DNews

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop?

Lạc Thành

(Dân trí) - Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), khán giả trẻ thích các hình thức giải trí hiện đại như: Gameshow, nhạc pop… khiến nghệ thuật truyền thống không còn chiếm lĩnh vị trí độc tôn.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop?

"Khoảng lặng" trong quá trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống

 Trò chuyện với phóng viên báo Dân trí, nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết, khoảng 6 năm nay Nhà hát không tuyển được diễn viên trẻ.

Lý do mà ông Tuấn đưa ra vì khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chỉ đào tạo chèo, cải lương, múa rối trình độ Đại học mà không có tuồng.

Từ năm 2018, các trường trung cấp, cao đẳng được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Vì thế, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không có chức năng đào tạo nghệ thuật tuồng nữa.

"Ở Hà Nội cũng không có trường trung cấp, cao đẳng nào đào tạo về tuồng, vì thế Nhà hát Tuồng Việt Nam đang thiếu trầm trọng diễn viên", ông Tuấn chia sẻ.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 1

Dù đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn đam mê với nghề (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Không chỉ Nhà hát Tuồng Việt Nam mà một số đơn vị như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam… số diễn viên trẻ trụ lại làm việc không nhiều.

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), năm 2022, số diễn viên trong độ tuổi 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25-30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%.

Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép (diễn viên nam, nữ lên sân khấu) chỉ chiếm khoảng 20%.

Thực tế cho thấy, việc thiếu nhân sự trẻ làm nghệ thuật truyền thống đang ở mức báo động.

"Thiếu nhân sự đã đành nhưng lương, các chế độ cho diễn viên cũng rất thấp. Có nghệ sĩ được vinh danh NSND, NSƯT nhiều năm, thậm chí gần nghỉ hưu cũng chỉ nhận mức lương 4-5 triệu đồng/tháng tương đương với bậc 3 - tốt nghiệp trung cấp.

Nếu muốn tăng lương, họ phải đi học thêm. Đây là một bất cập với các diễn viên làm nghệ thuật truyền thống…", ông Tuấn nêu vấn đề.

Khác với thời kỳ hoàng kim - thời điểm mà các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước… "làm mưa, làm gió" với những đêm diễn "đỏ đèn", khán giả vỗ tay không dứt...

Thì những năm gần đây, nhiều ngành nghệ thuật truyền thống không có nhiều khán giả, có vở diễn chỉ khoảng 40-50 khán giả tới xem. Nhiều nhà hát xuống cấp, nghệ sĩ không có nơi biểu diễn, lương thấp… khiến cho nhiều diễn viên rất vất vả khi lựa chọn giữa đam mê hay bỏ nghề mưu sinh…

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 2

Buổi diễn "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" của Nhà hát Tuồng Việt Nam chỉ có khoảng 50 khán giả đến xem (Ảnh: Thành Đông).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về hiện tượng này, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - nhận định, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, như: Tuồng, chèo, cải lương… là một trong những tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

Loại hình nghệ thuật này in đậm dấu ấn trong lao động, sản xuất, đời sống tinh thần, đời sống thẩm mỹ của các thế hệ người Việt Nam.

Nghệ thuật sân khấu truyền thống đã có một thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội hiện đại đã khiến cho nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức và có nguy cơ mai một.

Ông Đông nhận định, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự đa dạng hóa của các loại hình giải trí, cùng với thói quen thưởng thức nghệ thuật của khán giả đang thay đổi, đã tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt.

"Nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng tiếp cận và ưa chuộng các hình thức giải trí hiện đại như điện ảnh, nhạc pop, rock, các chương trình truyền hình thực tế…, khiến cho nghệ thuật sân khấu truyền thống không còn chiếm lĩnh vị trí độc tôn như trước đây.

