DNews

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết

Lạc Thành Nguyễn Hà Nam

(Dân trí) - Để lên phòng tập của Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhóm phóng viên Dân trí phải đi qua cầu thang hẹp, xếp đầy đạo cụ sân khấu. Nghệ sĩ vừa diễn vừa lo... sập sân khấu, trần thạch cao rơi vào đầu.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết

Khán phòng bong tróc, nơm nớp sợ trần rơi vào đầu khán giả

Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, thường diễn trên sân khấu với sự kết hợp của âm nhạc, hát kịch, múa và diễn xuất.

Ở thời hoàng kim, nghệ sĩ cải lương sống "khỏe" khi liên tục biểu diễn, khán giả nô nức tới nhà hát xem các vở diễn kinh điển: Khúc oan vô lượng, Túy Hoa vương nữ, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Tráng sĩ Kinh Kha, Khi người điên biết yêu

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghệ sĩ cải lương kêu cứu vì cuộc sống khó khăn, nhiều vất vả. Có nghệ sĩ đã vào biên chế vẫn bỏ nghề về quê hoặc làm thêm công việc bán cà phê, làm hướng dẫn viên du lịch,... để kiếm sống.

Để "mục sở thị" cảnh xuống cấp, sinh hoạt bất tiện của nghệ sĩ, nhóm phóng viên Dân trí đã có mặt tại Nhà hát Cải lương Việt Nam ở 164 phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khá bất ngờ về cơ sở vật chất nơi đây.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 1

Gara để ô tô của Nhà hát Cải lương Việt Nam giờ thành kho chứa đồ cũ.

Bước qua cổng nhà hát là khoảng sân chật hẹp, la liệt xe máy để bên cạnh 4 ô tô đi lưu diễn. Theo ông Kiên, bảo vệ nhà hát, dù có chỗ để ô tô nhưng diện tích nhỏ quá nên gara chỉ để chứa đồ cũ không dùng đến.

"Hôm nào có vở diễn, xe máy để hết khoảng sân chật chội khiến cho ai muốn về sớm cũng phải khó khăn lắm mới lấy được xe. Nhà hát có 4 ô tô nhưng chỉ dùng được 2 cái, còn 2 cái hỏng, gần như không di chuyển được…", ông Kiên nói.

Nhà hát Cải lương Việt Nam có khuôn viên rộng khoảng 450m2 nhưng  xuống cấp trầm trọng. Dưới tầng 1, nhiều phòng ẩm thấp, được tận dụng làm nơi để đạo cụ biểu diễn. 

Chị Nguyễn Diệu Linh (SN 1991) - nhân viên phòng Tạp vụ - dẫn chúng tôi vào một phòng chứa đồ của Nhà hát. Căn phòng nhỏ này trước là phòng chuyên môn, giờ là... nhà kho ẩm mốc, nhiều chuột và gián.

Để lên khán phòng tập vở của Nhà hát Cải lương Việt Nam, chúng tôi phải đi qua cầu thang hẹp, xếp đầy thiết bị sân khấu.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 2
Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 3

Khán phòng cũ kỹ, xuống cấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Phòng tập có hơn 100 ghế ngồi, bị hư hỏng nhiều. Các mảng tường của khán phòng ẩm mốc, bong tróc cộng với không gian chật chội, nóng bức khiến các nghệ sĩ tập luyện cũng không thoải mái.

Không chỉ phòng tập mà phòng hóa trang của Nhà hát cũng chỉ rộng khoảng 7-8m2, các nghệ sĩ phải nhường nhau chỗ ngồi trang điểm.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, nhà hát là đơn vị nghệ thuật duy nhất ở Hà Nội không có nơi biểu diễn. Căn phòng có hơn 100 ghế ngồi chỉ là phòng tập của diễn viên, nếu muốn biểu diễn thì phải đi thuê nhà hát bên ngoài.

