DNews

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không "bay" tháng lương

Nguyễn Ngoan Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Từ ngày 1/1, mức phạt đèn đỏ tăng lên từ 4 đến 6 triệu đồng đối với xe máy, và 20 triệu đồng đối với ô tô, nhiều chị em phải thay đổi lối sống, đi cẩn thận để tránh mất tiền.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không "bay" tháng lương

Mức phạt cao gần bằng một tháng lương

Dọn bữa sáng đặt trên bàn cho 2 con trai, chị Ngọc Thúy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vội vã thúc giục: "Các con ăn nhanh còn đi học, mẹ đi làm, không muộn giờ!". Đưa 2 con đến lớp, chị Thúy choàng áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít rồi điều khiển chiếc xe tay ga đi theo lộ trình quen thuộc đến cơ quan.

Vẫn trong dáng vẻ một "ninja lead" (cách ví von chỉ những phụ nữ mặc áo chống nắng toàn thân, đeo khẩu trang kín, đi đường thường có hành vi tạt đầu xe, rẽ nhầm xi nhan, leo vỉa hè), như thường ngày nhưng hôm nay chị Thúy đã chú ý di chuyển cẩn thận hơn khi đi trên đường.

Mức phạt mới cho hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè là 4-6 triệu đồng khiến chị Ngọc Thúy phải thay đổi cách đi xe vốn đã thành thói quen nhiều năm.

Theo chị Thúy, thông thường, buổi sáng là thời gian bận rộn nhất của chị khi vừa phải gọi con dậy, cho con ăn rồi đưa đến trường. Xong xuôi mọi việc, chị lại phi xe như bay đến cơ quan.

Không ít lần, để kịp giờ chấm công, chị chỉ còn cách leo lên vỉa hè hay đi ngược một đoạn đường để rẽ vào lối tắt khi trục chính bị tắc cứng. Buổi chiều đi làm về, để kịp đón con và thoát các "điểm thắt cổ chai", chị Thúy cũng buộc phải len lỏi trên nhiều đoạn vỉa hè.

 "Mức phạt hiện tại đã gần bằng một tháng lương của tôi. Nếu tôi vi phạm bị xử phạt, coi như chi tiêu của cả nhà trong tháng bị ảnh hưởng", chị Thúy cho hay.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 1

Chị Thúy chấp hành nghiêm túc tín hiệu đèn sau khi biết mức xử phạt tăng (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Hiện tại, để đảm bảo di chuyển an toàn, đúng luật, chị Thúy tự đặt ra cho mình nguyên tắc phải dậy sớm 15 phút mỗi ngày, rời khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Buổi chiều, chị thuê người đón con để không phải vội vã về nhà bằng mọi cách. "Quy định mới về xử phạt giao thông đã thay đổi hẳn nhịp sinh hoạt của gia đình tôi", chị Thúy nói.

Ngày thứ hai áp dụng Nghị định 168/2024 về mức xử phạt giao thông mới, ngồi làm việc tại cơ quan ở quận Cầu Giấy, anh Minh Huy không yên tâm và phải nhắn tin nhắc vợ đi cẩn thận, không vượt đèn đỏ.

"Tôi đã nhắc vợ trước đó nhưng vẫn sợ cô ấy quên", anh Huy cho biết.

Anh chia sẻ rằng, vợ anh làm ở Giảng Võ, cách nhà 10km, trước khi đi làm, vợ anh thường phải cho con ăn sáng, rồi đưa con đến trường tại Thanh Trì sau đó đi hướng Giải Phóng - Xã Đàn - Hào Nam - Giảng Võ tới nơi làm việc.

Tuyến đường vợ anh di chuyển lại thường xuyên xảy ra tắc vào khung giờ từ 7h30 đến 8h30. Trước đây, để kịp giờ chấm công lúc 8h vợ anh đã vài lần vượt đèn đỏ và bị phạt.