Họ không ngại ngần chạy theo những trào lưu "độc, lạ, dị" khiến chúng ta không khỏi giật mình, như: Hát cùng dao kéo, chụp ảnh quái đản, "hot boy" giả gái, nuôi thú cưng độc…", Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 3

Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho biết, đơn vị này có một số giải pháp để hỗ trợ các nhà hát, nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống (Ảnh: Nam Nguyễn).

Đại diện Bộ VH-TT&DL nhận định, hiện tượng này là một thực tế đáng lo ngại. Đó không chỉ là sự mất mát về văn hóa mà còn mất mát về bản sắc dân tộc, dẫn đến sự mai một của các loại hình nghệ thuật đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đánh giá, đây chỉ là "khoảng lặng" trong quá trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh, trong đó có văn học, nghệ thuật.

"Đa số người dân Việt Nam, trong đó có thế hệ trẻ đều rất yêu mến và trân trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha, nhất là nghệ thuật truyền thống. Nhưng phương thức tiếp cận của các bạn trẻ có thể khác hơn, đa dạng hơn, hiện đại hơn", ông Tạ Quang Đông nói thêm.

Không chỉ tuồng, chèo, cải lương mà nhiều chương trình giải trí cũng khó bán vé

NSƯT Hải Vân - Nhà hát Tuồng Việt Nam - trăn trở, khi công nghệ thông tin phát triển, con người đang sống trong thời đại 4.0, liệu các ngành nghệ thuật truyền thống khi "đấu" với: Gameshow, điện thoại, K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), TikTok, Facebook… có cân sức?

Và liệu các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương… có bán được vé để cải thiện đời sống cho chính nghệ sĩ nơi đây?

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 4

Nghệ thuật chèo đang đứng trước nhiều thách thức, có nguy cơ mai một (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ ra, trong giai đoạn hiện nay không chỉ nghệ thuật truyền thống khó bán vé mà nhiều chương trình giải trí, có yếu tố nước ngoài cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Nghệ thuật truyền thống phải đối diện sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí khác, đặc biệt sự tiếp cận của khán giả trên không gian mạng, nên việc khó bán vé là điều dễ hiểu.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VH-TT&DL đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Trong đó có: Chế độ bồi dưỡng, tập luyện của các nghệ sĩ, diễn viên, ưu đãi nghề, độ tuổi nghỉ hưu… trong các đơn vị nghệ thuật công lập để nghệ sĩ đỡ vất vả, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống về đúng vị trí của mình.

Tiếp đó, Bộ tiến hành rà soát và triển khai sơ kết Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sau hơn ba năm triển khai thực hiện.

Xây dựng các chương trình, đề án: Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030…

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 5

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ, để các ngành nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương.... trở lại vị trí xứng đáng, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ từ các cấp quản lý, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho phóng viên Dân trí biết, để nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương… có thể trở lại với vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ từ các cấp quản lý, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL.

Trước hết, vấn đề cơ sở hạ tầng là điều cấp bách. Các nhà hát và trụ sở biểu diễn xuống cấp cần được cải tạo và nâng cấp, nhằm tạo ra những không gian biểu diễn chất lượng, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện đại.

Điều này không chỉ là việc đầu tư về cơ sở vật chất, mà còn giúp tạo môi trường làm việc tốt hơn cho các nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của nghệ sĩ cần được cải thiện. Các nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật truyền thống thường gặp nhiều khó khăn về kinh tế, và nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, tài năng và lòng nhiệt huyết của họ sẽ bị mai một.

Bộ VH-TT&DL cần có chính sách hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện để họ có thu nhập ổn định, giúp họ yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Việc tổ chức các chương trình học bổng, hỗ trợ đào tạo cho các nghệ sĩ trẻ cũng là một cách để đảm bảo sự kế thừa và phát triển liên tục.

Một yếu tố không thể thiếu là chiến lược quảng bá và tiếp thị: Cần có những chương trình xúc tiến quảng bá nghệ thuật truyền thống một cách sáng tạo và đa dạng, sử dụng các kênh truyền thông hiện đại để thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Đồng thời, đưa nghệ thuật truyền thống vào các chương trình giáo dục văn hóa trong trường học sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp cận sớm và nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống từ nhỏ.