"Việc không có rạp đã ảnh hưởng đến tính chất chuyên nghiệp của đơn vị, gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn. Việc đi thuê rạp làm tăng chi phí đêm diễn (30-50 triệu đồng/đêm diễn), nên chúng tôi thường lưu diễn ngoài trời.

Đi diễn bên ngoài nhiều nên chúng tôi như một "gia đình du mục". Tuy nhiên, chất lượng vở diễn của nhà hát vẫn đảm bảo vì các diễn viên luôn hết mình với nghệ thuật cải lương", ông Triệu Trung Kiên cho biết.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 4

Phòng chức năng xưa kia nay đã biến thành nhà kho của nhà hát.

NSƯT Trần Quang Khải (SN 1979) - Trưởng đoàn Cải lương Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam - cũng chia sẻ rằng, chính vì không có rạp nên các nghệ sĩ rất thiệt thòi.

"Nếu có nhà hát, chúng tôi thường xuyên được biểu diễn, năng lực sẽ tốt hơn, tình yêu nghề cũng mãnh liệt hơn. Vì không có rạp nên ít luyện tập, chúng tôi cũng không chủ động được lịch làm việc của mình. Các nghệ sĩ luôn mong mỏi có một rạp hát để thỏa sức làm nghề, "cháy" hết mình trên sân khấu", NSƯT Trần Quang Khải bày tỏ.

Hai năm liên tiếp, nhà hát không thưởng Tết cho nghệ sĩ

Bà Đào Thủy Lan - Trưởng phòng Hành chính của Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết: "Tòa nhà chính của nhà hát đã được xây hơn 60 năm, xuống cấp nên chúng tôi phải sơn lại nhiều lần. Khán phòng có hiện tượng bong tróc, chạm nhẹ là sơn và vôi rơi lả tả khắp nơi.

Sân khấu có điều hòa và quạt nhưng các thiết bị này chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều hôm có vở diễn, chúng tôi cũng chỉ mời vài chục khán giả đến xem nhưng luôn lo ngay ngáy vì sợ sập sân khấu hoặc trần thạch cao rơi vào đầu khán giả".

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 5

Các giường sắt trong khu tập thể được xếp sát nhau, chật hẹp và nóng bức.

Theo bà Thủy Lan, đời sống nghệ sĩ nơi đây khá vất vả, với mức lương cơ bản khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, nếu họ đi thuê nhà, cộng thêm ăn uống nữa là không đủ sống.

Vì vậy, có một số nghệ sĩ phải đi ở nhờ dãy nhà phía sau nhà hát nhưng cũng rất chật chội, nóng bức. Căn phòng khoảng 15m2 chỉ kê tạm mấy cái giường tầng, khung sắt.

"Nhiều nghệ sĩ cải lương phải đi làm thêm bên ngoài như bán hàng online, làm MC đám cưới và co kéo lắm mới đủ ăn.

Theo quy chế chi tiêu nội bộ, nghệ sĩ có tiền thu nhập tăng thêm, mỗi tháng là 300.000 đồng nhưng 2 năm nay không có tiền thưởng Tết, tiền thưởng các ngày lễ vì quỹ không còn tiền để chi cho anh em…", bà Lan bùi ngùi nói.

Cũng theo NSND Triệu Trung Kiên, nhà hát hiện có khoảng 70 cán bộ, nghệ sĩ và 14 nhân sự hợp đồng. Ban lãnh đạo nhà hát cũng đau đầu tính toán để đảm bảo cuộc sống của họ.

"Với mức lương hiện tại, nghệ sĩ chỉ nuôi được chính mình, khó có thể nuôi được gia đình. Đến tháng 10 năm nay, nguồn thu của nhà hát chưa được 1 tỷ đồng. Các cán bộ, nghệ sĩ có lương từ ngân sách, còn nghệ sĩ hợp đồng thì nhà hát trích từ nguồn thu này nhưng được trả cũng rất thấp", NSND Triệu Trung Kiên tiết lộ.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 6
Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 7

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp bên cạnh bức tường bong tróc ở nhà hát.

