Nhà thơ Bình Nguyên Trang ra mắt tập thơ "Đêm hoa vàng"
(Dân trí) - Nhà thơ Bình Nguyên Trang vừa giới thiệu với bạn đọc tập thơ "Đêm hoa vàng", tập thơ gồm 43 bài, được chia làm 2 phần là "Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội" và "Niệm".
Nhắc đến Bình Nguyên Trang, người đọc nhận ra ngay thương hiệu nhà thơ. Bình Nguyên Trang là bút danh văn học của nhà thơ Vũ Thị Quỳnh Trang.
Chị từng đoạt giải thưởng văn chương của báo Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím, Tiền Phong, giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền.
Phần I của tập thơ là 16 cung bậc về tình yêu, dẫu cũng có bài thơ tình thế sự: Hai bài thơ tình viết trong những ngày thế giới và đất nước gặp đại dịch Covid-19.
Người đàn bà trong Đêm hoa vàng dám yêu và quyết yêu. Yêu như sông như biển / yêu như trăng như sao / yêu như môi kề cận / yêu như ngực sóng trào, (Trong mênh mông thiên hà). Hai từ "yêu anh" được sử dụng 4 lần, "yêu" được sử dụng 5 lần.
"Tình yêu và thơ là hai phạm trù mà trong đó cái tuyệt vời thông minh kết hợp với cái tuyệt diệu ngây thơ, là hương đặc biệt của một số tâm hồn thi sĩ và tình nhân", (Xuân Diệu).
Đau khổ cũng là một trạng thái, cung bậc của tình yêu. Chính đau khổ, vật vã trong tình yêu, vì tình yêu cũng là một vẻ đẹp.
Đọc Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang người đọc như bị nỗi buồn "bủa lưới". Các ký tự "buồn", "nỗi buồn" xuất hiện 11 lần; "đau khổ", "vụn vỡ", "cô đơn" xuất hiện 11 lần trong 16 bài của phần I. Bình Nguyên Trang như một "giáo sĩ" của tình yêu, đưa ra nhiều chiêm nghiệm, suy tư rất mới.
Ta đã đến giữa đời nhau, đã buồn hai nửa / không thể nào khớp lại thành vui, (Tìm) hoặc: Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé / ve đã than lạc mất giọng rồi / thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội / về xa kia đâu biết lở bồi, (Có thể một sáng nào ngủ dậy); hoặc: Tôi lại là tôi của ngày chưa đến / của tình yêu như đau đớn chưa từng, (Trăng).
Có thể gọi Phần I của Đêm hoa vàng là bản sonate của tình yêu và nỗi buồn
Phần II, "Niệm" có 27 bài. Trong Phật giáo, niệm là một thuộc tính cơ bản của tâm thức, là hoạt động thuộc phạm vi tinh thần.
Trong phần này có các bài Chùa ở đâu, Đoản khúc dâng mẹ, Nhật ký kẻ nghiện ăn ký ức chứa đựng tinh thần vi tế, thâm sâu, u uẩn... nhưng thức tỉnh, có "nhịp buồn" thời cuộc.
Nếu có chùa thì chính mỗi chúng ta là ngôi chùa đó, Nhưng Thần Phật ở đâu, khi những ngôi chùa đã giải thiêng và tâm hồn chúng ta đã hoang phế (Chùa ở đâu). Bài thơ văn xuôi này, nhiều câu hỏi thay cho một lần khởi niệm.
...
Tôi có đi chùa và có cầu kinh
Chùa trong tâm tôi và kinh - lời mẹ
Tôi biết đời này không gì hơn thế
Từ mẹ bước ra để được làm Người
(Đoản khúc dâng mẹ)
Đoản khúc dâng mẹ là bài thơ dài, về hình thức được cấu trúc có khổ, có phân đoạn gồm 67 câu thơ. Bình Nguyên Trang lý giải bằng thơ quá trình nhận thức Thứ nhất tu tại gia, thì nhì tu chợ, thứ ba tu chùa, (tục ngữ), và tu tâm dưỡng tính mới đúng tinh thần Phật pháp. Tôi thường ngồi im, tôi và bóng tối / để tôi rõ hơn phía đó con đường / tôi hiểu được rằng Mẹ tôi là Phật, (Đoản khúc dâng mẹ).