"Việc liên kết nghệ thuật truyền thống với du lịch văn hóa cũng là một hướng đi tiềm năng. Các loại hình nghệ thuật này có thể được đưa vào các chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu với du khách quốc tế như một phần không thể thiếu của bản sắc Việt Nam.

Điều này không chỉ giúp tạo nguồn thu bền vững cho nghệ thuật truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 6
Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 7

Hiện trạng xuống cấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Về đề án Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam; ông Tạ Quang Đông cho biết:

"Trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL đã thực hiện đầu tư một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn trong nước), trong đó có đầu tư dự án như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ cơ sở 2, giai đoạn 1.

Theo đó, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cũng đang nghiên cứu, đề xuất địa điểm và đầu tư dự án như: Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2 tại Hà Nội và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại TPHCM.

Bộ VH-TT&DL cũng đang tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xây dựng Nghị định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công được chính thức phê duyệt, cùng với hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lập Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật".

Theo Thứ trưởng Đông, ngoài những việc căn bản nêu trên, để hỗ trợ nghệ sĩ và phát triển nghệ thuật truyền thống, ngành văn hóa rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Chúng ta có thể cùng nhau thực hiện một số giải pháp như: Chú trọng công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia tài trợ cho các chương trình nghệ thuật truyền thống; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá nghệ thuật truyền thống qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Bên cạnh đó, xây dựng các nội dung truyền thông hấp dẫn về nghệ thuật truyền thống, bao gồm video, bài viết, phỏng vấn nghệ sĩ, giúp khán giả hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của các hình thức nghệ thuật này.

Khuyến khích sáng tạo nghệ thuật: Cho phép các nghệ sĩ tự do thử nghiệm và đổi mới trong các tác phẩm của họ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ phát triển nghệ thuật truyền thống…

Đưa các trích đoạn, vở diễn xưa lên nền tảng xã hội để giới trẻ tò mò

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, để nghệ thuật truyền thống không chỉ tồn tại mà còn sống động trong lòng giới trẻ, chúng ta cần một cách tiếp cận thật gần gũi, tinh tế và đầy cảm hứng.

Việc bảo tồn không chỉ là giữ lại những giá trị cũ mà còn là cách để chúng ta thổi vào đó một luồng gió mới, giúp nghệ thuật truyền thống có thể giao thoa và phát triển trong thời đại ngày nay.

Ông Sơn nhận định, giới trẻ chỉ thực sự yêu mến tuồng, chèo, cải lương khi họ thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn của nó trong cuộc sống hàng ngày.

Điều đó có thể bắt đầu từ những trải nghiệm giản dị nhưng sâu sắc như một buổi biểu diễn trên sân khấu nhỏ giữa lòng thành phố, hay một buổi giao lưu nơi các em được trực tiếp tham gia, thử sức mình trong vai trò một nghệ sĩ sân khấu.

Khi cảm xúc được khơi gợi từ những điều chân thực như thế, nghệ thuật sẽ tự nhiên chạm vào trái tim họ.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 8

Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, nghệ sĩ trẻ cũng cần được khuyến khích để dám sáng tạo, khám phá và để tái định hình nghệ thuật sao cho phù hợp với thời đại (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Theo ông Sơn, công nghệ và mạng xã hội là cây cầu tuyệt vời để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Nên đưa những vở diễn xưa, những đoạn video ngắn về tuồng, chèo, cải lương lên các trang mạng xã hội để giới trẻ bất ngờ, tò mò và thêm yêu nghệ thuật truyền thống.

"Khi nghệ thuật có thể hiện diện trên những nền tảng họ sử dụng mỗi ngày, tự nhiên họ sẽ bắt đầu quan tâm, sẽ muốn tìm hiểu thêm. Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, hoặc việc đem trang phục biểu diễn từ sân khấu lên sàn catwalk, thậm chí là vào những bộ sưu tập thời trang hàng ngày của giới trẻ, có thể khiến tuồng, chèo, cải lương trở nên mới mẻ, đầy sức sống.

