10 điều tỷ phú giàu nhất Nhật Bản "răn" nhà khởi nghiệp và người quản lý
(Dân trí) - "Kinh doanh là một chuỗi thử nghiệm và thất bại, không có giới hạn nào cho thất bại. Buôn bán luôn đi kèm với thua lỗ. Nếu như bắt tay vào làm mười việc mới thì khả năng sẽ có đến chín việc thất bại".
Tadashi Yanai đã nhiều năm giữ vị trí đầu trong danh sách những người giàu nhất Nhật Bản do Forbes công bố. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo.
Trong cuốn sách 1 thắng 9 bại (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành), Yanai kể lại hành trình đầy những thăng trầm để đưa Uniqlo trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về trang phục thường ngày.
Trong đó, ông suy ngẫm về những thất bại và chia sẻ triết lý kinh doanh độc đáo được đúc kết qua nhiều thử thách.
Kế thừa gia nghiệp
Mặc dù quyết định trở về để kế thừa gia nghiệp nhưng tôi hầu như không nhận được chỉ dẫn nào từ cha, chắc vì ông quá bận rộn với công việc xây dựng. Do không được chỉ bảo làm thế này làm thế kia nên tôi đã tiếp xúc với khách hàng như những nhân viên khác của cửa hàng, làm đủ việc khác nhau.
Công ty Ogori Shoji, cửa hàng trang phục nam, từ hộ kinh doanh cá thể có số vốn là 6 triệu yên khi thành lập công ty năm 1963. Đến năm 1972, doanh thu năm của hệ thống cửa hàng đã đạt 100 triệu yên.
Có thể nói, tuy là đứa con bất hiếu, nhưng do bản thân đã trải qua quy trình và các loại hình công việc tại công ty JASCO, từ các loại hàng đến quy trình công việc, tôi cảm nhận được những điểm chưa tốt trong toàn bộ cửa hàng.
Dù bán áo vest đẳng cấp cao tại cửa hàng âu phục giữa phố thương mại, việc quay vòng vốn vẫn rất tồi tệ. Tuy không bị lỗ nhưng lãi không đáng kể. Nếu càng hiểu thực chất việc buôn bán thì sẽ càng thấy sốt ruột.
Tôi nghĩ nếu cứ như vậy thì không ổn, nên bắt đầu bảo 6 nhân viên còn lại lúc đó "cần phải làm thế này". Sau đó, trong vòng hai năm, mọi người lần lượt nghỉ việc, cuối cùng chỉ còn lại mình anh Ura.
Tôi như bị đánh một cú mạnh. Chính tôi từng dự tính từ bỏ cửa hàng vì nghĩ rằng không thể vượt qua với sự thật được nghe và nghi ngờ vào tương lai của nó. Cha tôi đã không nói gì khi nhân viên hàng đầu nghỉ việc.
Rồi một ngày nọ, cha chuyển cho tôi quyển sổ tiết kiệm và con dấu công ty quý giá của ông. Nếu là cha, chắc chắn tôi đã nói về tình trạng công ty. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy ông là một nhà quản lý phi thường. Thật đáng tôn kính! Có thể cha từng có suy nghĩ nếu bị cận kề với việc phá bỏ công ty, thì chừng nào còn sống, tôi còn làm điều gì đó.
Vào khoảnh khắc được trao con dấu, tôi quyết tâm "không thể quay đầu, nếu như được giao phó thì tuyệt đối không được thất bại, bây giờ chính là lúc cần cố gắng". Suy nghĩ "sẵn sàng" quản lý đã đến đúng vào thời điểm đó, khi tôi vừa tròn 25 tuổi. Còn UNIQLO hiện tại, đúng bằng tuổi của một tân quản lý cửa hàng.
Do không có nhân viên, tôi và anh Ura chia nhau làm hết việc này đến việc khác. Chúng tôi làm không ngừng nghỉ từ nhập hàng, xuất hàng, sắp xếp kho, bán hàng, kế toán, vệ sinh... Bận rộn kinh khủng! Vì là cửa hàng địa phương nên dù muốn thuê nhân viên chính thức tôi cũng khó kiếm được người tốt. Sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã thoát ra tình cảnh trên nhờ thuê người làm theo giờ và làm thêm.
Công việc thật khắc nghiệt, thương mại không chỉ có việc bán hàng. Hàng ngày, có hàng tá việc khác nhau như mua hàng, tính toán doanh thu rồi gửi vào ngân hàng, quyết toán, nộp thuế, phỏng vấn, sắp xếp công việc cho nhân viên..., dần dần tôi cảm thấy hứng thú. Tự mình suy tính, tự mình hành động. Tôi đã học được những điều cơ bản đó của thương mại.
Thuở nhỏ, tôi luôn nhút nhát và cho rằng bản thân không phù hợp với lĩnh vực thương mại, nhưng khi thử làm thì thật bất ngờ, tôi bắt đầu nhận ra: "Mình cũng có thể làm được".
Trên hết, tiếp xúc với khách hàng, đo đạc và giây phút bán được hàng rất vui. Ngay cả bây giờ, khi đối diện với một người gặp lần đầu, tôi vẫn giữ thói quen ướm nhìn và nghĩ nếu là đồ may sẵn thì sẽ vừa vào cỡ nào, vòng thân bao nhiêu.
Chuyện thú vị đằng sau cái tên Uniqlo
Với ý nghĩa là một "kho hàng lớn lúc nào cũng có thể chọn được hàng", tôi đã quyết định đặt tên cửa hàng là "Kho quần áo độc đáo" (Unique Clothing Wearhouse).
