DNews

Hành trình khởi nghiệp "1 thắng 9 bại" của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản

Minh Nhân

(Dân trí) - Tadashi Yanai đã nhiều năm giữ vị trí đầu trong danh sách những người giàu nhất Nhật Bản do Forbes công bố. Trên hành trình khởi nghiệp, ông tin rằng "kinh doanh là một chuỗi thử nghiệm và thất bại".

Hành trình khởi nghiệp "1 thắng 9 bại" của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản

Trong cuốn sách 1 thắng 9 bại (Nhà xuất bản Trẻ phát hành), Tadashi Yanai (sinh năm 1949) kể lại hành trình đầy những thăng trầm đưa Uniqlo trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về trang phục thường ngày.

Vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản cũng suy ngẫm về những thất bại và chia sẻ triết lý kinh doanh độc đáo được đúc kết qua nhiều thử thách.

Tadashi Yanai tin rằng "việc kinh doanh là một chuỗi thử nghiệm và thất bại", để duy trì công ty thì tổ chức "phải luôn luôn trong trạng thái phát triển và tự đổi mới" vì "nếu không phát triển thì chẳng khác gì đã chết".

Triết lý đơn giản và thông suốt này đã giúp Uniqlo từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thời trang bán lẻ toàn cầu.

Hành trình khởi nghiệp 1 thắng 9 bại của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - 1

Bìa sách "1 thắng 9 bại" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

"Cha là đối thủ lớn nhất của cuộc đời con"

"Cái gì cũng phải đứng thứ nhất" - Đó là lời giáo huấn của người cha dành cho Tadashi Yanai. Sự nghiêm khắc và kỳ vọng của cha là khởi đầu cho tất cả, dù bấy giờ "cậu con trai hư" Yanai chưa nhận ra điều đó, nên thường tránh mặt và e sợ cha mình.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế ở Đại học Waseda, Yanai làm việc ở Jusco (về sau là Aeon - nhà bán lẻ hàng đầu châu Á). Ông tự nhận vào thời điểm này, dù bắt đầu cảm thấy "công việc này cũng hay đây" nhưng ông vẫn còn "lông bông", "lêu lổng", "không có tâm trạng làm việc một cách nghiêm túc".

Theo sự đốc thúc của cha, ông trở về kế nghiệp, vào làm ở cửa hàng trang phục nam Ogori Shoji chuyên bán áo vest. Đó cũng chính là tiền thân của Uniqlo sau này.

Trải nghiệm ở Jusco đã giúp Yanai nhận ra được những điểm chưa tốt trong quy trình làm việc ở cửa hàng của cha.

Dưới sự can thiệp của ông, trong vòng hai năm, các nhân viên đã… lần lượt nghỉ việc. Lúc này, người cha nghiêm khắc của Yanai chẳng chê trách gì.

Một ngày nọ, ông chuyển cho con trai sổ tiết kiệm và con dấu công ty quý giá. Đó là lúc quyết tâm bắt đầu bừng lên trong Yanai: "Không thể quay đầu, nếu như được giao phó thì tuyệt đối không được thất bại, bây giờ chính là lúc cần cố gắng".

Thiếu nhân viên, Yanai đã tự mình suy tính, tự mình hành động, tự làm hết các phần việc như: mua hàng, tính toán doanh thu, quyết toán, sắp xếp công việc cho nhân viên…

Ngày trước từng cho rằng mình không phù hợp với thương mại, nhưng khi bắt tay vào làm, ông bất ngờ nhận ra: "Mình cũng có thể làm được". Niềm vui công việc đã đến với Yanai từ đó, khi ông bắt đầu tự mình gánh vác sự nghiệp. 

Hành trình khởi nghiệp 1 thắng 9 bại của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - 2

Chân dung tỷ phú Tadashi Yanai (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 6/1984, cửa hàng Uniqlo số 1 đi vào hoạt động, người cha rời khỏi ghế giám đốc sau khi ngã bệnh. Tadashi Yanai ngồi vào vị trí đó.

Ngày 1/2/1999, công ty niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Đến ngày 7/2 cùng năm, sinh nhật lần thứ 50 của Yanai, cha ông đã ra đi ở tuổi 79.

Người cha nghiêm khắc đã để lại cho Yanai một di sản tuyệt vời: lẽ sống và khát vọng vươn tới vị trí số 1. Trước chân dung người quá cố, ông đã khóc và thầm thì: "Cha là đối thủ lớn nhất của cuộc đời con".

Chuyện thú vị đằng sau cái tên Uniqlo

Từ kinh nghiệm làm việc ở Jusco và ở Ogori Shoji, Yanai đã có những quan sát và nhận định sắc bén về ngành thời trang bán lẻ.

Ông nhận ra với trang phục nam, nếu bạn không tiếp xúc với khách thì không thể bán hàng được. Ngược lại, với trang phục thường ngày, không cần tiếp xúc với khách vẫn bán được hàng. 