Những cách này không chỉ là sự đổi mới bề ngoài, mà còn là cách để nghệ thuật cổ truyền tiếp tục phát triển mà không đánh mất gốc rễ văn hóa", ông Bùi Hoài Sơn đưa ra một số giải pháp để giới trẻ yêu nghệ thuật truyền thống.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nghệ sĩ trẻ cũng cần được khuyến khích để dám sáng tạo, khám phá và để tái định hình nghệ thuật sao cho phù hợp với thời đại.

Vì những nghệ sĩ trẻ này sẽ là cầu nối để giữ gìn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá, những sự kiện văn hóa, lễ hội nghệ thuật truyền thống sẽ là nơi giúp nghệ thuật đến gần với công chúng hơn, giúp giới trẻ không chỉ được thưởng thức mà còn trực tiếp tham gia, trở thành một phần của nó.

Qua mỗi buổi diễn, mỗi dịp gặp gỡ, họ sẽ dần khám phá ra vẻ đẹp không chỉ của nghệ thuật mà còn của chính văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.

Ông Sơn khẳng định: "Tôi tin rằng, nghệ thuật truyền thống có thể mãi là một phần của chúng ta, nếu chúng ta biết cách trao nó cho những trái tim trẻ, bằng cảm hứng và lòng yêu mến".

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống được hiệu quả, lâu dài và đến gần với giới trẻ hơn, cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất là Bộ VH-TT&DL sẽ sớm tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới và ban hành theo thẩm quyền hệ thống thể chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng.

Trên cơ sở các chính sách được xác lập trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 lần này, Bộ sẽ cụ thể hóa tham mưu các chính sách đặc thù đối với loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đảm bảo từng bước đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Thứ 2 là Bộ VH-TT&DL cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật có đào tạo các ngành nghệ thuật ở trình độ trung cấp, để tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp giảng dạy các môn văn hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh bố trí thời gian học tập các môn văn hóa và chuyên môn nghệ thuật phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các ngành nghệ thuật ở trình độ trung cấp.

Thứ 3 là chỉ đạo các nhà hát triển khai thực hiện Đề án đào tạo nhân lực cho các đơn vị này với phương thức đào tạo kết hợp giữa các nhà hát với cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bộ VH-TT&DL tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để trình Chính phủ ban hành.

Thứ 4 là định kỳ ba hoặc bốn năm một lần, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật; tiếp tục duy trì tổ chức định kỳ các cuộc thi tài năng, liên hoan cải lương, chèo, tuồng... nhằm phát hiện những tài năng mới có triển vọng để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo.

Việc tổ chức các cuộc liên hoan nêu trên không những góp phần tạo sân chơi nghệ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp để các nghệ sĩ được thể hiện, cống hiến tài năng, giúp họ gắn bó lâu dài hơn với nghề, mà còn là dịp để các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới.

Nghệ thuật truyền thống thời 4.0: Tuồng, chèo có thắng K-pop? - 9

Bộ VH-TT&DL đưa ra 6 giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống được hiệu quả và lâu dài (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Thứ 5 là tập trung biên soạn chương trình, giáo trình và các nguồn học liệu phục vụ công tác đào tạo tài năng, ưu tiên nhiệm vụ mời chuyên gia, nghệ sĩ tài năng trong nước và nước ngoài giảng dạy, hướng dẫn các lớp tài năng.

Ngoài ra Bộ còn rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các văn bản quy định về đào tạo tài năng, các ngành hiếm, khó tuyển, cần bảo tồn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Thứ 6 là xây dựng và triển khai hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

"Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc"

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa bởi "văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Trong bài phát biểu, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc cần "quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới".

Ảnh: Nguyễn Hà Nam