mở cửa hàng âu phục, cũng là năm tôi ra đời. Vào tháng 4/1984 (năm 59 niên đại Chiêu Hòa) cha tôi ngã bệnh do xuất huyết não. Tháng 6 năm đó, cửa hàng Uniqlo số 1 ra đời. Tháng 9 cùng năm, cha tôi rời khỏi ghế giám đốc và trở thành chủ tịch công ty, còn tôi trở thành giám đốc.

Ngày 1/2/1999 (năm 11 niên đại Bình Thành) là ngày công ty đã niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Năm ngày sau, tôi đã báo cáo với cha về việc này vào sau bữa tối.

Vào ngày tiếp theo, mùng 7, ngày sinh nhật lần thứ 50 của tôi cũng là ngày bố tôi ra đi ở tuổi 79. Tại tang lễ, hướng về chân dung người quá cố tôi thầm thì "cha là đối thủ lớn nhất của cuộc đời con". Lần đầu tiên tôi rơi lệ nhiều như vậy trước mặt mọi người.

Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha - 2

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai (Ảnh: Reuters).

Từ ước mơ cửa hàng đồ chơi đến cửa hàng thời trang

(VAN là Công ty TNHH Van Jacket, thương hiệu thời trang huyền thoại của Nhật Bản được thành lập vào năm 1947, đặt nền móng cho văn hóa thời trang Nhật Bản).

Từ nhỏ, do tính nhút nhát, tôi có một tuổi thơ lặng lẽ. Vì luôn bị cha nhắc "làm gì thì cũng đứng thứ nhất", nên tôi càng không nỗ lực nâng cao kết quả mà cũng không nghĩ tương lai sẽ thế nào.

Thuở ấu thơ, tôi rất thích đồ chơi, tới mức đã mơ màng ước trở thành người bán đồ chơi và không có ý muốn học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cửa hàng của cha tôi nằm tại phố mua sắm trước ga, nên sân chơi chính của tôi là con phố duy nhất này.

Cửa hàng mở ở tầng 1, còn sinh sống trên tầng 2, ngay gần đó có cửa hàng đồ chơi và cửa hàng sách. Chủ cửa hàng sách thỉnh thoảng lại cho rất nhiều truyện tranh không dùng đến và các loại sách phụ kèm theo.

Tôi đã từng rất thích đọc truyện tranh. Tôi thường ăn sáng và tối với một vài nhân viên sống tại cửa hàng. Nếu không ăn nhanh là bị mắng. Đó là cách sống đặc trưng ở phố buôn bán và ở cửa hàng bán lẻ trước đây.

Anh Ura, kiểm soát viên của công ty tôi hiện nay, là một trong số nhân viên cùng sống thời đó. Có thể nói anh là nhân chứng sống về lịch sử công ty.

Sau khi cửa hàng trang phục nam hoạt động suôn sẻ, ngoài công ty xây dựng, cha tôi còn kinh doanh nhà hàng và rạp chiếu phim.

Trong giới kinh doanh tại địa phương, dần dần ông trở thành nhân vật có uy tín. Đó là trong thời kỳ tăng trưởng cao nên công việc xây dựng cũng thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, chính cha tôi thích các sản phẩm quần áo của VAN và bắt đầu mở cửa hàng VAN. Thời trung học, tôi đã mặc sơ mi có cúc ở ve cổ của VAN, đi giày thể thao VAN. Kỳ thực mặc như vậy cảm giác gần gũi như quần áo thường ngày.

Bố tôi tuy không nói ra miệng nhưng luôn mong muốn cửa hàng âu phục của ông, dù nhỏ, sẽ có người kế tục và nghĩ rằng thế nào tôi cũng sẽ thực hiện việc đó. Có lẽ chính vì thế mà bản thân tôi cũng chẳng nghĩ sẽ thử làm công việc gì trong tương lai.

Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha - 3

Tadashi Yanai trưởng thành từ sự nghiêm khắc của cha (Ảnh: Getty).