Khi biết mức xử phạt mới đối với hành vi vượt đèn đỏ của xe máy tăng lên 4-6 triệu đồng và ô tô là 20 triệu đồng, anh Huy không khỏi lo lắng. "Chiếc xe máy của vợ tôi trị giá 19 triệu đồng, lương của cô ấy cũng chỉ 10 triệu đồng. Nếu vượt đèn đỏ một lần, coi như tháng đó đi làm không công", anh nói.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 2

Anh Minh Huy nhắn tin nhắc nhở vợ không vượt đèn đỏ, tránh bị phạt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để tránh tình trạng gặp phải tắc đường, lại không thể đi lên vỉa hè, hay vượt đèn đỏ để rút ngắn thời gian, hôm nay 6h gia đình anh Huy thức dậy chuẩn bị trong tiếng khóc của con trai vì thay đổi giấc ngủ.

"Bình thường 7h vợ tôi sẽ ra khỏi nhà, đưa con đi học, sau đấy đến cơ quan, từ sáng nay gia đình chúng tôi phải ra khỏi nhà lúc 6h45", anh Huy nói.

Anh Huy từng là nạn nhân của một vụ tai nạn khi bị một chiếc ô tô vượt đèn đỏ đâm trúng. Vì vậy, anh rất ủng hộ việc xử phạt mạnh tay.

"Việc đánh vào kinh tế sẽ khiến người dân biết lo cho ví tiền của mình mà phải nâng cao ý thức", anh Huy nói.

Có kinh nghiệm lái xe 10 năm, anh Trần Văn Công (36 tuổi, nhân viên văn phòng, quận Hà Đông) luôn tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, gần đây, quy định mới về mức phạt lên tới 20 triệu đồng đối với hành vi vượt đèn đỏ đã khiến anh càng thêm cẩn trọng.

Người đàn ông cho biết, trước đây khi di chuyển đến các ngã tư dù chỉ còn vài giây đèn sẽ chuyển đỏ, nhưng nhiều người vẫn cố tình bấm còi inh ỏi đòi vượt, hoặc giục anh đi tiếp để vượt đèn đỏ. Có lần anh còn xảy ra tranh cãi vì vấn đề này, nhưng hôm nay đi làm, anh thấy mọi người chấp hành rất nghiêm túc.

"Chẳng ai là không sợ mất tiền, nhất lại là nhiều tiền. Tôi thấy việc xử phạt này rất hợp lý", anh Công nói.

Theo anh Công, quy định mới không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn nhấn mạnh ý thức chấp hành luật giao thông của mỗi người. "20 triệu đồng là số tiền lớn, nó giúp mọi người ý thức hơn khi tham gia giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra", anh chia sẻ.

Dự kiến khi áp dụng luật mới nhiều tuyến đường sẽ xảy ra tắc nghẽn khi phương tiện không thể vượt đèn đỏ, để phòng tránh việc đi làm muộn, anh Công đã tìm trước một tuyến đường đi lại tiện nhất, ít phương tiện qua lại, đồng thời đẩy sớm giờ đi làm 30 phút.

"Hôm nay 7h tôi ra khỏi nhà, đến cơ quan lúc 7h30, sớm hơn bình thường 30 phút, không phải chịu cảnh tắc đường, cũng chẳng lo lắng đi vội vượt đèn đỏ", anh Công nói.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 3

Người dân chấp hành tốt hiệu lệnh đèn khi có quy định về mức xử phạt mới đối với các vi phạm giao thông (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Bất ngờ khi không thấy cảnh tạt đầu, xe ngay ngắn sau vạch kẻ

Sáng 2/1, khi di chuyển từ nhà ở huyện Hoài Đức đến cơ quan thuộc quận Đống Đa, chị Phạm Thu Hà không khỏi bất ngờ khi tại các điểm ngã ba, ngã tư chị đi qua, các xe máy, ô tô đều nghiêm chỉnh chấp hành đứng chờ đèn tín hiệu.

"Tôi không còn thấy cảnh lạng lách, vượt đèn đỏ. Xe nào cũng đứng dưới vạch kẻ, chờ đèn chuyển sang màu xanh mới đi. Trước đây, khi đứng chờ đèn, tôi nhiều lần bị người đi xe phía sau bấm còi inh ỏi đòi nhường đường để họ vượt đèn", chị Hà nói.

