DMagazine

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu

(Dân trí) - Dù thành phố này có rộng bao nhiêu, những tòa nhà cao lớn thế nào, thì trong những con hẻm nhỏ xíu xìu xíu, người ta vẫn xuề xòa "chuyện nhỏ thôi" khi dang tay cứu trợ nhau.

Dù thành phố này có rộng bao nhiêu, những tòa nhà cao lớn thế nào, thì trong những con hẻm nhỏ xíu xìu xíu của TPHCM, người ta vẫn xuề xòa "Chuyện nhỏ thôi" khi dang tay cứu trợ nhau.

Tuần vừa rồi, không biết mắc cái duyên nợ gì, độc giả cứ nằng nặc đòi tôi phải viết thêm về Sài Gòn - TPHCM. "Dễ cưng quá chừng!", "Hào sảng nữa nè!"… Đủ lí do trên trời dưới đất mà mọi người buộc tôi có kể là phải liệt kê thật chi tiết cả những thứ yêu, ghét, thứ được, chưa được ở thành phố đông dân nhất cả nước này.

"Hông" - tôi từ chối! Bởi Sài Gòn hào phóng, thật thà, bộc trực, mắc bệnh "thiện" chữa hoài không hết,… bao nhiêu thứ này tôi đã viết mãi rồi. Độc giả thương vẫn khen, chứ có hôm họ bảo: "Ờ! Xưa thôi! Giờ Sài Gòn toàn cướp!". Ngẫm thấy đúng. Bữa ra đường, lỡ rút điện thoại trong túi quần ra nghe bạn gọi là có anh thanh niên vội phóng vọt xe lên, nhắc ngay: "Giật cho đấy nghen!".  

Thế nên, hồi mới vào thành phố này, tôi không thích nổi!

TPHCM "tấc đất tấc vàng" khiến người ta vẫn truyền tai: "Sống cả đời có khi hông đủ tiền mua căn nhà". TPHCM chuyện to, nhà lớn làm bữa ông chú hàng xóm đọc tờ báo giấy mà đổ mồ hôi hột vì toàn tin quận này sắp mở vài tòa nhà đếm tầng đến rớt mũ, bên kia đấu thầu mảnh đất cả vài tỷ một mét vuông…  Vì lẽ đó, Nick Van Mead (Biên tập viên cao cấp của The Guardian) trong lần viết loạt bài về sự phai lạt bản sắc của các siêu đô thị châu Á, anh đã nhìn vào những tòa nhà cao nhất TPHCM và khẳng định: "80% thành phố này được xây theo kiến trúc hiện đại và trông như bất cứ nơi nào của châu Á".

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 1

Sau này, mua nhà, tôi chọn một căn ở ngoại ô thành phố để tận hưởng cảm giác yên bình ít ỏi còn sót lại. Vậy mà, mùa mưa năm nào tôi cũng chống ngập đôi ba lần, đêm đêm thì hàng xóm cãi nhau toàn mấy chuyện con con lẫn nhóm "giang hồ hảo hớn" hù qua điện thoại muốn quyết toán một trận "ra máu"… Má tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Đâu ngờ ở lâu, tôi nhận ra: "Cái câu "trông mặt mà bắt hình dong", nhiêu lúc hông đúng!". Đó là bữa ông Bảy đột ngột lên cơn suyễn, nguyên xóm nháo nhào, mỗi người phụ đỡ ông cụ một tay, anh bác gác xăm trổ thường ngày ít nói, nhiệt tình đánh cả con xe vào tận cửa để kịp chở đi cấp cứu trong đêm. Rồi hôm bà Sáu hầm nồi nếp nấu xôi chẳng may làm đổ dầu bén lửa cháy phừng phực, người ta nhớn nháo xúm vô đổ nước, phun bình chữa cháy, xong xuôi còn góp ít tiền cho bà dựng vốn tiếp tục nuôi đứa cháu mồ côi…  Lúc đó, mẹ tôi cười: "Coi bộ người Sài Gòn được! Sống hết mình!"

Cứ vậy, trong con hẻm vừa vặn chục hộ gia đình, phần hồn cốt đẹp đẽ nhất của TPHCM luôn hiện hữu. Và rồi dù thành phố này có rộng bao nhiêu, những tòa nhà cao lớn thế nào, thì trong những con hẻm nhỏ xíu xìu xíu, người ta vẫn xuề xòa "Chuyện nhỏ thôi" khi dang tay cứu trợ nhau.