Nửa sau những năm 60, lần đầu tiên tôi rời quê đến Tokyo là khi vào đại học. Với tâm trạng phản kháng lại người cha, đặc biệt từ thời niên thiếu, tôi đã thi vào trường đại học nằm tại trung tâm Tokyo.

Tôi đã tràn đầy hy vọng rằng nếu đến đó tôi sẽ được tiếp xúc với nhiều điều thú vị như văn hóa Hippi, Futen ("Futen", một tên gọi phổ biến của những người Hippie kiểu Nhật ở Nhật Bản vào những năm 1960 và 1970), nhạc Pop...

Tokyo náo nhiệt với nguồn năng lượng của những người trẻ tuổi. Tuy là sinh viên đại học và xuất sắc trong các hoạt động, nhưng tôi hầu như không đến trường. Do xảy ra nhiều cuộc biểu tình, trường đại học đã buộc phải đóng cửa gần nửa năm.

Dù sao, tôi cũng không quen với những phong trào sinh viên có xu hướng bạo lực, nên tôi thả mình lêu lổng với phim ảnh, sòng bạc/pachinko, đánh bài... suốt bốn năm học.

Tôi cũng từng đi du lịch bụi ở Hoa Kỳ, đến những quán nhạc Jazz ồn ào ở Waseda và Takadanobaba và thường xuyên đánh mạt chược.

Ngay cả khi là sinh viên năm thứ ba, rồi năm thứ tư tôi cũng không tính đến chuyện xin việc, mà nghĩ, nếu được, có lẽ chẳng cần phải đi làm.

Tháng 3/1971 (năm 46 niên đại Chiêu Hòa), tuy đã tốt nghiệp, tôi không lo kiếm việc mà vẫn lông bông. Vẫn còn tâm trạng phản kháng với cha, nhưng vào tháng 5, do cha đốc thúc, tôi bắt đầu làm việc tại công ty JASCO (hiện là công ty AEON).

Khi tôi vào công ty thì con gái ông Okada Takuya, hiện là Chủ tịch danh dự, đang là Trưởng ban nhân sự. Tôi có ấn tượng rất mạnh rằng đây là công ty quan tâm đúng đắn đến con người, chu toàn lo cả chỗ ở. Sau đó tôi bắt đầu tập sự tại cửa hàng chính ở Yokkaichi.

Sau tập sự, đầu tiên tôi được phân công tại cửa hàng bán các đồ đa dạng như đồ thô, dao, thớt, rổ rá. Ở đây bán theo hình thức tự phục vụ, nên công việc chủ yếu là mua nhập hàng hóa, đi lại hai chiều giữa kho và nơi bán hàng.

Sau đó, không biết do xem xét việc kinh doanh của gia đình tôi ở quê thế nào mà tôi được phân công vào cửa hàng bán trang phục nam. Ở cửa hàng này, một nửa công việc là tiếp xúc với khách và nửa khác là nhập hàng.

Nhờ đó, công việc của tôi trở nên thú vị, tôi nghĩ: "Công việc này cũng hay đây". Tuy vậy, tôi vẫn chưa có ý thức rõ ràng "mình muốn làm việc này", không có tâm trạng làm việc một cách nghiêm túc.

Tháng 2/1972, một năm sau đó, tôi nghỉ việc. Hoàn toàn chỉ do tính ích kỷ của bản thân. Sau đó, tôi nói với cha: "Con nghĩ hay là đi du học ở Hoa Kỳ?".

Và sau đó là lần thứ hai tôi quay lại Tokyo. Tôi học tại trường dạy tiếng Anh, vẫn không chữa được tật xấu lêu lổng. Tôi cũng đã nghĩ đến việc kết hôn với người con gái tôi gặp gỡ trước đây (nay là vợ tôi).

Sau khoảng nửa năm, bị cha tôi thuyết phục rằng "đã chấp nhận kết hôn thì nên quay về", và tự tôi cũng nghĩ vậy nên tôi đã trở về Ube vào tháng 8 năm đó.