Theo PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc, mẹ trong quan niệm Phật giáo là người mẹ bản thể với nghĩa cứu độ, là trí tuệ giải thoát. Bình Nguyên Trang khởi niệm và ngộ giác: Xin cám ơn Người - Phật của riêng tôi / từ mẹ mà đi con thấu phận người. Đây cũng là hai câu thơ cuối cùng của Đoản khúc dâng mẹ.
Đêm hoa vàng là tên một bài thơ xếp ở trang 99, thuộc phần 2, được nhà thơ đặt tên chung cho cả tập. Bài thơ có 2 nhân vật "ta" và "người". "Ta" được nhắc đến 7 lần, "người" được nhắc đến 9 lần.
...
Người kể chuyện gì mà huy hoàng như thế
Nếu không vàng không kịp với mùa thu
Đôi mắt mở đăm chiêu
Đôi mắt thức tàn đêm
Cho ta đau một sớm mai nhỡ người đi mất
Ta còn chi để nói với mây ngàn
(Đêm hoa vàng)
Bài thơ là cuộc đối thoại, day dứt: Người vì ai mà rực rỡ đến hoang tàn / Hay ta vì yêu mà buộc vào gánh nặng. "Ta" chất vấn "người" và cũng có thể là đang chất vấn chính "ta": Lòng ta chết dần theo cánh vàng rơi / Sao người điềm nhiên trên mặt bàn đợi cơn gió tới / Người không băn khoăn cuộc đi này sao ta cứ gọi / Sao ta không đủ từ tâm để người chết một mình.
Bài thơ Đêm hoa vàng được đặt trong không gian cỏ hoa. Màu vàng thường gợi liên tưởng về biểu tượng tình yêu, tình bạn.
Hơn thế hoa màu vàng còn là thể hiện của sự cảm thông, chu đáo, chia sẻ giữa con người. Hoa vàng ơi / Vàng ơi hoa đêm / Người còn ở đây hay về chân trời khác / Liên quan không mà ta bận lòng.
Không có câu trả lời của "người" và cũng không đoán định được "ta" có tự trả lời? Vì thế, bài thơ là sự đối thoại vô thanh, đồng hiện câu hỏi tương cảm trong tâm hồn bạn đọc.
Bài thơ có thể hiểu là một lát cắt về một cung bậc của tình yêu, dằn vặt từ tâm tráng lệ.
Tình yêu vừa khát khao dâng hiến, vừa ước ao buông xả, sau những đớn đau. Sao ta không đủ từ tâm để người chết một mình, câu thơ là một sự giải mã, tận cùng của yêu là đau khổ nhưng đó là âm thanh của khao khát.
Đêm hoa vàng là tập thơ trữ tình. Và dù là thơ về tình yêu, có "anh" và "em" nhưng ngôn ngữ thơ Bình Nguyên Trang chứa đựng những ưu tư, suy tư về kiếp người, cõi người. Với Bình Nguyên Trang, viết là đi tìm câu trả lời. Chính vì thế đọc thơ chị dễ đồng cảm, đồng hiện.
...
Có gì để tìm trong trời xanh trống rỗng
Trong trưa chan nắng lóa mặt người
Phố vẫn gió mùa hè vẫn đỏ
Vẫn nhói đau màu hoa tuổi học trò
(Trôi trong trưa)
Một tuần sau khi Đêm hoa vàng ra mắt bạn đọc, Bình Nguyên Trang viết trên trang cá nhân: "Hóa ra người yêu thơ, đọc thơ vẫn còn nhiều. Mấy ngày vừa rồi thư ký 15 tuổi ở nhà gói thơ nhiệt tình gửi đi muôn phương. Có khi nào phải nối bản thêm không ta?... Mặt đầy nếp nhăn rồi nhưng những "tình nhân" thời Mực tím, Hoa học trò vẫn cho bao nhiêu là lưu luyến, xao xuyến. Biết ơn vô ngần".
Sau đó không lâu, chị chính thức công bố nối bản. Đó là niềm vui của người cầm bút, sáng tạo.
Bình Nguyên Trang là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện chị công tác tại báo Nhân Dân. Công việc làm báo cuốn chị vào đời sống, dù vậy Bình Nguyên Trang vẫn trăn trở "Ai đã gieo vào tôi mùa xuân / Ai đã gieo đời sống này mãi mãi", (Trông biển đợi sông về).