Qua những chuyến đi ra nước ngoài, ông cũng nhận thấy các chuỗi cửa hàng bán quần áo tại Mỹ như Limited hay Gap phát triển rất nhanh, cửa hàng tự phục vụ và cửa hàng hạ giá đang lớn mạnh.

Đó là lúc ông có ý định chuyển hướng sang kinh doanh trang phục thường ngày dưới dạng thức này. Ý tưởng bao trùm của Yanai là xây dựng một "cửa hàng tự phục vụ, nơi bạn có thể mua quần áo với giá hợp lý và dễ dàng như mua tạp chí tuần san".

Hình dung của ông rất rõ ràng, cửa hàng mà ông muốn tạo ra là một "kho hàng lớn lúc nào cũng có thể chọn được hàng".

Ngày 2/6/1984, cửa hàng quần áo hàng ngày mang tên Unique Clothing Warehouse (Kho quần áo độc đáo) đã được khai trương tại thành phố Hiroshima. Đằng sau cái tên Uniqlo hiện giờ là một câu chuyện thú vị.

Ban đầu, logo là chữ UNICLO. Tuy nhiên, 4 năm sau, một chuyện bất ngờ đã xảy ra. 

Hành trình khởi nghiệp 1 thắng 9 bại của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - 3

Tadashi Yanai tham dự một cuộc họp báo ở Tokyo, năm 2022 (Ảnh: Kyodo).

Khi chuẩn bị thành lập công ty Uniclo trade để mua các sản phẩm qua liên kết với một người ở Hong Kong, người này đã nhầm lẫn chữ "C" thành chữ "Q" lúc làm thủ tục đăng ký kinh doanh.

Khi nhìn dòng chữ, Yanai thấy chữ "Q" có tính thẩm mỹ hơn và quyết định thay tên toàn bộ cửa hàng tại Nhật Bản thành Uniqlo. Đôi khi một sự việc ngẫu nhiên đưa đến thành quả thú vị.

Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo đã thể hiện tầm nhìn của Tadashi Yanai về một không gian để khách có thể tự lựa chọn mặt hàng: có đường đi thẳng và rộng trong cửa hàng, trần cao để mở rộng không gian, mặt hàng lúc nào cũng xếp ngay ngắn, hàng được bổ sung đúng lúc, nhân viên chỉ trả lời khi được yêu cầu.

Toàn bộ trang phục của hãng cũng hướng tới chức năng cơ bản là "dễ mặc", "dễ mặc phối với đồ khác" và "không nhất thiết phải cùng hãng". Đó là những bộ quần áo thông dụng, ai mặc cũng cảm thấy thoải mái, bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

Kinh doanh là phải biết thất bại

Có lẽ 1 thắng 9 bại là cuốn sách khởi nghiệp thành công nhắc tới thất bại nhiều nhất.

Tadashi Yanai không ngần ngại điểm qua rất nhiều thất bại mà Uniqlo gặp phải trong quá trình hình thành, mở rộng qua các tỉnh, tăng số lượng cửa hàng, hướng tới niêm yết trên sàn chứng khoán, áp dụng công nghệ mới, mở rộng ra nước ngoài.

Không như các tỷ phú thành đạt khác, vốn thường tự thuật về hành trình của họ một cách hùng hồn và đầy tự hào, Yanai viết rất giản dị, tự nhiên, như thể có gì nói đó.

Ông thú nhận bản thân vốn có tính nhút nhát, kém tài, không giỏi diễn đạt. Khi kể về quá trình phát triển Uniqlo, ông nhấn mạnh vào việc "thử và sai": liên tục thực hiện, quan sát và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hàng loạt những thất bại đã được ông kể ra, như khó khăn trong vay vốn ngân hàng, lựa chọn điểm bán, thất bại về chất lượng sản phẩm, biến công ty khác thành công ty con, mở thương hiệu Famiglo và Spoglo…

Thế nhưng cách nhìn nhận vấn đề rất thực tế, linh hoạt và chủ động của Yanai đã giúp Uniqlo cải cách mỗi ngày và đi qua từng thử thách.

Hành trình khởi nghiệp 1 thắng 9 bại của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - 4

Trong một bài phỏng vấn, Yanai từng chia sẻ ông thích bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng và về nhà lúc 4 giờ chiều để chơi gôn và dành thời gian với vợ (Ảnh: Getty).

Hiểu rõ rằng "thịnh suy thành bại luôn song hành" và "nếu không thay đổi, thích ứng với những biến hóa của môi trường kinh doanh thì không thể nào tồn tại", Tadashi Yanai luôn nhìn thẳng vào thực tế và làm mọi cách để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trước mắt.

Kế thừa quan niệm của cha, ông luôn đặt ra mục tiêu cao nhất vì: "Người mang nhu cầu bình bình thì sự phát triển cũng chỉ dừng ở mức đó. Đề ra mục tiêu cao thì sẽ phải nỗ lực thực hiện công việc hướng tới mục tiêu đó. Đừng đặt ra mục tiêu quá thấp.