Khi kinh doanh tại các thành phố lớn thì ý nghĩ về thắng thua cũng lớn lên. Thành phố lớn gần tỉnh Yamaguchi thì có Fukuoka hay Hiroshima. Tôi đã tìm ra những tòa nhà có vị trí tốt tại phố Fukuro, con đường phía sau phố mua sắm Hondori tại quận Naka, thành phố Hiroshima.
Tại sao lại là mặt phố phía sau? Thời đó thịnh hành việc mở cửa hàng tại đường phía sau, và cũng vì không có tiền.
Ở đầu cuốn sách tôi đã giới thiệu sự ra đời của cửa hàng số 1, "Unique Clothing Wearhouse". Ý tưởng là tạo ra một "cửa hàng mua quần áo dễ dàng như mua một tạp chí tuần san". Tuy ở nơi dân cư tập trung nhưng tiền thuê nhà rẻ vì ở mặt đường phía sau.
Đó là cửa hàng nằm tại tầng 1 và tầng 2 trong một tòa nhà, với tổng diện tích 100 tsubo (đơn vị đo diện tích của Nhật, thông thường 1 tsubo tương đương 3,3 m2), các mặt hàng chủ yếu có giá là 1.000 yên và 1.900 yên. Mở cửa từ 6 giờ sáng, và trong 2 ngày liền khách hàng đến đông tới mức phải hạn chế vào cửa.
Thương mại là nhập hàng và bán được hàng, hàng đã bán rất chạy, nhiều hơn tôi nghĩ. Hơn một tuần trước đó, tờ rơi thông báo về khai trương cửa hàng đã được phát tại các trường trung học cơ sở, trường trung học, trước nhà ga, tại các phố mua sắm và hiệu quả quảng cáo qua đài và truyền hình cũng rõ rệt.
Nhất thời, lúc đó tôi có cảm xúc như đào được mỏ vàng. Cửa hàng mở từ 6 giờ ngày 2/6/1984, đúng 12 năm sau khi tôi vào công ty.
Điều làm tôi quan tâm là tên cửa hàng bị dài. Dù bạn có ý tưởng gì đi nữa cũng phải nghĩ tới khách hàng. Vì thế tôi đã đề nghị làm logo thương hiệu và rút ngắn để có thể thu hút được lớp trẻ thành "Uni. clo". Thoạt đầu tên rút gọn có dấu ".", sau vài năm tôi bỏ dấu chấm đi.
Sự thực, logo thời đó là chữ UNICLO. Sau đó 4 năm (tháng 3/1988), đã xảy ra một chuyện bất ngờ.
Khi chuẩn bị thành lập công ty với tên là UNICLO thương mại (UNICLO trade) để mua các sản phẩm trên cơ sở liên kết với một người sở tại ở Hong Kong, người này đã nhầm lẫn chữ "C" thành chữ "Q" lúc làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Khi nhìn dòng chữ, tôi lại thấy chữ Q có tính thẩm mỹ hơn. Sau đó tôi quyết định thay tên toàn bộ cửa hàng tại Nhật Bản, thành UNIQLO. Đôi khi một sự việc ngẫu nhiên đưa đến thành quả thú vị.
10 điều răn cho nhà khởi nghiệp
1. Lao động chăm chỉ, tập trung vào công việc trong 24 giờ một ngày.
2. Khách hàng và thị trường là những người đánh giá tuyệt đối duy nhất.
3. Không bao giờ đánh mất tầm nhìn dài hạn, kế hoạch, giấc mơ và lý tưởng.
4. Nắm bắt thực tế, nhưng đừng đánh mất mục tiêu và lý tưởng.
5. Tương lai của mình phải do chính mình tạo ra. Không thể dựa vào người khác, chính bạn phải tự kiểm soát số phận của mình.
6. Tích cực thích nghi với sự thay đổi của thời đại và xã hội.
7. Công việc hàng ngày phải được ưu tiên hàng đầu.
8. Đặt mục tiêu và tiêu chuẩn cao nhất cho doanh nghiệp của mình.
9. Có tinh thần tương tác và làm việc nhóm với nhân viên.
10. Hãy biến công ty của bạn thành một công ty không thể phá sản. Một chiến thắng và chín thất bại cũng được, nhưng đừng mắc phải một thất bại không thể phục hồi. Khi tiền mất hết, tất cả sẽ chấm dứt.
10 điều răn cho người quản lý doanh nghiệp
1. Trên hết, người quản lý phải mang lại kết quả trong công việc.
2. Người quản lý phải có một định hướng rõ ràng và kiên định.
3. Người quản lý phải có lý tưởng và sẵn sàng đương đầu với thực tế.
4. Người quản lý không nên bị bó buộc trong tư duy thông thường, hãy linh hoạt giải quyết vấn đề.
5. Người quản lý phải làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác và tận hiến cho công việc.
6. Người quản lý phải trở thành một người vừa đồng cảm, vừa khắc nghiệt, để đào luyện và khích lệ nhân viên của mình một cách toàn diện.
7. Người quản lý không nên chỉ tập trung vào những vấn đề nhỏ nhặt mà cần tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi.
8. Người quản lý phải biết đánh giá và đối phó với rủi ro, dũng cảm đương đầu với những thử thách.
9. Người quản lý phải có viễn kiến nắm bắt cơ hội trong tương lai.
10. Người quản lý phải hành động tức thời với tinh thần cởi mở, thẳng thắn.
Được sự cho phép của Nhà xuất bản Trẻ, báo Dân trí trích đăng 3 phần nội dung của cuốn sách 1 thắng 9 của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai.
Phần 1: Hành trình khởi nghiệp "1 thắng 9 bại" của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản
Phần 2: Từ kẻ lông bông đến tỷ phú giàu nhất Nhật Bản nhờ sự nghiêm khắc của cha
Phần 3: 10 điều tỷ phú giàu nhất Nhật Bản "răn" nhà khởi nghiệp và người quản lý