Ông Trung Kiên cho biết, nhà hát từng có đề án xây dựng, tu bổ (trong giai đoạn 2021-2025) nhưng vướng một số khâu nên dự án này chưa thực hiện được.

Từ đó đến nay, nhà hát không được đầu tư, không thể sửa chữa, tu bổ. Thậm chí, hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp, gây nguy cơ cháy nổ cho các thiết bị sân khấu, ô tô, xe máy ở khuôn viên nhà hát nhưng vẫn chưa được trùng tu vì dự án vẫn "án binh bất động".

Khi chúng tôi có mặt tại nhà hát, một số nghệ sĩ đang tập luyện trích đoạn để biểu diễn ở Đại hội công đoàn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tới đây.

Trong phòng tập nhỏ, nghệ sĩ Đức Hảo (SN 1972) - Đoàn cải lương Thể nghiệm - cho biết, anh vào nhà hát đã 36 năm nhưng lương thấp nên làm thêm bên ngoài nhiều. Anh từng kinh doanh xe máy, bán cà phê… nhưng vì đam mê nghệ thuật nên vẫn bám trụ với nghề, không rẽ ngang sang làm doanh nhân.

"Đời sống của anh em nghệ sĩ rất khó khăn. Nếu không đi làm thêm, chúng tôi không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Gần 40 năm trong nghề, tôi hiểu chỉ những ai đam mê nghệ thuật mới trụ vững với cải lương được...", anh Hảo nói.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 8

Bà Đào Thủy Lan - Trưởng phòng Hành chính của Nhà hát Cải lương Việt Nam - chia sẻ về thực trạng xuống cấp của nhà hát.

Nghệ sĩ Văn Thuận (SN 1976) cũng phải đi làm thêm thời gian dài. Anh từng đi hát, làm MC,... để kiếm thêm thu nhập. Anh cho biết, bản thân đi làm thêm để có nguồn trang trải cuộc sống nhưng quyết không bỏ niềm đam mê với cải lương.

"Chúng tôi vừa mới tập và biểu diễn xong hai vở, một vở tập trong 4 tháng, tiền thù lao tập 4 tháng được 4 triệu đồng. Cát-xê diễn vai chính 200.000 đồng, vai phụ ít hơn.

Nếu diễn các vở về lịch sử, anh hùng, chúng tôi sẽ phải mặc trang phục nặng 8-10kg, rất nóng bức.

Nhiều khi nghệ sĩ mặc áo dày, mồ hôi túa ra, thấm ngược vào, bị ốm nhưng vẫn cố gắng để vở diễn trọn vẹn xong mới được nghỉ ngơi…", anh Thuận nói.

NSƯT Trần Quang Khải vào nhà hát năm 2000, cũng như những nghệ sĩ khác, cái "thuở ban đầu" của anh rất vất vả. Anh từng xoay đủ nghề như làm MC, tổ chức biểu diễn, hướng dẫn viên du lịch... để kiếm sống.

Có thời gian, nam nghệ sĩ tất tả chạy show, làm MC nên bị mất giọng, chùng dây thanh đới, ù tai không nghe được. Có lúc, anh tưởng sẽ phải bỏ nghề...

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 9
Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 10

Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, cuộc sống nhiều lo toan, các nghệ sĩ cải lương vẫn bám trụ với nghề.

"Sau nhiều năm cố gắng, vợ chồng tôi cũng mua được một căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. Hai con tôi cũng đi học gần nhà nên bố mẹ yên tâm công tác. Tôi nghĩ rằng, trong khó khăn của người làm nghệ thuật truyền thống, nhiều người cố gắng thay đổi mình để có cuộc sống tốt hơn…

Các nghệ sĩ cải lương luôn mong mỏi được Nhà nước và khán giả quan tâm hơn để có trụ sở khang trang, thu nhập tăng lên, đảm bảo cuộc sống để giữ vững đam mê với nghề", NSƯT Trần Quang Khải tâm sự.

Nhà hát Cải lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết - 11

Ảnh: Nguyễn Hà Nam