Ngay cả khi mục tiêu hoàn toàn vô lý, vẫn nên xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, theo sát việc thực hiện và luôn so sánh, điều chỉnh. Nếu làm được như vậy thì mọi việc sẽ diễn tiến trôi chảy".

Dù áp dụng phương pháp truyền thống là "thử và sai", ông cũng xác định: "Tuyệt đối không phạm những sai lầm chết người có thể dẫn đến khủng hoảng, nhưng làm rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với việc chỉ phân tích, trì hoãn mà không làm gì cả. Kinh nghiệm từ thất bại sẽ trở thành một tài sản giống như một bài học hiệu quả cho bản thân".

Vấn đề ở đây là, bạn có thể "rút lui tức thì" khi đánh giá đó là một thất bại hay không… Nếu bạn cứ chậm chạp lề mề, thì tổn thất sẽ chỉ tăng lên. Học hỏi từ thất bại và tốc độ phục hồi - đây là điều quan trọng hơn bất kỳ thứ gì.

Nhân viên không phải là "tay chân" của người quản lý

Khi xem xét trọn vẹn quá trình phát triển và những triết lý kinh doanh của Yanai, điều dễ nhận thấy nhất ông luôn hướng đến con người: vì khách hàng, vì người lao động và vì xã hội.

"Đáp ứng yêu cầu của khách hàng" là điều đầu tiên trong triết lý kinh doanh của Yanai. Đây là một điều rất cơ bản, không phải ý tưởng khác thường hay hiếm thấy. Nhưng qua hình ảnh của các cửa hàng Uniqlo, chúng ta lập tức cảm nhận được: sự thoải mái của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. 

Ban đầu, Uniqlo thường xuyên bị đánh giá là cửa hàng bán đồ giá rẻ với chất lượng kém. Tadashi Yanai đã có một nước đi cực kỳ can đảm: đăng quảng cáo trên báo và tạp chí cả nước với tiêu đề: "Hãy than phiền về Uniqlo và nhận 1 triệu yên".

Họ đã nhận về rất nhiều phản hồi tiêu cực, thậm chí có người còn tiết lộ mình đã cắt bỏ nhãn mác để người khác không biết đây là sản phẩm của Uniqlo. Nhưng rồi họ đã thẳng thắn thừa nhận những lỗi được chỉ ra, nghiên cứu và cải thiện sản phẩm. Những thất bại cũng gieo mầm cho những thành công tiếp theo.

Tác giả khẳng định: "Trách nhiệm của công ty chúng tôi là dù thế nào cũng không làm qua loa sơ sài mà bỏ nhiều thời gian và công sức, miệt mài nỗ lực sản xuất quần áo với giá thành rẻ. Và nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm không gì khác ngoài sự tôn trọng dành cho khách hàng".

Đối với người lao động, Yanai xác định nhân viên không phải là "tay chân" của người quản lý.

Ông luôn coi mối quan hệ giữa công ty và nhân viên là một mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Để công ty phát triển lớn mạnh, ông tin rằng nhân viên cũng phải có tư duy độc lập và sự chủ động. Nếu "tay chân" của từng nghiệp vụ, từng bộ phận không đồng thời là "bộ não" thì chắc chắn công việc sẽ không suôn sẻ và không thể hoàn thành được.

Trong quá trình làm việc, Tadashi Yanai cũng mong muốn được lắng nghe ý kiến của mọi người. Công ty có những cuộc họp tự phát mọi lúc mọi nơi để có thể thảo luận ngay lập tức mọi thứ tại chỗ, nhanh chóng đưa ra quyết định và thực hiện. Ông nghĩ cần phải tạo ra một bầu không khí mà mọi người có thể nói bất cứ điều gì.

Yanai xây dựng một môi trường mà ở đó mọi người có thể phát huy tối đa năng lực của mình ngay từ khi còn trẻ. Nếu một người trẻ tuổi có đủ khả năng, thì người đó sẽ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo thích hợp.

Ngoài ra, ông cũng mong muốn có một cơ chế đánh giá kích thích được động lực của nhân viên. "Sự minh bạch" và "sự công khai" là rất quan trọng để tất cả nhân viên trong công ty nhận thức được rằng: "Người đánh giá và người được đánh giá là ngang nhau".

Với khẩu hiệu "cửa hàng tồn tại vì khách hàng và phát triển cùng với nhân viên", Yanai hy vọng thông qua doanh nghiệp của mình tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội.

Cuốn sách 1 thắng 9 bại của Tadashi Yanai là hành trình để một thương hiệu vươn lên thành cửa hàng thời trang bán lẻ top đầu thế giới, chứa đựng nhiều kinh nghiệm thực tiễn và triết lý kinh doanh quý giá cho doanh nghiệp và người mang khát vọng khởi nghiệp.