Ở nhờ nhà 15m2, đi vệ sinh chung, nghệ sĩ Tuồng vẫn hết mình với đam mê
(Dân trí) - Dù làm nghề hơn 20 năm nhưng nhiều nghệ sĩ Tuồng vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Họ thuê trọ hoặc ở nhờ nhà công vụ của Nhà hát Tuồng Việt Nam với diện tích chưa đến 15m2, đi vệ sinh chung.
Trong ký ức của nhiều người, nghệ thuật Tuồng từng là "thánh đường" sân khấu khi vào thời hoàng kim, khán giả tới kín rạp, vỗ tay không ngớt với những vở diễn đặc sắc.
Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, Tuồng ế vé. Tối nào đông lắm cũng chỉ 1/3 số ghế được lấp đầy. Các nghệ sĩ cũng thở dài vì đồng lương eo hẹp, cuộc sống khó khăn. Nhiều nghệ sĩ đi làm nghề "tay trái" nhiều hơn lên sân khấu.
Để hiểu hơn về cuộc sống của những nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhóm phóng viên Dân trí đã theo chân các diễn viên để "mục sở thị" công việc, tâm tư của họ.
6h, chúng tôi có mặt tại căn nhà trọ của NSƯT Phạm Thị Thanh (SN 1984) trên phố Mai Dịch (Hà Nội). Nữ nghệ sĩ dạy sớm, luộc trứng ăn sáng, sau đó di chuyển lên rạp Hồng Hà để cùng đồng nghiệp chạy vở chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam (12/9/1959-12/9/2024).
NSƯT Phạm Thị Thanh cho biết, chị vào nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2002 đến nay đã được 22 năm nhưng lương không cao. Chị thuê nhà với diện tích khoảng 30m2 ở phố Mai Dịch vì trước cửa có vỉa hè và đường khá rộng.
Những ngày không phải lên Nhà hát, chị có một chiếc xe đẩy để bán bánh mì và xôi sáng trước cửa nhà. Chiều thì đẩy ra gần trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Cầu Giấy, Hà Nội) bán đồ ăn cho học sinh.
6h30, Phạm Thị Thanh dắt xe ra khỏi nhà để lên Rạp Hồng Hà, chị nói mình muốn đi sớm để tránh tắc đường. Nữ nghệ sĩ chia sẻ rằng, lương thấp, không nhiều vở diễn nên các diễn viên có đời sống vật chất khó khăn nếu không làm thêm thì sẽ... đói!
Cách nhà nghệ sĩ Phạm Thị Thanh không xa là nhà công vụ nằm trong Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ở đây có gần 40 nghệ sĩ của Nhà hát đang sinh sống.
Khi chúng tôi vừa đến, nghệ sĩ Nguyễn Bảo Hường vừa đi chợ về. Chị nói, vì nhà có con nhỏ nên hai vợ chồng thường nấu ăn ở nhà, cho các con đi học (con trai lớn 14 tuổi, con gái út 5 tuổi), sau đó mới đến rạp Hồng Hà làm việc.
Căn phòng mà vợ chồng nghệ sĩ Ngô Ngọc Cường (SN 1984) và Nguyễn Bảo Hường (SN 1987) ở rộng khoảng 15m2, không có nhà vệ sinh. Anh chị có làm thêm gác xép vì gia đình có 4 người, bếp thì dùng chung với các nghệ sĩ khác ở nhà công vụ.
Bảo Hường cho biết, khi chưa có gia đình, chị cùng nhiều nghệ sĩ trẻ ở chung phòng lớn, sau đó họ kết hôn thì Nhà hát cho ngăn các phòng lại để các gia đình có sự riêng tư.
Vợ chồng chị Hường cùng công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Chị kể rằng, dù đã đi làm được 16 năm nhưng vợ chồng chị lương cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Chị và ông xã chật vật để lo cho hai con ăn học, nhiều lúc thấy "đuối" đã phải kêu "khổ quá"! Vợ chồng chị từng làm hoa đá, bán hoa quả, lạp xưởng... để kiếm thêm thu nhập.
8h, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tập trung tại rạp Hồng Hà để chuẩn bị cho việc tổng duyệt các vở diễn.
NSƯT Phạm Thị Thanh và Nguyễn Bảo Hường vừa trang điểm, vừa trêu chọc nhau cười khiến không khí vui vẻ.
Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội như: NSƯT Hồng Điểm (phải) và Nghệ sĩ Phạm Thị Tiên (trái). Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng hai nghệ sĩ vẫn rất hào hứng tham gia những vở Tuồng đặc sắc của Nhà hát.
Nghệ sĩ Phạm Thị Thanh cho biết, khác với các diễn viên truyền hình, các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống được đào tạo một khóa trang điểm ở trường Sân khấu - Điện ảnh nên trước khi diễn, họ thường tự trang điểm cho mình. Ở một số chi tiết khó, họ mới cần sự hỗ trợ của đồng nghiệp.
Không chỉ diễn viên nữ, mà tất cả diễn viên nam đều phải tự tạo hình cho mình trước khi lên sân khấu.
Ở hậu trường, các nghệ sĩ cũng gấp rút thay trang phục, đạo cụ. Hôm nay, tổng duyệt thêm vở diễn về đề tài lịch sử nên có diễn viên đã phải mặc hơn 10 kg trang phục trên người.
8h30, các nghệ sĩ ra sân khấu. Dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, đồng lương thấp nhưng các nghệ sĩ vẫn yêu và gắn bó với nghề. Mỗi khi diễn, họ lại "cháy" hết mình với đam mê.
NSND Văn Thủy (áo đen) và đồng nghiệp trong vở Tình mẹ. Dù nghỉ hưu nhưng mỗi khi vào vai, những nghệ sĩ gạo cội vẫn khiến khán giả thổn thức vì cách diễn duyên dáng của mình.
11h trưa, buổi tổng duyệt kết thúc khi diễn viên đã "chạy" xong các vở như: Hồ Nguyệt Cô, Ngô Quyền, Đề Thám, Đào Tam Xuân, Sơn Hậu... Các nghệ sĩ bộc bạch rằng, họ sẽ giữ vững tình yêu với Tuồng để các thế hệ sau biết và thêm yêu nghệ thuật truyền thống.