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 3

Bàn về hẻm ở thành phố này, nếu chỉ xét về mặt địa lý thì không bao giờ kể hết khó khăn. Nào là hẻm siêu ngập, mưa trên 2 tiếng nước đã lênh láng; hẻm siêu xuyệt đánh đố cả giới shipper; hẻm siêu nhỏ chỉ vừa vặn đủ một người chen chân; hẻm siêu mê cung thông hết ngách này đến xóm khác… 

Rắc rối là thế, nhưng hơn 80% cư dân đến đây đều vẫn chọn sống ở hẻm. Bởi đặc tính xuất thân hầu hết là người lao động đi mưu sinh, họ luôn muốn tiết kiệm tối đa chi phí. Từ điểm chung nhập cư và cùng mục tiêu tìm kiếm cơ hội ở mảnh đất hứa, người trong hẻm dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm, yêu quý và trân trọng nhau. Chính điều đó đã tạo dựng nên tính cộng đồng, tương trợ, "tối lửa tắt đèn" rất cao ở hẻm Sài Gòn. 

Nói cho đúng, như một nick name tên Tran Thanh viết trên trang Lang Thang Sài Gòn khiến không ít người tâm đắc. "Ai tới đây mà chưa đi hẻm, ở hẻm, ăn chén cơm, uống ly nước của cư dân hẻm thì chưa hiểu hết văn hóa Sài Gòn!".

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 5

Hiện nay, TPHCM còn vô vàn con hẻm mang đặc trưng văn hóa như thế! Như dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ có "hẻm vé số" quy tụ các bô lão bán vé số quê gốc ở Phú Yên. Góc đường Nguyễn Du có "hẻm celeb" xưa nay được giới trẻ, nghệ sĩ lui tới chụp ảnh. Rồi "hẻm lười" ở số 158 Pasteur quận 1 có vài chục mét nhưng đầy đủ mọi thứ "ăn chơi" khiến cư dân chưa bao giờ muốn ra đường. "Hẻm thiền" ở Bình Thạnh chỉ vài chục mét đã sở hữu 4-5 ngôi chùa. "Hẻm ăn đêm" ở quận 4 chỉ mở đèn bán buôn sau 19h. Rồi hẻm người Thanh Hóa, hẻm người Bắc 54, Bắc 75, hẻm đúc đồ đồng, hẻm hủ tiếu gõ, hẻm bắp xào… Tất cả họ đôi khi là cùng quê, họ hàng trong gia đình, cứ hễ ai đi trước, tìm được hướng làm ăn là sẽ trở về dắt mối người sau tiếp tục vào TPHCM, quần tụ với nhau thành tập thể.

Có hẻm chỉ vài căn nhà, có hẻm rộng dài đến cả chục cây số khiến nhiều tay xe vừa đi vừa hát gần chục bản nhạc Trịnh vẫn chưa tìm thấy lối ra. Có "hẻm mê cung" mà cư dân Mả Lạng tự tin thách đố cả giới trộm cắp, lẫn "hẻm siêu xuyệt" làm người lần đầu đến, dò hỏi thổ địa cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: "Bó tay, gọi thân nhân ra tương trợ"… 

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 7

Thế nhưng dù ở hẻm nào, tấc đất có đắt như "tấc vàng" ra sao, cứ dư khoảng trống ở ngay ngã ba hoặc đầu hẻm, người ta sẵn sàng chia nhau dựng thêm xe hủ tiếu, xe xôi gà, đôi khi giúp căn nhà mấy mét vuông không đủ xây bếp nấu ăn, được thoải mái bắt bếp gas mini chiên rau thịt trước hẻm mà chưa bao giờ cảm thấy nặng nhọc, phiền hà. Thậm chí, họ càng thích thú khi nơi mình ở bỗng mọc lên chiếc bếp chung, quán cóc với "đủ món ăn chơi", sáng sáng thuận tiện í ới nhau: "Ra đầu hẻm ăn tô bún, chẳng đâu xa".

Có lẽ vậy, hẻm và cộng đồng cư dân trong hẻm từ lâu nay là một nét văn hóa không thể thiếu ở TPHCM. Đồng cảm cùng phận mưu sinh, người ta dễ cảm thông khó khăn, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi cay đắng để cùng xây dựng tình làng nghĩa xóm nơi đất khách quê người.

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 9

Để rồi năm vợ anh Hai đột ngột qua đời, để lại cho anh đứa con trai. Một năm đầu, anh Hai bôn ba đạp chiếc xe bánh giò đi khắp TPHCM, thằng nhỏ mẹ anh nuôi giúp. Vài tháng sau, bà già cũng theo ông mất, thằng bé ở trong hẻm, nay ăn cơm nhà này, mai ghé ngủ nhà khác riết thành con của cư dân toàn hẻm.

Cứ thế, thứ tình người, tình làng nghĩa xóm nuôi nấng thằng bé, làm nó dù đã trưởng thành nhưng mỗi lần nhắc nhớ về con hẻm cũ vẫn tự nhiên khóc tu tu. Bởi, với nó, có lẽ không nơi nào trên thế gian này, người dưng đối tốt với nhau như Sài Gòn. Thiệt!

Nhiều nhà to, cao ốc bự nhưng chuyện Sài Gòn vẫn từ con hẻm nhỏ xíu xiu - 11

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: Trần Đạt

Thiết kế: Tuấn Huy.