Trục đường chị Hà đi làm hàng ngày qua các ngã ba, ngã tư có nhiều tuyến đường giao cắt như ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh; Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, Kim Mã - Liễu Giai…

Khi chưa áp dụng mức phạt mới, chị thường xuyên nhìn thấy cảnh vượt đèn đỏ hoặc cố di chuyển ở những giây cuối cùng của đèn xanh hay đèn vàng nhấp nháy. Vi phạm nhiều nhất là những xe ôm công nghệ, người chở hàng… Không ít lần, chị nhìn thấy cả những người ăn mặc lịch lãm cũng vội vã vượt đèn.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 4
Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 5

Cảnh sát giao thông sử dụng camera để quan sát người vi phạm (Ảnh: Tuấn Hùng).

"Chỉ 2 ngày trước, khi đưa con đi chơi ở đường Hoàng Cầu, tôi đứng ở vạch dành cho người đi bộ, chờ đèn xanh để đi qua đường nhưng không thể nào đi nổi vì dưới lòng đường, 5 người điều khiển xe máy nối đuôi nhau vượt qua vạch kẻ với tốc độ rất nhanh. Nếu bước qua đường tôi rất dễ bị xe đâm phải", chị Hà nói.

Bán hàng ở gần ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, bà Minh Huệ cho biết, bà thường xuyên chứng kiến cảnh người dân vượt đèn đỏ ở khu vực này.

"Ở đây thường có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực. Tuy nhiên, nhiều người bất chấp cứ thấy cảnh sát quay lưng là lao qua vạch kẻ để qua đường. Khi không có cảnh sát đứng trực thì số người vi phạm còn nhiều hơn. Không ít vụ va chạm đã xảy ra do người dân không nghiêm chỉnh chấp hành quy định về giao thông", bà Huệ nói.

Tuy nhiên theo quan sát của bà Huệ, từ sáng qua, bà thấy giảm hẳn tình trạng vượt đèn tại ngã tư này. Ai cũng kiên nhẫn chờ chuyển sang đèn xanh mới đi.

Chỉ một phút liều mà mất tiền triệu

Sáng 2/1, ông Đ. H. L,  sống tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội vội vã rời phòng trọ di chuyển đến đường Nguyễn An Ninh (Hoàng Mai) để xin việc. Vì không quen đường, khi đến ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, ông dừng lại để hỏi thăm. Sau khi được chỉ dẫn, người đàn ông lên xe nổ máy băng qua đường mà không để ý đèn tín hiệu đã chuyển sang màu đỏ.

Phạt vượt đèn đỏ 6 triệu đồng, chị em rón rén để không bay tháng lương - 6

Ông L. bị lập biên bản, xử phạt 5 triệu đồng do vượt đèn đỏ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ngay lập tức, ông bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và lập biên bản vì hành vi vượt đèn đỏ, mức xử phạt 5 triệu đồng. Lúc này, ông L. bàng hoàng vì chưa biết đến quy định xử phạt vi phạm giao thông mới được áp dụng từ ngày 1/1. Ông cố gắng giải thích rằng mình đang gấp gáp đi xin việc và không chú ý đèn tín hiệu, nhưng điều đó không thay đổi được mức phạt ông phải đóng.

"Tôi đi xin việc, lương chỉ hơn 6 triệu đồng, còn chưa nhận được việc mà đã mất 5 triệu đồng tiền phạt vì vượt đèn đỏ", ông L. thở dài. Ông chia sẻ thêm rằng đây là bài học đắt giá và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, tính từ 6h tới 13h ngày 1/1, đơn vị này đã xử lý tổng số 196 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền gần 400 triệu đồng, tạm giữ 38 phương tiện.

Trong số đó, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm 99 trường hợp, vượt đèn đỏ 40 trường hợp, đi ngược chiều 7 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 16 trường hợp...

Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết, với những quy định nghiêm khắc của pháp luật, được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội.

Vị lãnh đạo Cục CSGT mong muốn người tham gia giao thông tạo dần cho mình các thói quen tốt như: Dừng xe lại khi đèn đỏ; không vượt ẩu; phóng nhanh; không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia… để người tham gia giao thông an toàn, luôn nhớ nhà là nơi để về.